Các Loại Cước Trong Vận Chuyển Hàng Không - Hội Xuất Nhập Khẩu

Khi chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không, chúng ta phải trả cho người vận chuyển một khoản tiền gọi là cước vận tải hàng không. Cước vận tải hàng không được đưa ra dựa trên những cơ sở nhất định và bao gồm nhiều loại cước khác nhau.

1. Khái niệm cước vận tải hàng không

Cước vận tải hàng không là số tiền phải trả cho việc chuyên chở một lô hàng và các dịch vụ có liên quan đến việc vận chuyển bằng phương tiện máy bay. Mức cước hay giá cước (rate) là số tiền mà người vận chuyển thu trên một khối lượng đơn vị hàng hoá vận chuyển.Mức cước áp dụng là mức ghi trong biểu cước hàng hoá có hiệu lực vào ngày phát hành vận đơn.

Cước hàng không quốc tếCước hàng không quốc tế
Cước hàng không quốc tế

2. Cơ sở tính cước hàng không

Hàng hoá chuyên chở có thể phải chịu cước theo trọng lượng nhỏ và nặng, theo thể tích hay dung tích chiếm chỗ trên máy bay đối với hàng hoá nhẹ và cồnh kềnh. Đối với những loại hàng hóa có giá trị cao thì giá cước sẽ được tính dựa theo trị giá của hàng trên một đơn vị thể tích hay trọng lượng.

Tuy nhiên cước hàng hoá không được nhỏ hơn cước tối thiểu.Cước phí trong vận tải hàng không được quy định trong các biểu cước thống nhất. Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế – IATA (International Air Transport Association) đã có quy định về quy tắc, thể lệ tính cước và cho ấn hành trong biểu cước hàng không, viết tắt là TACT (The Air Cargo Tariff).

3. Một số loại cước hàng không

Cước hàng bách hoá (GCR- general cargo rate)

Là cước áp dụng cho hàng bách hoá thông thường vận chuyển giữa hai điểm. Cước này được giảm nếu khối lượng hàng hoá gửi tăng lên.

Căn cứ theo khối lượng hàng hóa, cước hàng bách hoá phân thành hai loại sau:

– Hàng hóa có từ 45 kg trở xuống: Áp dụng cước hàng bách hoá thông thường (GCR-N: normal general cargo rate)

– Hàng hóa có từ 45 kg trở lên: Áp dụng cước bách hoá theo số lượng (GCR-Q: quanlity general cargo rate).

Thông thường các hãng hàng không sẽ công bố giá cước đối với từng khối lượng hàng. Mức khối lượng thường được các hãng áp dụng theo mức khối lượng như sau:

  • Mức min: Là mức cước nhỏ nhất 
  • Dưới 45kg 
  • Từ 45 đến dưới 100kg
  • Từ 100 đến dưới 250kg
  • Từ 250 đến dưới 500kg
  • Từ 500 đến dưới 1000kg… 
  • Từ 1000kg trở lên.

Loại cước hàng bách hóa được dùng làm cơ sở tính cước của các hàng hóa không có giá cước riêng.

Ví dụ về tính cước hàng không

Doanh nghiêp A nhập khẩu lô hàng Áo thu đông gồm 3 kiện hàng, mỗi kiện nặng 80kg và có kích thước là 80 x 50 x 50 (cm).

Cách tính được thực hiện như sau:

Gross weight (GW): 3 x 80 = 240kg

Volume Weight(VW): [3 x (80 x 50 x 50)]:6000 =  100Kg

Do Gross weight (GW) lớn hơn nên sẽ được lấy làm khối lượng tính cước (CW): 240kg

Vậy ta áp dụng mức cước + 100 là 1.95 USD/kg.

Giá cước hàng không: 240 x 1.95 = 468 USD

Trường hợp đặc biệt : Nếu hàng có khối lượng tích cước CW là 480 (với áp dụng mức cước + 100 là 1.95 USD/kg, và + 500 là 1.75 USD/kg), khi đó ta có hai cách tính :

Giá cước hàng không 1: 480 x1.95 =936 USD ( Mức +100)

Giá cước hàng không 2: 500×1.75 = 875 USD ( Áp lên mức +500)

Mức giá cước 2 nhỏ hơn mức giá cước 1 nên áp mức cước số 2 là 875 USD

Cước hàng không tối thiểu (M-minimum rate)

Là cước mà thấp hơn thế thì các hãng hàng không coi là không kinh tế đối với việc vận chuyển một lô hàng, thậm chí một kiện rất nhỏ. Trong thực tế, cước tính cho một lô hàng thường bằng hay lớn hơn mức cước tối thiểu. Cước tối thiểu phụ thuộc vào các quy định của IATA.

Cước hàng đặc biệt (SCR-specific cargo rate)

Thường thấp hơn cước hàng bách hoá và áp dụng cho hàng hoá đặc biệt trên những đường bay nhất định. Mục đích chính của cước đặc biệt là để chào cho người gửi hàng giá cạnh tranh, nhằm tiết kiệm cho người gửi hàng bằng đường hàng không và cho phép sử dụng tối ưu khả năng chuyên chở của hãng hàng không.

Trọng lượng hàng tối thiểu để áp dụng cước đặc biệt là 100kg, có nước áp dụng trọng lượng tối thiểu dưới 100 kg. Theo IATA.

Những loại hàng hoá áp dụng cước đặc biệt được chia thành 9 nhóm lớn là:

– Nhóm 1: Súc sản và rau quả, ký hiệu 0001-0999

– Nhóm 2: Ðộng vật sống và động vật phi súc sản, hoa quả, 2000-2999

– Nhóm 3: Kim loại và các loại sản phẩm kim loại trừ máy móc, xe vận tải và sản phẩm điện tử, 3000-3999

– Nhóm 4: Máy móc, xe vận tải và sản phẩm điện tử, 4000-4999

– Nhóm 5: Các khoáng vật phi kim loại và sản pảhm của chúng, 5000-5999

– Nhóm 6: Hoá chất và các sản phẩm hoá chất, 6000-6999

– Nhóm 7: Các sản phẩm gỗ, cao su, sậy, giấy, 7000-7999

– Nhóm 8: Các dụng cụ, thiết bị chính xác, nghiên cứu khoa học, 8000-8999

Các nhóm lớn lại được chia thành các nhóm nhỏ hơn.

* Cước phân loại hàng (class rate)

Ðược áp dụng đối với những loại hàng hoá không có cước riêng, nó thường được tính theo phần trăm tăng hoặc giảm trên cước hàng hoá bách hoá, áp dụng đối với những loại hàng hoá nhất định trong những khu vực nhất định. Các loại hàng hoá chính áp dụng loại cước này:

– Ðộng vật sống: giá cước đối với động vật sống được tính bằng 150% so với cước hàng hoá thông thường.

Thức ăn và bao gói cũng được chia vào khối lượng tính cước của lô hàng.

– Hàng trị giá cao như vàng bạc, đồ trang sức được tính bằng 200% cước hàng bách hoá thông thường.

– Sách báo, tạp chí, thiết bị và sách báo cho người mù được tính bằng 50% cước hàng bách hoá thông thường.

– Hành lý được gửi như hàng hoá (baggage shipped as cargo): Cước được tính bằng 50% cước hàng bách hoá thông thường.

– Hài cốt (human remains) và giác mạc loại nước (dehydrated corneas): được miễn phí ở hầu hết các khu vực trên thế giới…

* Cước tính cho mọi loại hàng (FAK-freight all kinds)

Là cước tính như nhau cho mọi loại hàng xếp trong container, nếu nó chiếm trọng lượng hay thể tích như nhau.

Cước này có ưa điểm là đơn giản khi tính, nhưng lại không công bằng, loại hàng có giá trị thấp cũng bị tính cước như hàng có giá trị cao, ví dụ: cước tính cho một tấn cát cũng như tính cho một tấn vàng.

* Cước ULD (ULD rate)

Là cước tính cho hàng hoá chuyên chở trong các ULD được thiết kế theo tiêu chuẩn của IATA. Thông thường, cước này thấp hơn cước hàng rời và khi tính cước không phân biệt số lượng, chủng loại hàng hoá mà chỉ căn cứ vào số lượng, chủng loại ULD. Số ULD càng lớn thì cước càng giảm.

* Cước hàng chậm

Cước này áp dụng cho những lô hàng không cần chở gấp và có thể chờ cho đến khi có chỗ xếp hàng trên máy bay. Cước hàng chậm thấp hơn cước hàng không thông thường do các hãng hàng không khuyến khích gửi hàng chậm để họ chủ động hơn cho việc sắp xếp chuyên chở.

* Cước hàng thống nhất (unifined cargo rate)

Cước này được áp dụng khi hàng hoá được chuyên chở qua nhiều chặng khác nhau. Người chuyên chở chỉ áp dụng một loại giá cước cho tất cả các chặng. Cước này có thể thấp hơn tổng số tiền cước mà chủ hàng phải trả cho tất cả những người chuyên chở riêng biệt, nếu người chủ hàng tự thuê nhiều người chuyên chở khác nhau, không thông qua một người chuyên chở duy nhất.

* Cước hàng gửi nhanh (priority rate)

Cước này được gọi là cước ưu tiên, áp dụng cho những lô hàng được yêu cầu gửi gấp trong vòng 3 tiếng kể từ khi giao hàng cho người chuyên chở.

Cước gửi nhanh thường bằng 130% đến 140% cước hàng bách hoá thông thường.

* Cước hàng nhóm (group rate)

Cước này áp dụng đối với khách hàng có hàng gửi thường xuyên trong các container hay pallet, thường là đại lý hay người giao nhận hàng không.

Tại hội nghị Athens năm 1969, IATA cho phép các hãng hàng không thuộc IATA được giảm cước tối đa là 30% so với cước hàng bách hoá thông thường cho đại lý và người giao nhận hàng không. Ðiều này cho phép các hãng hàng không được giảm cước nhưng tránh sự cạnh tranh không lành mạnh do giảm cước quá mức cho phép.

Xem thêm: Quy Trình Thực Tế Làm Hàng Xuất Tại Tân Sơn Nhất (SCSC-TCS)

Bài viết có thể thừa với một số người nhưng có thể thiếu với ai đó cho nên tôi viết bài này để có thể giúp được cho ai đó có thêm nguồn kiến thức mới bổ sung vào hành trang trong ngành logistics cũng như xuất nhập khẩu, và hãy chia sẽ kiến thức này đết tất cả mọi người để một phần giúp cho ai đó nhé.

Từ khóa » Cước Vận Tải Hàng Không Là Gì