️ Các Loại Rối Loạn Lo âu Và Triệu Chứng Nhận Biết

1. Rối loạn lo âu là gì?

Lo lắng đề cập đến nhiều vấn đề tâm thần, bao gồm trạng thái có ý thức của một người lo lắng về sự kiện không mong muốn trong tương lai hoặc sợ hãi về các tình huống thực tế. Lo lắng và sợ hãi có liên quan mật thiết với nhau. Để phân biệt sự khác nhau giữa 2 trạng thái này, các chuyên gia đã chỉ ra, sợ hãi là một phản ứng thích ứng với mối đe dọa thực tế, trong khi lo lắng là một cảm xúc lan tỏa, đôi khi là một phản ứng vô lý hoặc thái quá đối với mối đe dọa trong hiện tại hoặc tương lai.

Xác định ranh giới giữa thái cực của hành vi bình thường và bệnh lý tâm thần là một bài toán nan giải bao trùm tất cả các ngành tâm thần học. Trong trường hợp lo lắng, việc thiết lập giới hạn giữa hành vi bình thường và bệnh lý là đặc biệt khó khăn vì khi nhẹ, lo lắng đóng vai trò thích ứng trong sự phát triển của con người, báo hiệu rằng cần phải có hành động tự bảo vệ để đảm bảo an toàn. Nhưng khi lo lắng trở nên nghiêm trọng và kéo dài liên tục thì nó lại là vấn đề tâm thần rất phức tạp.

Rối loạn lo âu là cảm giác lo lắng, sợ hãi kéo dài không biến mất, thậm chí trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, có thể cản trở các hoạt động hàng ngày ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu suất công việc và các mối quan hệ,…

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu

Nguyên nhân của rối loạn lo âu hiện chưa được biết rõ nhưng các nhà khoa học tin rằng, nhiều yếu tố kết hợp với nhau gây ra chứng rối loạn lo âu:

  • Di truyền học: Các nghiên cứu cho thấy rối loạn lo âu “diễn ra trong gia đình”, vì một số gia đình có số lượng người thân mắc chứng rối loạn lo âu cao hơn mức trung bình.
  • Môi trường: Một sự kiện căng thẳng hoặc đau buồn như bị ngược đãi, người thân qua đời, bạo lực hoặc bệnh tật kéo dài thường có liên quan đến sự phát triển của chứng rối loạn lo âu.
  • Một số loại thuốc, chất gây nghiện như: Ma túy, caffeine, rượu…

3. Các triệu chứng rối loạn lo âu thường xuất hiện

Rối loạn lo âu là một nhóm các tình trạng liên quan, mỗi thể bệnh có những triệu chứng riêng biệt. Nhưng tất cả các loại rối loạn lo âu đều có một điểm chung là sợ hãi hoặc lo lắng dai dẳng, quá mức trong những tình huống không đe dọa. Mọi người thường gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Các triệu chứng cảm xúc:
    • Cảm giác sợ hãi.
    • Cảm thấy căng thẳng hoặc nóng nảy.
    • Bồn chồn hoặc cáu kỉnh.
    • Dự đoán điều tồi tệ nhất và đề phòng các dấu hiệu nguy hiểm.
  • Các triệu chứng thực thể:
    • Tim đập mạnh hoặc loạn nhịp và khó thở.
    • Đổ mồ hôi, run và co giật.
    • Nhức đầu, mệt mỏi và mất ngủ.
    • Tiêu chảy, bụng khó chịu.
    • Đi tiểu liên tục.

4. Các loại rối loạn lo âu

Theo các chuyên gia, có nhiều loại lo âu và xác định đúng dạng rối loạn lo âu của bạn là một phần quan trọng trong việc điều trị. Hãy xem các loại rối loạn lo âu phổ biến để tìm hiểu về cách bạn có thể bắt đầu phục hồi sức khỏe tâm thần của mình.

4.1. Rối loạn lo âu tổng quát GAD – Rối loạn lo âu lan tỏa

Những người bị rối loạn lo âu tổng quát (GAD) thường có biểu hiện lo lắng thái quá. Tình trạng này diễn ra trong hầu hết các ngày trong tuần và ít nhất 6 tháng. Những điều khiến người bệnh lo lắng có thể là về một số vấn đề như sức khỏe, công việc, các mối quan hệ xã hội hoặc sự việc… Nỗi lo lắng, sợ hãi rất phong phú về nội dung và có thể gây ra nhiều vấn đề tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Tuổi khởi phát GAD thường muộn hơn so với hầu hết các rối loạn lo âu khác, mặc dù nhiều bệnh nhân cho biết họ đã lo lắng trong nhiều năm. Hơn nữa, GAD có thể đi kèm với các triệu chứng khác, nhưng triệu chứng chính là trạng thái lo lắng mạn tính.

Các triệu chứng rối loạn lo âu tổng quát bao gồm:

  • Cảm thấy bồn chồn, đau đớn hoặc căng thẳng.
  • Dễ mệt mỏi.
  • Khó tập trung.
  • Cáu gắt.
  • Căng cơ.
  • Khó kiểm soát cảm giác sợ hãi, lo lắng.
  • Gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như: Khó vào giấc, trằn trọc, ngủ dễ tỉnh, ngủ không đủ giấc…

4.2. Rối loạn hoảng sợ – Bệnh tâm thần hoảng loạn

Những người bị rối loạn hoảng sợ có những cơn hoảng sợ bất ngờ xuất hiện và tái phát nhiều lần. Các cơn hoảng sợ thường dữ dội và đột ngột. Chúng xảy ra rất nhanh chóng và đạt đến cực hạn trong vòng vài phút.

Sự khởi đầu của rối loạn hoảng sợ thường xuất hiện ở giai đoạn cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Một số bệnh nhân bị cơn hoảng sợ sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi rời khỏi nhà để tránh cơn hoảng sợ, những bệnh nhân này được gọi là agoraphobic. Rối loạn hoảng sợ thường bắt đầu với các đợt lo lắng riêng lẻ kèm theo cơn hoảng sợ, sau đó trở thành rối loạn hoảng sợ toàn diện.

Mặc dù trẻ nhỏ có thể thỉnh thoảng có phản ứng hoảng sợ, nhưng vẫn chưa rõ liệu những cơn hoảng sợ này có kèm theo những suy nghĩ về nguy hiểm sắp xảy ra hay không. Hơn nữa, rất hiếm khi trẻ em tự nhiên trải qua các phản ứng hoảng sợ khi không có yếu tố kích hoạt. Các cơn hoảng sợ tự phát là yếu tố quan trọng của chẩn đoán.

Triệu chứng người bệnh có thể gặp phải trong cơn hoảng sợ:

  • Tim đập nhanh, trống ngực.
  • Vã mồ hôi.
  • Run.
  • Cảm giác khó thở.
  • Cảm giác diệt vong sắp xảy ra.
  • Cảm giác mất kiểm soát.

4.3. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế – OCD

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một chứng rối loạn kéo dài và thường tiến triển mạn tính. Người bệnh bị thôi thúc, không kiểm soát được những suy nghĩ/hành vi lặp đi lặp lại.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Sợ vi trùng hoặc ô nhiễm. Làm sạch và/hoặc rửa tay liên tục.
  • Những suy nghĩ bị cấm, không mong muốn liên quan đến tình dục, tôn giáo hoặc tổn hại.
  • Suy nghĩ kích động, thô bạo đối với người khác hoặc bản thân.
  • Sắp xếp mọi thứ đối xứng hoặc theo một thứ tự hoàn hảo.
  • Liên tục kiểm tra mọi thứ, chẳng hạn như: Kiểm tra nhiều lần để xem cửa đã khóa chưa hoặc đã tắt bếp hay chưa…

Những suy nghĩ/hành vi này có thể cũng gặp ở người bình thường nhưng với người bị OCD thì:

  • Không thể kiểm soát suy nghĩ hoặc hành vi của mình, ngay cả khi họ biết những điều đó là thái quá, bất thường.
  • Họ thậm chí dành rất nhiều thời gian trong ngày để thực hiện các hành vi hoặc suy nghĩ về những điều đó ít nhất 1 giờ mỗi ngày.
  • Không cảm thấy thích thú khi thực hiện các hành vi hoặc nghi lễ, nhưng có thể cảm thấy nhẹ nhõm nhanh chóng, thoát khỏi sự lo lắng mà những suy nghĩ gây ra.

Một số người bị OCD cũng có rối loạn vận động. Đây là các chuyển động đột ngột, ngắn ngủi, lặp đi lặp lại, chẳng hạn như chớp mắt và các chuyển động mắt khác, nhăn mặt, nhún vai và giật đầu hoặc vai. Cảm giác âm thanh phổ biến bao gồm các âm thanh lặp đi lặp lại như: Hắng giọng, đánh hơi (ngửi) hoặc càu nhàu.

Có nhiều loại OCD khác nhau bao gồm:

  • Ô nhiễm – Sự thôi thúc muốn làm sạch hoặc rửa bởi vì bạn cảm thấy thứ gì đó bị bẩn (liên tục rửa tay, lau dọn liên tục, sợ bẩn…)
  • Kiểm tra – Nhu cầu thường xuyên kiểm tra bản thân, kết quả hoặc môi trường của họ để ngăn ngừa sự thiếu hụt, hư hỏng, hỏa hoạn, rò rỉ hoặc tổn hại khác.
  • Suy nghĩ xâm nhập – Những suy nghĩ lặp đi lặp lại có thể gây kinh hoàng và khó chịu.
  • Tích trữ – Không cảm thấy có thể vứt bỏ những thứ vô dụng hoặc cũ nát.

4.4. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương PTSD

Không giống như các chứng rối loạn lo âu khác, chẩn đoán rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) dựa trên một chuỗi nhân quả rõ ràng hơn, trong đó một người lần đầu tiên tiếp xúc với một sự kiện đau buồn, cảm thấy sợ hãi vì mối đe dọa đối với tính toàn vẹn cá nhân, và sau đó phát triển chứng rối loạn này. Một số tình huống có thể là nguyên nhân gây ra PTSD bao gồm hành hung cá nhân, bạo lực, thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra, tai nạn hoặc chiến đấu quân sự. Bệnh nhân PTSD có ba loại triệu chứng:

  • Đầu tiên, bệnh nhân hồi tưởng lại giai đoạn chấn thương, sự kiện đau buồn, hoặc những giấc mơ tái diễn.
  • Thứ hai, bệnh nhân thường cố gắng tránh bất kỳ sự kiện hoặc vị trí nào liên quan đến chấn thương trong quá khứ, và việc tránh đi kèm theo cảm giác tê hoặc giảm phản ứng.
  • Cuối cùng, bệnh nhân PTSD phải trải qua các dấu hiệu tăng kích thích sinh lý, đặc biệt là khó đi vào giấc ngủ, tăng cáu gắt, hoặc giật mình quá mức.

4.5. Rối loạn lo âu xã hội

Hơn cả sự nhút nhát, rối loạn lo âu xã hội gây ra nỗi sợ hãi dữ dội về giao tiếp xã hội, thường bị thúc đẩy bởi những lo lắng phi lý về sự sỉ nhục (ví dụ như nói điều gì đó ngu ngốc hoặc không biết phải nói gì), sợ bị đánh giá, sợ bị từ chối… Một người nào đó mắc chứng rối loạn lo âu xã hội có thể không tham gia vào các cuộc trò chuyện, không đóng góp ý kiến vào những cuộc thảo luận trong lớp hoặc không đưa ra ý tưởng của họ và họ là những người rất dễ bị cô lập…

Những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội thường có một số biểu hiện:

  • Đỏ mặt, đổ mồ hôi, run rẩy, cảm thấy nhịp tim nhanh hoặc cảm thấy “đầu óc trống rỗng”.
  • Cảm thấy buồn nôn hoặc đau bụng.
  • Thể hiện tư thế cơ thể cứng nhắc, ít giao tiếp bằng mắt hoặc nói với giọng quá nhẹ nhàng.
  • Cảm thấy thật đáng sợ và khó khăn khi ở bên người khác, đặc biệt là những người mà họ chưa biết, và cảm thấy khó khăn khi nói chuyện với họ mặc dù họ ước có thể.
  • Rất tự giác trước mặt người khác và cảm thấy xấu hổ, khó xử.
  • Rất sợ người khác đánh giá mình.
  • Tránh xa những nơi có người khác.

4.6. Rối loạn lo âu chia ly

Rối loạn lo âu chia ly – SAD đề cập đến sự lo lắng thái quá, biểu hiện bằng sự quan tâm quá mức, lo lắng và thậm chí sợ hãi về sự xa cách thực sự hoặc dự kiến ​​với người đã từng gắn bó.

Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của SAD rất khác nhau giữa trẻ em, người lớn và có thể bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt trong các hoạt động hoặc môi trường. Bất kể biểu hiện như thế nào, các triệu chứng phải đủ nghiêm trọng để làm suy giảm hoạt động bình thường hàng ngày thì mới được coi là SAD.

  • Đau khổ hoặc lo lắng khi người từng gắn bó rời đi.
  • Quá lo lắng về điều gì đó tồi tệ xảy ra với người đó (ví dụ: Chết hoặc không thể quay trở lại).
  • Sợ bị bắt cóc hoặc bị lạc.
  • Sợ xa người đó như khi đi học hoặc khi không ngủ chung…
  • Sợ bị bỏ nhà một mình.
  • Tránh cô đơn.
  • Ác mộng.
  • Kém tập trung.
  • Trình độ học vấn kém.
  • Tương tác xã hội kém hoặc cô lập.
  • Khó chịu.
  • Trẻ em có thể có tình trạng: Từ chối đi học, đái dầm,…

Ngoài ra người bệnh có thể có kèm các triệu chứng: Nhức đầu, lên cơn hen, buồn nôn, đau ngực, nhịp tim nhanh, khó thở, chóng mặt…

4.7. Chứng ám ảnh cụ thể

Những người bị chứng ám ảnh cụ thể có dấu hiệu sợ hãi tột độ (quá mức) về một đối tượng cụ thể như đồ vật, địa điểm, tình huống, cảm giác hoặc động vật. Nỗi sợ hãi này gây ra sự né tránh cản trở các hoạt động khác hoặc tạo ra sự đau khổ, lo lắng rõ rệt cho người bệnh.

Các ví dụ phổ biến về chứng sợ bao gồm:

  • Động vật – Các loại côn trùng, nhện, rắn hoặc động vật gặm nhấm…
  • Môi trường – độ cao, vi trùng, biển…
  • Tình huống – khám bệnh, đi máy bay, đi tàu, chơi tàu lượn…
  • Cơ thể – máu, vết thương, bị bệnh.
  • Tình dục – tần suất, cảm giác thăng hoa, sợ bệnh lây qua đường tình dục…

5. Tác động tiêu cực của chứng rối loạn lo âu đến người bệnh

Rối loạn lo âu kéo dài ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan, tổ chức trong cơ thể dẫn đến hàng loạt rối loạn chức năng:

  • Thần kinh, miễn dịch: Lo lắng và sợ hãi kéo dài dẫn đến não tiết ra lượng lớn các hormone căng thẳng trong đó có adrenalin và cortisol. Điều này làm gia tăng tần suất xuất hiện các triệu chứng của rối loạn nhịp tim, rối loạn đường huyết, suy tuyến thượng thận, rối loạn chuyển hóa, suy nhược thần kinh, suy giảm miễn dịch.
  • Tiêu hóa: Rối loạn lo âu dễ dẫn đến viêm dạ dày, rối loạn đại tiện, hội chứng ruột kích thích…
  • Tim mạch: Rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, tăng huyết áp, gia tăng các biến cố tim mạch
  • Hô hấp: Tăng nguy cơ nhập viện của những người có bệnh lý hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen…

Ảnh hưởng của rối loạn lo âu khác nhau tùy thuộc vào mức độ, thời gian và các bệnh lý nền của người bệnh. Một số tác động ngắn hạn mà bạn có thể gặp phải bao gồm không có khả năng hoàn thành các công việc hàng ngày. Ảnh hưởng lâu dài nghiêm trọng nhất là trở thành tự sát.

6. Cách chẩn đoán bệnh rối loạn lo âu

Các triệu chứng thực thể của rối loạn lo âu có thể dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý khác, như bệnh tim hoặc cường giáp. Do đó, bác sĩ có thể sẽ thực hiện một cuộc đánh giá bao gồm khám sức khỏe, yêu cầu làm test câu hỏi và các xét nghiệm loại trừ. Để chẩn đoán bệnh rối loạn lo âu cần được thăm khám và chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia tâm lý.

Dựa trên các triệu chứng thường gặp của người bệnh, bác sĩ sẽ xác định dạng rối loạn lo âu cụ thể mà người bệnh mắc phải.

Để chẩn đoán một người bị rối loạn lo âu, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã đưa ra một số tiêu chuẩn sau:

  • Quá nhiều lo lắng hoặc sợ hãi về một hoặc nhiều vấn đề, hoạt động, sự việc… trong hầu hết các ngày trong tuần và diễn ra ít nhất 6 tháng.
  • Người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cảm xúc lo lắng, sợ hãi.
  • Cảm xúc lo lắng, sợ hãi tác động tiêu cực, gây trở ngại đến cuộc sống của người bệnh.

Có ít nhất 3 triệu chứng với người lớn hoặc 1 triệu chứng ở trẻ em trong các triệu chứng đi kèm sau: Khó chịu, mệt mỏi, khó tập trung, bồn chồn, căng cơ hoặc khó/mất ngủ.

7. Phương pháp điều trị chứng rối loạn lo âu

Các chứng rối loạn lo âu khác nhau có các triệu chứng riêng biệt. Điều này có nghĩa là mỗi loại rối loạn lo âu cũng có kế hoạch điều trị riêng. Nhưng có những loại điều trị phổ biến được sử dụng.

7.1. Liệu pháp Hành vi nhận thức (CBT)

Đây là một ví dụ về một loại liệu pháp tâm lý có thể giúp những người bị rối loạn lo âu. Liệu pháp hành vi nhận thức tập trung hỗ trợ người bệnh hình thành thói quen suy nghĩ, hành động và phản ứng tích cực trước các tác nhân gây lo lắng, sợ hãi. Đồng thời, CBT cũng giúp người bệnh học và thực hành tốt các kỹ năng xã hội bao gồm cả kỹ năng giao tiếp và khả năng thích ứng. Đây là những điều vô cùng quan trọng với người bệnh rối loạn lo âu, nhất là chứng rối loạn lo âu xã hội.

7.2. Điều trị dùng thuốc

Mặc dù thuốc không chữa khỏi chứng rối loạn lo âu nhưng có thể giúp làm giảm các triệu chứng.

  • Thuốc chống lo âu giúp giảm các biểu hiện lo lắng, cơn hoảng sợ hoặc sợ hãi cực độ. Benzodiazepine là loại thuốc chống lo âu được dùng nhiều nhất hiện nay.
  • Mặc dù các thuốc chống trầm cảm được chỉ định trong điều trị trầm cảm, nhưng chúng cũng giúp cải thiện nhiều triệu chứng của rối loạn lo âu. Phần lớn các thuốc chống trầm cảm điều chỉnh sự cân bằng của những chất dẫn truyền thần kinh, giúp các tín hiệu thần kinh được truyền đạt chính xác. Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và chất ức chế tái hấp thu serotonin – norepinephrine (SNRI), thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) là các loại thuốc chống trầm cảm được dùng phổ biến hiện nay được chỉ định điều trị rối loạn lo âu.

7.3. Các phương pháp điều trị khác

  • Tập thể dục, liệu pháp thư giãn: Yoga, luyện thở, bơi lội, chạy bộ…
  • Các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, các loại trà thảo dược, thuốc y học cổ truyền, thôi miên…

8. Cách phòng tránh bệnh hiệu quả

Để phòng tránh rối loạn lo âu, bạn nên thay đổi nhận thức và hành vi của bản thân:

  • Cần duy trì và phát huy lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng nhóm thực phẩm.
  • Ngủ đủ giấc, không ngủ muộn.
  • Hạn chế tiếp xúc với các thông tin tiêu cực như: Không nên xem các tin tức, phim ảnh có nội dung buồn, bi đát, ám ảnh tiêu cực, nên lựa chọn những thể loại hài, vui tươi, nhạc vui…
  • Sắp xếp thời gian sinh hoạt là việc hợp lý. Dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân và tận hưởng những điều thú vị của cuộc sống.
  • Nên giao lưu với bạn bè, đi du lịch và tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể…
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, caffeine và các chất kích thích, gây nghiện khác.
  • Viết nhật ký được coi là thói quen tốt và giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về bản thân cũng như kịp thời phát hiện sớm các suy nghĩ tiêu cực.

Rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc, học tập, sức khỏe và việc tham gia các hoạt động khác của người bệnh. Rối loạn lo âu hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu được phát hiện sớm và tiếp cận với phương pháp điều trị thích hợp.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Các Loại Rối Loạn Lo âu