Các Loại Lệnh Đặt Trong Chứng Khoán LO, MP, ATO, ATC, MTL ...

Giới thiệu

Bài viết dưới đây mình xin giới thiệu 1 loạt các Khái niệm cơ bản có liên quan đến các loại Lệnh Chứng khoán được đặt mua bán. Bài viết là 1 phần nhỏ bổ trợ làm rõ hơn bài viết Cách xem Bảng giá Chứng khoán và cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Lệnh Giới hạn – Lệnh LO. + Một số Ví dụ về Tính Giới hạn của Lệnh. + Lệnh ATO / ATC trong Phiên Khớp lệnh Định kỳ. + Lệnh Thị trường – Lệnh MP trong Phiên Khớp lệnh Liên tục tại HOSE. + Các Lệnh Thị trường – Lệnh MTL, MOK, MAK trong Phiên Khớp lệnh Liên tục tại HNX. + Lệnh PLO trong Phiên Khớp lệnh Sau giờ tại HNX.

Cụ thể, Ta có Bảng sau:

Trong ảnh: Bảng giá Phân bố Thời gian các Phiên Khớp lệnh kèm các Lệnh được đặt trong Phiên Giao dịch đó tại từng sàn (Link gốc ảnh)

Để rõ hơn bạn nên bấm “Link gốc ảnh” cuối ảnh, chúng ta dễ thấy “Lệnh LO” ở bất kỳ Phiên nào hay sàn nào cũng đều được dùng. Và trong thực tế đã chứng minh 95% Lệnh đặt trên Thị trường Chứng khoán là đến từ Lệnh này. Nên thực ra về cơ bản đôi khi bạn nắm vững lệnh này là được. Các lệnh sau mình vẫn sẽ giới thiệu chi tiết kèm ví dụ để các bạn biết và hiểu thêm.

—————————————————————

Lệnh Giới hạn – Lệnh LO

– Khái niệm: LO là viết tắt của 2 chữ Tiếng Anh – Limit Order tức là Lệnh Giới hạn. Vậy Lệnh Giới hạn là gì và tại sao lại có tên như vậy?Chúng ta cũng xét đến tính Giới hạn của Lệnh này thông qua 1 ví dụ nhỏ ngoài đời như sau hoặc xem Chi tiết hơn tại Bài viết Lệnh Giới hạn LO trong Chứng khoán là gì? Cách dùng và Ví dụ:

– Ví dụ về Tính Giới hạn: cách đây 1 tuần thì chiếc Điện thoại Samsung Galaxy Note của mình dạo này hơi tậm tịt và có thể là do dùng lâu nên như vậy. Lại nhớ rằng hôm nọ có đứa bạn Cấp 3 cũ mới khoe là nó vừa mua 1 chiếc Điện thoại iPhone mới qua Facebook. Mình hay xài Samsung và giờ cũng muốn thử đổi xem là Apple iPhone nó ra sao mà nhiều người xài vậy. Quyết định bắt máy gọi điện hỏi cậu bạn đó với ý định tham khảo giá cả và các điều kiện khác trước khi mua và nhận được câu trả lời: “Tớ vừa mua con này giá 17,5 triệu đồng, mới ra, dùng được lắm. Cậu có thể ra cửa hàng … mà mua xem sao. Chắc giá vẫn quanh quanh tầm đó”. Như vậy mình đã có thông tin sơ bộ và quyết định cầm 18 triệu đồng theo để nếu có lên giá chút thì vẫn sẽ mua. Khi đến nơi thì chủ cửa hàng có thông tin lại: “Cái này mới ra, đợt này hàng về hơi ít nên giá mới lên lại chút là 17,7 triệu đồng“. Sau đó thì mình ok và chấp nhận mua giá này – 17,7 triệu đồng và thanh toán hết đúng từng đó. Sau giao dịch thì Tài sản của mình thay vì 18 triệu đồng đã thành 1 chiếc Apple iPhone mới300 ngàn đồng.

Trong ảnh: Chiếc iPhone mình định mua, cầm 18 triệu đồng theo và Cửa hàng công bố giá bán 17,7 triệu đồng (Link gốc ảnh)

– Phân tích Tính giới hạn trong ví dụ: Mình cầm 18 triệu đồng đi trước khi đến cửa hàng thì tức là tối đa mình sẽ mua đến 18 triệu đồng, và nếu cửa hàng công bố giá bán cao hơn 18 triệu đồng như 18,2 triệu đồng thì mình sẽ không mua vì 18 triệu đồng cầm theo theo tức là Giá tối đa mà mình chấp nhận Mua. Tuy nhiên nếu cửa hàng (Tức Người Bán) công bố giá bán thấp như trong ví dụ là 17.7 triệu đồng thì mình sẽ thanh toán với giá thấp hơn là … 17,7 triệu đồng thôi. Chứ không ai khi cửa hàng bảo 17,7 triệu đồng lại “Tôi cứ thích mua đúng giá 18 triệu đồng đó”. Xin nhắc lại ở đây, Bảng giá Chứng khoán được xây dựng ở đây trên nguyên tắc Kinh tế học thông thường nên cứ giá tốt hơn thì giao dịch. Ngược lại khi mua xong chiếc Apple iPhone mới thì giờ bạn mình bán đi chiếc cũ Samsung Galaxy Note, suy nghĩ đơn giản của mình là 2,5 triệu đồng là bán được, nhưng khi hỏi vài cửa hàng thì có 1 cửa hàng mua cho mình chiếc đó cao nhất là … 2,7 triệu đồng. Và mình quyết định bán giá tốt hơn này. Tổng hợp lại, Tính giới hạn là mức tối đa người giao dịch muốn mua bán nhưng có giá tốt hơn giá bạn mong muốn thì càng tốt và sẽ giao dịch thành công giá đó. Tức là Giá đặt lệnh và Giá giao dịch thành công đôi khi là không giống nhau.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AAA trước và sau khi thực hiện Lệnh mua 2.000 cp AAA giá 33,1 (Link gốc ảnh)

Trong ảnh nói trên mình có mô phỏng Bảng giá Chứng khoán giả định với riêng mã AAA trước và sau khi mình Đặt 1 Lệnh Mua 2.000 cp giá 33,1 ngàn đồng. Một số khái niệm cần giải thích thêm trong ảnh trên:

+ Cột “Bán” ở vị trí khoanh tròn số 4: ở đây được hiểu là những người muốn bán và chưa bán được. Giống như các cửa hàng đang trưng bầy Điện thoại ra và chào bán giả dụ chiếc Apple iPhone mới với giá 17.7 triệu đồng hay 17,8 triệu đồng hay 17,9 triệu đồng hay … và chưa bán được hoặc chưa bán hết được. Dưới cột “Bán” ta thấy các cột con như “G1” tức là Giá 1 hay Giá bán thấp nhất bên bán (Vì khi bất kỳ ai đi mua thì theo nguyên tắc kinh tế đều sẽ chọn cửa hàng Giá bán thấp nhất nên là tốt nhất với người mua). Trong hình ảnh phần trước khi đặt lệnh thì Giá bán thấp nhất của AAA (G1) là 33 ngàn đồng. Còn cột con “KL1” là tổng khối lượng muốn bán tại mức Giá 1.  Trong ảnh phần trước khi đặt lệnh thì Khối lượng Bán tại mức Giá 33 ngàn đồng là 5.630 cổ phiếu. Tương tự cột con “G2” và “KL2” là Giá bán thấp thứ 2 bên bán (Là ưu tiên thứ 2 với người mua, người mua sẽ chọn cửa hàng bán thấp nhất, nếu cửa hàng đó hết hàng, thì sẽ sang cửa hàng bán thấp thứ 2). Trong hình ảnh lần lượt sẽ là G2 – 33,05 ngàn đồng và KL2 – 2.100 cổ phiếu. Tượng tự là cột con “G3” và “KL3” lần lượt là G3 – 33,1 ngàn đồng và KL3 – 11.880 cổ phiếu.

+ Cột “Mua” ở vị trí khoanh tròn số 5: ở đây được hiểu là những người muốn mua và chưa mua được. Giống như các cửa hàng khi thấy Điện thoại cũ của mình Samsung Galaxy Note đã chào mua là 2,5 triệu đồng hay 2,6 triệu đồng hay 2,7 triệu đồng hay … và chưa mua được hoặc chưa mua hết được. Dưới cột “Mua” ta cũng thấy các cột con như “G1” tức là Giá 1 hay Giá cao nhất bên mua (Vì khi bất kỳ ai đi bán theo nguyên tắc kinh tế đều sẽ chọn cửa hàng Giá mua cao nhất nên là tốt nhất với người bán). Trong hình ảnh phần trước khi đặt lệnh thì Giá mua cao nhất của AAA (G1) là 32.8 ngàn đồng. Còn cột con “KL1” là tổng khối lượng muốn mua tại mức Giá 1.  Trong ảnh phần trước khi đặt lệnh thì Khối lượng Mua tại mức Giá 32.8 ngàn đồng là 120 cổ phiếu. Tương tự cột con “G2” và “KL2” là Giá mua cao thứ 2 bên mua (Là ưu tiên thứ 2 với người bán, người bán sẽ chọn cửa hàng mua lại cho mình giá mua cao nhất, nếu cửa hàng đó không muốn mua thêm, thì sẽ sang cửa hàng mua cao thứ 3). Trong hình ảnh lần lượt sẽ là G2 – 32,7 ngàn đồng và KL2 – 6.940 cổ phiếu. Tượng tự là cột con “G3” và “KL3” lần lượt là G3 – 32,6 ngàn đồng và KL3 – 12.140 cổ phiếu.

+ Cột “Khớp lệnh” ở vị trí mũi tên số 1: ở đây được hiểu là Lệnh Giao dịch thành công gần nhất với Giá, Khối lượng và Tăng giảm so với giá Tham chiếu của Lô giao dịch đó.

Quay trở lại hình ảnh, ta có thể thấy rõ ràng là có 2 phần: Phần trước khi đặt lệnh ở phía trên và Phần sau khi đặt lệnh ở phía dưới. Ở đây trong ví dụ ta thấy bên bán với mong muốn bán thấp lúc này là 33 ngàn đồng với khối lượng là 5.630 cổ phiếu. Tuy nhiên khi đặt lệnh mình lại đặt lệnh là giá mua 33,1 ngàn đồng tức là giá Mua của mình còn cao hơn cả Giá muốn bán thấp nhất. Theo tính chất Giới hạn thì mình sẽ mua với Giá khớp lệnh 33 ngàn đồng – 2.000 cổ phiếu tức giá tốt hơn chứ không phải là phải mua đúng Giá đặt lệnh Mua 33,1 ngàn đồng. Và tất cả các lệnh đặt thẳng số như vậy chính là Lệnh LO – Lệnh Giới hạn.

Trong ảnh: Phần khung đỏ nhập lệnh trong TK Online HSC thì dòng Giá để đặt lệnh ghi số như vậy chính là Lệnh giới hạn LO (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Một ví dụ khác về tính Giới hạn – Đặt Lệnh mua 10.000 cổ phiếu AAA giá 33.1 ngàn đồng

– Câu chuyện thực tế: bây giờ lãnh đạo Cơ quan mình đang làm có gọi mình lên và đề nghị, e đi tìm mua cho anh 10 chiếc iPhone màu trắng loại 64G giá tốt nhất để Công ty mình phân phối cho các lãnh đạo các Phòng ban. Khi mình qua cửa hàng bán giá thấp nhất thì họ có nói bên e đang bán loại này cũng 17,7 triệu đồng nhưng chỉ còn duy nhất 5 chiếc. Và tất nhiên mình mua 5 chiếc ở đây đầu tiên, tiếp đó mình sang cửa hàng thứ 2 bán cao hơn chút là 17,8 triệu đồng, mình có nói cần 5 chiếc nữa thì bên này nói là bên e còn 3 chiếc, như vậy mình lấy tiếp 3 chiếc ở cửa hàng này. Đến cửa hàng khác bán giá cao hơn chút nữa là 17,9 triệu đồng thì cửa hàng này có tận 20 chiếc nhưng mình chỉ cần còn đúng 2 chiếc nữa thôi (Tất nhiên theo tính giới hạn thì không ai lại qua đây mua luôn 10 chiếc vì như thế là không kinh tế). Như vậy kết quả mình mua được là: 5 chiếc giá 17,7 triệu đồng, 3 chiếc 17,8 triệu đồng và 2 chiếc 17,9 triệu đồng. Liên hệ với bảng giá ta có hình sau:

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AAA trước và sau khi thực hiện Lệnh mua 10.000 cp AAA giá 33,1 (Link gốc ảnh)

Giải thích chi tiết về hình ảnh trên:

+ Ở trên ta thấy trước khi đặt lệnh thì Bảng giá bên Bán đang rao bán 3 giá thấp nhất là Giá 33 với Khối lượng muốn bán là 5.630 cổ phiếu, Giá cao hơn 33,05 với khối lượng muốn bán là 2.100 cổ phiếu và Giá cao hơn nữa 33,1 với khối lượng muốn bán 11.880 cổ phiếu. Khi đặt lệnh mua 10.000 cổ phiếu giá 33,1. Thì do tính giới hạn nên tối đa sẽ mua đến Giá 33,1 nhưng thấp hơn thì càng tốt trước. Bắt đầu là Giá bán thấp nhất sẽ mua đầu tiên – Giá 33, do khối lượng muốn mua là 10.000 cổ phiếu nhưng bên bán tại mức Giá 33 này chỉ có 5.630 cổ phiếu nên sẽ mua hết. Khối lượng còn lại sau khi mua Lô Giá này là: 10.000 – 5.630 = 4.370 cổ phiếu. Tiếp tục Lệnh mua còn lại này mua tiếp lên giá cao hơn là Giá 33,05. Lúc này Bên bán 33,05 có khối lượng bán là 2.100 cổ phiếu tức là vẫn nhỏ hơn Khối lượng Lệnh muốn mua 4.370 cổ phiếu nên sẽ mua hết khối lượng bán tại mức Giá 33,05 này. Khối lượng còn lại sau khi mua Lô Giá này là: 4.370 – 2.100 = 2.270 cổ phiếu. Cuối cùng Lệnh mua còn lại này mua tiếp lên giá cao hơn nữa là Giá 33,1. Lúc này Bên bán 33,1 có khối lượng bán là 11.880 cổ phiếu tức là đã lớn hơn Khối lượng Lệnh muốn mua 2.270 cổ phiếu nên cuối cùng thì Khối lượng Lệnh Mua thành công lô cuối là 2.270 cổ phiếu giá 33,1 ngàn đồng. Và khối lượng còn dư Chào bán tại mức giá 33,1 là: 11.880 – 2.270 = 9.610 cổ phiếu. Như vậy Người mua đã mua thành công với chi tiết Giá mua thành công kèm Khối lượng là: 5.630 cổ phiếu giá 33; 2.100 cổ phiếu giá 33,05 và  2.270 cổ phiếu giá 33,1 ngàn đồng. Còn về mặt bảng giá thì sau bảng giá thì Giá thấp nhất không còn là 33 nữa vì đã bị Lệnh mua nãy mua hết rồi. Lúc này Bảng giá sẽ hiện ra giá Bán thấp là 33,1 nhảy lên vị trí G1 tức là Giá bán thấp nhất, 2 giá bán giả định thấp tiếp theo là 33,15 và 33,2 từ sau bảng chuyển lên. Đó là 1 số kết quả chính nhảy lên sau Lệnh 10.000 mua giá 33,1 đó.

+ Mũi tên 1 – Giá Khớp lệnh: Giá khớp lệnh gần nhất là Giá 33,1 ngàn đồng vì Lệnh Mua nãy quét đến Giá 33,1.

+ Mũi tên 2 – Khối lượng Khớp lệnh: Khối lượng khớp lệnh gần nhất là Khối lượng 2.270 cổ phiếu vì Lệnh Mua nãy quét đến Giá 33,1 còn khối lượng là 2.270 cổ phiếu (Một số ít Bảng giá sẽ hiện là 10.000 cổ phiếu quét vào giá 33,1).

+ Mũi tên 3 và 8 – +/- Chêch lệch giữa Giá Khớp lệnh hiện tại với Giá tham chiếu ở phía đầu: Giá tham chiếu phía đầu là 32.5 (Là giá đóng cửa phiên liền trước) lệch so với trước và sau khi có Lệnh Mua 10.000 cổ phiếu là 0.5 (33 – 32.5) và 0.6 (33.1 – 32.5).

+ Mũi tên 4 – Tổng Khối lượng Khớp lệnh: chính là cột giải thích Tổng khớp lệnh đến thời điểm mình xem hoặc hết ngày thì là Tổng cả ngày. Ở đây thì trước và sau khi có Lệnh 10.000 cổ phiếu thì là 814.300 cổ phiếu và 824.300 cổ phiếu.

+ Mũi tên 5 – Giá Cao nhất trong ngày: là cột “Cao nhất” được thiết lập lại sau Lệnh Mua nói trên. Giá mua thành công của Lệnh mua nói trên 33,1 cao hơn Giá mua cao nhất trước đó là 33,05 ngàn đồng.

+ Mũi tên 6 và 7 – Giá 33,1 và Khối lượng tại mức giá đó được chuyển lên: sau Lệnh Mua nói trên thì Giá bán thấp nhất lúc này không còn là 33 nữa mà là 33,1 ngàn đồng, do đó Giá và Khối lượng đó sẽ được dịch từ từ vị trí số 3 lên vị trí số 1.

+ Mũi tên 9 – Giá và Khối lượng sau bản được chuyển lên: Do Bảng giá thiết kế trên màn hình máy tính có giới hạn nên chỉ hiện 3 Giá bán thấp nhất. Sau lệnh Mua nói trên thì Giá 3 cũ 33,1 đã thành Giá 1 mới. Do đó các giá bán cao hơn nằm sau bảng sẽ được dịch chuyển lên để đảm bảo 3 Giá bán thấp nhất mới được hiển thị.

—————————————————————

Ba ví dụ khác tiếp về tính Giới hạn – Đặt Lệnh mua 10.000 cổ phiếu AAA giá 33 – 32,9 và 32,8 ngàn đồng

– Ví dụ 1: Mình xin ví dụ tiếp một ví dụ khác để bạn dễ hình dung hơn khi thay vì Lệnh đặt mua là 33.1 thì Lệnh mua lúc này là 10.000 cổ phiếu AAA với giá 33 ngàn đồng.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AAA trước và sau khi thực hiện Lệnh mua 10.000 cp AAA giá 33 (Link gốc ảnh)

Lúc này thay vì giá 33,1 thì Lệnh Mua lại là Giá 33 nên tối đa Lệnh chỉ quét đến đúng Giá 33. Do khối lượng muốn mua của Lệnh Mua là 10.000 cổ phiếu mà Bên Bán Giá 33 chỉ có Khối lượng muốn bán là 5.630 cổ phiếu nên sau khi Mua hết khối lượng đó vẫn còn dư 10.000 – 5.630 = 4.370 cổ phiếu muốn mua và chưa mua được. Nên lúc này như 2 mũi tên xanh ở giữa hình ta sẽ thấy Giá 33 ở đây lại là Giá mua cao nhất. Các Giá mua thấp hơn sẽ bị đẩy lùi dần ra phía sau. Còn bên Bán thì cũng dịch chuyển như trên hình. Giá bán thấp nhất bây giờ lại là 33,05 chứ không còn là 33 như trước khi Đặt lệnh. Các giá tiếp theo được chuyển dần vào. Bạn có thể xem kỹ hình và suy luận.

– Ví dụ 2: Mình xin ví dụ tiếp một ví dụ khác để bạn dễ hình dung hơn khi thay vì Lệnh đặt mua là 33 như Ví dụ 1 thì Lệnh mua lúc này là 10.000 cổ phiếu AAA với giá 32,9 ngàn đồng.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AAA trước và sau khi thực hiện Lệnh mua 10.000 cp AAA giá 32,9 (Link gốc ảnh)

Lúc này thay vì giá 33 thì Lệnh Mua lại là Giá 32,9 nên tối đa Lệnh chỉ quét đến đúng Giá 32,9. Do Bên Bán thấp nhất là giá 33 tức là cao hơn giá Mua 32,9 kia nên sau Lệnh đó không giao dịch nào thành công được thực hiện (Mua Bán chưa gặp nhau). Nên lúc này bên Bán giữ nguyên, Tổng Khối lượng Khớp vẫn giữa nguyên là 814.300 cổ phiếu. Tuy nhiên bên muốn Mua nhưng chưa Mua được sẽ có thay đổi biến động. Lúc này Lệnh Mua cao nhất là 32,9 chứ không phải 32,8 như trước. Giá 1 là 32,9, KL1 là 10.000 đồng. 2 Giá mua 32,8 và 32,7 kèm Khối lượng liên quan Dịch chuyển lùi lại. Riêng Giá 32,6 sẽ bật ra sau Bảng, do Bảng giá chỉ hiện đến Giá mua cao thứ 3. Bạn có thể xem kỹ hình và suy luận.

– Ví dụ 3: Mình xin ví dụ tiếp một ví dụ khác để bạn dễ hình dung hơn khi thay vì Lệnh đặt mua là 33 như Ví dụ 1 thì Lệnh mua lúc này là 10.000 cổ phiếu AAA với giá 32,8 ngàn đồng.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AAA trước và sau khi thực hiện Lệnh mua 10.000 cp AAA giá 32,8 (Link gốc ảnh)

Lúc này thay vì giá 33 thì Lệnh Mua lại là Giá 32,8 nên tối đa Lệnh chỉ quét đến đúng Giá 32,8. Do Bên Bán thấp nhất là giá 33 tức là cao hơn giá Mua 32,8 kia nên sau Lệnh đó không giao dịch nào thành công được thực hiện (Mua Bán chưa gặp nhau). Nên lúc này bên Bán giữ nguyên, Tổng Khối lượng Khớp vẫn giữa nguyên là 814.300 cổ phiếu. Tuy nhiên bên muốn Mua nhưng chưa Mua được sẽ có thay đổi biến động nhỏ chút. Lúc này Lệnh Mua cao nhất vẫn là 32,8. Tuy nhiên Khối lượng Đặt mua sẽ là 10.120 cổ phiếu thay vì 120 cổ phiếu như trước. 2 Giá mua thấp hơn 32,7 và 32,6 kèm Khối lượng liên quan vẫn giữ nguyên. Bạn có thể xem kỹ hình và suy luận.

Như vậy về cơ bản bạn đã hiểu được tính chất của Lệnh Giới hạn – Lệnh LO trên các Bảng giá Chứng khoán Online. 

Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Lệnh Giới hạn – Lệnh LO” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Lệnh ATO và ATC trong Phiên Khớp lệnh Định kỳ

Lệnh ATO là viết tắt của 3 chữ trong Tiếng Anh là At The Openning tức là Lệnh giao dịch tại mức giá Mở cửa. Như chúng ta đã biết thì Lệnh này được áp dụng ở Phiên Định kỳ Mở cửa ở sàn HOSE vào lúc 9 – 9h15 hàng ngày. Ngược lại Lệnh ATC là viết tắt của 3 chữ trong Tiếng Anh là At The Closing tức là Lệnh giao dịch tại mức giá Đóng cửa. Và như trong ta đã biết thì Lệnh này được áp dụng ở Phiên Định kỳ Đóng cửa của cả 2 sàn chính HOSE và HNX vào lúc 14h30 – 14h45 hàng ngày. Phiên Định kỳ Đóng cửa đóng một vai trò quan trọng vì nó tạo ra Giá tham chiếu Phiên tiếp theo. Theo như thống kê ước lượng thì 2 Lệnh ATO ATC chiếm khoảng 4% Tổng số lệnh đặt trên thị trường. Khá nhỏ và chỉ dừng ở mức nên biết. Bản chất của Lệnh ATO và ATC là Lệnh mua bán bằng mọi giá, tức là Giá nào cũng mua bán và chỉ áp dụng trong Phiên Định kỳ. Để rõ hơn về 2 Lệnh này bạn có thể xem thêm Cách Khớp lệnh Phiên Định kỳ Chứng khoán.

Trong ảnh là Ví dụ Phiên Khớp lệnh Định kỳ Mở cửa sàn HOSE ngày 30/05/2017 vào lúc gần 9h14. Dễ thấy có Lệnh ATO xuất hiện trong Bảng giá (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Lệnh ATO và ATC trong Phiên Khớp lệnh Định kỳ” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Lệnh Thị trường – Lệnh MP trong Phiên Khớp lệnh Liên tục tại HOSE

– Ở Phần trên mình trình bày tương đối kỹ về Lệnh Giới hạn LO. Các Lệnh dưới đây sẽ đi nhanh hơn do các khái niệm chung đã rõ hơn và cũng do các lệnh sau ít dùng hơn. Ta đến với Lệnh phổ biến thứ 3 là Lệnh Thị trường MP (Khoảng 1%). Lệnh MP là viết tắt của 2 chữ trong Tiếng Anh là Market Price nên lệnh này còn được gọi là Lệnh Thị trường MP. Lệnh này chỉ áp dụng trong Phiên Khớp lệnh Liên tục của sàn HOSE. Lệnh này có 1 số đặc tính Phổ biến sau:

+ Lệnh MP mua bán tại mức giá tốt nhất – tức là khi mua thì sẽ mua bên bán thấp nhất trước rồi đến các mức giá cao hơn (Giống Lệnh Giới hạn LO). Ví dụ: vẫn tiếp tục các ví dụ ở trên về AAA, ta đặt Lệnh Mua AAA – Giá MP – Khối lượng: 10.000 cổ phiếu

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AAA trước và sau khi thực hiện Lệnh mua 10.000 cp AAA giá MP (Link gốc ảnh)

Ta dễ dàng thấy kết quả Khớp lệnh sau khi đặt Lệnh Mua 10.000 cổ phiếu AAA giá MP sẽ là: 5.630 cổ phiếu giá 33; 2.100 cổ phiếu giá 33,05 và 2.270 cổ phiếu giá 33,1. Kết quả nói trên có hiệu ứng giống hệt Lệnh LO.

+ Nếu khối lượng Đặt lệnh của Lệnh MP vẫn chưa thực hiện hết thì với Lệnh Mua thì Lệnh MP sẽ chuyển thành Lệnh giới hạn LO với mức giá cao hơn 1 bước giá, còn với Lệnh Bán thì Lệnh MP sẽ chuyển thành Lệnh giới hạn LO với mức giá thấp hơn 1 bước giá (Riêng các Nhà đầu tư nước ngoài thì Phần dư chưa thực hiện hết sẽ bị hủy). Ví dụ: một ví dụ khác với mã STT, ta đặt Lệnh Bán STT – Giá MP – Khối lượng: 10.000 cổ phiếu

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã STT trước và sau khi thực hiện Lệnh Bán 10.000 cp STT giá MP (Link gốc ảnh)

Ta dễ dàng thấy kết quả Khớp lệnh sau khi đặt Lệnh Bán 10.000 cổ phiếu STT giá MP sẽ là: 4.870 cổ phiếu giá 6,96 và 500 cổ phiếu giá 6,51. Phần dư còn lại 10.000 – 4.870 – 500 = 4.630 cổ phiếu STT sẽ chuyển thành Lệnh Bán LO ở mức giá thấp hơn 1 bước giá là 6,5 như trên hình.

+ Khi giá cuối cùng là Trần với Lệnh Mua MP hoặc Sàn với Lệnh Bán MP thì do là mức tối đa biên độ nên không thể dịch chuyển thêm 1 bước giá nên lúc này sẽ tự chuyển hóa thành đúng Giá Mua Trần hoặc Giá Bán Sàn. Ví dụ: một ví dụ khác với mã AGM, ta đặt Lệnh Mua AGM – Giá MP – Khối lượng: 3.000 cổ phiếu. 

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AGM trước và sau khi thực hiện Lệnh Mua 3.000 cp AGM giá MP (Link gốc ảnh)

Ta dễ dàng thấy kết quả Khớp lệnh sau khi đặt Lệnh Mua 3.000 cổ phiếu AGM giá MP sẽ là: 2.400 cổ phiếu giá 9,95. Phần dư còn lại 3.000 – 2.400 = 600 cổ phiếu AGM sẽ chuyển thành Lệnh Mua LO ở mức Giá Trần 9,95 như trên hình (Không thể tăng thêm 1 bước giá được nữa do đó đã là Giá Trần – Giá tối đa trong 1 ngày).

+ Trường hợp không có lệnh đối ứng thì không được phép nhập Lệnh MP (Hệ thống sẽ tự báo lỗi). Ta tiếp tục ví dụ AGM ở trên, ngay sau khi khớp lệnh trên thì lúc này bên mua đang dư mua 600 cổ phiếu AGM giá trần 9,95. Trong khi bên bán hoàn toàn không còn Lệnh Bán. Nếu lúc này ta tiếp tục nhập Lệnh Mua AGM – Giá MP – Khối lượng: 5.000 cổ phiếu vào thì chắc chắn hệ thống sẽ báo lỗi và không thực hiện được.

Trong ảnh: Phần khung đỏ nhập lệnh trong TK Online HSC thì dòng Giá để đặt lệnh ghi chữ MP như vậy chính là Lệnh Thị trường MP (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Lệnh Thị trường – Lệnh MP trong Phiên Khớp lệnh Liên tục tại HOSE” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các Lệnh Thị trường – Lệnh MTL, MOK, MAK trong Phiên Khớp lệnh Liên tục tại sàn HNX

Tương tự như sàn HOSE thì sàn HNX trong Phiên Khớp lệnh Liên tục sau này cũng ra đời Lệnh Thị trường, tuy nhiên không phải là 1 loại Lệnh mà là 3 Lệnh Thị trường: MTL, MOK và MAK. Trong thực tế thì hầu như mình không hề thấy ai dùng 1 trong 3 loại Lệnh này. Tuy nhiên vì đây vẫn là công bố chính thức từ sàn HNX nên mình vẫn sẽ giới thiệu chi tiết kèm ví dụ.

Trong ảnh: là so sánh cơ bản giữa 3 Lệnh Thị trường trong Phiên Khớp lệnh Liên tục ở sàn HNX – MTL, MOK và MAK (Link gốc ảnh)

Nhìn vào hình ta có thể thấy so với sàn HOSE chỉ có duy nhất Lệnh MP thì HNX có tới 3 Lệnh với các tính năng có khác biệt chút. Chi tiết như trong hình ảnh trên. Và để rõ hơn thì giả sử ta vẫn lấy ví dụ AGM như ở phía trên. Dù AGM là mã thuộc HOSE, trong khi đây đang nói về sàn HNX. Tuy nhiên để tiện so sánh mà không làm mất đi tính Tổng quát. Ta cùng đến với các Lệnh sau:

Lệnh Thị trường MTL: là Lệnh Thị trường sau khi khớp nếu còn dư thì Phần dư đó sẽ chuyển thành Lệnh Giới hạn LO.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AGM trước và sau khi thực hiện Lệnh Mua 3.000 cp AGM giá MTL (Link gốc ảnh)

Ta dễ dàng thấy kết quả Khớp lệnh sau khi đặt Lệnh Mua 3.000 cổ phiếu AGM giá MTL sẽ là: 2.400 cổ phiếu giá 9,95. Phần dư còn lại 3.000 – 2.400 = 600 cổ phiếu AGM do tính chất của Lệnh MTL sẽ chuyển thành Lệnh Mua LO ở mức Giá Trần 9,95 như trên hình. Lưu ý rằng dù kết quả trên dù giống hệt với Lệnh MP của HOSE tuy nhiên 2 Lệnh này vẫn có sự khác biệt là MP sau khi mua hết và còn dư thì Lệnh Mua sẽ chuyển thành Lệnh Giới hạn LO với 1 bước giá cao hơn, trong khi MTL là giữ nguyên Giá sau khi chuyển thành Lệnh Giới hạn LO. Do đây là Giá trần nên khá đặc biệt và kết quả trùng nhau.

– Lệnh Thị trường MOK: là Lệnh Thị trường nếu không được thực hiện toàn bộ thì Lệnh sẽ bị hủy ngay trên Hệ thống trước khi vào đến Bảng giá.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AGM trước và sau khi thực hiện Lệnh Mua 3.000 cp AGM giá MOK (Link gốc ảnh)

Ta dễ dàng thấy kết quả Khớp lệnh sau khi đặt Lệnh Mua 3.000 cổ phiếu AGM giá MOK sẽ là: Bảng giá Chứng khoán vẫn giữ nguyên. Nguyên nhân do tính chất của MOK là phải đủ Lệnh đối ứng, trong khi Lệnh mua là 3.000 cổ phiếu thì Lệnh Bán chỉ có duy nhất Lệnh bán Trần giá 9,95 với khối lượng 2.400 cổ phiếu. Do 2.400 < 3.000 nên không đủ đối ứng, Lệnh MOK bị hủy hết toàn bộ và Bảng giá vẫn giữ nguyên.

– Lệnh Thị trường MAK: là Lệnh Thị trường có thể được hiện toàn bộ hoặc còn dư 1 phần, phần dư chưa được thực hiện đó sẽ bị hủy ngay sau khi Khớp lệnh. 

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán giả định với duy nhất mã AGM trước và sau khi thực hiện Lệnh Mua 3.000 cp AGM giá MAK (Link gốc ảnh)

Ta dễ dàng thấy kết quả Khớp lệnh sau khi đặt Lệnh Mua 3.000 cổ phiếu AGM giá MAK sẽ là: 2.400 cổ phiếu giá 9,95. Phần dư còn lại 3.000 – 2.400 = 600 cổ phiếu AGM do tính chất của Lệnh MAK sẽ bị hủy hết và không có Lệnh giới hạn LO dư mua 600 cổ phiếu giá trần như Lệnh MTL.

Trong ảnh: Phần khung đỏ nhập lệnh trong TK Online HSC thì dòng Giá để đặt lệnh ghi chữ MOK như vậy chính là Lệnh Thị trường MOK (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Các Lệnh Thị trường – Lệnh MTL, MOK, MAK trong Phiên Khớp lệnh Liên tục tại sàn HNX” thì nghe thêm dưới đây:

Như vậy ta đã biết hết các Lệnh trong Chứng khoán gồm có: LO, MP, ATO/ATC và MTL/MOK/MAK. 

—————————————————————

Lệnh PLO trong Phiên Khớp lệnh Sau giờ tại HNX

Lệnh PLO là viết tắt của 3 chữ trong Tiếng Anh là Post Limit Order tức là Lệnh giao dịch tại Phiên Khớp lệnh Sau giờ. Lệnh này chỉ được Giao dịch tại Giá Đóng cửa của Ngày Giao dịch hôm đó. Lệnh này chỉ Áp dụng tại sàn HNX vào lúc 14h45 – 15h hàng ngày. Đây là Lệnh giao dịch mới có từ Ngày 05/11/2018. Bạn có thể xem thêm Chi tiết hơn tại: Lệnh PLO là gì? Phiên Khớp lệnh Sau giờ là gì?.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Lệnh PLO trong Phiên Khớp lệnh Sau giờ tại HNX” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Cách xem Bảng giá Chứng khoán Online > Cách Khớp lệnh Phiên Định kỳ Chứng khoán   /    Giá Tham chiếu và Cách tính > Lệnh Giới hạn LO trong Chứng khoán là gì? Cách dùng và Ví dụ > Biên độ dao động và Giá trần sàn

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán > Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ” > Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 6/2017)

Từ khóa » Cách đặt Giá Mp