Các Giai đoạn Và Thời Gian Mọc Răng Của Trẻ Mà Mẹ Nên Biết - YouMed

Nội dung bài viết

  • Mọc răng sữa
  • Mọc răng vĩnh viễn

Mọc răng là quá trình từ lúc mầm răng được hình thành, cho đến khi răng xuất hiện trong khoang miệng. Thời gian mọc răng của trẻ sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Sự phát triển của răng bắt đầu ở phôi từ tuần thứ 5. Răng sữa bắt đầu mọc khi trẻ được 5-6 tháng tuổi và hoàn tất trong 3 năm. Răng vĩnh viễn mọc bắt đầu từ 6 tuổi cho đến 15 – 28 tuổi. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về các giai đoạn và thời điểm mọc răng của trẻ như thế nào nhé qua bài viết của Bác sĩ Trương Mỹ Linh!

Mọc răng sữa

Từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, sự phát triển cung răng trải qua 4 giai đoạn biến đổi như sau:

  • Từ khi sinh ra cho đến khi mọc đầy đủ các răng sữa: từ lúc sinh ra đến 2 tuổi.
  • Từ khi mọc đầy đủ răng sữa cho đến khi mọc răng cối vĩnh viễn thứ nhất (từ 2,5 tuổi đến 6 tuổi).
  • Giai đoạn bộ răng hỗn hợp: từ khi mọc răng cối vĩnh viễn thứ nhất đến khi thay chiếc răng sữa cuối cùng (từ 6 tuổi đến 12 tuổi).
  • Từ khi mọc răng cối vĩnh viễn thứ hai và sau đó.

1. Sự phát triển mầm răng

Như đã nhắc ở trên, sự phát triển của răng bắt đầu từ giai đoạn phôi 5 tuần tuổi. Lúc này các nguyên mầm răng sữa bắt đầu xuất hiện trước tiên ở vùng răng cối sữa thứ I hàm dưới. Ở hàm trên chúng bắt đầu ở vùng răng cửa. Nguyên mầm của tất cả các răng cửa, nanh, cối sữa I có thể được thấy ở khoảng ngày thứ 44 – 48 sau khi thụ tinh.

Các nguyên mầm của răng cối sữa II xuất hiện từ ngày thứ 51 – 53. Trong một số trường hợp, có thể có các nguyên mầm kép. Vì vậy có các răng dư sữa hoặc vĩnh viễn phát triển và mọc lên bên cạnh các răng trên cung răng.

2. Thời gian mọc và hoàn tất chân răng sữa

Quá trình mọc răng sữa thường tuân theo thời gian dưới bảng sau. Tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ có thể mọc răng sớm hoặc trễ hơn.

Lịch trình phát triển răng sữa
Răng Mọc Chân hoàn tất
Hàm trên
Cửa giữa 7,5 tháng 1,5 tuổi
Cửa bên 9 tháng 2 tuổi
Răng nanh 18 tháng 3 tuổi
Cối sữa I 14 tháng 2,5 tuổi
Cối sữa II 24 tháng 3 tuổi
Hàm dưới
Cửa giữa 6 tháng 1,5 tuổi
Cửa bên 7 tháng 1,5 tuổi
Răng nanh 16 tháng 3 tuổi
Cối sữa I 12 tháng 2 tuổi
Cối sữa II 20 tháng 3 tuổi

3. Đặc điểm bộ răng sữa

Khi trẻ mới sinh ra thường chưa có răng sữa mọc trên cung răng. Mào xương ổ răng của trẻ sơ sinh được bao phủ bởi lớp đệm nướu. Ở tư thế nghỉ, lớp đệm nướu hàm trên và hàm dưới cách nhau bởi lưỡi. Do ở tư thế này, lưỡi đưa về phía trước chùm lên lớp đệm nướu để nằm ở phía sau môi trên.

Từ 6 tháng đến 3 tuổi các răng sữa bắt đầu mọc, cung răng sữa dần hình thành và có những đặc điểm sau:

  • Cung răng trên có hình bầu ( trứng), cung răng dưới cõ hình chữ V.
  • Cung răng trên phủ ngoài cung răng dưới.
  • Độ cắn sâu ở rằng cửa nông.
  • Trục răng cửa theo hướng thẳng đứng.
  • Có khe hở giữa các răng, phần lớn là khe hở linh trưởng (nguyên thủy).
  • Mặt phẳng tận cùng theo mặt phẳng.
  • Sự cài múi răng sữa xảy ra trước khi trẻ được 3 tuổi. Mặc dầu, răng sữa không phát triển khớp cắn múi – rãnh vững bền và chặt chẽ như răng vĩnh viên, nhưng tương quan cắn khớp ở răng sữa ít có sự thay đoi so với khóp cắn bình thường.

Từ 2 đến 6 tuổi là khoảng thời gian chỉ có bộ răng sữa, và các răng này được sử dụng vào việc ăn nhai. Từ 6 tuổi trở đi là thời điểm các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc, thay thế cho răng sữa.

Thời gian mọc răng
20 răng sữa được thay thế bởi 32 răng vĩnh viễn sau này

Mọc răng vĩnh viễn

Mọc răng vĩnh viễn là quá trình phát triển răng diễn ra trong khoảng thời gian khoảng 7 năm. Lúc này răng sữa ban đầu của trẻ rụng đi và được thay thế bằng răng trưởng thành. Răng sữa thường mọc hoàn thành vào thời điểm trẻ được 3 tuổi, với 10 chiếc răng trong mỗi hàm. Trong thời gian này, những chiếc răng đầu tiên này đóng vai trò như những vật giữ chỗ cho những chiếc răng vĩnh viễn sắp mọc.

Răng vĩnh viễn thường bắt đầu mọc vào khoảng 6 tuổi. Những răng vĩnh viễn này có thể xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn. Nhưng thường tương quan với thời điểm răng sữa rụng. Hầu hết các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc vài tuần sau khi răng sữa tương ứng rụng. Tuy nhiên, trong khi có 20 răng sữa, cuối cùng sẽ có 32 răng vĩnh viễn mọc lên (mỗi hàm có 16 chiếc). Mười hai chiếc răng thêm vào này không phải là răng thay thế răng sữa.

1. Răng vĩnh viễn phát triển như thế nào?

Răng vĩnh viễn mọc dưới nướu trong xương hàm, bên dưới răng sữa hiện có. Theo thời gian, chân răng của mỗi răng sữa bắt đầu tiêu biến và thân răng của răng vĩnh viễn sắp mọc hình thành trong không gian nơi chân răng sữa bị mất.

Sau đó, răng sữa sẽ trở nên lung lay khi răng vĩnh viễn tiếp tục hình thành. Cuối cùng răng vĩnh viễn sẽ mọc vào cung răng qua đường do chiếc răng sữa bị mất để lại. Trong quá trình này, xương hàm cũng phát triển nhanh để tương ứng với chỗ cho 32 răng vĩnh viễn mọc.

2. Trình tự mọc răng vĩnh viễn

Quá trình mọc răng vĩnh viễn có thể bắt đầu sớm nhất là 4 tuổi hoặc muộn nhất là 8 tuổi. Nếu trẻ mọc răng sữa sớm thì răng vĩnh viễn cũng có khả năng mọc sớm. Tương tự, mọc răng sữa muộn thường kèm theo mọc răng vĩnh viễn muộn.

Răng vĩnh viễn thường mọc theo từng cặp và thường theo thứ tự có thể đoán trước được. Tuy nhiên, nếu răng của trẻ không theo trình tự thông thường, cũng không cần phải lo lắng. Cũng giống như quá trình mọc răng ở trẻ sơ sinh, quá trình mọc răng vĩnh viễn ở mỗi trẻ là khác nhau.

Những chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên mọc là răng 6 (răng cối lớn thứ nhất). Những chiếc răng sữa đóng vai trò giữ chỗ sau đó thường rụng theo trình tự mà chúng mọc ra, khi chúng được thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn.

lịch mọc răng và thay răng

Biểu đồ thời gian và trình tự mọc răng vĩnh viễn

  • 6 tuổi: Độ tuổi các răng vĩnh viễn số 6 đầu tiên mọc. Răng hàm mọc phía sau răng sữa, với 2 cái ở trên và 2 cái ở dưới.
  • 4 răng cửa chính giữa (2 răng cửa trên và 2 răng cửa trên) thường là những răng đầu tiên bị lung lay, rụng. Chúng được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Điều này thường xảy ra vào khoảng 6-7 tuổi.
  • Tiếp theo, các răng cửa bên (4 răng ở 2 bên của răng cửa trên và dưới) sẽ mọc lên, thế chỗ cho những chiếc răng sữa đã mất đó. Các răng cửa bên thường bắt đầu mọc trong độ tuổi từ 7-9.
  • 2 răng nanh, hay răng khểnh, (răng nhọn bên cạnh răng cửa bên) ở hàm dưới mọc tiếp theo. Sau đó là 4 răng cối nhỏ thứ nhất thay cho răng cối sữa 1. Tất cả đều xuất hiện trong độ tuổi từ 9 đến 12 trong hầu hết các trường hợp.
  • Các răng cối nhỏ 1 và 2 hàm trên thay thế cho răng cối sữa mọc tiếp theo, thường từ 10 đến 12 tuổi.
  • Các răng cối thứ hai hàm trên mọc rồi đến hàm dưới. Những chiếc răng này không thay thế bất kỳ răng sữa nào, thường được gọi là răng kế tiếp hoặc răng 12 tuổi. Vì chúng thường mọc từ 11 đến 13 tuổi. Chiếc răng hàm thứ hai mọc phía sau răng hàm số 6.

Nói chung, tám chiếc răng đầu tiên bị rụng (răng cửa giữa và răng bên) liên tiếp diễn ra khá nhanh. Thường trong khoảng thời gian 2 năm từ độ tuổi 6-8. Quá trình này được theo sau bởi một khoảng thời gian 2 năm không rụng răng. 12 chiếc răng còn lại có xu hướng rụng trong độ tuổi từ 10-13.

Toàn bộ quá trình mọc răng vĩnh viễn diễn ra trong khoảng 7 năm. Trong thời gian đó trẻ sẽ có thời gian sự kết hợp của cả răng vĩnh viễn và răng sữa (giai đoạn bộ răng hỗn hợp). Khi mất hết răng sữa, giai đoạn bộ răng vĩnh viễn bắt đầu.

Hãy nhớ rằng không có độ tuổi nhất định cho việc mọc răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu trẻ bị mất một chiếc răng và răng vĩnh viễn thay thế chưa mọc trong vòng 3 tháng. Hãy liên hệ với nha sĩ để khám và đánh giá cho trẻ.

Tất cả các răng vĩnh viễn thường mọc ở tuổi 13, ngoại trừ răng hàm thứ ba, hoặc răng khôn mọc sau đó vài năm.

Bên cạnh đó, trẻ có thể gặp phải những bất thường mọc răng và phát triển răng. Xem thêm những dấu hiệu bất thường cha mẹ cần lưu ý: Những điều mẹ cần lưu ý về bất thường mọc răng và phát triển răng ở trẻ

3. Mọc răng khôn

Những chiếc răng vĩnh viễn cuối cùng mọc lên là răng cối lớn thứ ba hay còn gọi là răng khôn. Hầu hết mọi người không mọc răng khôn cho đến khi họ ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu đôi mươi. Một số người không bao giờ mọc răng khôn. Đôi khi cần phải nhổ răng khôn trước khi mọc hoàn toàn vì hàm của bệnh nhân không đủ chỗ và răng có nguy cơ bị chen chúc hoặc ngầm.

Răng khôn ngầm có thể không mọc lên được vì  bị chặn bởi các răng hiện có. Nhiễm trùng, viêm và tổn thương do mọc ngầm, lệch có thể xảy ra nếu không được khắc phục. Nha sĩ sẽ theo dõi cẩn thận những chiếc răng khôn của con bạn khi chúng bắt đầu phát triển.

thời gian mọc răng
Răng khôn mọc lệch ngầm có thể gây đau nhức, sưng viêm

Xem thêm bài viết về: Răng mọc lệch ở trẻ: Nguyên nhân và cách giải quyết

4. Vấn đề chen chúc đối với răng vĩnh viễn

Sự chen chúc của các răng vĩnh viễn xảy ra khi xương hàm không đủ chỗ để chứa các răng sắp mọc. Sự chen chúc có thể do:

  • Mất răng sữa sớm: Khi răng sữa mất quá sớm, do sâu răng ở trẻ nhỏ; chấn thương răng hoặc nhổ răng, các răng bên cạnh còn lại có thể dịch chuyển vào khoảng trống và khiến răng vĩnh viễn bị mất chỗ, mọc lệch lạc.
  • Kích thước xương hàm nhỏ: Trong một số trường hợp, răng không khớp với kích thước xương hàm của bệnh nhân.
  • Răng thừa: Mặc dù hiếm khi xảy ra nhiều răng thừa, nhưng việc một răng vĩnh viễn thừa xuất hiện và ảnh hưởng đến sự mọc của các răng khác cũng không phải là hiếm.

Cách mọc răng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tính di truyền. Nếu cha mẹ có răng thẳng tự nhiên, thì khả năng lớn là răng của trẻ cũng sẽ mọc thẳng. Nếu trong gia đình có trường hợp răng lệch lạc, con bạn cũng có thể bị di truyền các vấn đề về chen chúc. Đừng lo lắng, tình trạng chen chúc có thể được khắc phục bằng cách nhổ răng và / hoặc điều trị chỉnh nha.

Việc hiểu rõ diễn tiến và theo dõi quá trình mọc răng của trẻ đóng vai trò quan trọng. Những bất thường về thời gian và tiến trình mọc của bộ răng sữa hay răng vĩnh viễn đều có thể dẫn đến sai lệch ở khớp cắn và hàm sau này. Khi có những sai lệch xảy ra nên đưa trẻ đi khám nha sĩ để được tư vấn và theo dõi đúng đắn, phòng ngừa những bất thường về sau.

Từ khóa » Khi Nào Trẻ Mọc Răng Thứ 21