Các Giao Dịch Bị Cấm, Bị Hạn Chế Trong Thủ Tục Phá Sản | Le & Tran

‘Phá sản’ là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Thủ tục phá sản được bắt đầu kể từ thời điểm Toà án ra Quyết định mở thủ tục phá sản. Vào thời điểm này, các doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan đều phải chịu sự quản lý và giám sát của thẩm phán, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Một trong những vấn đề trọng tâm trong giải quyết phá sản là phải bảo toàn thật tốt tài sản và quản lý công nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản. Lý do là khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản, nghĩa vụ tồn đọng của họ với các chủ nợ là nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ mà vì nó các doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản.

Do đó, nhằm bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã trong thủ tục phá sản, Luật Phá sản 2014 đã quy định một số giao dịch bị cấm và bị hạn chế.

Nội dung Ẩn 1 Những Giao dịch nào bị Cấm, bị Hạn chế trong Thủ tục Phá sản? 1.1 Giao dịch được doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện trong vòng 06 tháng trước ngày Toà án ra Quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu 1.2 Trong vòng 18 tháng trước ngày Toà án ra Quyết định mở thủ tục phá sản thì các giao dịch trên cũng bị coi là vô hiệu, nếu được thực hiện với những người có liên quan sau đây 2 Mục đích của Quy định này là gì? 2.1 Mục đích của quy định này nhằm tránh việc doanh nghiệp, hợp tác xã đã biết trước được kết quả hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai và có hành vi tẩu tán tài sản thông qua việc thực hiện các giao dịch trên sau đó sẽ chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 2.2 Mục đích của các quy định này nhằm tránh tình trạng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã cố ý tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ 3 Hậu quả Pháp lý khi Doanh nghiệp, Hợp tác xã Thực hiện các Hành vi bị cấm là gì?

Những Giao dịch nào bị Cấm, bị Hạn chế trong Thủ tục Phá sản?

Giao dịch được doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện trong vòng 06 tháng trước ngày Toà án ra Quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu

  • Liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường;
  • Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp;
  • Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn;
  • Tặng cho tài sản;
  • Giao dịch ngoài mục đích kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Các giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp.

Trong vòng 18 tháng trước ngày Toà án ra Quyết định mở thủ tục phá sản thì các giao dịch trên cũng bị coi là vô hiệu, nếu được thực hiện với những người có liên quan sau đây

  • Công ty mẹ;
  • Công ty con đối với công ty mẹ;
  • Những người có khả năng chi phối việc ra quyết định của doanh nghiệp;
  • Người quản lý doanh nghiệp; vợ, chồng, cha, mẹ, anh chị em ruột của người quản lý doanh nghiệp; cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối,…).

Mục đích của Quy định này là gì?

Mục đích của quy định này nhằm tránh việc doanh nghiệp, hợp tác xã đã biết trước được kết quả hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai và có hành vi tẩu tán tài sản thông qua việc thực hiện các giao dịch trên sau đó sẽ chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, các giao dịch sau sẽ bị cấm và bị coi là vô hiệu:

  • Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản;
  • Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp;
  • Từ bỏ quyền đòi nợ; và
  • Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp.

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, các giao dịch sau bị hạn chế, doanh nghiệp, hợp tác xã muốn thực hiện phải báo cáo Quản tài viên, nếu không sẽ bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và giải quyết hậu quả theo quy định pháp luật:

  • Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản;
  • Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực; và
  • Thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp.

Mục đích của các quy định này nhằm tránh tình trạng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã cố ý tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ

Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã khi bị mở thủ tục phá sản, vẫn cố tình tìm mọi cách để tẩu tán, cất giấu tài sản hoặc trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ trả nợ thông qua việc chuyển giao tài sản cho những người thứ ba không phải chủ nợ nhưng có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan.

Ví dụ: Doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản ký kết các hợp đồng mua bán tài sản với giá thấp hơn giá thị trường với các đối tượng là anh, em, họ hàng cũng những chủ sở hữu doanh nghiệp, hợp tác xã đó nhằm tẩu tán các tài sản có giá trị, qua đó, trốn tránh việc phải chuyển giao các tài sản đó vào tay quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để bán thanh lý nhằm trả nợ cho các chủ nợ.

Hậu quả Pháp lý khi Doanh nghiệp, Hợp tác xã Thực hiện các Hành vi bị cấm là gì?

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc Tòa án phát hiện giao dịch thuộc một trong các trường hợp bị cấm, bị hạn chế thì sẽ ra quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, hủy bỏ các biện pháp bảo đảm và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu.

Trong vòng 07 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định trên; cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Mặc dù theo quy định, Tòa án sẽ ra quyết định trong vòng 10 ngày làm việc khi nhận được yêu cầu của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản, tuy nhiên, trên thực tế, thời gian trên thường kéo dài hơn quy định vì quá trình Tòa án xử lý, xác minh yêu cầu sẽ mất thời gian tùy vào số lượng giao dịch, tính chất phức tạp của giao dịch cũng như loại tài sản mà doanh nghiệp thực hiện trong giao dịch đó.

Việc chậm trễ ra quyết định tuyên bố các giao dịch vô hiệu có thể sẽ dẫn đến khó khăn khi xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu, đặc biệt khi Bộ luật Dân sự 2015 lại có quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Ví dụ như sau:

Công ty A trong quá trình hoạt động kinh doanh thấy rằng có nguy cơ sẽ bị các chủ nợ nộp đơn yêu cầu Tòa tuyên bố phá sản nên trước 06 tháng kể từ thời điểm Toà án ra Quyết định mở thủ tục phá sản đã bán bất động sản thuộc sở hữu của mình cho bà B.  Bà B lại chuyển nhượng bất động sản này cho bà C và bà C chuyển nhượng lại cho ông D. Theo đó, bà C là người thứ ba ngay tình và các giao dịch trên đều được đăng ký chuyển quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ theo Điều 133, Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch giữa bà C và ông D sẽ không bị vô hiệu.

Mặc dù Luật Phá sản quy định khi doanh nghiệp thực hiện các giao dịch bị cấm, bị hạn chế; các giao dịch này có thể bị coi là vô hiệu nhưng việc xử lý giao dịch vô hiệu trên thực tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây có thể coi là lỗ hổng cho các doanh nghiệp để thực hiện tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn liên quan đến Luật Phá sản, quý đọc giả có thắc mắc hoặc cần trao đổi về chuyên môn liên quan đến các vấn đề trong thủ tục phá sản, vui lòng liên hệ Luật sư chuyên về phá sản của chúng tôi tại info@letranlaw.com.

Từ khóa » Ví Dụ Về Phá Sản Gian Trá