Các Hãng Dầu Lửa Lo Sợ Nga đóng Cửa đường ống Dẫn Dầu đi Qua ...

Các hãng dầu lửa lớn của phương Tây sẽ phải cắt giảm sản lượng và thiệt hại hàng tỷ USD nếu Nga dừng hoạt động một đường ống dẫn dầu vốn là tuyến xuất khẩu dầu duy nhất của Kazakhstan - quốc gia nằm hoàn toàn trong nội địa. Các nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng khả năng Nga đóng cửa đường ống này đang là một mối lo ngại lớn của các bên liên quan.

Theo Reuters, đường ống nói trên là CPC dẫn dầu thô từ Kazakhstan tới cảng dầu ở cảng Novorossiisk trên Biển Đen của Nga. Việc đường ống này bị đồng cửa sẽ đồng nghĩa với nguồn cung dầu toàn cầu giảm đi 1%. Một sự kiện như vậy sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng mà thế giới đang trải qua - đợt khan hiếm dầu thô và khí đốt tồi tệ nhất kể từ vụ cấm vận dầu lửa của thế giới Arab thập niên 1970.

THẾ GIỚI SẼ MẤT BAO NHIÊU THÙNG DẦU NẾU CPC BỊ ĐÓNG

Đường ống này chạy qua lãnh thổ Nga và thuộc sở hữu của một liên minh có tên Caspian Pipeline Consortium gồm các công ty của phương Tây, châu Á, Nga và Kazkshstan. CPC đã trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraine vào hôm 24/2. Hôm thứ Tư tuần trước, một toà án ở Novorossiisk ra lệnh cho CPC dừng hoạt động trong vòng 30 ngày với lý do lo ngại về vấn đề quản lý dầu tràn.

Sau đó, một toà án khác của Nga vào hôm thứ Hai tuần này đảo ngược phán quyết nói trên, thay vào đó phạt CPC số tiền 200.000 Rúp, tương đương 3.300 USD. Tuy nhiên, giới thạo tin nói rằng họ nghĩ đường ống CPC vẫn có thể bị dừng hoạt động. Phía Nga thì đã nói rằng bất kỳ sự dừng nào cũng đều xuất phát từ các vấn đề kỹ thuật.

Hồi tháng 3, một trận bão đã khiến gây gián đoạn tạm thời dòng dầu chảy qua đường ống vận chuyển 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày này.

Nhiều công ty dầu lửa lớn, gồm Chevron, Exxon Mobil, Shell và Eni cùng một số công ty của Nga và Kazakhstan cùng nắm cổ phần trong CPC. Ngoài ra, các công ty phương Tây còn nắm cổ phần trong các mỏ dầu ở Kazakhstan. Gần như tất cả xuất khẩu dầu của Kazakhstan đều đi qua đường ống CPC.

Ba nguồn tin tại các công ty dầu lửa phương Tây hoạt động ở Kazakhstan nói rằng họ dự báo đường ống CPC sẽ rơi vào một đợt gián đoạn hoạt động kéo dài. Một nhà giao dịch dầu lửa tại một công ty lớn của phương Tây nói rằng một đợt gián đoạn như vậy sẽ gây thiệt hại 50 triệu tấn dầu mỗi năm, tương đương 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, vì Kazakhstan hầu như không còn con đường nào khác để xuất khẩu dầu.

Nhiều công ty dầu lửa phương Tây đã rút khỏi Nga sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga đã khiến xuất khẩu dầu của nước này bị hạn chế, khiến giá dầu thế giới bị đẩy lên cao. Đáp trả sự trừng phạt này, Nga đã có những bước đi giành quyền kiểm soát các dự án dầu khí Sakhalin 1 và 2, nơi Shell và Exxon nắm cổ phần.

Một lãnh đạo ngành dầu lửa phương Tây thông thạo tình hình CPC nói rằng những gì xảy ra với Sakhalin “là một dấu hiệu rõ ràng về những gì sắp xảy ra với CPC”.

GIÁ DẦU CÓ THỂ LÊN 190 USD/THÙNG?

Không lâu sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine, giá dầu thế giới đã có lúc vượt 147 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008. Hiện nay, giá dầu đã giảm về ngưỡng trên 100 USD/thùng vì mối lo suy thoái kinh tế sẽ kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, lực bán dầu bị hạn chế bởi những nhận định cho rằng nguồn cung dầu vốn đã thắt chặt sẽ càng thắt chặt hơn nếu đường ống CPC tạm dừng hoạt động.

“Mất 1 triệu thùng dầu/ngày trong một môi trường vốn dĩ đã thắt chặt có thể dẫn tới một vấn đề không thể khắc phục được đối với thị trường dầu”, chuyên gia Amrita Sen của Energy Aspects ở London nhận định.

Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase tuần trước dự báo giá dầu sẽ lập kỷ lục mọi thời đại ở mức 190 USD/thùng nếu thị trường dầu toàn cầu mất đi 3 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga và Kazakhstan do lệnh trừng phạt và các vấn đề liên quan. Kazakhstan sản xuất khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 80% số đó qua CPC. Trong số dầu còn lại, 15% được bán sang Nga và 5% được bán sang Trung Quốc qua đường sắt và qua biển Caspian.

Tuần trước, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev yêu cầu Chính phủ nước này tìm biện pháp đa dạng hoá các con đường xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, nhà phân tích Camille Chautard thuộc tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s nói rằng việc này sẽ mất nhiều thời gian.

Những tháng gần đây, các hãng dầu khí lớn đã nghiên cứu về tính khả thi của các tuyến dẫn dầu thay thế CPC - nguồn thạo tin cho hay – bao gồm vận chuyển tới Trung Quốc và qua biển Caspian tới Azerbaijan và Georgia. Nhưng tất cả các lựa chọn này đều có nhiều thách thức. Đường ống dẫn tới Trung Quốc có thể dẫn dầu từ khu vực phía Đông và miền Trung Kazakhstan, nhưng hầu lớn các mỏ dầu lớn của nước này lại nằm ở phía Đông.

Trên biển Caspian, các nhà xuất khẩu dầu đối mặt với tình trạng thiếu tàu chở dầu và năng lực hạn chế trong việc tiếp nhận thêm dầu.

“Thực lòng mà nói, tôi không nghĩ là chúng tôi có thể chuyển hướng dòng chảy của dầu”, một nhà giao dịch dầu lửa phương Tây quen thuộc với CPC nhận định.

Chevron của Mỹ được cho sẽ là hãng dầu lửa gánh thiệt hại lớn hơn cả trong trường hợp CPC ngừng hoạt động, vì hãng này là công ty dầu lửa phương Tây nắm cổ phần lớn nhất trong ngành dầu khí ở Kazakhstan. Sản lượng dầu của Chevron ở Kazakhstan là khoảng 380.000 thùng/ngày, chiếm hơn 12% tổng sản lượng của hãng.

Theo nhà phân tích Elena Nadtotchi của Moody’s, những gián đoạn tạm thời gần đây không có ảnh hưởng nhiều đến vị thế tín nhiệm của Chevron, nhưng “một đợt gián đoạn kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng” của hãng. Nếu Chevron bị thiệt hại trong các khoản đầu tư ở Kazakhstan, hãng này có thể bị hạ điểm tín nhiệm, bà Nadtotchi nhấn mạnh.

Một công ty khác của Mỹ là Exxon hiện đang là hãng dầu lửa lớn thứ hai ở Kazakhstan, với sản lượng 213.000 thùng dầu và 234 triệu feet khối khí mỗi ngày. Tiếp đó là Eni của Italy với 145.000 thùng dầu mỗi ngày, Shell của Anh với khoảng 100.000 thùng/ngày, và TotalEnergies của Pháp với khoảng 80.000 thùng/ngày.

Từ khóa » đường ống Dẫn Dầu Dài Nhất Thế Giới