Cac Kinh Luan Y Cu Cua Tong Tinh Đo

Các Kinh Luận y cứ của Tông Tịnh Độ
Thích Nguyên Liên

Tìm hiểu nội dung các bộ kinh, luận y cứ tông Tịnh Độ, qua đó thấy được hệ tư tưởng chủ đạo của tông, là một việc làm vô cùng quan trọng đối với người tu niệm Phật. Có thể nói tư tưởng Tịnh độ là một trong các tư tưởng đặc thù của Phật giáo Đại thừa, vì thế có bao nhiêu kinh, luận Đại thừa thì có bấy nhiêu bộ kinh luận, hoặc ít hoặc nhiều nói về tư tưởng Tịnh Độ.

Tuy nhiên trong Đại tạng kinh, xưa nay các kinh luận chuyên ròng xiển dương tư tưởng Tịnh độ Phật A Di Đà, thì có cả thảy bảy bộ kinh và một bộ luận. Bảy bộ kinh và một bộ luận như sau :

1. Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh (2 quyển).

2. Đại Phật A Di Đà kinh (2 quyển).

3. Vô Lượng Thọ kinh (2 quyển).

4. Quán Vô Lượng Thọ kinh (2 quyển).

5. Phật Thuyết A Di Đà kinh (1 quyển).

6. Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ kinh (1 quyển).

7. Cổ Âm Thanh Tán Đà La Ni kinh (1 quyển) và một bộ luận là Tịnh Độ Vãng Sanh luận do Bồ tát Thế thân trước tác.

Trong bảy bộ kinh và một bộ luận kể trên, nhưng từ trước đến nay được lưu hành rộng rãi chỉ có ba kinh và một luận là Vô Lượng Thọ kinh, Phật Thuyết A Di Đà kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh và Tịnh Độ Vãng Sanh luận. Chúng ta thử tìm hiểu sơ lược nội dung ba kinh một luận này, từ đó có thể nắm bắt được phần nào hệ tư tưởng chủ đạo của tông Tịnh Độ.

1. Kinh Vô Lượng Thọ

Tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, Đức Thế Tôn tuyên thuyết kinh Vô Lượng Thọ. Ngài diễn tả công hạnh tu hành, trong quá khứ của Đức Phật A Di Đà là Tỳ kheo Pháp Tạng. Với lòng từ bi thương tưởng vạn loại chúng sanh, đang đắm chìm trong vô minh ái dục và muốn cứu vớt họ, Tỳ kheo Pháp Tạng đã đối trước Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai phát ra bốn mươi tám đại nguyện thù thắng cao cả, để trang nghiêm Phật độ, nhiếp hóa quần sanh, ngõ hầu tạo thắng duyên tu hành cho những chúng sanh, đang lạc lối trên lộ trình hướng đến quả vị giải thoát.

Do sự phát nguyện cao cả, và tâm nguyện tinh tấn thực hành các đại nguyện phát trong quá khứ, mà ngày nay Tỳ kheo Pháp Tạng đã thành tựu sở nguyện. Ngài thành Phật hiệu A Di Đà, làm vị giáo chủ thế giới Tây phương Cực Lạc trang nghiêm thù thắng, là nơi hội đủ mọi thắng duyên cho chúng sanh tu hành.

Đồng thời trong bản kinh, Đức Thế Tôn còn trình bày các công đức, trí tuệ thần biến, tướng hảo trang nghiêm của Thánh chúng, cũng như những điểm đặc sắc của thế giới Cực Lạc, để chúng sanh trong mười phương thế giới sanh tâm khát ngưỡng nguyện sanh về.

2. Kinh Phật Thuyết A Di Đà

Nơi tinh xá Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ, Đức Thế Tôn tuyên thuyết kinh A Di Đà. Ngài tóm lược giới thiệu về chánh báo trang nghiêm của vị giáo chủ là Đức Phật A Di Đà, đồng thời giới thiệu y báo thù thắng của thế giới Cực Lạc. Tất cả những cảnh vật trong thế giới đó như chim, suối, rừng, cây... đều do nguyện lực của Phật A Di Đà biến hiện, chứ không phải do nghiệp báo chúng sanh tạo ra. Chúng đều có tác dụng khuyến khích hành giả sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Theo lời Phật dạy trong kinh, nguyên nhân khiến chúng sanh cần nên phát nguyện sanh về Tịnh độ, là do nơi cảnh đó có chư Phật, Bồ tát và các bậc thượng thiện nhân sum vầy đông đảo. Và điểm siêu xuất hơn nữa, là chúng sanh nào dù còn mang đầy nghiệp chướng phiền não, nhưng mỗi khi đã được vãng sanh, quyết định sẽ chứng được địa vị Bất thối chuyển, từ đó thẳng tiến tu hành đến quả vị Vô thượng Bồ đề.

Phương thức tu tập để được vãng sanh Tịnh độ, là chúng sanh cần phải sanh tâm tha thiết chí thành, chấp trì Thánh hiệu của Phật A Di Đà, từ một ngày cho đến bảy ngày, đạt được nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện thân đến tiếp dẫn. Cuối bộ kinh, vì muốn chúng sanh sanh tâm tin tưởng kiên cố đối với pháp môn niệm Phật, Đức Phật đã dẫn lời tán dương và ấn chứng của chư Phật trong mười phương, đồng thời Ngài lại một lần nữa khuyến khích chúng sanh, nên phát nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc.

3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ

Tại vương cung Tần Bà Sa La thành Vương Xá, để đáp ứng sở cầu của hoàng hậu Vi Đề Hy, Đức Thế Tôn tuyên thuyết kinh Quán Vô Lượng Thọ. Ngài dùng thần lực nhiệm mầu, thị hiện vô số cảnh Tịnh độ trang nghiêm thắng diệu của mười phương chư Phật, cho hoàng hậu tùy nghi lựa chọn. Sau khi quán sát, hoàng hậu đã chọn thế giới Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ và xin Đức Phật từ bi chỉ rõ thắng nhân tu hành để được vãng sanh về cõi này.

Đức Phật đã vì lòng khao khát của hoàng hậu và chúng sanh mạt thế mà chỉ bày về mười sáu pháp quán làm nhân tố cầu sanh Tây phương Tịnh độ. Từ quán tưởng chánh báo trang nghiêm của vị giáo chủ, cũng như thân tướng trang nghiêm, trí tuệ siêu việt của hai vị Đại Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và y báo thù thắng của thế giới Cực Lạc. Đồng thời Phật còn chỉ dạy cho hoàng hậu quán về ba bậc chín lớp vãng sanh, từ thượng phẩm thượng sanh cho đến hạ phẩm hạ sanh.

Tất cả mười sáu pháp quán làm nhân tố vãng sanh Cực Lạc, được Đức Phật trình bày một cách rõ ràng, đó đều là những pháp quán rất tinh vi và sâu thẳm. Hoàng hậu và các cung phi mỹ nữ sau khi nghe lời Đức Phật dạy xong, ai nấy vô cùng hoan hỷ, phát tâm tín tưởng phụng hành.

4. Luận Tịnh Độ Vãng Sanh

Ngoài ba bộ kinh kể trên, thì bản luận này được chư cổ đức truyền bá tông Tịnh Độ xếp thành bộ luận y cứ căn bản để hoằng truyền Tịnh độ. Bản luận do Bồ tát Thế Thân nương vào kinh Vô Lượng Thọ trước tác. Nội dung xiển dương pháp môn ngũ niệm, làm phương thức tu hành cầu vãng sanh Tịnh độ. Pháp môn ngũ niệm bao gồm.

a. Môn lễ bái : thân nghiệp chuyên lễ bái Phật A Di Đà.

b. Môn tán thán : khẩu nghiệp chuyên chấp trì Thánh hiệu Phật A Di Đà, tán dương Phật A Di Đà.

c. Môn phát nguyện : một lòng nhớ nghĩ, phát nguyện khi lâm chung được sanh về thế giới Tịnh độ.

d. Môn quán sát : chuyên quán sát chánh báo và y báo trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc.

e. Môn hồi hướng : có bao nhiêu công đức thảy đều hồi hướng, cầu nguyện cho mình và tất cả chúng sanh sớm được vãng sanh.

Theo bản luận, hành giả tu pháp ngũ niệm này, sẽ thành tựu được năm món công đức là Cận môn, Đại hội chúng môn, Trạch môn, Ốc môn, và Viên lâm du ký môn. Bốn công đức trước thuộc về tự lợi, công đức sau thuộc về lợi tha.

Ba kinh một luận này tóm thâu toàn bộ hệ tư tưởng chủ đạo, đường lối tu tập... của tông Tịnh Độ. Qua nội dung trình bày trên, cho chúng ta thấy được pháp môn niệm Phật với sự tu hành rất đơn giản, như luận Tịnh Độ Vãng Sanh dạy chỉ cần đem ba nghiệp thân khẩu ý, chuyên trì niệm, lễ bái, nhớ tưởng một vị Phật mà được thành tựu. Pháp môn này tu hành rất mau chứng ngộ, như kinh Phật Thuyết A Di Đà dạy, người nào phát tâm chấp trì Thánh hiệu, chỉ từ một cho đến bảy ngày, được nhất tâm bất loạn quyết sẽ vãng sanh.

Pháp môn niệm Phật như chiếc lưới rộng lớn, thâu tóm mọi căn tánh chúng sanh từ thượng trí đến hạ ngu, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói chín phẩm vãng sanh. Lại pháp môn này thể hiện tình thương chúng sanh bao la của bậc trí tuệ vô tận, như trong kinh Vô Lượng Thọ nói, trong đời tương lai khi kinh sách bị tiêu diệt hết, Ngài dùng sức từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này một trăm năm, chúng sanh nào gặp được, tùy theo căn cơ sở nguyện đều được độ thoát.

Tư tưởng chủ đạo, đường lối tu tập... của bản môn đã rõ ràng, vấn đề vãng sanh thành Phật bất thối hay không, chỉ còn tùy thuộc vào sự nỗ lực hành trì của bản thân. Ngày nào chúng ta còn sống trên cõi đời này, nhưng đối với mọi duyên trần không nhiễm, đối với câu Phật hiệu không gián đoạn, thì ngày đó ở ao báu trời Tây đã mọc hoa sen đề tên, và Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Âm, Thế Chí, vô lượng chư thượng thiện nhân đang nóng lòng đợi chờ chúng ta cùng về sum họp vui vầy trong tình pháp lữ tuyệt vời./.

Từ khóa » Tịnh độ Tông Kinh Luận