Các Loại Bảo Hiểm ô Tô ở Nhật - Momiji's Family

  Với các gia đình có con nhỏ hoặc sống tại các vùng đi lại bằng tàu hoặc xe bus không được thuận tiện, xe ô tô chắc hẳn là phương tiện không thể thiếu để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc kinh doanh. Nói về kinh nghiệm mua bán xe ở Nhật thì Momiji’s family đã được tham khảo qua ở nhiều bài viết tuy nhiên có khá ít bài viết đề cập đến bảo hiểm ô tô ở Nhật.

  Vậy bảo hiểm dành cho xe oto tại Nhật bao gồm những nội dung gì? Nên chọn mua gói bảo hiểm như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cũng như tiết kiệm chi phí? Momiji’s Family xin được chia sẻ trong bài viết dưới đây!

Mục lục

  • 1. Bảo hiểm ô tô ở Nhật gồm những loại bảo hiểm gì?
  • 2. Nội dung và phạm vi bồi thường của từng loại bảo hiểm như thế nào?
    • Bảo hiểm xe oto bắt buộc(自賠責保険‐ Jibaiseki hoken)
    • Bảo hiểm xe hơi tự nguyện (任意保険- Ninihoken)
  • 3. Nên lựa chọn bảo hiểm tự nguyện như thế nào?

1. Bảo hiểm ô tô ở Nhật gồm những loại bảo hiểm gì?

Bảo hiểm xe hơi tại Nhật
Các loại bảo hiểm xe oto tại Nhật

  Nhìn vào sơ đồ trên có thể thấy, bảo hiểm xe được chia ra làm hai loại chính đó là bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Trong bảo hiểm tự nguyện lại được chia ra ba loại cụ thể hơn bao gồm: Bảo hiểm bồi thường dành cho đối phương, bảo hiểm bồi thường dành cho chủ xe và người ngồi trên xe, bảo hiểm bồi thường đối với xe.

Tham khảo thêm:

Kinh nghiệm mua bảo hiểm xe ô tô tại Nhật

Cách sử dụng website so sánh giá bảo hiểm ô tô Ikkatsu Mitsumori-一括見積 保険の窓口インズウェブ

Kinh nghiệm làm đăng kiểm xe ô tô 車検-Shaken tại Nhật.

Đăng kí trước chỗ đỗ xe trên mạng tại các điểm vui chơi, mua sắm tại Nhật!

Website tìm và đăng kí hợp đồng đỗ xe hàng tháng giá rẻ tại Nhật Tại đây

2. Nội dung và phạm vi bồi thường của từng loại bảo hiểm như thế nào?

Bảo hiểm xe oto bắt buộc(自賠責保険‐ Jibaiseki hoken)

  Đây là loại bảo hiểm bắt buộc cần phải tham gia khi sở hữu xe tại Nhật. Nếu không tham gia bảo hiểm này, xe sẽ không được phép đăng kiểm và chạy trên đường. Trường hợp bị phát hiện khi chạy xe hơi không có bảo hiểm bắt buộc Jibaisekihoken, chủ xe không chỉ bị phạt án treo dưới 1 năm hoặc tiền mặt dưới 50man yên, mà còn bị trừ 6 điểm trên bằng lái xe nữa nhé.

  Ngoài ra bảo hiểm này phải luôn được lưu giữ trong xe hoặc mang theo người lái xe, nếu cảnh sát hỏi mà không xuất trình còn bị phạt 30 man yên nữa. Do đó chủ xe cần đặc biệt lưu ý xem xe mình có tham gia loại bảo hiểm này không và bảo hiểm còn hạn hay hết hạn nhé.

   Phạm vi bồi thường của loại bảo hiểm Jibaisekihoken này chỉ chi trả cho thiệt hại về người cho “người khác” khi xảy ra tai nạn. “Người khác” ở đây được hiểu là người không phải là người lái xe và không phải là chủ sở hữu xe. Mức bồi thường tối đa là 4,000 man (vạn yên) nếu đối phương bị thương tật và 3,000 man (vạn yên) nếu đối phương bị tử vong do tai nạn. Ngoài ra bảo hiểm sẽ không chi trả cho các thiệt hại về vật chất như nhà cửa, xe, đồ đạc hư hỏng do tai nạn cũng như thương tích thiệt hại của chủ xe. Tất cả các chi phí đó chủ xe sẽ phải tự chi trả nếu như gây ra tai nạn mà không có sự hỗ trợ của các gói bảo hiểm tự nguyện khác.

  Bảo hiểm bắt buộc này thường sẽ được đăng kí hoặc gia hạn tại nơi mà chủ xe đăng kí shaken(車検)Mức phí được quy định và không thay đổi giữa các đại lý bảo hiểm. 

phí bảo hiểm xe oto tại Nhật  jibaisekihoken
Phí bảo hiểm bắt buộc dành cho ô tô và xe máy tại Nhật‐mức phí năm 2018 (自賠責保険料)

  Nguồn: http://jibaiseki-hoken.net/article-3/

Bảo hiểm xe hơi tự nguyện (任意保険- Ninihoken)

  Dù tên gọi là tự nguyện nhưng hầu hết khi sở hữu xe hơi, các chủ xe đều tham gia bảo hiểm này. Lý do là nếu chỉ tham gia bảo hiểm bắt buộc Jibaiseki hoken, trong trường hợp tai nạn xảy ra chủ xe sẽ phải gánh chịu các chi phí thiệt hại của mình cũng như thiệt hại về vật chất gây ra cho đối phương. Ngoài ra, mức bồi thường thiệt hại tối đa 4,000 man yên nghe thì tưởng là nhiều, nhưng có không ít trường hợp mức bồi thường thực tế cho các vụ tai nạn lên tới cả oku (triệu yên). Do đó tham gia bảo hiểm xe hơi tự nguyện là cần thiết.

  Trong bảo hiểm tự nguyện lại được chia ra ba loại cụ thể hơn bao gồm: Bảo hiểm bồi thường dành cho đối phương, bảo hiểm bồi thường dành cho chủ xe và người ngồi trên xe, bảo hiểm bồi thường đối với xe.

Bảo hiểm bồi thường thiệt hại về người cho đối phương(対人補償保険‐Taijin hoshou hoken):

  Đây là bảo hiểm chi trả cho thiệt hại về người phần chi phí còn thiếu mà bảo hiểm bắt buộc Jibai sekihoken không cover hết. Đối tượng được bảo hiểm chi trả chi phí ở đây thường là đối phương khi gây ra tai nạn, không bao gồm chủ xe/người lái xe và người trong gia đình của chủ xe/người lái xe.

Bảo hiểm bồi thường thiệt hại về vật chất cho đối phương(対物賠償保険-Taibutsubaishou hoken):

  Đây là bảo hiểm chi trả cho thiệt hại về vật chất(xe, hàng hóa đồ đạc trên xe vv) của đối phương khi xảy ra tai nạn. Cũng giống như trên, đối phương ở đây được hiểu là người bị chủ xe/lái xe gây tai nạn. Do đó bảo hiểm sẽ không chi trả cho các thiệt hại vật chất của chủ xe/lái xe và những người trong gia đình của chủ xe/lái xe.

Bảo hiểm bồi thường khi xe đối phương không mua bảo hiểm.(無保険車傷害保険‐Muhokensha shougaihoken):

  Đây là bảo hiểm chi trả khi có tai nạn, chủ xe/người lái xe bị thương tật hoặc tử vong nhưng đối phương gây tai nạn không tham gia bảo hiểm nên không có khả năng bồi thường. Lưu ý là loại bảo hiểm này chỉ hỗ trợ khi chủ xe/người lái xe bị tử vong hoặc thương tật, đối với trường hợp chủ xe bị thương do tai nạn nhưng sau đó điều trị khỏi và không có chứng nhận thương tật sẽ không được bồi thường. Bảo hiểm này cũng chỉ bồi thường về người, không bồi thường các thiệt hại về xe, đồ đạc, hàng hóa vv.

Bảo hiểm khi chủ xe/người lái xe tự mình gây ra tai nạn (自損事故保険‐Jisonjiko hoken):

  Đây là bảo hiểm chi trả chi phí cho chủ xe/người lái xe trong trường hợp tự gây tai nạn cho bản thân hoặc tai nạn lỗi 100% thuộc về người lái xe. Ví dụ như lái xe đâm phải cột điện, lái xe bị mất lái đâm phải xe đi làn ngược chiều vv.

  Tuy nhiên bảo hiểm sẽ không chi trả nếu người lái xe sử dụng rượu bia, không có bằng lái hoặc có ý định tự sát. Phạm vi bồi thường của bảo hiểm tối đa là 1,500 man yên nếu tử vong hoặc thương tật, và tối đa 100 man yên tiền viện phí trong thời gian điều trị vết thương.

  Khi sử dụng bảo hiểm này, người lái sẽ bị tụt 3 hạng trong đánh giá mức độ lái xe an toàn, đồng thời chi phí bảo hiểm về sau có thể tăng lên khá nhiều nên tùy trường hợp chủ xe/người lái sẽ tự mình chi trả chi phí mà không thông báo đến công ty bảo hiểm.

Bảo hiểm cho người ngồi trên xe (搭乗者傷害保険‐Toujousha shougai hoken):

   Đây là bảo hiểm hỗ trợ thiệt hại cho tất cả các người ngồi trên xe khi xảy ra tai nạn, kể cả trong trường hợp người lái xe mắc lỗi 100% khi gây tai nạn. Tuy nhiên bảo hiểm này không chi trả 100% thiệt hại mà chỉ trả một phần tiền viện phí hoặc giới hạn tùy vào những bộ phận bị thương trên cơ thể. Ví dụ như gẫy tay thì chi trả tối đa 35 man, gẫy chân thì tối đa 100 man… vv

Bảo hiểm bồi thường chấn thương cho người. (人身傷害補償保険-Jinshin shougai hoshouhoken):

  Mình hơi bí từ nên không thể dịch sát nghĩa và dễ hiểu hơn chút. Nói chung đây là loại bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí khi có bất cứ thiệt hại về người, “người” ở đây bao gồm tất cả người có mặt trên xe khi xảy ra tai nạn, gồm cả chủ xe/ người lái xe.

  Nghe qua thì bảo hiểm này gần giống với bảo hiểm cho người ngồi trên xe Toujousha shougai hoken, tuy nhiên lại không phải như vậy. Bảo hiểm Jinshin shougai houshou hoken chi trả trong cả trường hợp chủ xe và gia đình chủ xe ngồi trên xe khác, không phải xe của nhà mình. Hơn nữa nếu bảo hiểm Toujousha shougaihoken chỉ trả một phần chi phí, thì bảo hiểm Jinshin shougai houshou hoken sẽ chi trả toàn bộ chi phí thực tế thiệt hại khi có tai nạn xảy ra.

Bảo hiểm cho xe (車両保険‐Sharyou hoken):

   Đây là bảo hiểm chi trả thiệt hại dành cho xe của chủ xe khi có tai nạn xảy ra. Tương tự với bảo hiểm Jisonjiko hoken, nếu sử dụng bảo hiểm này thì người lái xe sẽ bị trừ 3 bậc trong xếp hạng lái xe an toàn, do đó nếu không cần thiết thì thường không cần tham gia bảo hiểm này.

  Thông thường chỉ nên tham gia bảo hiểm này nếu xe hơi thuộc dòng cao cấp, đắt tiền và mới được sử dụng khoảng 0~5 năm.

3. Nên lựa chọn bảo hiểm tự nguyện như thế nào?

  Theo kinh nghiệm của Momiji’s family, dưới đây là các gói bảo hiểm phổ biến và được coi là cần thiết nhất trong các gói bảo hiểm tự nguyện:

  1. Bồi thường dành cho đối phương (対人賠償保険- Taijinbaisho hoken +対物賠償保険-Taibutsu baisho hoken): Chọn mức 無制限– Museigen mức bồi thường vô giới hạn.

  2. Bảo hiểm bồi thường chấn thương cho người (人身傷害補償保険- Jinshinshougai hoshou hoken): Chọn mức ít nhất từ 3000 man yên trở lên. Lý do là với hạn mức 3000man yên thì đã được coi có thể cover được hầu hết các trường hợp tai nạn thương tích tại Nhật. Ngoài hạn mức 3000 man yên còn có gói hạn mức 5000 man yên và mức vô giới hạn 無制限- Museigen, tuy nhiên mình cảm thấy không cần thiết lắm và tất nhiên nếu bạn chọn các gói với giới hạn bồi thường cao hơn thì phí bảo hiểm cũng tăng lên nhé

  3. Bảo hiểm cho người ngồi cùng xe (搭乗者傷害保険-Toujou sha shougai hoken): Có thể nhiều người nghĩ là đã tham gia bảo hiểm bồi thường chấn thương cho người Jinshinshougai hoshouhoken rồi thì không cần bảo hiểm Toujousha shougai hoshou hoken nữa, nhưng cá nhân Momiji’s family nghĩ vẫn cần thiết. Lí do là thủ tục để xin bảo hiểm của Jinshin shougai hoshou hoken khá phức tạp và cần thời gian điều tra của công ty bảo hiểm.

  Trong nhiều trường hợp nếu không xác minh được tính hợp lý của chi phí thiệt hại có thể không được công ty bảo hiểm bồi thường. Ngược lại quy định bồi thường của Toujousha shougai hoken khá rõ ràng và thủ tục xin lại bảo hiểm khá dễ dàng nên nếu phí bảo hiểm không chênh lệch nhiều thì mình khuyên các bạn nên chọn thêm bảo hiểm này.

  4. Bảo hiểm bồi thường khi xe đối phương không mua bảo hiểm (無保険車傷害保険‐Muhokensha shougaihoken): Đây cũng là gói theo mình nghĩ là cần thiết vì trường hợp đối phương không đủ điều kiện bồi thường cho chủ xe/người lái xe thì công ty bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả. Theo thống kê có tới 15% xe lưu hành tại Nhật không tham gia bảo hiểm tự nguyện Nini hoken, nên trường hợp xấu nhất hoàn toàn có thể xảy ra đúng không nào?

  Trên đây là các gói có thể nói là căn bản nhất, ngoài ra tùy vào ngân sách mà có thể chọn thêm các dịch vụ đặc biệt khác của từng công ty bảo hiểm. Ví dụ như khi gây tai nạn xe bị hỏng không thể chạy thì phải thuê xe kéo chở đi nên để yên tâm hơn, bạn nên chọn thêm gói ロードサービス(Road service) của các công ty bảo hiểm. Khi có sự cố chỉ cần gọi điện đến tổng đài họ sẽ điều xe giúp và bảo hiểm cũng sẽ chi trả khoản này.

  Momiji’s family hi vọng rằng, những chia sẻ trên đây đã cung cấp cho độc giả các kiến thức căn bản nhất về các loại bảo hiểm ô tô tại Nhật Bản, độc giả có thể tham khảo thêm kinh nghiệm mua bảo hiểm của chính gia đình Momiji trong bài viết dưới đây nhé:

Kinh nghiệm mua bảo hiểm xe ô tô tại Nhật

 

 

Share this:

  • Click to share on Twitter (Opens in new window)
  • Click to share on Facebook (Opens in new window)
  • Click to share on LinkedIn (Opens in new window)
  • Click to share on WhatsApp (Opens in new window)
  • Click to share on Skype (Opens in new window)
  • More
  • Click to print (Opens in new window)

Like this:

Like Loading...

Related

Từ khóa » Các Công Ty Bảo Hiểm Oto ở Nhật