CÁC KHOẢN VAY VÀ NỢ – BẠN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ
Có thể bạn quan tâm
Nợ là gì và nó xuất hiện như thế nào?
Khoản nợ là một cam kết chưa được trả, thường bằng tiền mặt. Khoản nợ xuất hiện khi:
- bạn không trả cho một dịch vụ đã được thỏa thuận trước (tiền vận chuyển, tiền thuê nhà, tiền ga, tiền điện, tiền điện thoại, tiền internet)
- bạn không trả các khoản bắt buộc theo luật quy định đầy đủ và kịp thời (tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế)
- bạn đi vay tiền mặt
- bạn rút tiền quá mức có trên thẻ tín dụng (bạn rơi vào tình huống bị âm tiền trên thẻ) và bạn không thanh toán khoản chênh lệch này theo như đã thỏa thuận trong hợp đồng về thẻ tín dụng
- bạn đưa ra sự bảo lãnh cho ngân hàng về khoản vay của người khác, tức là bạn là người bảo lãnh; khi người đi vay kia không trả tiền, ngân hàng sẽ đòi tiền bạn.
► Bạn có thể có vấn đề ngay cả khi khoản nợ do người khác gây ra :
- những người họ hàng, đang ở hoặc đã từng ở nhà bạn – nhân viên tịch biên có thể đến nhà bạn
- các cam kết của chồng/vợ – các khoản nợ của chồng/vợ thuộc vào nhóm có tên tài sản chung của vợ chồng (společné jmění manželů) và bạn phải chịu trách nhiệm về nó, ngay cả khi vợ chồng bạn không sống chung dưới một mái nhà, và ngay cả khi món nợ xuất phát từ việc kinh doanh.
Bạn có thể làm được gì ngay lập tức để chống phát sinh nợ nần?
- Việc trả chậm các khoản tiền cũng làm phát sinh nợ nần, ngay cả khi bạn chẳng vay mượn gì. Bất cứ công ty nào cũng ra các điều kiện của mình cho trường hợp trả tiền chậm. Số phần trăm được tính thêm vào thường được gọi là tiền phạt - penále.
- Bạn hãy trả các loại bảo hiểm bắt buộc – xã hội, y tế và thuế (tiền ứng trước trả thuế) kịp thời và đầy đủ.
- Bạn hãy trả đủ và đều đặn tất cả các dịch vụ liên quan đến việc sử dụng căn hộ (tiền thuê nhà, tiền ga, điện, điện thoại, internet...). Nếu người khác trong gia đình chịu trách nhiệm về việc trả tiền này, thỉnh thoảng bạn hãy kiểm tra xem đã trả hay chưa.
- Nếu bạn muốn chấm dứt một hợp đồng nào đó buộc bạn có nghĩa vụ trả tiền, bạn hãy gửi đề nghị chấm dứt hợp đồng kịp thời và bạn hãy tự xác định xem mình còn phải trả cho dịch vụ đó bao lâu nữa (thời hạn hủy bỏ hợp đồng).
- Khi chuyển chỗ ở, tự bạn trực tiếp đi cắt các hợp đồng cung cấp dịch vụ mang tên bạn tại các công ty tương ứng (công ty khí đốt, sở điện).
- Bạn hãy thông báo sự thay đổi địa chỉ cho các công sở, những chỗ bạn có đặt các dịch vụ, bạn hãy bảo đảm sự phân phát thư từ không gặp vấn đề.
- Trong trường hợp bạn không trả tiền theo như hợp đồng đã ký kết cho các dịch vụ cung ứng, nhà cung cấp dịch vụ có thể cắt dịch vụ này. /Chú ý! Hợp đồng cung cấp dịch vụ vẫn có thể còn giá trị và khoản trả tiền hàng tháng vẫn được tính cộng vào./
- Người chồng/vợ đang kinh doanh có thể kịp thời đệ đơn ra tòa đề nghị – thu hẹp phạm vi tài sản chung (zúžení rozsahu společného jmění).
- Các bạn có chung hợp đồng vay tiền mua bất động sản (hypotéka), khi chia tay hoặc khi trước khi ly hôn hãy đi thỏa thuận lại cái được gọi là “làm lại hợp đồng vay” hoặc tái đầu tư (refinancování). Ngân hàng của bạn sẽ cho lời khuyên. Nếu bạn không làm điều này, bạn vẫn cứ phải trả khoản vay (mua nhà) dù bạn đã chuyển đi khỏi đó rồi!
- Bạn hãy luôn luôn mua vé tàu/xe hoặc vé tháng. Nếu xảy ra trường hợp bạn đi “trốn vé” thì bạn hãy trả tiền nợ cho công ty giao thông một cách nhanh nhất. Đừng để khoản tiền nhỏ bị tăng thêm bởi các lệ phí lớn như một sự trừng phạt vì bạn trả chậm!
Vay tiền mặt
Bạn rất cần phải vay tiền mặt?
- Bạn hãy đề nghị ai đó trong số những người họ hàng hay bạn bè cho vay không lấy lãi hoặc với lãi suất thấp.
- Nếu bạn không có điều kiện như vậy, bạn hãy vay ở ngân hàng có tiếng. Việc vay tiền ở ngân hàng an toàn hơn.
- Bạn đừng vay tiền ở những tổ chức tài chính phi ngân hàng, nơi sẵn sàng cho bạn vay. Các khoản vay được họ giải quyết rất nhanh, không cần có người bảo lãnh và không cần giấy chứng nhận thu nhập. Các khoản vay này mạo hiểm hơn, có lãi suất, lệ phí cao hơn và các điều kiện xấu hơn khi bạn có vấn đề với việc thanh toán.
- Bạn hãy tránh xa những lời chào mời trên mạng Internet, ngoài đường, trên các quảng cáo đăng ở các báo, trên trang teletext, đừng trả lời những lời chào mời qua điện thoại và từ những người tự liên lạc với bạn.
!! Trong trường hợp bạn vay tiền mặt, cần phải trả nợ đúng theo hợp đồng về vay hoặc tín dụng. Nhiệm vụ hàng đầu của bạn là đảm bảo nguồn thu nhập đủ và đều đặn. Bao giờ cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng để giải quyết khi có sự thâm hụt về thu nhập hoặc khi có các sự kiện đặc biệt xảy ra.
Tín dụng tiêu dùng và mua hàng trả góp
- Có nhiều loại tín dụng tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng (spotřebitelský úvěr) được bảo vệ pháp lý chặt chẽ hơn, đó là một số loại tín dụng từ 5 000 koruna trở lên.
- Khi mua hàng hóa hay dịch vụ họ có thể mời bạn vay tiền với khả năng hoãn bắt đầu trả nợ một thời gian nào đó (thường là vài tuần hoặc vài tháng).
- Nếu trong quảng cáo nói rằng cho vay với lãi suất „từ 7%“, có khả năng là bạn sẽ phải trả lãi cao hơn thế.
- Các điều kiện trong hợp đồng phải đơn giản và dễ hiểu, nếu không bạn đừng chấp nhận hợp đồng.
- Nếu bạn không có khả năng trả tiền nhanh với các khoản trả tiền cao hơn, lãi suất từ việc trả chậm sẽ tăng dần dần từng nấc – theo thời gian càng lâu sẽ càng cao.
! Chiếu theo pháp luật, bạn có quyền chối bỏ những bản hợp đồng như vậy trong vòng 14 ngày (kể từ ngày ký) mà không cần đưa ra lý do. Bạn có thể hủy bỏ tín dụng tiêu dùng với hiệu lực tức thì và như vậy cũng chấm dứt hợp đồng luôn.
Tín dụng tiêu dùng có thể ở dưới dạng khác :
1. Thẻ tín dụng không do yêu cầu
Có thể xảy ra trường hợp là bạn nhận được (qua đường bưu điện, được phát nhân ngày khai trương cửa hàng mới) thẻ tín dụng dù mình không yêu cầu với tín dụng đã được duyệt trước; sau đó bạn sẽ nhận được cuộc điện thoại khuyến khích sử dụng nó. Nếu bạn kích hoạt thẻ tín dụng này – chẳng hạn cho nó vào máy rút tiền tự động (bankomat) hoặc dùng nó để mua hàng hóa thì bằng cách này bạn đã ký hợp đồng vay mượn tiền mà không biết điều kiện của nó.
2. Các chiến dịch bán hàng hạ giá, các cuộc du ngoạn giới thiệu sản phẩm, bán hàng rong đến từng nhà
- Bạn có thể được mời đi dự các chiến dịch bán hàng – giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ với những lời hứa hẹn giá cả rất phải chăng cùng các phần thưởng (quà tặng không mất tiền, được ăn trưa).
- Trong các chiến dịch này bạn không có điều kiện để xem xét kỹ lưỡng hàng hóa và bạn ký hợp đồng mua ngay tại chỗ. Hợp đồng vay mượn tiền cũng thường là một phần của việc mua hàng tại chiến dịch. Bạn bị ép phải ra quyết định nhanh, đồng thời những hàng hóa được mời chào thường không có chất lượng như được giới thiệu và bị đội giá lên.
- Hình thức bán hàng rong đến tận nhà (người bán hàng liên hệ trực tiếp với bạn tại nhà hoặc ngoài đường với các chào mời về dịch vụ điện thoại, khí đốt, điện) cũng có nguy cơ tương tự. Bạn hãy kiểm tra xem đây có phải là sự lừa đảo không!
- Với hợp đồng vay mượn tiền này bạn cũng có thể từ bỏ nó và trả lại hàng hóa trong vòng 14 ngày mà không cần phải nêu lý do.
3. Các hình thức vận động “bằng giải thưởng”
Qua đường bưu điện hoặc điện thoại bạn được thông báo, rằng bạn đã trúng thưởng hoặc đã được lọt vào vòng quay để trúng thưởng gì đó trong cuộc thi, bạn không đăng ký tham dự. Để được nhận giải thưởng “thật” bạn còn phải làm một số việc nữa – gọi điện thoại, đến gặp gỡ, đặt mua hàng với những điều kiện bất lợi và đặc biệt là phải cung cấp các dữ liệu cá nhân của mình (kể cả số tài khoản và những thông tin khác, những thứ có thể bị lạm dụng!). Đây chính là trò lừa đảo – đừng phản ứng gì cả!
Hợp đồng vay tiền, tín dụng
Khi thỏa thuận vay tiền (půjčka) hoặc tín dụng (úvěra) (sau chỉ dùng từ vay tiền) sẽ có sự ký kết hợp đồng. Các điều kiện đưa ra, để bạn có thể vay được, phải dễ hiểu. Bạn cần phải biết: toàn bộ số tiền, lãi suất và phương pháp tính toán chúng, ngày mà người cho vay muốn số tiền trả góp kia phải nằm trong tài khoản của họ. Tiền vay bao gồm không chỉ riêng lãi suất mà còn cả các lệ phí khác nữa – lệ phí giải quyết cho vay, lệ phí quản lý tài khoản hàng tháng, lệ phí khi thay đổi hình thức trả tiền, tiền phạt vì trả chậm và các khoản phạt theo thỏa thuận khác nữa. Bạn hãy xác định tình huống sẽ thay đổi như thế nào, khi bạn không có khả năng chi trả, cũng như xác định hình thức phạt vì trả tiền trước thời hạn thế nào. Hợp đồng vay các khoản tiền lớn cũng bao gồm một trong số hình thức bảo lãnh:
- Hoặc là người cho vay yêu cầu, để còn có người khác nữa đứng ra bảo lãnh – đó chính là người bảo lãnh và trong trường hợp người đi vay không trả nợ thì người cho vay sẽ đòi tiền người bảo lãnh,
- hình thức bảo lãnh bằng bất động sản của bạn hoặc của người khác
- bảo lãnh bằng ngân phiếu (směnka) – một số công ty tài chính phi ngân hàng yêu cầu bạn ngoài việc ký hợp đồng vay ra, còn phải ký sẵn tấm ngân phiếu, trên đó chưa ghi số tiền cụ thể nào cũng như ngày tháng, và họ sẽ sử dụng nó chống lại bạn khi bạn không trả tiền. Chúng tôi khuyên chân thành là bạn đừng nên ký bảo lãnh dưới hình thức ngân phiếu này!
Trong trường hợp con nợ không tự nguyện thực hiện các cam kết trong hợp đồng và hai bên không thể thỏa thuận được với nhau, tòa án sẽ ra quyết định về quyền lợi và trách nhiệm. Trường hợp đặc biệt xảy ra nếu trong hợp đồng có phụ trương có tên gọi là - Phụ lục về tài phán (rozhodčí doložka). Nếu bạn đồng ý ký bản hợp đồng với phụ lục về tài phán có nghĩa là bạn đã đồng ý trước với việc tranh chấp trong trường hợp không trả tiền sẽ không do tòa án mà do trọng tài (rozhodce) giải quyết. Trọng tài do chủ nợ chỉ định. Trọng tài sẽ làm vì lợi ích của chủ nợ chứ không vì bạn và bạn không có quyền kháng nghị lại quyết định của trọng tài.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không trả nợ?
- Ngay cả khi bạn trả chậm mất vài ngày so với thỏa thuận, có thể dẫn đến sự chậm trễ trả tiền.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không trả nợ?
- Ngay cả khi bạn trả chậm mất vài ngày so với thỏa thuận, có thể dẫn đến sự chậm trễ trả tiền.
- Nếu bạn rơi vào tình trạng nợ nần, cần phải trả trước tiên những khoản nợ gây nguy cơ cho bạn nhiều nhất: tiền thuê nhà, tiền điện, các khoản nợ với các điều kiện ít có lợi nhất, tiền nuôi dưỡng. (Chú ý! Không trả tiền nuôi dưỡng là tội hình sự, bạn có thể bị đi tù.)
- Nếu như bạn không thể trả nợ theo như hợp đồng, bạn hãy thông báo sớm nhất cho công ty mà bạn đã ký kết hợp đồng với họ, Bạn có thể yêu cầu để giảm khoản trả góp, được gọi là lịch trả góp (splátkový kalendář). Phương án của bạn đưa ra phải khả thi. Có khả năng chủ nợ sẵn sàng đàm phán với bạn về thay đổi hình thức trả tiền, nhưng chủ nợ cũng có quyền không đáp ứng yêu cầu của bạn. Bạn đừng có nản và hãy yêu cầu lịch trả góp lần nữa. Đồng thời bạn cứ gửi đều đặn tối thiểu là những khoản tiền nhỏ để trả nợ. Trong trường hợp ra tòa, tòa án sẽ nhìn nhận sự cố gắng giải quyết vấn đề của bạn.
- Bạn có thể yêu cầu hoãn trả góp trong một thời gian ngắn, nhưng chủ nợ không nhất thiết phải đồng ý.
- Bao giờ cũng đàm phán với chủ nợ bằng hình thức văn bản! Nếu bạn chỉ thỏa thuận với chủ nợ qua điện thoại, sau một thời gian chủ nợ có thể phủ nhận sự thỏa thuận qua điện thoại. Bạn hãy giữ các kết quả bằng văn bản từ cuộc đàm phán trực tiếp, ví dụ như thỏa thuận về thay đổi khoản trả góp.
- Các khoản trả góp đầu tiên sẽ được dùng để trả lãi suất và các lệ phí, sau đó mới được dùng để trả số nợ gốc! Vì thế khi bạn trả các khoản tiền quá nhỏ thì các lệ phí vì trả chậm cũng đồng thời tăng lên và tổng số tiền nợ không giảm dần đi mà còn có thể tăng lên.
- Bạn đừng cho rằng các khoản trả tiền trả góp của bạn sẽ được công ty “tính toán lại” và đưa vào đúng các mục chi trả (Ví dụ: Mặc dù bạn trả thừa tiền dùng khí đốt trong một thời kỳ và bạn lại trả thiếu trong giai đoạn khác, công ty cung cấp khí đốt vẫn sẽ nhắc nhở bạn về số tiền còn thiếu. Hai lần phạt của công ty giao thông cũng nằm trên hai bản cáo trạng khác nhau.)
Đòi nợ
Nếu vì một lý do bất kỳ nào đó mà bạn không trả nợ và bạn cũng không thỏa thuận được với chủ nợ về các bước tiến hành tiếp theo, bạn có thể chờ đón một trong những điều sau:
- Có khi chủ nợ sẽ gửi cho bạn một hoặc nhiều lời nhắc nhở. Một số công ty không làm điều này và họ chuyển thẳng khoản nợ cho văn phòng luật sư hoặc công ty đòi nợ thuê. Văn phòng luật sư hoặc công ty đòi nợ thuê sẽ liên hệ với bạn và qua thư hoặc gặp gỡ trực tiếp họ cố gắng ép bạn trả nợ. Trong giai đoạn này vẫn có thể giải quyết tình huống bằng cách thỏa thuận, thế nhưng ngoài tiền nợ gốc và lãi suất của nó, bạn còn phải trả thêm tiền phạt và lệ phí dịch vụ của công ty.
- Chủ nợ cũng có thể bán khoản nợ cho công ty khác và phải thông báo điều này bằng văn bản cho bạn biết. Công ty mới sẽ đòi tiền bạn thay cho chủ nợ ban đầu.
- Chủ nợ đưa bản cáo trạng ra tòa, tòa án ra quyết định trong phiên xử rút gọn không có mặt của bạn – đưa ra cái gọi là Lệnh trả tiền (platební rozkaz). Lệnh trả tiền phải được gửi bảo đảm đến cho bạn – nếu như nó không gửi được đến tay bạn , tòa án sẽ ra quyết định hủy lệnh trả tiền kia đi và ra lệnh mở phiên xử mà sẽ gửi giấy triệu tập bạn đến. Bạn có thể đưa bản khiếu cáo (odpor) chống lại lệnh trả tiền (trong thời hạn ngắn – được ghi rõ trong lệnh) và tòa án cũng ra quyết định mở phiên xử. Kết quả sẽ là bản án (rozsudek), bạn được đưa bản kháng cáo (odvolání). /Chú ý! Bản án có hiệu lực ngay cả khi nó không đến tay bạn hoặc bạn từ chối nhận nó!/
- Kháng cáo chống lại lệnh trả tiền hoặc bản kháng chống lại án có cơ hội thắng nếu bạn chứng minh được rằng các khẳng định không đúng sự thật hoặc khoản nợ đã đang được bạn rồi. Đây chính là khả năng cuối cùng để đưa ra ý kiến bác bỏ trong trường hợp có người nào đó đòi tiền bạn không công bằng. Nếu bạn không có bằng chứng, thì ngay bản kháng án cũng giúp bạn kéo dài thời gian nhưng dù sao thì bạn cũng phải trả nợ, thêm vào đó là lệ phí tòa cũng tăng thêm vì xử đến lần thứ hai.
- Sau khi quyết định của tòa án có hiệu lực, chủ nợ sẽ trao vụ việc cho nhân viên tịch biên.
- Lệ phí tòa được tính trong bản án và nó tăng khoản nợ của bạn lên.
Tịch biên, thi hành án
- Chủ nợ tìm (hay chỉ định) nhân viên tịch biên và người này yêu cầu tòa trao quyền tiến hành tịch biên. Tòa ra lệnh tịch biên – tức là đưa ra quyết định cho phép tiến hành tịch biên. Tòa không chỉ thị phương pháp tiến hành – phương pháp tiến hành tịch biên do nhân viên tịch biên tự quyết định lấy.
- Quyết định của tòa được gửi bảo đảm đến cho chủ nợ và con nợ, tiếp theo là gửi cả đến ví dụ như sở nhà đất, danh sách chủ xe cơ giới, chủ lao động. Sau khi bạn nhận quyết định của tòa, bạn không được phép làm bất cứ điều gì với tài sản của mình (bán, cho tặng).
- Nhân viên tịch biên đưa ra lệnh tịch biên liên quan đến tài sản sẽ là đối tượng của việc tịch biên. Nó có thể là việc tịch thu số tiền nằm trên tài khoản, nhân viên tịch biên có thể bán tài sản của bạn (nhà, xe ô tô) hoặc những đồ vật mà họ thu được trong nhà của bạn. /Chú ý: những thứ này có thể từ nhà của người khác nếu như con nợ đã sống tại đó./
- Để trả tiền nợ, khi tịch biên nhân viên tịch biên làm một việc được gọi là phong tỏa tài khoản của bạn (obstavit účet) - họ thu hết tiền mà bạn có trên tài khoản và những khoản tiền sẽ vào tài khoản của bạn. Trong khuôn khổ tịch biên cũng có thể thu một phần tiền từ các khoản trợ cấp xã hội. Bạn chỉ được giữ lại cái gọi là khoản tối thiểu không thể thu giữ, bằng 2/3 số tiền qui định cho mức sống tối thiểu.
- Nhân viên tịch biên có thể là nhân viên tòa án hay tư nhân, các cơ quan tịch biên khác nhau ở phương cách đối xử với con người. Nhân viên tịch biên thi hành quyền lực nhà nước và vì thế việc ngăn cản họ thi hành công vụ là trái phép.
- Ngay cả trong giai đoạn đang bị tịch biên, chúng tôi khuyên các bạn nên đàm phán với nhân viên tịch biên và thỏa thuận với họ cách thức giải quyết, thuyết phục để họ không tiến hành theo cách thức đối với bạn xấu hơn cách khác.
- Nhân viên tịch biên tính giá lệ phí về việc tịch biên rất cao, và bạn cũng phải trả nó. Bạn sẽ nhận được văn bản mang tên Lệnh trả các chi phí cho việc tịch biên.
Bạn có thể bảo vệ chống lại việc tịch biên không?
- Bạn có thể làm văn bản kháng lại quyết định ra lệnh tịch biên của tòa án, thế nhưng nếu bạn không có bằng chứng gì đặc biệt (ví dụ như bạn đã trả hết khoản nợ rồi) thì chẳng có gì có thể ảnh hưởng được lệnh tịch biên nữa.
- Bạn có thể đưa ra cáo trạng để loại trừ những đồ vật ra khỏi quá trình xử lý tịch biên trong trường hợp nhân viên tịch biên thu giữ đồ trái phép. Có thể đưa ra đề nghị dừng thi hành tịch biên tại phòng tịch biên với lý do không hợp pháp (ví dụ: nếu nhân viên tịch biên rút tiền lương được gửi đều đặn đến tài khoản của bạn mặc dù chưa có lệnh cho phép lấy một phần tiền lương).
- Trong vòng ba ngày kể từ ngày nhận được văn bản, bạn có quyền đưa ra phản bác lệnh trả các chi phí cho việc tịch biên tại phòng tịch biên. Nếu nhân viên tịch biên không chấp nhận phản bác của bạn thì bạn hãy lập tức đề nghị lên tòa án. Tòa án sẽ ra quyết định về phản bác của bạn trong vòng 15 ngày.
- Chú ý! Các khoản nợ của các cơ quan nhà nước (Ví dụ: thuế, bảo hiểm xã hội và ốm đau) có thể bị đòi bằng cách tịch biên mà không cần có quyết định của tòa án.
- Nếu như bạn ký hợp đồng với phụ lục về tài phán hoặc cái gọi là phụ lục về tính khả thi (doložka vykonatelnosti), khoản nợ có thể bị đòi bằng cách tịch biên mà không cần có quyết định của tòa án.
Nợ nần ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào? Có khả năng để giải quyết hết nợ nần không?
- Bạn sẽ bị ghi tên vào danh sách những con nợ – có khả năng là bạn sẽ gặp khó khăn khi đi vay tiền trong tương lai.
- Nếu bạn có tín dụng ở ngân hàng và đồng thời có tài khoản ngân hàng và nếu như bạn trả tiền chậm: tiền gửi đến tài khoản vãng lai này có thể sẽ bị ngân hàng tự chuyển qua trả nợ mà không cần có quyết định của tòa án hay của nhân viên tịch biên.
- Trong trường hợp bạn bị “phong tỏa tài khoản” – tài khoản bị khóa chặt, tất cả tiền gửi đến tài khoản cho bạn sẽ bị tịch thu hết.
- Có một khả năng được gọi là tái tài chính nợ nần, việc hợp nhất (konsolidace) – đưa tất cả các khoản nợ về một đầu mối. Điều này có thể sử dụng được khi bạn đang trả góp theo hợp đồng. Việc hợp nhất không làm giảm số tiền đang nợ mà chỉ làm giảm số tiền trả góp hàng tháng, thời gian trả sẽ kéo dài thêm. Bạn hãy tìm đến ngân hàng có tên tuổi.
- Những lời chào mời, rằng ai đó sẽ đứng ra giải quyết vấn đề nợ nần của bạn, rất mạo hiểm. Các công ty tư nhân hoặc cá nhân mời chào dịch vụ xóa bỏ nợ nần không làm điều gì khác so với những điều bạn tự làm được: họ liên hệ với chủ nợ, yêu cầu lịch trả góp. Có điều bạn sẽ không nắm được họ sẽ đưa cho chủ nợ bao nhiêu trong số tiền bạn trả. Đây thường là các công ty không đàng hoàng
Giai đoạn thất bát, quá trình giải quyết mất khả năng thanh toán
Nếu như giá trị tài sản của bạn nhỏ hơn tổng số nợ của bạn, bạn có thể bị rơi vào tình trạng vỡ nợ (úpadek). Dưới một số điều kiện nhất định nó có thể là điều thuận lợi cho con nợ, nếu như bản thân người này tự mình đưa Đề nghị giải quyết tình huống mất khả năng thanh toán ra tòa. Tòa án sẽ nghiên cứu tình hình tài sản của bạn trong quá trình giải quyết tình huống mất khả năng thanh toán.
Giải phóng nợ (phá sản cá nhân)
- Đây chính là việc tiến hành giải quyết sự vỡ nợ.
- Đề nghị cho phép giải phóng nợ chỉ có con nợ mới có thể đưa ra, và được đưa ra tòa. Đi kèm theo đề nghị này phải có hàng loạt các văn bản khác nữa (bản tường trình thu nhập, tài sản, đồng ý của người vợ/chồng, vv...). Tòa sẽ phán quyết xem con nợ có phải là người “tử tế” không và xem kế hoạch giải phóng nợ của người này có khả thi không. Bởi vì các chủ nợ phải nhận được ít nhất 30% tổng số tiền họ đòi.
- Nếu như tòa án cho phép giải phóng nợ, các chủ nợ sẽ bàn bạc và quyết định xem họ có bán tài sản của con nợ đi không, hay là trong vòng 5 năm con nợ sẽ nộp cho họ hầu hết số tiền kiếm được. Con nợ chỉ được phép giữ lại cho mình số tiền tối thiểu cho cuộc sống theo quyết định của tòa án.
- Nếu con nợ thi hành nghiêm chỉnh kế hoạch giải phóng nợ, tòa sẽ ra quyết định bỏ qua số nợ còn lại. Nếu không, tòa sẽ tuyên bố bán đấu giá tài sản của con nợ.
Trong các tình huống khó khăn về tài chính, chúng tôi khuyên các bạn nên tìm sự giúp đỡ, hoặc là ở Trung tâm tư vấn hội nhập cho người nước ngoài - Centrum pro integraci cizinců, o. p. s. hoặc tại các phòng tư vấn đặc biệt dành cho những người đang gặp khó khăn về tài chính:
Phòng tư vấn công dân - Občanské poradny – http://dluhy.obcanskeporadny.cz/
Phòng tư vấn khi có khó khăn về tài chính - Poradna při finanční tísni – www.financnitisen.cz
Từ khóa » Nợ Trả
-
Tính Lịch Trả Nợ Với Dư Nợ Giảm Dần | Techcombank
-
Xử Lý Các Khoản Nợ Một Cách Khoa Học Cùng Phương Pháp Quả Cầu ...
-
Nợ Chậm Trả Là Gì? Nội Dung Và Ví Dụ Về Nợ Chậm Trả
-
Yêu Cầu Hoãn Trả Nợ Tạm Thời | Consumer Financial Protection Bureau
-
Hỗ Trợ Tính Lịch Trả Nợ - Vietcombank
-
Cách Xây Dựng Kế Hoạch Trả Nợ Tín Dụng - VnExpress Kinh Doanh
-
Chuyên Gia Chỉ Cách Vừa Trả Nợ Vay Tiêu Dùng Vừa Tiết Kiệm Hiệu Quả
-
Trả Góp Toàn Bộ Dư Nợ | VPBank
-
Điều Kiện & Điều Khoản Sử Dụng Ví Trả Sau - MoMo
-
Trả Nợ - Vietnamnet
-
Nghĩa Vụ Trả Nợ Của Bên Vay được Quy định Thế Nào?
-
Có Phải Trả Nợ Khi đường Dây Cho Vay Tiền Qua App Bị Triệt Phá Không?
-
Vỡ Nợ Không Còn Khả Năng Trả Thì Xử Lý Như Thế Nào?