Các Loại Hình Doanh Nghiệp ở Việt Nam? (phần 1) - Luật Hoàng Anh

Luật doanh nghiệp 2020 quy định 04 loại hình doanh nghiệp sau để thành lập doanh nghiệp: (i) công ty trách nhiệm hữu hạn (gồm 02 loại là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên); (ii) công ty cổ phần; (iii) công ty hợp danh; (iv) doanh nghiệp tư nhân.

Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp, pháp luật đặt ra các quy định riêng. Trong bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ phân tích chi tiết về các loại hình doanh nghiệp nêu trên theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Căn cứ Điều 74 Luật doanh nghiệp năm 2020, có thể thấy công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có những đặc điểm cơ bản sau:

Thành viên công ty

Số lượng thành viên gồm một thành viên duy nhất trong suốt quá trình hoạt động. Thành viên công ty có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức. Thành viên này là người góp vốn, đồng thời là người thành lập, người quản lý công ty.

Nếu so với loại hình doanh nghiệp tư nhân thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có điểm giống ở chỗ là loại hình doanh nghiệp một chủ. Tuy nhiên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể thành lập bởi tổ chức hoặc cá nhân, trong khi chủ của doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể là cá nhân. Ngoài ra, so với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, hai loại hình công ty này khác nhau ở số lượng thành viên tham gia góp vốn. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có một thành viên duy nhất, cũng là chủ sở hữu công ty.

Trách nhiệm tài sản

Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải có sự tách tạch tài sản giữa tài sản Chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Nguyên tắc phân tách tài sản được áp dụng trong mọi quan hệ tài sản, nợ nần và trách nhiệm pháp lý của công ty trong quá trình hoạt động.

Tư cách pháp nhân

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. Kết hợp với phần phân tích về trách nhiệm tài sản trên đây, có thể thấy công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đáp ứng đủ các điều kiện để được công nhận là pháp nhân. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cơ chế về vốn

Chủ sở hữu được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác. Nếu chủ sở hữu chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình cho người khác. Trong trường hợp này, chủ sở hữu mới sẽ tiếp nhận công ty và tiếp tục điều hành kinh doanh trên cơ sử công ty đã có, cũng có thể thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và phương hướng của mình. Nếu chủ sở hữu công ty chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác có thể làm thay đổi mô hình công ty thì công ty phải thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh để tổ chức lại hoạt động công ty theo loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phiếu. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phiếu cho thấy sự gia nhập của người ngoài vào công ty bị hạn chế hơn so với Công ty cổ phần. Tuy nhiên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu để huy động vốn khi đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, điều lệ công ty và căn cứ vào nhu cầu của công ty.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Khác với đa số các loại hình công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoàn toàn là sản phẩm của quá trình lập pháp. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có những đặc điểm sau:

Thành viên công ty

Thành viên công ty là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty. Thành viên công ty là nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng thành viên của công ty tối thiếu là 02 và tối đa không vượt quá 50 thành viên. Mặc dù có bản chất là công ty đối vốn nhưng trong công ty vẫn tồn tại một số đặc điểm của công ty đối nhân để hiện ở sự giới hạn về số lượng thành viên này. Pháp luật về doanh nghiệp đã xây dựng một loại hình công ty mang tính chất gia đình, các thành viên thường có mối quan hệ gần gũi, gắn bó với nhau, từ đó tạo nên một tổ chức kinh doanh không quá cồng kềnh cũng không lỏng lẻo.

Trách nhiệm về tài sản

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính và khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty. Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty trừ trường hợp các thành viên chưa góp vốn hoặc góp không đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với số vốn đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty cho đến khi công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên đó. Chế độ trách nhiệm hữu hạn của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên giống với chế độ trách nhiệm hữu hạn của cổ đông công ty cổ phần nhưng lại khác biệt so với chế độ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân hay thành viên hợp danh công ty hợp danh. Có thể thấy, trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sự tách bạch giữa tài sản công ty và tài sản riêng của thành viên công ty.

Vốn

Công ty trách nhiệm hữu hạn không được phát hành cổ phần. Tuy nhiên, công ty này được phát hành trái phiếu để huy động vốn khi đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật và theo điều lệ công ty.

Thành viên công ty được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty phải tuân thủ theo các điều kiện nhất định. Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên bị hạn chế hơn so với việc chuyển nhượng vốn của cổ đông công ty cổ phần. Quy định này nhằm hạn chế sự gia nhập thành viên công ty vì các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là những người có quan hệ thân thiết gắn bó tin tưởng lẫn nhau để cùng nhau góp vốn tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tư cách pháp nhân

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là một pháp nhân. Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là tổ chức có tên riêng, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định pháp luật nhằm mục đích kinh doanh, có tài sản riêng hình thành từ vốn góp của các thành viên công ty và tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của công ty. Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Công ty cổ phần

Bên cạnh việc sở hữu những đặc điểm chung của loại hình doanh nghiệp khác như: được công nhận là một tổ chức kinh tế; có tư cách pháp nhân; có tài sản, trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hoạt động kinh doanh. Thì công ty cổ phần cũng có nhiều đặc điểm riêng để phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể như sau:

Tư cách pháp lý

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các điều kiện để một tổ chức được công nhân là pháp nhân như sau: (i) Được thành lập theo quy định của Pháp luật, (ii) Có cơ cấu tổ chức theo quy định, (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Do đó, khi nói công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, chúng ta thừa nhận công ty cổ phần thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để được công nhận là pháp nhân theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

Vốn điều lệ

Vốn điều lệ của công ty được chia làm nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Các cổ đông sáng lập đăng ký mua các loại cổ phần khi thành lập công ty cổ phần, tổng mệnh giá các loại cổ phần do các cổ đông sáng lập đăng ký mua là vốn điều lệ của công ty khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Công ty cổ phần có thể thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây: (i) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông; (ii) Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật Doanh nghiệp 2020; (iii) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật Doanh nghiệp.

Cổ đông

Dố lượng cổ đông của công ty cổ phần trong suốt quá trình tối thiểu là ba cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Do đó, trên thực tế, công ty cổ phần thường có sự tham gia góp vốn của rất nhiều thành viên và vì vậy, khả năng huy động vốn từ các cổ đông của công ty cổ phần có thể dễ dàng hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn đã góp trong công ty. Như đã phân tích, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của công ty và nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Do vậy, trách nhiệm của các cổ đông về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty là trách nhiệm hữu hạn, giới hạn trong phạm vi số vốn đã góp trong công ty.

Phát hành cổ phiếu, trái phiếu

Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty. Đây là cách thức huy động vốn chủ yếu đối với loại hình công ty cổ phần. Bằng việc phát hành các loại cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác, công ty cổ phần có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn từ bên ngoài với số lượng lớn, trong thời gian ngắn, phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty.

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Các Loại Hình Doanh Nghiệp ở Việt Nam 2020