Các Hình Thức đối đáp Trong Ca Dao Tình Yêu Nam Nữ - Khoa Văn Học

Ra đời trong hoàn cảnh đối đáp giao duyên nam nữ trong môi trường lao động hay khi vui chơi hội hè nên trong nhóm ca dao tình yêu nam nữ có phần lớn những cặp ca dao là lời đối thoại của người nam và người nữ, gồm có hai vế đi song hành với nhau. Hình thức thông thường nhất là câu 6-8 đối của giới này và câu 6-8 đáp của giới kia. Có khi đó là lời trao đổi chuyện trò của hai bên nam nữ. Có khi đó là câu hỏi của bên này và câu đáp của bên kia. Cũng có khi bên này ra câu đố cho bên kia trả lời... Đa phần những câu ca dao này thường có nội dung dí dỏm, hài hước. Hỏi thì hỏi cắt cớ, bắt bí, trả lời đôi khi cũng bằng một câu hỏi ngược lại theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Không hiếm những câu đối thể hiện thái độ chua ngoa, đanh đá của cô gái và những câu đáp đầy “hậm hực”của chàng trai. Cũng không thiếu những câu ca dao có nội dung thách đố thật khó và đáp lại những câu hỏi có tính thách đố đó là những câu đố ngược lại hoặc những câu trả lời bừa đi cho qua chuyện. Nhìn chung dù ở hình thức đối thoại như thế nào đi nữa thì nội dung của những câu ca dao này cũng ý nhị, dễ thương, khiến người nghe có thể mĩm cười nhẹ nhàng hay cười to sảng khoái, có khi còn khoái chí cười muốn lộn gan lộn ruột. Cũng có vài câu dùng hình ảnh tính dục để thể hiện nội dung lời đối đáp nhưng không quá tục, dùng hình ảnh tục nhưng vẫn thanh do sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ.. có khả năng gây cười hiệu quả khi thể hiện được thái độ… đáo để của các nhân vật trữ tình trong những câu ca dao đó.

Mặc dù phân loại như thế này cũng chưa thật chính xác, rõ ràng nhưng tôi cũng xin chia các hình thức đối đáp trong ca dao tình yêu nam nữ ra thành 3 loại dựa theo nội dung thể hiện của chúng.

-Những cặp ca dao có hình thức đố – đáp (thường có từ 2 đến 4 câu lục bát là câu đố và từ 2 đến 4 câu lục bát còn lại là dùng để trả lời).

-Những cặp ca dao có hình thức hỏi – đáp (dạng này thường có hai cặp lục bát của hai giới, một cặp dùng để hỏi, một cặp để trả lời).

-Những cặp ca dao có hình thức đối đáp (theo kiểu “ăn miếng trả miếng”).

Dựa theo tiêu chí phân loại của mình, chúng tôi sẽ phân tích nội dung, ý nghĩa của một vài câu ca dao đối đáp nam nữ ở mỗi dạng và đưa ra vài nhận xét ban đầu về thi pháp của nhóm ca dao này.

  1. Những cặp ca dao có nội dung đố – đáp

Với những cặp ca dao có nội dung thuộc dạng này thì câu đố thường là của cô gái nêu ra để thách đố chàng trai và bao giờ cũng kèm theo một điều kiện là nếu chàng trai trả lời được thì cô sẽ trao cho một phần thưởng gì đó. Có thể là 5 quan tiền, có thể là cho nắm tay, có thể là xin theo về làm vợ hoặc hơn nữa là được cô cho .. nằm kề một đêm.

Câu đố của cô gái thường bắt đầu vòng vo theo kiểu: nghe anh hay chữ, tiếng đồn anh chữ nghĩa, nghe đồn anh đọc sách thánh hiền…

* Nghe anh hay chữ em hỏi thử đôi lời

Đố anh có biết con mèo mấy lông?

* Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi lời

Chị dâu đi cầu té giếng anh nắm chỗ nào kéo lên?

* Tiếng anh chữ nghĩa đã già

Em đố anh phụ mẫu cất nhà cây cột đực nằm đâu?

Trước câu hỏi của cô gái, đa số chàng trai trong những cặp ca dao thuộc dạng này thường tỏ thái độ trả lời một cách miễn cưỡng, kiểu như : nói phức cho rồi, nói phắt cho xong hay đã hỏi thì phải trả lời..

* Nghe em hỏi tức anh nói phức cho rồi

Con mèo 18 lông đuôi

12 lông đít, 13 lông đầu

* Thấy em hỏi gắt anh nói phắt cho rồi

Nam theo nam, nữ theo nữ

Anh đứng làm người quân tử đâu dám lại gần chị dâu

Anh lấy thang lần xuống bắt cầu cho chị lên

* Em hỏi anh đây phải trả lời

Cây cột đực nằm trên cây cột cái

Điệu hát huê tình ai hỏi trái như em?

Ở dạng này cũng có một nhóm các câu đố được cô gái đưa ra một cách trực tiếp, gặp là đố liền chứ không còn vòng vo. Và câu trả lời của chàng trai cũng được đáp lại trực tiếp, không rào đón trước sau, cũng không tỏ thái độ ỡm ờ miễn cưỡng như trên nữa:

* Đố anh chi sắc hơn dao

Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời?

-Em ơi mắt sắc hơn dao

Bụng sâu hơn biển, trán cao hơn trời

* Đố anh trăm thứ dầu dầu chi không ai thắp?

Trăm thứ bắp, bắp gì bán chẳng ai mua?

- Trăm thứ dầu, dầu thoa không ai thắp

Trăm thứ bắp, bắp chuối bán chẳng ai mua…

Và cuối mỗi câu đố ở dạng này là phần thưởng mà cô gái đưa ra để.. dụ chàng trai trả lời câu thách đố của mình, kiểu như:

* Trai nam nhi mà đối đặng gái má hồng xin theo

* Đố anh đối đặng em cho ngồi gần

* Anh mà đối đặng em cho dòm kiểng tân

* Anh mà đối đặng em cho nằm một đêm

* Đố trai nam nhơn đối đặng

Gái nữ nhi mình cho nhập phòng một đêm.

2.Những cặp ca dao có nội dung hỏi – đáp

Dĩ nhiên những cặp ca dao mà chúng tôi phân tích ở trên cũng có nội dung hỏi – đáp, tức là một câu để hỏi, còn một câu để trả lời. Nhưng những câu hỏi đó nhằm mục đích thách đố (hiểu như là một câu đố), còn những câu mà chúng tôi sắp sửa phân tích ở đây là những câu hỏi với mục đích làm quen. Hoặc có khi người đặt câu hỏi cứ hỏi bâng quơ chẳng rõ hỏi ai để người nghe nếu tinh ý nhận ra câu hỏi đó dành cho mình thì sẽ trả lời. Hoặc khi đặt ra câu hỏi làm quen, người hỏi cũng ít khi xác định đối tượng mà mình hỏi một cách cụ thể, chỉ hỏi chung chung vậy thôi. Để đối tượng nếu có đồng ý cho làm quen thì trả lời, bằng không nếu đối tượng im lặng từ chối thì người hỏi cũng không bị... quê do đã không hỏi trực tiếp.

Dưới đây là một số câu hỏi của chàng trai với mục đích làm quen:

* Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

* Bấy lâu còn lạ chưa quen

Hỏi hồ đã có hoa sen chưa hồ?

* Ngó lên mây bạc trời hồng

Gặp em hỏi thiệt có chồng hay chưa?

* Buông lời hỏi thiệt cô Mười

Cô thời còn nhỏ kiếm người hay không?

Đôi khi cũng là câu hỏi chủ động làm quen của cô gái:

* Gặp anh trước hỏi sau chào

Anh đây đã có nơi nào hay chưa?

Đôi khi câu hỏi cũng là lời căn vặn, trách móc của nhân vật chàng trai hay cô gái với đối tượng mà mình yêu thương. Trách người ta không hiểu được lòng mình, trách người ta phụ bạc, trách người ta tham phú phụ bần… Như chàng trai trong câu ca dao dưới đây, thay vì trách người mình yêu sao đi lấy chồng bỏ mình cô độc lại giả vờ quan tâm đến người mẹ già của cô:

* Thuyền tình trở lái về đông

Em đi theo chồng bỏ mẹ cho ai?

Và nhân vật cô gái, có lẽ đã quá hiểu những ẩn ý sâu sa trong câu hỏi của chàng trai nên đã trả lời hết sức tế nhị và khôn khéo khiến chàng trai có muốn trách thêm cũng không trách được:

* Mẹ già đã có em trai

Em là phận gái đâu dám sai chữ tòng

Xuất giá tòng phu, có lẽ khi đưa ra cái nghĩa vụ tam tòng của mình để giải thích cho chàng trai hiểu, cô gái cũng biết rằng anh sẽ thông cảm cho cô và không còn lý do gì để căn vặn cô nữa.

Cũng cùng một mục đích trách hờn như thế, chàg trai dưới đây đã buông lời gặng hỏi khi người anh yêu “vọng ngoại” xuất giá theo chồng:

* Trai làng ở goá còn đông

Cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư?

Và cô gái cũng hết sức thẳn thắn giải thích cho chàng trai làng hiểu được cái lý do vì sao lại lấy chồng ngụ cư của mình:

* Ngụ cư có thóc cho vay

Có lụa bán đầy, em lấy ngụ cư.

Thẳn thắn, chân thành và cũng hơi… tàn nhẫn khi cô gái giải thích rằng mình lấy chồng ngụ cư vì thóc, vì lụa… nào có khác chi chê anh trai làng nghèo rớt mồng tơi nên cô không thèm lấy?

Cũng có không ít câu hỏi được cô gái đặt ra trong một hoàn cảnh trớ trêu nào đó để thử lòng chàng trai thương mình đến mức nào.

* Đường đi chân trợt bờ sình

Trợt ba, bốn cái chẳng thấy mình đỡ tui?

* Lỡ chân em té xuống sình

Áo quần lấm hết anh hun chỗ nào?

Và chàng trai cũng vậy, đưa ra hoàn cảnh trớ trêu để thử lòng người con gái mà mình yêu thương:

* Chồng em với em là tình

Anh đây là nghĩa hỏi mình thương ai?

Và cũng chẳng có ai có cái kiểu trả lời nước đôi khôn như cô gái

* Một mình em đứng giữa cả hai

Bên tình bên nghĩa em thương hết chớ bỏ ai, bớ mình?

3.Những cặp ca dao có nội dung đối đáp (theo kiểu “ăn miếng trả miếng”):

Có thể khẳng định đây là mảng hay nhất, thú vị nhất trong nhóm ca dao đối đáp tình yêu nam nữ, thế nên chúng tôi sẽ dành cho phần này nhiều trang phân tích nhất. Những câu nói qua nói lại, vặn qua vặn lại, đá qua đá lại… của các cặp nhân vật trữ tình trong mảng ca dao có nội dung này dường như đã thể hiện được đầy đủ tính cách chất phát, nghịch ngợm, dí dỏm của người bình dân. Những câu đối đáp sắc sảo là kết tinh của sự thông minh, đáo để, bộc trực, thẳn thắn của người dân lao động. Sự đối đáp “lượm liền” của các đôi trai gái, sự bắt bí của người này đặt ra cho người kia, sự đáp trả nhạy bén của người bị bắt bí đã thể hiện hết được những nét đẹp chân chất, thiệt tình trong tâm hồn và trí tuệ của người bình dân lớn lên từ đồng ruộng, từ hạt lúa củ khoai ngấm mặn vị mồ hôi lao động.

Phần lớn những cặp ca dao đối đáp theo kiểu này thường có nội dung đối đáp sắc sảo và đáo để không ai chịu ai, theo kiểu “ăn miếng trả miếng” nhưng cũng không quá ăn thua. Có không ít những câu đối qua đáp lại có dùng hình ảnh tục nhưng không quá sỗ sàng mà hóm hỉnh, tế nhị, hiệu quả gây cười cao, tạo được nét dí dỏm, ý nhị và thuần phác trong ca dao bằng thứ ngôn ngữ bình dân, mộc mạc. Mục đích cuối cùng của những cặp ca dao đối đáp kiểu này cũng là để cả hai bên cùng cười xòa, khâm phục sự tinh ý, nhạy bén, thông minh của nhau và để hiểu nhau hơn. Và có lẽ ông bà ta ngày xưa, qua những câu đối thoại “bốp chát” như thế này mà thấy phục tài nhau, cảm mến nhau và cuối cùng là thành chồng thành vợ.

Nhẹ nhàng nhất là câu chọc quê của cô gái dành cho chàng trai mà cô biết là đang có nhiều tình ý với mình. Khi thấy chàng trai hăm hở đi đến tìm mình với ý định tán tỉnh, cô gái đã buông lời trêu chọc dễ thương:

* Ao vắt vai đi đâu hăm hở?

Em có chồng rồi mắc cỡ lêu lêu…

Chàng trai cũng không phải tay vừa, chắc hẳn ban đầu cũng hơi sốc một chút, xấu hổ một chút nhưng ngay sau đó lấy lại bình tĩnh, dành lại thế chủ động, trêu chọc lại đối tượng:

* Áo vắt vai anh đi thăm ruộng

Anh cũng có vợ rồi, chẳng chuộng bậu đâu.

Còn như chàng trai dưới đây, tự nhiên cắt cớ hỏi cô gái mà mình thầm thương trộm nhớ một câu nghe như là lời trách móc. Nếu mới gặp nhau lần đầu thì chắc là để làm quen, còn nếu đã quen nhau lâu rồi thì chắc là để cho người ta hiểu được lòng mình từ lâu đã thương người ta nhiều lắm lắm:

* Tóc em dài sao em không bới

Để chi dài bối rối dạ anh?

Để rồi chàng được nghe một câu trả lời mà cũng là câu hỏi ngược lại hết sức phũ phàng:

Tóc em dài em cái hoa thiên lý

Anh ngó làm gì cho bối rối dạ anh?

Cũng có chàng trai khi thấy người mình yêu đi lấy chồng thì “hậm hực” đòi lại cho bằng được những kỷ vật mà mình đã trao tặng cho người ta:

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím

Em có chồng rồi trả yếm cho anh

Nào ngờ bị cô gái trả lời lại bằng một câu chanh chua hết biết:

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh

Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi?

Và cũng có không ít chàng trai vì yêu không được, lấy không được nên tự an ủi mình theo kiểu “xá gì một nải chuối xanh”. Không những tự an ủi mình mà còn quay sang chê ỏng, chê eo người con gái mà mình muốn lấy làm vợ nhưng không được:

* Cau già quá lứa bán buôn

Em già quá lứa có buồn không em?

* Cô kia nước lọ cơm nêu

Chồng con chẳng có nằm liều nuôi thân.

Và những cô gái trong hoàn cảnh này thì luôn luôn dành thế chủ động, không những không bị quê mà còn quay sang chọc tức lại chàng trai:

* Cau già quá lứa bổ phơi

Em già quá lứa có nơi đợi chờ

* Chồng con là cái nợ nần

Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm

Còn những chàng trai dưới đây lại sử dụng chiêu thức “khổ nhục kế” kể lể ơn nghĩa để cô gái động lòng hoặc biết ơn mà thương lại mình một chút. Có anh thì nguyện làm “hòn vọng thê” dẫu cho người mình yêu có đi đâu biệt tăm mù mịt:

* Sông sâu cá lội biệt tăm

Chín tháng vẫn đợi, mười năm vẫn chờ

Nào ngờ gặp phải cô nàng đanh đá quay lại hỏi cắt cớ:

* Sông sâu cá lội vô bờ

Lấy ai anh cứ lấy chứ chờ cái nỗi chi?

Anh chàng tiếp theo đây thì dùng chiêu kể lể ơn nghĩa, mà cái ơn nghĩa anh ta đưa ra thì vô lý hết sức, ngay cả đứa trẻ con cũng không thể tin được huống hồ chi là một cô gái đã trở thành thiếu nữ:

* Thương em từ thưở trong nôi

Em nằm em khóc anh ngồi anh đưa

Nghe xong, cô gái mới “chỉnh” lại liền:

* Anh ơi đừng nói thiếu thừa

Em khóc thì có anh đưa hồi nào?

Tuy nhiên, nhìn chung thì những cô gái trong các cặp ca dao vừa đưa ra ở trên vẫn thuộc loại hiền, chỉ “trả miếng” sơ sơ đủ cho người bắt bí mình chạnh lòng quê quê một chút mà thôi. Phải đợi đến những câu đáp trả của các cô gái dưới đây mới có thể xếp vào hàng… cao thủ chua ngoa. Mà cũng chẳng thể trách được tại sao cô nàng lại đanh đá đến như vậy, vì những câu hỏi của các anh chàng dưới đây cũng hết sức cắt cớ, khó chịu, mới nghe đã muốn… nổi nóng rồi.

Người ta đang làm gì thì mặc người ta, anh chàng dưới đây vô duyên vô cớ xen vào làm chi với cái giọng kẻ cả để rồi bị nghe chửi xéo một cách đau điếng:

* Em về cất gánh cứt trâu

Lại đây đậu vốn buôn trầu với anh.

- Buôn trầu lỗ lắm anh ơi

Để em lượm cứt lần hồi nuôi anh.

Chàng trai dưới đây lại càng vô quyên tệ, người ta khéo hay vụng thì mặc kệ người ta, tự nhiên nhảy vô nhận đại là vợ mình để bóng gió kèm theo câu chê trách cô nàng không khéo vá may:

* Áo vá vai vợ ai không biết

Áo vá quàng chí quyết vợ anh

Tất nhiên là cô gái hết sức tức mình nên mới buông lời nói.. hỗn:

* Áo vá vai vợ ông cai, ông đội

Áo vá quàng là bà nội của anh.

Nghe có thấy sợ chưa?

Thêm một anh chàng dưới đây cũng thuộc loại “trời thần đất quỷ”, làm như vô tình hỏi một câu hết sức vô tội. Nhưng tất nhiên, cô gái thừa thông minh để hiểu được nghĩa đen trong câu hỏi bóng gió đó, và cuối cùng là một câu trả lời bốp chát:

* Thuyền em bán mấy anh mua cho

Đem về làm đò cho khách vãng lai?

- Thuyền em để giá ba ngàn

Không tin anh đội về làng anh xem.

Những cặp ca dao mà chúng tôi đưa ra trên đây nhằm để khắc họa sự thông minh, nhạy bén, đáo để và chua ngoa của các cô gái. Nhưng nội dung của những cặp ca dao thuộc dạng này không chỉ có thế. Cũng phong phú và dồi dào không kém là những câu đáp trả tinh vi của các chàng trai. Họ là những anh chàng không phải tay vừa, cũng chua ngoa, đanh đá không thua gì phái nữ. Thử coi các chàng trai dưới đây đã đáp trả lại như thế nào trước những lời thách đố đầy châm chọc của các cô nàng.

Một cô gái nhìn thấy chàng trai đang theo đuổi mình có vóc dáng khá khiêm tốn nên tỏ ý coi thường, giả bộ buông lời than thở về sự khó xử của mình trong khi xưng hô nhưng cũng là để cho chàng trai nghe xong sẽ thấy xấu hổ mà biết thân biết phận không dám theo đuổi mình nữa:

* Nước lên xăm xắp chân đăng

Kêu anh cũng dở mà kêu thằng khó kêu

Ngược lại, chàng trai không những không thấy xấu hổ mà còn đưa ra một minh chứng rành rành hết sức thuyết phục để đề cao cái vóc dáng “bé hạt tiêu” của mình:

* Em ơi đừng thấy anh nhỏ mà khinh

Chứ con thằn lằn kia bao lớn nó bu cột đình sát đeo?

Còn chàng trai tiếp theo đây thì bằng sự thông minh, đáo để của mình đã cho nhân vật cô gái một bài học để đời về cái tính tự cao tự đại. Tự phụ về nhan sắc của mình, cô gái tự nâng giá mình lên cao ngất:

* Anh về bán ruộng cây đa

Bán cặp trâu già chẳng đặng cưới em.

Khi bị cô gái cho rằng mình có về bán hết trâu bò, ruộng vườn cũng không đủ cưới được mình thì chàng trai đã hạ giá cô nàng thấp xuống một cách thê thảm:

* Anh về bán cái nồi rang

Bán đôi đũa bếp cưới nàng còn dư.

Thấy chưa, đâu phải tay vừa?

Nhưng những cặp ca dao đối đáp kiểu đó vẫn chưa ăn thua gì so với những câu sắp sửa phân tích dưới đây. Toàn là những câu có lời lẽ đụng chạm, không chỉ đến bản thân người trong cuộc mà còn đụng đến cả… họ hàng, mồ mả hai bên nữa.

Nhẹ nhàng mà thâm sâu và cũng rất… ghê gớm là câu hỏi đầy thách thức của cô gái:

* Hai bên cỏ mọc rậm rì

Ở giữa nước chảy chứ anh đi chỗ nào?

Đáp lại cái “thâm” của cô gái là cái “thúy’ của chàng trai, bộc trực, thẳn thắn nhưng không sỗ sàng và vẫn rất ý nhị:

* May chi cái gối anh quỳ

Cái tay anh khoát, nó đi cái ào.

Dường như những cặp ca dao có nội dung đối đáp ở cường độ mạnh như thế này đều có đưa ra những hình ảnh có liên quan đến tính dục hay những hành động tính giao. Tuy nhiên được thể hiện một cách khéo léo, không trực tiếp nói đến những điều mình muốn nói mà vẫn khiến đối phương nhận ra. Phải nói là trong những cặp ca dao đối đáp thuộc dạng này, các đôi nam nữ đã thẳng tay “bốp chát” nhau tơi tả:

Cô gái dưới đây đã hỏi đối tượng mà mình muốn châm chọc một câu tinh quái:

* Đi đâu lí lắc quạt dắt sau lưng

Hay làng đặt ông thủ quản giữ chòm rừng cho em?

Để coi chàng trai đã đánh trả lại câu hỏi móc ruột gan người ta của cô nàng như thế nào:

* Ớ em ơi, chòm rừng em rộng anh chẳng dám dò

Thời tiên nhơn em buổi trước có đụng cái mả mồ chi không?

Lôi đến cả tiên nhơn, mả mồ nhau ra để bốp chát thì …

Nhưng vẫn còn chưa đủ “ăn miếng trả miếng” bằng cái kiểu đối đáp nhau ở dưới đây. Để bắt bí chàng trai đang có ý định tranh thủ lúc đêm khuya mà ve vãn mình, cô giá mới buông lời hỏi bâng quơ:

* Nửa đêm gà gáy o o

Quân tử không ngủ mà bò đi đâu?

Anh chàng dường như đã có sự chuẩn bị nên đã đáp lại một cách trơn tru:

* Nửa đêm gà gáy o o

Ta ngủ không được, ta bò đi chơi

Nhưng cô nàng đâu thể để cho chàng ta thoát nạn một cách dễ dàng như thế nên mới tiếp tục làm tình làm tội:

* Sáng trăng quân tử đi chơi

Em… đái một chỗ đái, quân tử bơi quân tử về

Xui cho cô nàng, gặp phải một anh chàng “hàng cá hàng tôm” xỏ lại một câu nhức nhối:

* Em đái chi mà đái dại đái khờ?

Cửa nhà em trôi trước, cái bàn thờ trôi sau

Trả miếng nhau tới mức đó là cùng.

Tất nhiên khi đọc tới những câu ca dao có nội dung đối đáp như thế này, người đọc có thể cũng hơi nhăn mày khó chịu nhưng cũng phải gật gù khen cho cái thâm thúy đáo để của cha ông xưa. Chất phát là thế, hiền lành là thế nhưng khi cần thì cũng đanh đá chua ngoa không kém. Những câu đối đáp có nội dung như thế này đã gây được những tràng cười sảng khoái cho những thế hệ hậu sinh và kèm theo đó là lòng khâm phục của chúng ta đối với tài năng ứng đối nhạy bén, sắc sảo, thâm sâu của cha ông ngày trước.

Chỉ riêng mảng ca dao tình yêu nam nữ có hình thức đối đáp như thế này thôi cũng đủ để cho thấy sự dồi dào về số lượng và sự phong phú về hình thức diễn đạt trong kho tàng ca dao Việt Nam. Dù ở bất kỳ hình thức đối đáp như thế nào và chuyển tải nội dung như thế nào thì những cặp ca dao thuộc dạng này đã thể hiện được đầy đủ tính cách đặc trưng của người dân lao động, những nét đẹp trong tâm hồn và trí tuệ của họ. Khiến ta thêm yêu thêm quý những viên ngọc ca dao lung linh, thêm tự hào về vốn liếng văn hóa tri thức của dân tộc đã được chiết lọc, kết tinh trong từng câu ca dao giản dị.

Nguồn: Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1/2015

fShare Tweet Bạn có thể quan tâm:
  • Tưởng niệm Trịnh Công Sơn - 2011-04-01 - 07:00:00
  • Lê Đình Kỵ trong lý luận - phê bình văn học - 2008-09-13 - 11:45:20
  • Sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ đạt giải nhất ... - 2008-09-17 - 10:46:00
  • Giới thiệu Khoa - 2012-04-07 - 07:00:00
  • Bộ môn Văn học Việt Nam - 2008-12-28 - 02:54:30
  • Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học - 2008-12-28 - 02:54:57
  • Bộ môn Văn học nước ngoài và Văn học so sánh - 2008-12-28 - 02:55:44
  • Bộ môn Nghệ thuật học - 2008-12-28 - 02:56:18
  • Bộ môn Hán Nôm - 2008-12-28 - 02:56:32
  • Nhẫn - 2008-09-17 - 10:53:15
  • Về một người bạn đã đi xa - 2009-01-16 - 08:42:39

Từ khóa » đối đáp Lượm Liền