Các Loại Dị Tật Bẩm Sinh | Tim Bẩm Sinh-Tật Còn ống động Mạch

Tim bẩm sinh-Tật còn ống động mạch

Tật tim bẩm sinh là gì?Nguyên nhân nào gây ra tật tim bẩm sinh?Làm thế nào để chẩn đoán tật tim bẩm sinh?Có những loại tật tim bẩm sinh nào?Thế nào là còn ống động mạch?Làm thế nào để chẩn đoán tật còn ống động mạch?Tiến triển của tật còn ống động mạch như thế nào?Điều trị tật còn ống động mạch như thế nào?Khi nào cần chỉ định phẫu thuật?

Tật tim bẩm sinh là gì? (Về đầu)

Tật tim bẩm sinh là loại dị tật liên quan đến cấu trúc của tim, có mặt từ trước khi sinh. Tim bẩm sinh là loại bệnh thông thường nhất trong hầu hết các loại khuyết tật bẩm sinh. Trung bình có 1 trẻ mắc tật tim bẩm sinh trong khoảng từ 200 đến 500 trẻ sơ sinh.

untitled-1 copy
Hình 1: Thiết diện dọc của một quả tim bình thường. Phía bên phải màu xanh chứa máu nghèo oxy đưa máu từ cơ thể đến động mạch phổi. Phía bên trái màu đỏ chỉ hướng đi của lưu lượng máu giàu oxy từ phổi về tim để đưa máu đến những phần còn lại của cơ thể.

Tim của trẻ bắt đầu xuất hiện và phát triển ngay từ giữa tuần lễ thứ ba (khoảng ngày thứ 18) sau khi thụ thai. Hình 14.1 mô tả thiết diện dọc của một quả tim bình thường. Trong quá trình phát triển, những dị tật về mặt cấu trúc của tim có thể xảy ra. Những dị tật này có thể liên quan đến vách tim, van tim và động mạch cũng như tĩnh mạch gần tim. Dị tật tim bẩm sinh có thể làm thay đổi lưu lượng máu đến tim dưới các hình thức sau:

  • Bị chậm lại.
  • Chảy nhầm hướng hoặc đến nhầm chỗ.
  • Hoàn toàn bị chặn lại.

Có rất nhiều loại tật tim bẩm sinh. Các dị tật này có thể từ đơn giản không có triệu chứng đến các dị tật phức tạp với những triệu chứng nặng nề đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Nguyên nhân nào gây ra tật tim bẩm sinh? (Về đầu)

Nguyên nhân của hầu hết các tật tim bẩm sinh đều chưa được biết. Theo các nhà khoa học các đa số tật tim bẩm sinh được xếp vào nhóm bệnh di truyền đa yếu tố, nghĩa là có nguyên nhân từ sự phối hợp giữa các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Tật tim bẩm sinh còn được gặp trong các trường hợp bất thường về số lượng nhiễm sắc thể (NST) như thể ba NST 21, NST 13 hoặc NST 18 và cả trong những trường hợp bệnh lý do đột biến gen.

Nhiều yếu tố môi trường được cho là tham gia vào việc gây ra tật tim bẩm sinh như mẹ nghiện rượu, ma túy, sử dụng một số dược phẩm trong thời kỳ mang thai như thalidomide, bị nhiễm virút như bị bệnh sởi trong quý đầu của thai kì hoặc mẹ bị tiểu đường v.v...

Làm thế nào để chẩn đoán tật tim bẩm sinh ? (Về đầu)

Khi nghi ngờ trẻ bị tật tim bẩm sinh, cán bộ y tế cơ sở nên giới thiệu trẻ đến các cơ sở chẩn đoán có các bác sĩ chuyên khoa và có siêu âm doppler để có chẩn đoán chính xác.

Có những loại tật tim bẩm sinh nào ? (Về đầu)

Có rất nhiều loại tật tim bẩm sinh khác nhau, dưới đây là thông tin chi tiết của một số tật tim bẩm sinh phổ biến

Thế nào là còn ống động mạch ? (Về đầu)

Ống động mạch tồn tại trong quá trình phát triển của bào thai, tạo sự thông thương giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Sau khi trẻ sinh ra đời bình thường ống động mạch đóng lại.

Khi trẻ sinh ra nếu ống động mạch vẫn còn tồn tại gây luồng thông trái-phải gây quá tải tuần hoàn phổi, nhĩ trái và thất trái (hình 2 ; 3). Sự quá tải tuần hoàn phổi gây nên các biểu hiện hô hấp, tăng áp lực động mạch phổi và giãn động mạch phổi, giãn nhĩ trái và thất trái, giảm huyết áp tâm trương. Sự tăng áp lực động mạch phổi có thể xảy ra từ rất sớm.

Nếu kích thước của ống động mạch nhỏ, nguy cơ chủ yếu là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Nếu kích thước ống động mạch lớn sẽ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ từ lúc sinh đến 12 tháng sau sinh và làm tăng áp lực động mạch phổi.

Làm thế nào đề chẩn đoán tật còn ống động mạch ? (Về đầu)

Lâm sàng

  • Nghe tim có tiếng thổi liên tục dưới xương đòn trái rất điển hình, đôi khi sờ có rung miu.
    untitled-3 copy
    Hình 3: Hình ảnh ống động mạch
  • Có thể nghe tiếng thổi tâm thu mạnh và kéo dài đến thì tâm trương. Khi ống động mạch lớn, áp lực động mạch phổi tăng cao thì tiếng thổi nghe yếu.

Siêu âm-doppler tim giúp chẩn đoán xác định:

  • Siêu âm 2 chiều xác định vị trí và kích thước ống động mạch.
  • Siêu âm doppler xác định hướng luồng thông qua ống động mạch.
  • Ngoài ra, siêu âm-doppler giúp phát hiện thêm các thương tổn phối hợp.
  • Đánh giá áp lực động mạch phổi.
  • Đánh giá kích thước nhĩ trái, thất trái và động mạch phổi.

Xquang

  • Bóng tim lớn.
  • Tăng tưới máu tuần hoàn phổi.

Điện tâm đồ

  • Dày thất trái.

Tiến triển của tật còn ống động mạch như thế nào ? (Về đầu)

Đối với trẻ sơ sinh

  • Ống động mạch có thể tự đóng trong vòng 3 tuần đầu sau sinh.

Đối với trẻ dưới 6 tháng

  • Còn ống động mạch ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ, gây nên tình trạng suy hô hấp, suy tim.

Đối với trẻ trên 6 tháng

  • Áp lực động mạch phổi tăng cao.
  • Phì đại cơ tim, giãn buồng tim sau nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Đối với các lứa tuổi

  • Nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
  • Hở van động mạch chủ và van hai lá do giãn buồng tim.

Điều trị tật còn ống động mạch như thế nào ? (Về đầu)

untitled-4 copy

Hình: 4 Cắt khâu ống động mạch Buộc ống động mạch

Điều trị chủ yếu là đóng ống động mạch.

  • Đóng ống động mạch bằng thuốc ức chế tổng hợp prostaglandine đối với trẻ sơ sinh.
  • Đóng ống động mạch bằng can thiệp nội mạch. Có thể có các biến chứng:

- Để lại luồng thông trong 10%-20% trường hợp.

- Prothèse đóng ống động mạch có thể vào trong động mạch phổi.

  • Đóng ống động mạch bằng phẫu thuật (hình 4). Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả. Hầu như không có tử vong khi phẫu thuật ở trẻ nhỏ. Các biến chứng có thể xảy ra nhưng hiếm như tràn dịch dưỡng trấp, liệt thần kinh quặt ngược.
Khi nào cần chỉ định phẫu thuật: (Về đầu)
  • Đối với ống động mạch lớn, tăng áp lực động mạch phổi nặng, cần chỉ định phẫu thuật sớm sau giai đoạn sơ sinh.
  • Đối với ống động mạch có kích thước vừa, không tăng áp lực động mạch phổi nặng, chỉ định điều trị phẫu thuật ngoại khoa khi trẻ được khoảng 1 tuổi.
Tài liệu tham khảo 1. Aponte G.E. (1999), "Congenital heart disease", Pathology, Lippincott Williams and Wilkins, Philadelphia. 2. Litwin S. B. (2007), Color Atlas of Congenital Heart Surgery, Springer Science+Business Media, Second Edition, New York. 3. Batisse A. (1993), « Etiologies des cardiopathies congénitales », Cardiologie Pédiatrique Pratique, Doin Editeurs, Paris. Biên soạn: TS. BS Lê Quang Thứu

Từ khóa » Các Loại Dị Tật Bẩm Sinh