Các Kịch Bản Kinh Tế Vĩ Mô Việt Nam Qua Lăng Kính Mô Hình Tổng Cung
Có thể bạn quan tâm
CÁC KỊCH BẢN KINH TẾ VĨ MÔ VIỆT NAM QUA LĂNG KÍNH MÔ HÌNH TỔNG CUNG – TỔNG CẦU
Châu Văn Thành
Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước; Đại học UEH
Email: thanhcv@ueh.edu.vn
Tài liệu dùng cho giảng dạy và nghiên cứu. Ngày 16/6/2022
Trong môn học kinh tế vĩ mô, sinh viên thường được học rất nhiều về mô hình tổng cung – tổng cầu (AS-AD). Tuy nhiên, cách thức sử dụng mô hình này vào trong bối cảnh cụ thể lại rất ít được đề cập đến. Ví dụ, làm thế nào ứng dụng mô hình AS-AD để giải thích tác động của Đại dịch COVID-19 vừa qua, hay để lên những kịch bản kinh tế vĩ mô của một quốc gia ở một năm cụ thể. Rõ ràng yêu cầu này luôn là thách thức đối với người học. Hơn nữa, nếu ứng dụng được và hiểu được ý nghĩa của mô hình trong đời thực sẽ góp phần không nhỏ trong việc tạo động cơ học tập và nghiên cứu môn học vốn dĩ luôn được xem là rất “khó nuốt” – Kinh tế học Vĩ mô. Trong bài viết này, chúng ta hãy thử thông qua lăng kính AS-AD, thực hiện hai việc sau đây: (1) giải thích những biến động kinh tế vĩ mô gắn liền với sự thăng trầm của những năm tháng diễn ra COVID-19 cho một quốc gia điển hình (Phần A); (2) lên các kịch bản kinh tế vĩ mô năm 2022 đối với trường hợp của Việt Nam (Phần B).
Phần A – Mô hình AS-AD và tác động của Đại dịch COVID-19
Nội dung này sẽ giúp nhắc lại những điểm cơ bản của mô hình tổng cung – tổng cầu (AS-AD) và xem xét tác động của Đại dịch COVID-19 lên các biến số quan trọng đối với một nền kinh tế điển hình. Bên cạnh đó, các diễn biến mới (như là khủng hoảng giá lương thực và năng lượng, xung đột Nga – Ukraine, chính sách zero-COVID của Trung Quốc…) sẽ được đưa vào phân tích trên những chuyển động của mô hình thông qua sự thay đổi của các đường AS và AD một cách tổng quan nhất.
Mô hình tổng cung – tổng cầu (AS-AD)
Theo lý thuyết, mô hình tổng cung – tổng cầu (AS-AD) dùng để giải thích những biến động của nền kinh tế trong ngắn hạn và sự chuyển động của nền kinh tế từ ngắn hạn sang dài hạn. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu được nguyên nhân vì sao các biến số vĩ mô quan trọng thay đổi, bao gồm giá cả (lạm phát), sản lượng (tăng trưởng ngắn hạn) và việc làm (qua biến số tỷ lệ thất nghiệp). Giao điểm của đường tổng cầu AD, tổng cung dài hạn (LRAS) và tổng cung ngắn hạn (SRAS) là điểm cân bằng dài hạn lý tưởng của một nền kinh tế – điểm E (Hình 1).
Tại E, có thể hiểu rằng mức sản lượng đạt mức tiềm năng (Y = Ȳ = Yp) – tương đương tốc độ tăng trưởng năm đó đạt mức tăng trưởng trung bình thông thường của giai đoạn xem xét; mức giá tại E tương ứng mức giá cân bằng hay mức giá đúng như kỳ vọng (PE = Pe) – tương ứng với tỷ lệ lạm phát ổn định và có thể kiểm soát được; và cũng theo lý thuyết, tỷ lệ thất nghiệp ứng với mức sản lượng tiềm năng tại E chính là tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên (un) – hay mức tỷ lệ thất nghiệp không làm gia tăng lạm phát (NAIRU).
Các cú sốc cung sẽ làm dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn SRAS. Sự dịch chuyển đường tổng cung dài hạn LRAS được quyết định bởi các nhân tố vốn (K), lao động (L) và công nghệ (T) trong dài hạn, từ đây sẽ kéo theo thay đổi mức sản lượng tiềm năng Yp và đường SRAS dịch chuyển kéo theo. Đại dịch COVID-19 gây nên tình trạng đóng cửa hoạt động kinh tế ép buộc, sản xuất ngưng trệ có tính cưỡng chế (thay vì xuất phát từ sức cầu yếu), lao động mất việc đột ngột, đứt gãy chuỗi cung ứng… tất cả đã tạo ra sự dịch chuyển sang trái của đường LRAS và SRAS – đây cũng là tính đặc thù khác biệt so với thông thường của mô hình AS-AD*. Tuy nhiên, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, đường LRAS có thể quay trở lại vị trí ban đầu. Trong khi các cú sốc cung tiêu cực có thể làm tăng chi phí sản xuất và tăng giá bán, dịch chuyển đường SRAS lên trên sang trái – sản lượng giảm và giá cả tăng. Trong một số trường hợp có thể gây nên tình trạng đình lạm (stagflation) – đình trệ sản xuất đi kèm lạm phát cao (Hình 2).
Đường tổng cung dài hạn LRAS đi qua mức sản lượng tự nhiên (toàn dụng hay tiềm năng, Yp) – mức sản xuất hàng hóa và dịch vụ khi thất nghiệp ở tỷ lệ tự nhiên un. Theo mô hình tăng trưởng Tân Cổ điển của Robert Solow, tăng trưởng kinh tế trong rất dài hạn đạt trạng thái dừng (steady state), tỷ lệ un thường ổn định, mức Yp tăng trưởng đều đặn bằng với tăng trưởng dân số (population growth, gL) và tiến bộ công nghệ (technological progress, gE). Theo Mankiw, suy thoái năm 2020 có tính ngoại lệ. Đại dịch COVID-19 và khủng hoảng y tế khiến kinh tế đóng cửa ép buộc tạm thời, lao động bị sa thải, tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên tăng mạnh mà vị giáo sư này gọi là thất nghiệp cơ cấu mới (a new species of structural unemployment) – Yp giảm và un tăng, đường LRAS dịch sang trái.
Đường tổng cầu AD dịch chuyển sang phải/trái có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau như: thay đổi chính sách tài khóa và/hay chính sách tiền tệ, thay đổi của các thành phần tổng cầu, và các cú sốc phía cầu. Ví dụ như Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cú sốc cầu tiêu cực làm sụt giảm nghiêm trọng sức cầu hàng hóa và dịch vụ của toàn bộ nền kinh tế. Hệ quả là đường AD dịch sang trái, kéo theo sản lượng giảm và giá giảm (Hình 3).
Mô hình hóa nền kinh tế vĩ mô dưới tác động của COVID-19 đối với một quốc gia điển hình
Tổng quan số liệu kinh tế vĩ mô cho thấy ở nhiều quốc gia trong Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện một xu hướng khá tương đồng nhau: rơi vào tình trạng suy giảm thậm chí suy thoái sâu ở năm 2020; kinh tế hồi phục một phần nhờ giải pháp giải cứu và kích cầu năm 2021 nhưng giá cả bắt đầu gia tăng vào cuối năm này; từ đầu năm 2022, bên cạnh sự chậm lại của tăng trưởng là sự tăng tốc lạm phát có nguyên từ biến động mạnh giá cả năng lượng và lương thực đang khiến nhiều quốc gia lo ngại – đây được xem là trạng thái chung của một nền kinh tế điển hình.
Thoạt tiên, để đơn giản, giả sử nền kinh tế điển hình này đạt cân bằng tại E ở năm 2019. Hãy xem xét chuyện gì xảy ra đối với nền kinh tế này khi Đại dịch COVID-19 diễn ra kể từ đầu năm 2020 cho đến hiện nay qua mô phỏng của lăng kính mô hình AS-AD.
Năm 2020 – Kinh tế suy giảm do sự suy yếu từ cả phía cung và phía cầu
Trước tiên là tác động đến tổng cầu AD. Đại dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp vào năm 2020. Ngay khi bước vào quý I/2020, rất nhiều hoạt động và địa điểm mua bán (nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, nhà máy sản xuất…) đóng cửa theo mệnh lệnh của chính phủ. Sức cầu hàng hóa và dịch vụ chậm lại và giảm sâu dù giá cả vẫn duy trì như trước. Đường tổng cầu AD dịch chuyển mạnh sang trái.
Đóng cửa sản xuất và các hoạt đông của nền kinh tế tác động tiêu cực đến tổng cung. Như đã trình bày ở trên, đường LRAS dịch sang trái. Ứng với những mức giá như cũ, sản lượng cung đều sụt giảm và đường SRAS dịch sang trái kéo theo.
Nếu độ lớn dịch chuyển phía cung và cầu là tương đương nhau, nền kinh tế di chuyển từ E (2019) sang vị trí 2020 (Hình 4). Diễn dịch kết quả kinh tế tương ứng đó là nền kinh tế này trải qua một đợt suy giảm/suy thoái, sản lượng giảm, thất nghiệp gia tăng rất mạnh, nhưng giá cả không biến động nhiều. Suy thoái do Đại dịch gây ra không giống như một cuộc suy thoái thông thường, công suất không được sử dụng mang tính mệnh lệnh (đóng cửa) hơn là do sức cầu yếu. Chính xác hơn, sức cung và cầu vẫn còn đó, chỉ có điều là sự khớp nối giữa cung và cầu không thể tiến hành bình thường mà thôi.
Ngay tức thời trong năm 2020, nhiều quốc gia đã tích cực tiến hành triển khai các gói cứu trợ, giải cứu và bảo đảm an ninh kinh tế cho người dân và các doanh nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn và tổn thương đối với nền kinh tế. Hy vọng lúc bấy giờ là một khi Đại dịch qua đi thì nền kinh tế sẽ hồi phục kịp thời. Thực tế, các nhà hoạch định chính sách lúc bấy giờ cũng nhận ra rằng suy thoái là khó tránh khỏi như những gì mà thực tế đã diễn ra.
Năm 2021 – Nỗ lực kích cầu
Mãi đến những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh hoành hành và cướp đi rất nhiều sinh mệnh. Trước những đợt đóng cửa và hoạt động chập chờn của nền kinh tế trong khi vắc xin chưa chính thức được triển khai rộng khắp và chủ yếu gần như chỉ tập trung ở các nước giàu. Hiện trạng chung là hầu như tất cả các nền kinh tế đều rơi vào tình trạng tê liệt và thấm đòn. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược bao phủ vắc xin nhanh hơn dự kiến, những tháng cuối năm 2021 một diễn cảnh hồi phục hậu COVID-19 cũng dần xuất hiện, nhiều hoạt động kinh tế bắt đầu tái lập và các quốc gia đẩy mạnh thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ ngày càng mạnh tay hơn. Kết quả là sức cầu gia tăng trở lại – đường tổng cầu AD dịch chuyển dần sang phải. Kinh tế hồi phục cũng là lúc chúng ta chứng kiến song hành với mức sản lượng gia tăng là áp lực tăng giá bắt đầu (Hình 5).
Năm 2022 – Đối mặt nhiều cú sốc bất lợi phía cung
Theo thời gian, độ phủ vắc xin lớn dần, khả năng miễn dịch cộng đồng tăng lên, kinh tế nhiều nơi được tái lập. Tuy nhiên, hậu quả đứt gãy chuỗi cung ứng, vấn đề thắt cổ chai và chi phí đầu vào cao không thể được giải quyết rốt ráo cùng với sức cầu hồi phục mạnh dần đã đẩy mặt bằng giá cả leo thang – lạm phát tăng tốc. Thật không may, xung đột Nga-Ukraine, chính sách zero-COVID của Trung Quốc và ngay sau đó là hàng loạt các quốc gia thực hiện chính sách ngăn cấm xuất khẩu những hàng hóa cơ bản, giá cả lương thực, nguyên liệu và năng lượng leo thang đã kích hoạt cho sự tăng tốc lạm phát một lần nữa. Lạm phát và “cuộc chiến tiền tệ đảo ngược” xuất phát từ cuộc đua gia tăng lãi suất (nhằm trị lạm phát) dường như đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Thời điểm bài viết này đang tiến hành cũng là lúc chúng ta thấy rất rõ áp lực lạm phát khốc liệt xuất hiện khắp mọi nơi. Có thể thấy đó là hệ quả rất rõ từ sự dịch chuyển mạnh sang trái của đường SRAS – Kết quả là tăng trưởng sụt giảm phần nào và lạm phát tăng lên rất nhanh (Hình 6).
Phần B – Kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2022
Diễn biến nền kinh tế vĩ mô Việt Nam từ năm 2020 đến nay về tổng quan là tương đồng với một nền kinh tế điển hình mô tả bên trên. Tuy nhiên, những điểm sáng nổi bật thể hiện qua tăng trưởng kinh tế duy trì thấp nhưng luôn ở mức dương. Bên cạnh đó, lạm phát ở mức thấp và có thể kiểm soát được, ít nhất đến hết quý I/2022. Tuy vậy, diễn biến bất định và rất khó lường từ đây đến cuối năm sẽ là một thách thức rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Bên cạnh những mô hình định lượng chính xác, nội dung sau đây hy vọng đóng góp một phần cho việc xác định các kịch bản khả dĩ cho nền kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2022. Cũng xin lưu ý rằng, các con số trong từng kịch bản chỉ là giả định và ước đoán định tính, không nhằm xác định phương án cụ thể trong thực tế. Do vậy, nếu cần các chỉ tiêu bằng số cụ thể và chính xác hơn, chúng ta sẽ phải dựa vào các mô hình định lượng chuẩn của các nghiên cứu khác.
Mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 liệu có khả thi?
So với sự trì trệ của hầu hết các quốc gia trên thế giới năm 2021, Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế nhiều điểm sáng. Đây cũng là cơ sở cho việc xác định mục tiêu kinh tế vĩ mô của chính phủ năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP thực phấn đấu ở mức khoảng 6-6,5% và tỷ lệ lạm phát theo chỉ số giá tiêu dùng CPI vào khoảng 4%. Mục tiêu này có thực sự khả thi? Liệu có các kịch bản nào khác xuất hiện khi lạm phát đang trên đà tăng tốc rất mạnh khắp nơi đi kèm nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể xảy ra?
Những phân tích gần đây cho thấy ngày càng có những sự nghi ngại về mục tiêu kinh tế năm 2022 đối với Việt Nam khi lạm phát có dấu hiệu ngấm dần vào nền kinh tế và đời sống người dân. Nếu đà lạm phát thế giới và trong nước vượt kiểm soát, các nhà hoạch định chính sách nhất định sẽ thay đổi cách thức vận hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Đồng thời, nền kinh tế cũng khó đạt được mức hoạt động theo mục tiêu. Sự đánh đổi giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ngắn hạn là khó tránh khỏi.
Mô hình AS-AD và các kịch bản kinh tế vĩ mô khả dĩ cho năm 2022 ở Việt Nam
Trước bối cảnh hiện nay, có hai yếu tố quyết định sự khả thi của mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022: (1) diễn biến lạm phát và nỗ lực kiểm soát lạm phát; và (2) sự thành công của các chính sách kích cầu hồi phục kinh tế hậu Đại dịch về tài khóa và tiền tệ của chính phủ. Thực tế, có thể có nhiều khả năng xảy ra. Tuy nhiên, nếu kết hợp hai yếu tố này lại chúng ta sẽ có bốn kịch bản khả dĩ sau đây:
Bảng 1 – Các kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2022
Kiểm soát thành công lạm phát | Lạm phát vượt tầm kiểm soát | |
Kích cầu thành công một phần | Kịch bản 1A Tăng trưởng thấp (3-4%) Lạm phát khá ổn (<4%) | Kịch bản 2A Tăng trưởng rất thấp (2-3%) Lạm phát gia tăng (>>4%) |
Kích cầu thành công hoàn toàn | Kịch bản 1B Tăng trưởng khá tốt (6-7%) Lạm phát có tăng chút ít (>4%) | Kịch bản 2B Tăng trưởng khá (4-5%) Lạm phát tăng tốc và cao hơn nhiều (>>>4%) |
Ghi chú dành cho các kịch bản
- Kích cầu thành công hoàn toàn: ứng với việc triển khai các công cụ tài khóa và tiền tệ thuận lợi; tác động số nhân vận hành tốt và độ trễ chính sách thấp; mặt bằng lãi suất thế giới ổn định và không bị sức ép tăng quá nhanh.
- Kích cầu thành công một phần: việc triển khai các công cụ tài khóa và tiền tệ không thuận lợi; tác động số nhân thấp và độ trễ chính sách cao; mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng mạnh hơn và gây sức ép lên lãi suất trong nước; có bất ổn thị trường tài chính và tháo chạy của dòng vốn quốc tế, (và có thể dịch bệnh diễn biến khó lường).
- Kiểm soát thành công lạm phát: giá cả trong nước thích ứng tốt với điều hành của chính phủ; lạm phát thế giới tương đối ổn định; chuỗi cung ứng thế giới hồi phục tốt; chiến tranh Nga-Ukraine lắng dịu; giá lương thực và năng lượng giảm dần
- Lạm phát vượt tầm kiểm soát: giá cả trong nước bắt đầu thẩm thấu lạm phát từ bên ngoài; lạm phát thế giới tiếp tục gia tăng mạnh; chuỗi cung ứng chưa kịp hồi phục cơ bản, cuộc chiến Nga – Ukraine tiếp tục phức tạp; giá lương thực và năng lượng duy trì ở mức cao, (và có thể dịch bệnh diễn biến khó lường).
Lạm phát theo CPI thấp hơn hoặc tiệm cận 4% được xem là ổn và khá ổn vì gần như trùng với mục tiêu đặt ra của chính phủ trong các năm vừa qua ở Việt Nam. Lạm phát vượt tầm kiểm soát có nghĩa là vượt ra khỏi 4% tương đối lớn (7-8% chẳng hạn) và sẽ nguy hiểm khi lạm phát đạt 2 con số trở lên (10 thậm chí 15% hay lớn hơn).
Theo các nhà kinh tế, lạm phát từ 15% trở lên sẽ bắt đầu gây xói mòn và giết chết giá trị đồng tiền của một quốc gia.
Tăng trưởng thể hiện qua tốc độ tăng GDP thực hàng năm. Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức tăng trưởng thông thường giai đoạn 2018-2023 ứng với năng lực vốn, lao động và công nghệ hiện hữu là khoảng 6,8% trong trung hạn và đạt mức 7,3% năm 2023. Đây là mức mà GDP Việt Nam có thể đạt mức toàn dụng hay mức tiềm năng của nền kinh tế. Do vậy, mức tăng trưởng lý tưởng ước tính vào khoảng 7-8%. Từ đây có thể hình thành nên các mức tăng trưởng rất thấp (2-3%), thấp (3-4%), khá (4-5%) và khá tốt (5-6%) đề xuất cho từng kịch bản.
Giả sử điểm khởi đầu của mô hình xuất phát ở năm 2019 – năm được xem là kinh tế vĩ mô đang ở gần với trạng thái cân bằng. Dữ liệu cho thấy giả định này là hoàn toàn có cơ sở: tăng trưởng GDP đạt 7%; tỷ lệ lạm phát theo CPI là 2,8%; cán cân vãng lai thặng dư 4,8% so GDP. Bên cạnh đó, chỉ số tỷ giá hối đoái thực rất gần với giá trị bằng 1 (tương đương tỷ giá hối đoái ngang bằng sức mua và giúp cân bằng cán cân thương mại). Trên cơ sở này, chúng ta có thể xem năm 2019 nền kinh tế Việt Nam khá gần với vị trí cân bằng bên trong và vượt yêu cầu cân bằng bên ngoài một chút. Nhìn chung, có thể xem năm 2019 cân bằng kinh tế vĩ mô được xác lập.
Bảng 1 cung cấp cho chúng ta điểm khởi đầu của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam ngay trước khi Đại dịch COVID-19 xảy ra (năm 2019), bốn kịch bản khả dĩ và một kịch bản lý tưởng cho năm 2022. Hãy cùng nhau lần lượt điểm qua từng kịch bản.
Kịch bản 1A: Kiểm soát thành công lạm phát + Kích cầu thành công một phần
Trong trường hợp kích cầu thành công một phần, đường tổng cầu AD dịch sang phải không nhiều. Tương tự, lạm phát được kiểm soát tốt hơn thì đường SRAS dịch sang trái không quá mạnh. Kết cục lạm phát không vượt tầm kiểm soát và tăng trưởng không cao như dự kiến. Cụ thể:
- Tăng trưởng thấp (3-4%)
- Lạm phát khá ổn (<4%)
Kịch bản 1B: Kiểm soát thành công lạm phát + Kích cầu thành công hoàn toàn
Do kiểm soát tốt lạm phát nên đường SRAS dịch sang trái không quá mạnh. Đồng thời kích cầu thành công sẽ đẩy đường AD sang phải nhiều hơn. Kết quả là tăng trưởng ở mức khá hơn nhưng áp lực lạm phát ngoài yếu tố chi phí đẩy còn có nhân tố cầu kéo cộng hưởng vào. Kết cục là:
- Tăng trưởng khá tốt (6-7%)
- Lạm phát có tăng chút ít (>4%)
Kịch bản 2A: Lạm phát vượt tầm kiểm soát + Kích cầu thành công một phần
Trường hợp mất khả năng kiểm soát lạm phát có nghĩa nền kinh tế sẽ gánh chịu thêm áp lực lạm phát tràn từ bên ngoài song hành với lạm phát trong nước, nhưng kích cầu chỉ thành công một phần thì đường SRAS dịch rất mạnh sang trái trong khi đường AD chỉ chuyển động qua phải ở mức vừa phải. Kết cục sẽ là tăng trưởng rất thấp và lạm phát vượt khỏi mục tiêu 4% khá xa:
- Tăng trưởng rất thấp (2-3%)
- Lạm phát gia tăng (>>4%)
Kịch bản 2B: Lạm phát vượt tầm kiểm soát + Kích cầu thành công hoàn toàn
Ở kịch bản này, chúng ta sẽ chứng kiến kết cục không như mong đợi dù cho kích cầu thành công. Do lạm phát vượt tầm kiểm soát nên đường SRAS dịch sang trái mạnh. Bên cạnh đó đường AD dịch chuyển sang phải mạnh hơn sẽ kích hoạt sức ép lạm phát tăng rất cao (lạm phát cộng hưởng cả chi phí đẩy và cầu kéo, thậm chí là kỳ vọng lạm phát cũng tăng theo). Kết quả là tăng trưởng bị kéo tụt lại phần nào. Kết quả là:
- Tăng trưởng khá (4-5%)
- Lạm phát tăng tốc và cao hơn nhiều (>>>4%)
Thực chất, kịch bản lý tưởng cũng có thể diễn ra nhưng khả năng là khá thấp. Trong kịch bản này, lạm phát hạ nhiệt phần lớn là do giá cả năng lượng, lương thực và chi phí sản xuất đầu vào khác quay dần trở lại trước đại dịch, chiến tranh Nga-Ukraine lắng dịu cùng với chính sách kích cầu thành công ở Việt Nam. Các đường tổng cung ngắn hạn SRAS, đường tổng cung dài hạn LRAS và tổng cầu AD dịch chuyển sang phải đồng bộ với nhau. Kết quả là tăng trưởng và lạm phát năm 2022 đạt mức lý tưởng ngoài mong đợi: tăng trưởng GDP với tốc độ 7-8% và lạm phát theo CPI có thể kiểm soát ở mức 3-4%. Trong bối cảnh thông thường, kịch bản này hoàn toàn khả thi ứng năng lực kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trước những gì đang diễn ra hiện nay có lẽ sẽ khó có kết cục này.
Đến đây, câu hỏi tiếp theo thường gặp đó là: “Vậy kịch bản nào sẽ là đúng nhất cho Việt Nam năm 2022?”. Thực tế là không có câu trả lời chính xác và chắc chắn vào lúc này. Bởi lẽ, bên cạnh các nhân tố chủ quan và có thể kiểm soát được, như các biện pháp can thiệp và các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ, còn có rất nhiều yếu tố bất định và các nhân tố ngoại sinh luôn vận động theo thời gian từ đây đến cuối năm. Phối trộn những yếu tố này lại cùng nhau, kết cục kinh tế vĩ mô có thể đi về hướng hoặc gần với một trong những kịch bản tương ứng đã được trình bày bên trên.
Thay lời kết
Bài viết này được phát triển không vì mục tiêu tư vấn cho việc hoạch định chính sách hay chọn phương án triển khai cho mục tiêu kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Thay vào đó, hy vọng nội dung sơ khởi này sẽ góp phần giúp sinh viên và người học có thể ứng dụng kiến thức vốn dĩ rất phức tạp và trừu tượng của môn học Kinh tế học Vĩ mô (Macroeconomics) vào thực tế.
Ngoài ra, do dữ liệu đầu vào của mô hình chỉ dựa vào phỏng đoán và có tính định tính là chủ yếu nên độ chính xác sẽ không cao. Từ đây có thể sẽ phát sinh rất nhiều ý tưởng tranh luận và phê phán – đây mới chính là mục tiêu của bài viết này. Những tranh luận và phê phán có thể giúp làm sáng tỏ nhiều kiến thức ẩn đàng sau của lý thuyết và các khái niệm trừu tượng. Hơn hết, bài viết này có thể được xem là một điển cứu để chúng ta tiếp tục tìm hiểu về nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô mở rộng sau này – Kinh tế học Vĩ mô chưa bao giờ là một môn học dễ dàng, nhưng hiểu và ứng dụng được môn học này không phải là không thể!
Tài liệu tham khảo
Jeffrey Frankel (25/05/2022), Get Ready for Reverse Currency Wars. Chuyên trang Project Syndicate: https://www.project-syndicate.org/commentary/strong-dollar-high-inflation-reverse-currency-wars-by-jeffrey-frankel-2022-05
Jeffrey Frankel (07/12/2021), Stagflation? (Eaton Vance Research Retreat, HKS).
Koichi Hamada (03/05/2022), When Does Inflation Stop? Chuyên trang Project Syndicate: https://www.project-syndicate.org/commentary/what-caused-and-will-end-inflation-by-koichi-hamada-2022-05
Mankiw NG. The Covid-19 Recession of 2020. In: Macroeconomics. 11th ed. ; 2020.
Nouriel Roubini (26/05/2022) Don’t Bet on a Soft Landing. Chuyên trang Project Syndicate: https://www.project-syndicate.org/commentary/reducing-inflation-likely-to-cause-recession-by-nouriel-roubini-2022-05
Tải về bản đầy đủ bài viết “Các kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam qua lăng kính mô hình tổng cung – tổng cầu“
Post Views: 271Từ khóa » Khi Nền Kinh Tế Có Chính Phủ Tổng Cầu Ad
-
Mô Hình Tổng Cầu Và Tổng Cung – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tổng Cầu (AD) Là Gì? Các Mô Hình Tổng Cầu - VietnamBiz
-
Tổng Cung, Tổng Cầu - SlideShare
-
Tổng Cầu Và Chính Sách Tài Khóa - SlideShare
-
Tổng Cầu Là Gì? Công Thức Tính Và Các Mô Hình Tổng Cầu?
-
[PPT] 3. Cân Bằng Kinh Tế Vĩ Mô 1. TỔNG CẦU 1.1. Khái Niệm
-
[PDF] Tổng Cung – Tổng Cầu - Trường Chính Sách Công Và Quản Lý Fulbright
-
[PDF] Tổng Cung – Tổng Cầu
-
Danh Sách Câu Hỏi Trong đề Cương Online Học Phần Kinh Tế Vĩ Mô 1
-
[PDF] Bài Giảng Kinh Tế Vĩ Mô 1 (CLC).pdf
-
Chương 3 Tổng Cầu Và Chính Sách Tài Khóa
-
Bài Toán Phục Hồi Nền Kinh Tế Thông Qua “kích” Tổng Cầu
-
Tổng Cầu Hoặc Tổng Chi Tiêu (AGGREGATE DEMAND OR ...
-
Cán Cân Thương Mại - Balance Of Trade - Xem Thuật Ngữ - SHS