Các Giai đoạn Ung Thư Bàng Quang Và Phác đồ điều Trị

Trungtamthuoc.com - Ung thư bàng quang là căn bệnh thường gặp ở nam giới lớn tuổi, bệnh khởi phát tại bệnh quang do có sự xuất hiện của các khối u bất thường ác tính. Vậy ung thư bàng quang có triệu chứng như thế nào để nhận biết điều trị sớm, cùng trung tâm thuốc tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1 Ung thư bàng quang là gì?

Bàng quang là một cơ quan rỗng ở bụng dưới của bạn có chức năng lưu trữ nước tiểu. Ung thư bàng quang có sự xuất hiện và tăng trưởng của các khối u bất thường tại bàng quang. [1] Hơn 90% ung thư bàng quang là loại ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp, ung thư biểu mô gai và ung thư biểu mô tuyến thường ít gặp hơn.

Ung thư bàng quang là căn bệnh hay gặp ở nam giới, tỷ lệ mắc bệnh cao ở những người lớn trên 40 tuổi, tuy nhiên bệnh cũng có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi. Ung thư bàng quang là loại ung thư có tỷ lệ tái phát cao nhất trong các loại bệnh ác tính. [2]

Ung thư bàng quang

2 Ung thư bàng quang có lây không?

Đây không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây từ người này sang người khác được.

Hầu hết các trường hợp ung thư bàng quang xuất hiện là do tiếp xúc với các chất độc hại, dẫn đến những thay đổi bất thường trong các tế bào của bàng quang trong nhiều năm.

Khói thuốc lá là một nguyên nhân phổ biến và người ta ước tính rằng hơn 1 trong 3 trường hợp ung thư bàng quang là do hút thuốc.

Tiếp xúc với một số hóa chất trước đây được sử dụng trong sản xuất cũng được biết là gây ung thư bàng quang. Tuy nhiên, những chất này kể từ đó đã bị cấm.

Độ tuổi: người càng cao tuổi càng có nguy cơ cao mắc ung thư bàng quang. Những người trẻ dưới 40 tuổi thường hiếm khi bị bệnh này. [3]

Nhiễm khuẩn: sự xâm nhập của một vài vi khuẩn có thể gây nên ung thư bàng quang.

Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn ở nữ giới hai đến ba lần.

Tiền sử gia đình: do yếu tố gen di truyền nên những người có thành viên trong gia đình bị ung thư bàng quang tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn.

3 Chẩn đoán ung thư bàng quang

3.1 Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng có thể gặp của bệnh ung thư bàng quang đó là:

  • Tiểu nhiều lần, tiểu khó, đau khi đi tiểu.
  • Tiểu ra máu, nước tiểu có màu hồng.
  • Tắc nghẽn đường niệu, đau buốt khi đi vệ sinh.
  • Có thể có triệu chứng di căn sang cơ quan khác, gây nên các triệu chứng đặc trưng ở bộ phận bị ung thư di căn.
  • Triệu chứng toàn thân: sút cân, sốt.
  • Đau bụng, đau lưng hông.

​Các triệu chứng trên đôi khi cũng rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác trên hệ tiết niệu như sỏi thận, viêm đường tiết niệu,...Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan đối với bất kỳ bệnh gì. Khi thấy có các triệu chứng kể trên cần đến khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

3.2 Các phương pháp cận lâm sàng

Hình ảnh tế bào ung thư bàng quang

Nội soi và sinh thiết

  • Nội soi bàng quang là phương pháp giúp phát hiện khối u nhanh và chuẩn xác.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm: có thể siêu âm bụng hoặc siêu âm nội soi để phát hiện khối u.
  • Chụp CT hoặc MRI: đánh giá mức xâm lấn của khối u, đánh giá tình trạng ung thư.

Xét nghiệm tế bào học nước tiểu:

  • Tìm máu vi thể.
  • Tìm tế bào ung thư.

3.3 Phân loại ung thư bàng quang

Có ba loại ung thư bàng quang bắt đầu từ các tế bào trong niêm mạc bàng quang. Những bệnh ung thư này được đặt tên cho loại tế bào ung thư:

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp: Ung thư bắt đầu từ các tế bào ở lớp mô trong cùng của bàng quang. Các tế bào này có thể căng ra khi bàng quang đầy và co lại khi nó được làm rỗng. Hầu hết các bệnh ung thư bàng quang bắt đầu từ các tế bào chuyển tiếp.

  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp cấp độ thấp thường tái phát (trở lại) sau khi điều trị, nhưng hiếm khi lan vào lớp cơ của bàng quang hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp cấp độ cao thường tái phát (trở lại) sau khi điều trị và thường lan vào lớp cơ của bàng quang, đến các bộ phận khác của cơ thể và đến các hạch bạch huyết . Hầu hết tất cả các trường hợp tử vong do ung thư bàng quang đều do bệnh ở cấp độ cao.

Ung thư biểu mô tế bào vảy: Ung thư bắt đầu từ các tế bào vảy (tế bào mỏng, phẳng lót bên trong bàng quang). Ung thư có thể hình thành sau nhiễm trùng hoặc kích ứng lâu dài .

Ung thư biểu mô tuyến: Ung thư bắt đầu từ các tế bào tuyến nằm trong niêm mạc của bàng quang. Tế bào tuyến trong bàng quang tạo ra các chất như chất nhầy. Đây là một loại ung thư bàng quang rất hiếm gặp.

Ung thư nằm trong lớp niêm mạc của bàng quang được gọi là ung thư bề ngoài bàng quang. Ung thư đã di căn qua lớp niêm mạc của bàng quang và xâm lấn vào thành cơ của bàng quang hoặc đã lan đến các cơ quan lân cận và các hạch bạch huyết được gọi là ung thư bàng quang xâm lấn. [4]

3.4 ​Đánh giá mức độ tiến triển bệnh

Đánh giá theo giai đoạn lâm sàng và giải phẫu bệnh:

Giai đoạn 0: Ung thư bàng quang giai đoạn đầu là giai đoạn nhẹ nhất, tình trạng u chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc.

Giai đoạn I: khối u ác tính xâm lấn ở lớp dưới niêm mạc.

Giai đoạn II: khối u đã xâm lấn cơ:

  • IIa: tình trạng u xâm lấn lớp ở cơ nông nhỏ hơn 50% bề dày thành bàng quang.
  • IIb: tình trạng u xâm lấn lớp ở cơ sâu lớn hơn 50% bề dày thành bàng quang.

Giai đoạn III: lúc này khối u ác tính đã xâm lấn qua bề dày thành bàng quang.

  • IIIa: xâm lấn tổ chức xung quanh ở mức vi thể.
  • IIIb: xâm lấn tổ chức xung quanh ở mức đại thể, chưa xâm lấn vách chậu hoặc thành bụng.

Giai đoạn IV: là tình tạng ung thư nặng nhất, các khối u các tính đã xâm lấn vách chậu, thành bụng. Nghiêm trọng hơn đó là các khối u di căn sang các bộ phận khác.

4 Điều trị ung thư bàng quang

Các giai đoạn ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị từ sớm, lúc các khối u còn nhỏ. Việc điều trị có thể bao gồm các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, kết hợp dùng các thuốc khác.

4.1 Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 0

Trị liệu sinh học bằng liệu pháp miễn dịch BCG (Bacillus Calmette-Guérin).

Thuốc điều trị ung thư Mitomycin (ngăn cản quá trình hình thành và tăng trưởng của tế bào ung thư).

Hoặc Thiotepa nội bàng quang (hạn chế sự nhân lên của tế bào ung thư).

Kết hợp thêm các phương pháp như: cắt, đốt u qua nội soi.

4.2 Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn I

Phẫu thuật cắt u bằng phương pháp nội soi kết hợp với trị liệu miễn dịch bằng BCG, dùng thuốc mitomycin hoặc thiotepa nội bàng quang.

4.3 Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn II, III

Phẫu thuật cắt u bàng quang, xạ trị.

4.4 Điều trị u giai đoạn IV

Là tình trạng bệnh nặng, do đó các phương pháp sẽ được vận dụng triệt để, đôi khi phải phẫu thuật cắt bỏ bàng quang bán phần.

Sau khi điều trị, cần chú ý tái khám và theo dõi sau khhi điều trị, nên định kỳ 3 tháng 1 lần đi kiểm tra sức khỏe theo sự chỉ định của bác sỹ.

Ung thư bàng quang có thể được chữa khỏi nếu bạn phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm. Do vậy, khi gặp các triệu chứng bệnh bất thường nên đi khám luôn, tốt nhất là kiểm tra sức khỏe định kỳ, đây là cách phát hiện các bệnh trong cơ thể dễ nhất.

Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc có thêm kiến thức về căn bệnh ung thư bàng quang, đồng thời chủ động chú ý sức khỏe bản thân để phòng ngừa hoặc phát hiện sớm các bệnh xảy ra.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Bladder cancer, Mayoclinic. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Kara N Babaian, MD, FACS, Bladder Cancer, Medscape. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Bladder cancer, WebMD. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Chuyên gia của cancer.gov, Bladder Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Version, NIH. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Từ khóa » Dày Nhẹ Vách Bàng Quang