Các Giải Pháp ứng Phó Với Lũ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Chú thích ảnh
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau nhiều năm, Đồng bằng sông Cửu Long mới xuất hiện đỉnh lũ đạt mức báo động II.

Mực nước lũ vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười tăng mạnh vào nửa đầu mùa lũ và đạt đỉnh lũ chính vụ vào các ngày giữa đến tuần cuối tháng 9 (đỉnh lũ đạt đỉnh từ 3,04 m - 3,80 m, cao hơn báo động II từ 0,14 m - 0,30 m, cao hơn năm 2014, 2015, 2016, 2017, nhưng thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 và năm 2011) chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến 4 tỉnh gồm Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Long An; làm 1.845 ha lúa bị thiệt hại; 5.480 nhà dân bị ngập; 2.375 ha cây ăn quả và 140,6 ha rau màu bị ngập; 334 m đường giao thông bị hư hỏng; 118.840 m đường giao thông bị ngập; 182.990 m bờ bao bị tràn…

Nhưng, với các giải pháp quyết liệt, chủ động, các địa phương đã kịp thời hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích lúa, hoa màu ngoài đê bao, bờ bao, giảm thiểu thiệt hại; kịp thời gia cố, xử lý sự cố đê bao, bờ bao, khắc phục sự cố ngay từ giờ đầu, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đặc biệt chưa để xảy ra thiệt hại về người.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhiều năm không có lũ hoặc lũ thấp nên người dân Đồng bằng sông Cửu Long có phần chủ quan. Nhiều người vẫn canh tác lúa, xây nhà vùng ngoài đê bao. Một số khu đê bao không được nâng cấp, tu sửa nên gặp nguy hiểm khi nước dâng cao. Công tác dự báo còn nhiều hạn chế, độ chính xác chưa cao; các thông tin về hồ chứa của các nhánh sông lớn và dự báo mưa trên lưu vực còn chưa được đầy đủ và kịp thời. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn chưa được trang bị kiến thức và các kỹ năng về phòng chống thiên tai. Công tác di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm còn hạn chế do thiếu kinh phí…

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Theo ông Đỗ Tiến Lanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, năm 2018 lũ đầu vụ ở mức cao, về sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày và triều biển ở mức cao nên đã xảy ra ngập và thiệt hại một số diện tích lúa Hè Thu, hoa màu sản xuất ngoài đê bao ở các địa phương đầu nguồn và một số diện tích cây ăn trái ở các tỉnh, thành như Cần Thơ, Vĩnh Long và Bến Tre. Lợi ích của lũ mang lại sau những năm lũ nhỏ cũng rất đáng kể như gia tăng nguồn lợi thủy sản, vệ sinh và bồi đắp phù sa cho đồng ruộng...

Tuy nhiên, lũ cuối vụ rút nhanh khả năng mặn sẽ xâm nhập sớm, các địa phương cần có những giải pháp thích ứng kịp thời cho mùa khô 2019, vì theo dự báo, tổng dòng chảy của sông Mekong vào mùa khô năm 2019 sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 - 35%; mực nước sông Cửu Long xuống dần ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung mình nhiều năm từ 0,1 - 0,3 m, ông Đỗ Tiến Lanh cảnh báo.

Dự báo, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động ứng phó, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo kịp thời đến cộng đồng để triển khai phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Các địa phương cần chỉ đạo thực hiện thời vụ gieo cấy, thu hoạch lúa Hè Thu sớm để tránh lũ, khuyến cáo nhân dân không cấy lúa vụ Thu Đông ở vùng đầu nguồn và ở những khu vực không đảm bảo an toàn để hạn chế thiệt hại.

Từ khóa » Giải Pháp Sống Chung Với Lũ ở đbscl