Các Giải Pháp Cải Tạo đất Nông Nghiệp Bạc Màu Hiệu Quả Nhất Hiện ...

         Thực trạng đất nông nghiệp ngày nay ở Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề như tình trạng đất bạc màu ngày càng nhiều làm cho cây trồng sinh trưởng kém, không tạo ra được năng suất cao. Vậy là thế nào để đất trở nên màu mỡ hơn? Hãy cùng Hafiquacen tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Đất bạc màu là gì?

         Đất bạc màu là khái niệm chỉ những loại đất đã bị mất đi các tính chất vốn có của nó. Đất bạc màu có cấu trúc và kết cấu kém, nghèo dinh dưỡng, thiếu mùn hữu cơ, khả năng giữ nước và điều hòa nhiệt độ thấp. Đất không có các sinh vật sống phát triển… thường khô hạn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất bạc màu

         Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất bạc màu khô hạn. Trong đó có một số nguyên nhân cơ bản như:

  • Trồng độc canh
  • Lạm dụng phân bón hóa học
  • Chặt, đốt rừng làm nương rẫy
  • Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều
  • Đất nhiễm kim loại nặng do rác thải của con người
  • Đất nhiễm mặn do sử dụng phân bón không đúng cách

Các cách cải thiện đất bạc màu

1 – Biện pháp thủy lợi

         Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu trong việc cải tạo lại đất nông nghiệp bạc màu. Biện pháp này cần xây dựng một hệ thống tưới hoàn chỉnh nhằm giúp đất màu mỡ, tơi xốp cho đất, giữ nước tốt. 

         Ngoài ra cần chú ý, đất bạc màu thường là đất nghèo chất dinh dưỡng, khô và cứng. Chính vì vậy không nên cày xới nhiều nhằm hạn chế sự bốc hơi nước. Thường xuyên tưới nước làm cho đất mềm hơn tăng độ ẩm cho đất hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo đất nông nghiệp bạc màu.

2 – Biện pháp che phủ đất

         Che phủ đất là biện pháp canh tác mà nông dân cần áp dụng ngay để có thể khôi phục lại nền đất đã bị thoái hóa, bạc màu. Nếu đất trồng không được che phủ, dưới tác động của nắng, mưa và gió khiến đất trở nên khô cằn, nén chặt, chai cứng, rửa trôi dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển của các sinh vật trong đất.

         Có 2 cách che phủ đất mà người làm vườn có thể áp dụng song song là che phủ đất bằng thảm thực vật xanh và che phủ đất bằng các vật liệu hữu cơ.

  • Che phủ đất bằng các vật liệu hữu cơ: Là biện pháp tận dụng các nguồn vật chất hữu cơ sau khi thu hoạch mùa vụ như rơm rạ, cành lá khô, thân ngô đậu hoặc cỏ khô, thân chuối, bèo lục bình,… để che phủ đất mặt. Những vật chất hữu cơ này sau khi được phân hủy sẽ giúp đất tơi xốp, giàu mùn, giàu dinh dưỡng.
  • Che phủ đất bằng thảm thực vật xanh: Giải quyết đất bạc màu bằng cách trồng các loại cây bụi thấp như đậu xanh, đậu đen, muồng vàng,… hay các loại cỏ dại như lạc dại, xuyến chi, vetiver,… để che phủ toàn bộ vườn, đặc biệt là các vườn trồng cây ăn trái, cây lâu năm. Việc che phủ bằng các loại cây cỏ này sẽ giúp cải tạo lại nền đất nhờ bộ rễ của cây cỏ ăn sâu vào bên trong giúp phá đi các lớp đất chai cứng, đưa nước vào sâu bên trong và giữ lại. 

3 – Biện pháp hữu cơ

         Thường xuyên bổ sung 2 nguồn hữu cơ cho đất để cải tạo là phân hữu cơ và các vật chất hữu cơ là cách để cải tạo đất nông nghiệp bạc màu hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

  • Sử dụng phân hữu cơ cải tạo đất như phân chuồng (phân bò, trâu), phân ủ từ rác nhà bếp,…
  • Các loại vật chất hữu cơ nên bổ sung như phân xanh (dã quỳ, cỏ lào, bèo hoa dâu, lục bình,…) xác bã thực vật (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, vỏ hạt, thân ngô đậu,..).

         Các nguồn hữu cơ này sẽ giúp đất trồng tơi xốp, mềm mịn, phì nhiêu, giữ ẩm tốt, cải thiện lại nền đất khô cứng, bạc màu, tạo cấu trúc đất thông thoáng.

4 – Biện pháp bổ sung vi sinh vật có lợi

         Vi sinh vật là một phần cực kỳ quan trọng của đất trồng. Đất trồng bị bạc màu thoái hóa xuất phát từ việc canh tác chưa hợp lý sử dụng nhiều các chất bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại.

         Do đó, để tái tạo lại nền đất đã bạc màu, nhà vườn cần ngưng sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn, hạn chế tối đa việc đổ các hóa chất BVTV độc hại vào đất. Cần bổ sung các chủng vi sinh vật có lợi như Chaetomium, Trichoderma, Bacillus, Actinomycetes, Saccharomyces cerevisiae, Rhodopseudomonas,…

         Các chủng vi sinh này sẽ đối kháng tiêu diệt sạch các tác nhân gây thối rễ như phythopthora, Fusarium và các chủng nấm gây bệnh khác. Đồng thời sẽ giúp phân hủy các chất hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất. Bên cạnh đó còn giúp kích thích hệ rễ phát triển, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.

         Bên cạnh các biện pháp trên, người nông dân, người sản xuất nông nghiệp cần thực hiện đồng thời một số biện pháp khác như:

  • Hạn chế cày xới đất, tránh làm mất kết cấu của đất ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đất; 
  • Bón thêm bột vôi dolomite nếu đất có độ pH thấp (<5.5);
  • Luân canh, xen canh các loại cây trồng hợp lý.

            Trung tâm Phân tích và Chứng nhận CLSP NN Hà Nội

Từ khóa » đất Bạc Màu Cần Bón Gì