Các Loại Pô độ – Cách độ Pô An Toàn, Chính Xác Nhất - Chuyện Xe

Pô là một trong những bộ phận được độ lại nhiều nhất trên một chiếc xe. Độ pô không chỉ giúp xe có thêm tiếng kêu thật ấn tượng mà còn tăng công suất, giúp xe vận hành mạnh mẽ hơn. Ngày nay, không chỉ phân khối lớn mà những chiếc xe nhỏ cũng đang mấp mé độ pô. Vậy, trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Chuyện xe tìm hiểu các loại pô độ, những vấn đề thường gặp khi độ pô và giá thành các loại pô độ để sẵn sàng cho chuyến “lên đời xe” sắp tới nhé!

Nội dung tóm tắt bài viết

  • 1 Vì sao phải độ pô?
  • 2 Vì sao độ pô giúp tăng công suất động cơ 
  • 3 Độ pô như thế nào cho đúng?
  • 4 Giá các loại pô độ
    • 4.1 Pô độ cho Sirius, pô độ cho Wave
    • 4.2 Pô độ cho Exciter 150
    • 4.3 Pô độ Winner 150
    • 4.4 Pô độ Cafe Racer

Vì sao phải độ pô?

Nhắc đến độ pô, chắc nhiều người chỉ nghĩ đến lí do đơn giản nhất là để “làm màu”, để khoe với bàn dân thiên hạ rằng mình có chiếc xe đẹp và ấn tượng. Nhưng thực ra, lí do độ pô không phải chỉ như thế. 

Tiếng kêu mạnh mẽ của chiếc pô chất lượng như là chất kích thích, khơi gợi niềm đam mê trên từng nhịp thở và giúp cho người lái xe tự tin hơn. Ngoài ra, pô độ còn giúp tăng công suất cho xe, tạo điều kiện cho xe vận hành trong khả năng tốt nhất. Bạn cũng thấy những chiếc xe đua thường lúc nào cũng có tiếng kêu ầm ĩ, lí do là vì những chiếc xe này không dùng vách ngăn âm dày đặc như những chiếc xe thương mại ta thường dùng. 

Ngoài ra, một công dụng hay ho mà chỉ những người đi đường xa mới biết, đó chính là chức năng “dẹp đường”. Nhờ tiếng kêu to, những người lái xe khác mới biết đến sự hiện diện của những chiếc phân khối lớn, từ đó việc di chuyển sẽ an toàn hơn rất nhiều vì thường xe phân khối lớn rất cồng kềnh và di chuyển với tốc độ cao.

Vì sao độ pô giúp tăng công suất động cơ 

Quá trình xả khí của xilanh bao gồm 2 giai đoạn chính: 

Giai đoạn 1: Hơi tự bung ra do áp suất trong buồng đốt

Giai đoạn 2: Hơi được đẩy ra do pít tông bắt đầu đi lên thu hẹp thể tích xilanh.

Đến đây, ta sẽ tiếp xúc với 2 khái niệm mới: BP và SC. BP (Back Pressure) là áp suất sau, nó là áp suất phản hồi từ phía sau ống xả, làm giảm quá trình quá trình thoát khí của động cơ. SC (Scavenging) là sự thoát khí, ống xả tốt sẽ tạo ra dòng lưu thông không khí tốt và luôn có xu hướng hút khí ra khỏi động cơ. 

Khi đã tìm hiểu đến đây, ta đã có cái nhìn khái quát về lí do tại sao việc độ pô là không hề đơn giản. Nếu không hiểu biết và độ sai, xe của bạn sẽ không thể vận hành tốt nhất được. Lấy ví dụ dễ hiểu, khi ở giai đoạn 1, khí theo ống xả thoát ra ngoài, nếu ống xả làm tốt nhiệm vụ sẽ tạo ra 1 áp suất thấp để hút hết lượng khí còn lại trong xilanh, hỗ trợ cho giai đoạn 2. Lúc này quá trình thoát khí sẽ diễn ra vô cùng hoàn hảo. Áp suất còn lại trong xilanh lúc này là áp suất âm, khí và nhiên liệu mới sẽ được hút vào buồng đốt để chuẩn bị cho chu kì tiếp theo. 

Tuy nhiên, nếu tính toán không tốt, lượng khí thải hút ra sẽ tạo ra BP, lúc này thì lượng khí còn lại trong xi lanh không thoát ra được nữa, làm cản trở hút khí cho chu kì nổ tiếp theo. Nghe thì dễ hiểu, nhưng quy trình chuyển động của luồng khí này rất khó đo đạc và tính toán bằng mắt thường. Chính vì thế, một loại pô “xịn” không chỉ nằm ở tiếng kêu đã tai mà còn nằm ở kĩ thuật thiết kế tinh xảo. 

Cũng chính vì lí do đó, các loại pô tốt thường có giá thành rất cao, và họ thường yêu cầu thay toàn bộ từ cổ pô, bầu lọc đến phần giảm thanh, map lại ECU để điều chỉnh quá trình pha trộn xăng gió cho từng vòng tua, từ đó mới đảm bảo cho hiệu suất đúng như tính toán. 

Ngoài ra, với yêu cầu ngày càng khắt khe về lượng khí thải trong các loại xe gần đây, mỗi ống pô đều phải được trang bị một bộ lọc khí thải. Bộ lọc này tăng đáng kể trọng lượng cũng như BP của ống pô. Nghe đến đây, chắc hẳn nhiều người cũng biết hoặc đã nghĩ đến việc loại bỏ bộ lọc. Tuy nhiên, khi bỏ xong hệ thống lọc này bạn cũng phải độ lại toàn bộ hệ thống pô và map lại ECU sao cho tối ưu hoá SC như ban đầu. Việc này là để đảm bảo công suất động cơ luôn ở mức tối đa trong những vòng tua khác nhau.

Độ pô như thế nào cho đúng?

Có hai cách độ pô cơ bản, đó là độ slip-on và độ full-system. Với việc độ slip-on, bạn chỉ cần thay lon pô và tháo bộ giảm thanh trên xe. Phương pháp này có chi phí thấp, giúp nhanh chóng đạt được mục đích về âm thanh “quyến rũ”. Còn đối với dạng độ full-system, bạn sẽ phải thay thế cả cổ pô. Thường đối với các xe phân khối lớn, người ta hay khuyên độ full-system để đảm bảo công suất cho xe. Lí do đã được Chuyện xe trình bày ở trên.

Cả hai kiểu độ trên, các bạn đều phải thực hiện 1 thao tác vô cùng quan trọng đó là map lại ECU đối với các xe sử dụng hệ thống phun xăng điện tử. Đối với các dòng xe khác, sau khi độ pô các bạn cũng phải thực hiện việc map lại chế độ đưa xăng vào buồng đốt để đảm bảo phù hợp với lon pô mới cũng như đảm bảo công suất về lâu dài. Việc thực hiện map lại các bạn nên tìm đến các trung tâm sửa chữa xe uy tín, tại đây sẽ có các kĩ thuật viên tay nghề cao thực hiện cho các bạn. 

Giá các loại pô độ

Sau khi đã tìm hiểu khái quát về các loại pô độ cũng như cách độ pô chính xác, Chuyện xe sẽ tiếp tục chia sẻ cho bạn giá của một số loại pô độ trên thị trường hiện nay. Cùng tìm hiểu nhé!

Pô độ cho Sirius, pô độ cho Wave

Có rất nhiều dòng pô độ cho Sirius, Wave… Điển hình có thể kể qua dòng pô Kozi cho Sirius, pô cho âm thanh nổ hay, trầm ấm nhưng không kém phần uy lực, đặc biệt tiếng pô không quá gây ồn ào. Hay dòng pô AHM dùng được cho hầu hết các dòng xe máy trên thị trường hiện nay từ Exciter đến Dream, Cup… Giá của các loại pô này phụ thuộc vào độ “chất chơi” mà bạn muốn đầu tư. Trung bình một chiếc pô có giá khoảng 300 ngàn đồng, xịn hơn có thể lên đến vài triệu.

Pô độ cho Exciter 150

Trên dòng xe Exciter, bạn có thể độ pô giả zin hoặc pô tăng lon rời. Đối với loại pô giả zin, đúng như cái tên của nó, hình thức bên ngoài hầu như không có sự khác biệt nào đối với pô zin. Tuy nhiên, phần âm thanh sẽ to hơn một chút và cũng khá dễ dàng lắp đặt. Đối với pô tăng lon rời, người độ xe có thể biến tấu với nhiều lon pô khác nhau. Tuy nhiên, loại pô này thường cho âm thanh lớn, hơi thoát ra nhiều, ECU của xe không tự điều chỉnh được sẽ đưa ra tỉ lệ xăng gió sai làm hao hụt nhiên liệu và hư hỏng xe. 

Pô độ Winner 150

Các “tay chơi” Winner thường rất chịu chi cho những chiếc pô độ Winner. Đã có người độ pô Akrapovic R1, pô SC và cả pô Yoshimura cho dòng xe tay côn này. Thậm chí, đã có những người lắp pô của Winner X lên Winner 150 và cho kết quả là tiếng pô rất hay và tạo sự phấn khích cho người dùng. Theo như tìm hiểu, giá pô Winner X hiện đang là 3 triệu tại các đại lý phụ tùng hãng xe. 

Pô độ Cafe Racer

Để tìm được loại pô độ cafe racer phù hợp, các bạn có thể lên các trang chuyên bán phụ tùng độ xe cafe racer. Giá của các loại pô này thường rơi vào khoảng trên 400 ngàn. 

Hiện pháp luật Việt Nam không cho phép độ pô nên người sử dụng nên cẩn thận, sử dụng pô độ có ý thức để không bị bắt và mất tiền phạt. 

Trên đây là những thông tin mà Chuyện xe tổng hợp được về các loại pô độ. Nếu thấy có ích hãy chia sẻ cho bạn bè cùng biết nhé!  

Từ khóa » Các Mẫu Pô độ đẹp