Các Hình Thức Cộng đồng Người Trong Lịch Sử

2,K

Thị tộc – Bộ lạc – Bộ tộc – Dân tộc là gì? Nội dung các hình thức cộng đồng người trong lịch sử?

Mục lục ẩn I. Những hình thức tổ chức xã hội trước khi có giai cấp 1. Thị tộc 2. Bộ lạc II. Sự hình thành và phát triển các hình thức cộng đồng người trong xã hội có giai cấp 3. Bộ tộc 4. Dân tộc 5. Gia đình là một hình thức cộng đồng người

I. Những hình thức tổ chức xã hội trước khi có giai cấp

1. Thị tộc

Thị tộc là một hình thức cộng đồng người cơ bản trong thời kỳ nguyên thủy. Bởi vì, trong chế độ nguyên thủy còn có bộ lạc. Thị tộc là một tập thể sản xuất xã hội đầu tiên của xã hội nguyên thủy có sự cộng đồng về nguồn gốc, ngôn ngữ chung, phong tục tập quán và văn hóa chung. Cơ sở kinh tế của thị tộc là sở hữu công cộng nguyên thủy. Xét về hình thức thị tộc đầu tiên là thị tộc mẫu quyền. Vai trò quyết định trong đời sống kinh tế xã hội thuộc về người phụ nữ. Bởi vì trong thời kỳ này nghề săn bắn của đàn ông là nghề không ổn định, ngược lại nghề hái lượm, chuẩn bị thức ăn, trông coi lửa và giữ nhà lại có khả năng bảo đảm sự ổn định của thị tộc. Nhưng về sau do sự phát triển của lực lượng sản xuất trong xã hội nguyên thủy dẫn đến phát triển của trồng trọt và chăn nuôi, vai trò của người đàn ông trong đời sống thị tộc tăng lên, dần dần thị tộc mẫu quyền bị thay thế bởi thị tộc phụ quyền.

2. Bộ lạc

Bộ lạc là một cộng đồng người lớn hơn so với thị tộc, phát triển từ thị tộc. Mỗi một bộ lạc bao gồm nhiều thị tộc khác nhau và ít nhất có hai thị tộc. Những thị tộc hợp thành bộ lạc có quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân với nhau.

Bộ lạc là một hình thức mới của nền sở hữu xã hội. Nó bao gồm sở hữu thị tộc và sở hữu bộ lạc, thể hiện về lãnh thổ. Một nhu cầu mới nảy sinh là vấn đề lãnh đạo bộ lạc, nên nó làm xuất hiện các thủ lĩnh, những người tế lễ, những người coi sóc công việc chiến tranh và các cơ quan điều hành như hội đồng bộ lạc, hội nghị chiến binh, hội nghị các thành viên cao tuổi trong bộ lạc.

II. Sự hình thành và phát triển các hình thức cộng đồng người trong xã hội có giai cấp

3. Bộ tộc

Bộ tộc là một hình thức phát triển của cộng động người trong lịch sử, xuất hiện vào thời kỳ lao động chăn nuôi tách khỏi trồng trọt nghề thủ công ra đời. Bộ tộc xuất hiện vào thời kỳ chiếm hữu nô lệ, hoặc chế độ phong kiến ở những quốc gia bỏ qua phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ.

Đặc điểm cơ bản của bộ tộc là việc hình thành lãnh thổ chung, tiếng nói chung, văn hóa và lối sống chung, nó đánh dấu sự tan rã của các quan hệ sản xuất nguyên thủy hình thành quan hệ sản xuất của xã hội có giai cấp. Cơ sở hình thành bộ tộc không còn là quan hệ huyết thống mà dựa trên quan hệ lãnh thổ giữa những người ở các bộ lạc khác nhau, gắn bó với nhau thông qua hoạt động sản xuất, thương mại và các qua hệ kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất xuất hiện và quan hệ bóc lột xuất hiện.

Bộ tộc tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, cho tích lũy và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, văn hóa v.v… Nhưng khi nền sản xuất hàng hóa thay thế dần nền kinh tế tự nhiên, gia tộc thì bộ tộc trở thành sức cản đối với sự phát triển của sản xuất và trao đổi, cho nên dân tộc xuất hiện thay thế dần hình thức bộ tộc.

4. Dân tộc

Vấn đề dân tộc là một vấn đề hết sức phức tạp và có rất nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề này. Theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử thì dân tộc là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Mác và – Ănghen cho rằng : “ Giai cấp tư sản ngày càng xóa bỏ tình trạng phân tán của tư liệu sản xuất, của tài sản và của dân cư. Nó tập trung dân cư, tập trung các tư liệu sản xuất và tích tụ tài sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của những thay đổi ấy là sự tập trung về chính trị. Những địa phương độc lập, liên hệ với nhau hầu như chỉ bởi những quan hệ liên minh và có những lợi ích, luật lệ, chính phủ, thuế quan khác nhau thì đã tập hợp lại thành một dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất và lợi ích dân tộc thống nhất, có tính chất giai cấp và một thuế quan thống nhất”1.

Dân tộc là một khối cộng đồng người ổn định, được thành lập trong lịch sử dựa trên cơ sở cộng đồng về về tiếng nói, lãnh thổ, sinh hoạt kinh tế và tâm lý, biểu hiện trong cộng động văn hóa. Trong những đặc điểm về dân tộc thì cộng đồng về đời sống kinh tế là quan trọng nhất.

Việt Nam là một nước thuộc phương thức sản xuất Châu Á, lại có những đặc điểm riêng về mặt lịch sử và địa lý nên dân tộc Việt Nam xuất hiện rất sớm và hình thành không gắn liền với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Những yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành dân tộc Việt Nam từ khi chưa có chủ nghĩa tư bản là: Sự nghiệp dựng nước và giữ nước, việc đấu tranh với thiên tai khắc nghiệt là sự nghiệp của mọi người, mọi nhà của toàn thể dân tộc v.v… một cộng đồng người bền vững, có truyền thống đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm và đấu tranh với thiên nhiên v.v…

Xét về mặt lịch sử phong trào dân tộc có ba thời kỳ:

Thứ nhất, gắn liền với quá trình hình thành chủ nghĩa tư bản, đánh dấu sự tan rã của chế độ phong kiến, thời kỳ chuyển tiếp từ bộ tộc sang dân tộc. Thời kỳ này giai cấp tư sản lãnh đạo phong trào dân tộc.

Thứ hai, thời kỳ chủ nghĩa tư bản trở thành chủ nghĩa đế quốc. Đó là thởi kỳ của các phong trào dân tộc thuộc địa bị áp bức bóc lột không ngừng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc.

Thứ ba, là thời kỳ hiện nay – thời kỳ tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thời kỳ hoàn thiện ở các nước đã và đang được giải phóng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc.

Vấn đề dân tộc và tính chất giai cấp của vấn đề dân tộc luôn gắn liền với những giai cấp khác nhau trong những điều kiện lịch sử xã hội khác nhau. Trong mỗi một thời kỳ lịch sử nhất định, mỗi một dân tộc nhất định hoặc cộng đồng dân tộc nhất định đều có một giai cấp làm đại biểu và giai cấp đó quy định tính chất của các dân tộc hoặc các cộng đồng dân tộc đó. Mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa các cộng đồng dân tộc phụ thuộc vào những mâu thuẫn của thời đại và xu hướng phát triển của lịch sử.

5. Gia đình là một hình thức cộng đồng người

Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội liên kết giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái với nhau. Cơ sở hình thành gia đình là do quan hệ hôn nhân và huyết thống. Quan hệ đó về cơ bản được hình thành bởi tình yêu và tính giao. Một khi hôn nhân không dựa trên cơ sở tình yêu nó có nguy cơ phá vỡ nền tảng của mối quan hệ đó. Quan hệ gia đình là một quan hệ mang tính tất yếu, khách quan và không thể có gì thay thế được. Trong đó quan hệ vơ chồng là quan hệ xuất phát hội tụ đầy đủ những yếu tố về mặt sinh học – xã hội, là quan hệ nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của gia đình, quan hệ mang tính quyết định cho các quan hệ khác ở trong gia đình.

Tình yêu là cơ sở không thể thiếu được cho quan hệ hôn nhân và đồng thời nó cũng là chuẩn mực cao nhất cho hạnh phúc trong gia đình. Tình yêu là nguồn gốc, điểm xuất phát của hôn nhân đồng thời nó củng cố và hoàn thiện quan hệ hôn nhân, là giá trị mà ở đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi thành viên trong một gia đình và các kiểu gia đình khác nhau trong lịch sử. Tuy rằng ở mỗi thời kỳ quan niệm về tình yêu, trách nhiệm, hạnh phúc có những giá trị cụ thể khác nhau. Nhưng xét cho cùng nó đều xuất phát từ một trục cốt lõi là quan hệ vợ chồng, bổn phận và trách nhiệm của họ đối với nhau và đối với con cái và ngược lại v.v…

Gia đình, các kiểu gia đình luôn gắn liền với những điều kiện lịch sử nhất định, các phương thức sản xuất vật chất nhất định. Về vấn đề này Ănghen đã từng chỉ ra rằng: “ Ở thời đại mông muội, có chế độ quần hôn; ở thời đại dã man, có chế độ hôn nhân đối ngẫu; ở thời đại văn minh, có chế độ một vợ một chồng”. Như vậy về cơ bản trong tiến trình phát triển của xã hội có ba hình thức hôn nhân chính và tương ứng với nó là ba giai đoạn phát triển của nhân loại.

Gia đình là một tế bào của xã hội, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Sự tồn tại vận động và phát triển của xã hội nhờ hai loại tái sản xuất: tái sản xuất ra của cải vật chất để nuôi sống con người và tái sản xuất ra chính bản thân con người để duy trì nòi giống. Gia đình với chức năng là tái sản xuất ra hình thức đã nêu ở trên.

5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Giai cấp là gì? Định nghĩa giai cấp của Lênin
  2. Nguồn gốc và Kết cấu Giai cấp
  3. Đấu tranh giai cấp là gì? Tính tất yếu
  4. Mối quan hệ giai cấp – dân tộc và giai cấp – nhân loại
Giai cấp - LêninTriết học Mác Lênin

Từ khóa » Ví Dụ Thị Tộc