Các Loài Rùa Nguy Cấp Trước Mối đe Dọa Từ Buôn Bán Và Tiêu Thụ
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam là một quốc gia giàu có về tài nguyên rùa. Với 32 loài rùa bản địa (5 loài rùa biển, 27 loài rùa cạn và rùa nước ngọt), Việt Nam đứng thứ 9 trong tổng số 29 quốc gia có mức độ đa dạng rùa cao nhất thế giới, chiếm 9% tổng số loài rùa của thế giới và 36% loài rùa phân bố tại châu Á (Turtle Taxonomy Working Group [Rhodin, A.G.J., Iverson, J.B., Bour, R., Fritz, U., Georges, A., Shaffer, H.B., và van Dijk, 2021). Điều đáng buồn là hiện có tới 29 loài (chiếm 90,6%) đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, buôn bán trái phép các loài rùa cạn, rùa nước ngọt và rùa biển là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nguy cấp của phần lớn các loài rùa bản địa.
Theo đánh giá năm 2021 của IUCN, quần thể của hầu hết các loài rùa ở Việt Nam đều bị suy giảm từ 50 – 90%, đồng nghĩa với số lượng rùa trong tự nhiên đang giảm ở mức rất thấp. Điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với công tác bảo tồn rùa nói chung, các loài rùa bản địa Việt Nam nói riêng trước sức ép ngày càng tăng của nạn buôn lậu đang diễn biến hết sức phức tạp.
Nhiều loài rùa bản địa đang nguy cấp
Liên tiếp trong những năm gần đây, nhóm chuyên gia về rùa của IUCN đã đưa ra cảnh báo về tình trạng bảo tồn các loài rùa nguy cấp trên thế giới bao gồm các loài bản địa của Việt Nam. Năm 2018, IUCN công bố bản cập nhật lần thứ 4 danh sách 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp nhất thế giới, trong đó Việt Nam xếp thứ 2 về số loài rùa nguy cấp với 4 loài (chiếm 14,8%), sau Trung Quốc với 6 loài (22,2%). Bốn loài nguy cấp bao gồm giải Sin-hoe hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis), rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata), rùa hộp Zhou (Cuora zhoui) – loài hiện chưa xác nhận được tình trạng phân bố tại Việt Nam. Với danh sách mở rộng 50 loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp nhất trên thế giới, Việt Nam vẫn xếp thứ hai về số loài nguy cấp với 8 loài (chiếm 16%), sau Trung Quốc với 11 loài (22%) (Stanford và n.n.k., 2018).
Năm 2021, Danh lục Đỏ IUCN tiếp tục cập nhật tình trạng bảo tồn các loài rùa nguy cấp, trong đó ghi nhận 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, 01 loài sắp bị đe dọa, 01 loài chưa được đánh giá. Trong số 24 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, có tới 15 loài (chiếm 57,69%) ở mức độ rất nguy cấp (CR), 8 loài (chiếm 30,77%) ở mức độ nguy cấp, và 01 loài (chiếm 3,85%) ở mức sắp nguy cấp (VU). 5 loài rùa biển bao gồm vích (Chelonia mydas), đồi mồi (Eretmochelys imbricata), đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), quản đồng (Caretta caretta) và rùa da (Dermochelys coriacea) cũng đều nằm trong Sách Đỏ IUCN, trong đó có 01 loài cực kỳ nguy cấp, 01 loài nguy cấp và 03 loài sắp nguy cấp.
Bùng nổ buôn lậu rùa
Sở dĩ tình trạng nguy cấp ngày càng gia tăng ở các quần thể rùa bản địa là do tình trạng săn bắt, mất môi trường sống, đặc biệt là nạn buôn lậu hoành hành khiến các loài rùa trong tự nhiên suy giảm mạnh. Từ trứng, thịt, mai, con non tới cá thể trưởng thành cùng các bộ phận cơ thể – tất cả đều bị khai thác và buôn lậu nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm, làm thuốc, thú cưng và đồ trang sức, trang trí, chủ yếu tại thị trường châu Á. Báo cáo năm 2010 của TRAFIC cho thấy dữ liệu tịch thu từ buôn bán động vật hoang dã hoang dã trái phép giai đoạn 1996 – 2008 có tới 70% số cá thể là các loài bò sát, trong đó chủ yếu là rùa. Năm 2016, Báo cáo từ CITES cũng khẳng định 61% các vụ tịch thu là rùa với 77% số cá thể còn sống.
Rùa phân bố khắp các châu lục nhưng châu Á là nơi có tới 17 loài rùa trong tổng số 25 loài thuộc nhóm bị đe dọa cao nhất thế giới (IUCN, 2011). Ước tính có ít nhất từ 12 đến 20 triệu cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt bị tiêu thụ ở châu Á mỗi năm, tác động tiêu cực tới quần thể hoang dã của ít nhất 61 loài rùa bản địa châu Á và 5 loài rùa bản địa châu Mỹ (Gong và n.n.k., 2009; Sandra Altherr và Freyer, 2000). Trong số các nước châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường trọng điểm về buôn lậu rùa. Tại Ấn Độ, ít nhất 111.310 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt bị buôn lậu trong giai đoạn từ 2009 – 2019, tương đương hơn 11.000 cá thể bị buôn bán bất hợp pháp mỗi năm hoặc ít nhất 200 cá thể bị buôn bán trái phép mỗi tuần kể từ năm 2009 (Dr Saket Badola, 2019). Còn tại thị trường Trung Quốc, khảo sát của TRAFFIC từ năm 2000 – 2008 khẳng định Trung Quốc đại lục chắc chắn là thị trường lớn buôn bán rùa biển bất hợp pháp với 150 mẫu vật nguyên vẹn và 7.217 sản phẩm vỏ rùa đã qua chế biến được bày bán tại 117 cửa hàng với giá trị gần nửa triệu USD (Lam, T., Xu Ling, Takahashi, S., và Burgess, 2011). Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ rùa nói chung tại đất nước tỉ dân bởi chỉ riêng kết quả khảo sát 684 trang trại gây nuôi thương mại tại Trung Quốc đã cho thấy có hơn 300 triệu cá thể rùa bị bán mỗi năm với tổng giá trị khoảng 750 triệu USD (Shi Haitao, James F Parham, Fan Zhiyong, 2008).
Tại ba thị trường Indonesia, Malaysia và Việt Nam, khảo sát của WCS từ năm 2015 đến tháng 7/2019 cũng chỉ ra có ít nhất 2.354 cá thể, cả sống và chết cùng hơn 91.000 trứng rùa, gần 3.000 mai và 1,7 tấn thịt bị thu giữ trong 163 vụ (Lalita Gomez, Kanitha, 2019). Từ năm 2013 đến 2017, Việt Nam cũng tịch thu 26.221 cá thể rùa, chiếm gần một phần ba tổng số cá thể động vật hoang dã bị thu giữ trong cùng thời gian (WCS, 2018).
Nhiều nghiên cứu và bằng chứng chỉ ra rằng rùa ở Việt Nam chủ yếu bị xuất khẩu lậu sang Trung Quốc, thậm chí hoạt động buôn bán bất hợp pháp này được thực hiện từ những năm 1980 – thời điểm Việt Nam mở cửa thị trường thương mại quốc tế và hướng sang Trung Quốc. Với lượng dân số lớn, tốc độ gia tăng kinh tế hơn 10% được duy trì trong suốt 30 năm (World Bank, 2021) cùng truyền thống hàng nghìn năm sử dụng động vật hoang dã, đặc biệt là các loài rùa để làm thực phẩm, thuốc, vật nuôi (van Dijk và n.n.k., 2000), Trung Quốc ngày càng gia tăng nhu cầu nhập rùa từ Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á. Uớc tính có khoảng 200.000 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt bị buôn bán ở Việt Nam mỗi năm với hầu hết các loài bản địa được quan sát trong hoạt động buôn bán, trong đó có thể có tới 90% các loài rùa và rùa nước ngọt bị buôn bán từ Việt Nam sang Trung Quốc. (Duc và Broad, 1995).
Không chỉ buôn bán công khai tại nhiều địa phương, hoạt động buôn lậu rùa trên các nền tảng xã hội cũng sôi động không kém. Khảo sát của WildAct trên Facebook từ tháng 10/2015 tới tháng 4/2016 ghi nhận 46 tài khoản với 2.490 quảng cáo và 26.498 sản phẩm động vật hoang dã được tìm thấy, trong đó, rùa là nhóm sản phẩm thường gặp thứ 2 chỉ sau các sản phẩm từ voi. Tổng cộng có 12 tài khoản bị phát hiện quảng cáo rùa sống và rùa làm thú cưng, 903 quảng cáo và 2.625 cá thể của 13 loài rùa cạn và rùa nước ngọt với 90% các loài được quảng cáo là nguy cấp và 6% cực kỳ nguy cấp. Một nghiên cứu khác cũng theo dõi hoạt động rao bán rùa trên Facebook từ 2013 – 2018 và ghi nhận 481 quảng cáo liên quan đến 5.758 cá thể rùa thuộc 53 loài và 12 họ. Trong đó, loài bản địa chiếm 22 loài và hơn 36% số cá thể bị buôn bán. Hầu hết các loài bản địa bị buôn bán dưới dạng cá thể gần trưởng thành và trưởng thành trong khi các loài ngoại lai bị buôn bán dưới dạng con non và sắp trưởng thành – điều này cho thấy tần suất buôn bán rùa trái phép từ nguồn bị săn bắt là rất cao. (Phạm và n.n.k., 2019).
Đáng chú ý là việc quản lý, kiểm soát và thực thi pháp luật với các hành vi rao bán rùa trên các nền tảng xã hội gặp không ít khó khăn do các chủ tài khoản thường để chế độ nhóm kín hoặc sử dụng danh tính ảo để đăng ký tài khoản. Đây là một trong những thách thức mới đối với các cơ quan chức năng trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm động vật hoang dã và bảo vệ các loài rùa bản địa ở Việt Nam.
Trào lưu nuôi rùa làm thú cưng
Trong quá khứ, việc buôn bán hợp pháp và sử dụng rùa làm sinh vật cảnh chủ yếu phổ biến ở các nước phương Tây, bao gồm các nước châu Âu và Hoa Kỳ (Walker và n.n.k., 2004). Tuy nhiên, phần lớn hoạt động buôn bán này đã giảm đáng kể sau năm 1999 khi nhiều loài rùa cạn và rùa nước ngọt của châu Á được đưa vào các phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Trong những năm gần đây, thị trường thú cưng đã trở nên phổ biến hơn ở các đô thị lớn thuộc khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, thị trường buôn bán rùa làm sinh vật cảnh xuất hiện từ lâu, từ các chợ lẻ đến các cửa hàng sinh vật cảnh, thú cưng với số lượng từ vài cá thể đến hàng trăm cá thể, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Rùa thường được bày bán tại các khu vực buôn bán thực phẩm. Nếu mua rùa làm thực phẩm hoặc làm thuốc, khách hàng thường chọn các cá thể có kích thước lớn, trong khi với nhóm người mua rùa làm sinh vật cảnh, đa phần lại chú ý tới nhóm loài, màu sắc và ưa thích con non hơn, vì vậy đe dọa không nhỏ tới quần thể rùa trong tự nhiên. Hiện nay, hầu hết các cửa hàng buôn bán rùa làm sinh vật cảnh, đặc biệt là các loài bản địa được pháp luật bảo vệ đều đi vào hoạt động bí mật theo hình thức hội, nhóm kín nhằm tránh bị phát hiện. Mặt khác, các chủ hàng đẩy mạnh quảng cáo, rao bán rùa trên các nền tảng xã hội và coi mạng internet hiện là phương tiện chính để buôn bán bất hợp pháp. Theo khảo sát của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021, có tới 1.912 cá thể rùa bị rao bán trực tuyến, tập trung vào các loài rùa ở miền Nam như rùa ba gờ, rùa hộp trán vàng, rùa núi vàng…
Trào lưu nuôi rùa làm sinh vật cảnh, thú cưng cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy hoạt động săn bắt, mua bán trái phép các loài rùa bản địa và ngoại lai phục vụ nhu cầu ngày càng tăng tại các thành phố lớn (Gong và n.n.k., 2009). Điều này không chỉ gây áp lực cho các quần thể rùa bản địa vốn đã bị khai thác đến cạn kiệt mà còn khiến người nuôi rùa đối mặt với rủi ro pháp lý do nhiều loài đã được đưa vào các danh sách bảo vệ chính thức, cụ thể: 8 loài rùa cạn và nước ngọt cùng 5 loài rùa biển được đưa vào Nhóm IB thuộc Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Nghị định 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 160/2013/NĐ-CP; 9 loài thuộc nhóm IB và 15 loài thuộc nhóm IIB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và NĐ 84/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định 06/2019/NĐ-CP). Tất cả các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đều bị xử lý với mức phạt rất nghiêm khắc với mức phạt tối đa được quy định trong Bộ luật Hình sự lên tới 15 năm tù hoặc phạt tiền 2 tỷ đồng đối với cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân.
Ngoài rủi ro về pháp lý, việc nuôi rùa và động vật hoang dã làm thú cưng còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sức khỏe cho người bán, người mua và cả hệ sinh thái. Thống kê cho thấy có tới 15 đợt bùng phát dịch bệnh liên bang có liên quan đến nhóm vi khuẩn Samonella spp. xuất phát từ việc tiếp xúc với các cá thể rùa nuôi làm cảnh ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 2006 – 2014 (Bosch và n.n.k., 2016). Bệnh truyền nhiễm do nhóm vi khuẩn tồn tại trên rùa này có thể gây bệnh thương hàn, tiêu chảy, sốt…, thậm chí tử vong đối với trẻ em và nhóm người có sức đề kháng yếu. Mỗi năm, nhóm vi khuẩn Samonella spp. gây bệnh cho khoảng 1,35 triệu người với 26.500 người nhập viện và 420 người tử vong ở Hoa Kỳ (Centers for Disease Control và Prevention, 2021). Ngoài ra, nuôi các loài rùa hoang dã làm cảnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh trong tương lai bởi hiểu biết của chúng ta về các mầm bệnh, đặc biệt là các chủng virus trên rùa còn rất nhiều hạn chế (Marschang, 2011).
Đáng chú ý là thú vui nuôi rùa làm cảnh còn làm phát tán các loài ngoại lai, đặc biệt là các loài ngoại lai xâm hại gây ảnh hưởng không nhỏ tới đa dạng sinh học bản địa (Convention on Biological Diversity, 2019). Các loài xâm hại có thể ăn thịt, cạnh tranh tài nguyên với các loài bản địa, mang mầm bệnh mới, làm mất cân bằng sinh thái và gây tổn thất kinh tế. Từ đầu những năm 2000, các loài rùa ngoại lai đã được du nhập và buôn bán trái phép ở Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á (van Dijk và n.n.k., 2000), chủ yếu phục vụ nhu cầu làm cảnh. Tuy nhiên, vào thời điểm này, phổ biến nhất vẫn là loài rùa tai đỏ (trachemys scripta elegans), loài rùa bản địa của Bắc Mỹ, là một trong số các loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới (Lowe và n.n.k., 2000). Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, khi thú chơi rùa cảnh phát triển, các loài rùa ngoại lai xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường chợ đen. Khảo sát từ năm 2013 tới 2018 ghi nhận 31 loài rùa ngoại lai với 3.653 cá thể được rao bán trên mạng xã hội Facebook. Các loài rùa này có nguồn gốc đa dạng, từ Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Madagascar, Mozambique, Tazania, Sudan, và một số quốc gia khác (Phạm và n.n.k., 2019).
Tại Việt Nam, Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1896/2012/QĐ-TTg. Tuy nhiên, Đề án mới tập trung vào các loài thực vật và một số loài ngoại lai gây tổn thất kinh tế nông nghiệp như ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), cây mai dương (Mimosa pigra)… Năm 2018, Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT quy định tiêu chí xác định kèm danh mục 19 loài ngoại lai xâm hại và 61 loài có nguy cơ xâm hại, trong đó có loài rùa tai đỏ. Tuy nhiên, việc kiểm soát phát tán loài này trong tự nhiên trên thực tế là còn lỏng lẻo và hạn chế. Việc này có thể dễ dàng quan sát thấy khi tại các cổng chùa, ao chùa, tại các cửa hàng vật cảnh và trên mạng xã hội loài rùa này vẫn được bán tràn lan cho nhu cầu nuôi và phóng sinh. Loài rùa này được bán với giá khá rẻ (15 – 20 nghìn đồng/cá thể), khi nhỏ có màu sắc bắt mắt nên nhiều người mua về nuôi hoặc thả phóng sinh mà không chú ý tới nguồn gốc loài, thiếu kiến thức và phương pháp chăm sóc, điều kiện nuôi không đảm bảo. Khi trưởng thành, loài rùa này thay đổi về kích thước, màu sắc, không còn bắt mắt và ăn nhiều nên nhiều người nuôi đem thả tại hồ, ao hoặc thả về tự nhiên, vừa gây nguy cơ mất cân bằng sinh thái, vừa có thể phát tán mầm bệnh và tăng áp lực cho công tác bảo tồn loài, nhất là các loài rùa bản địa.
Đáng chú ý là hoạt động phóng sinh tại nhiều khu vực chùa, cơ sở tôn giáo hiện nay thả không ít loài rùa và động vật ngoại lai về tự nhiên. Nhiều loài rùa bản địa bị thả sai môi trường sống (ví dụ, rùa cạn thả xuống sông hồ hoặc ngược lại) dẫn tới tỉ lệ bị bắt lại và bị chết cao. Đặc biệt, hoạt động này càng thúc đẩy nhu cầu săn bắt, mua bán trái phép các loài rùa phục vụ phóng sinh.
Gây nuôi thương mại rùa
Một trong những mối đe dọa chính đối với sự tồn vong của các loài rùa nói chung, rùa Việt Nam nói riêng là nhu cầu sử dụng rùa làm thực phẩm và các sản phẩm thuốc. Tuy nhiên, khi nhu cầu này liên tục tăng cao qua các năm, hoạt động gây nuôi thương mại được mở ra như một mô hình sinh kế mới cho người dân và được khuyến khích tại nhiều quốc gia nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo số liệu năm 2019 của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam có 224 cơ sở đăng ký gây nuôi sinh sản 15 loài rùa bản địa với tổng số lượng lên tới 64.808 cá thể. Trong đó, các loài rùa đất lớn (Heosemys grandis), rùa câm (Mauremys mutica), rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis), rùa răng (Heosemys annandalii), rùa núi vàng (Indotestudo elongata), ba ba gai (Palea steindachneri), rùa đất Sê-pôn (Cyclemys oldhamii) và rùa đất Pul-kin (Cyclemys pulchristriata) là các loài được đăng ký gây nuôi với số lượng lớn (Biểu đồ 01).
Gây nuôi ĐVHD cũng như các loài rùa cạn và rùa nước ngọt được pháp luật cho phép với mục tiêu phát triển kinh tế, giảm áp lực lên các quần thể ĐVHD ngoài tự nhiên và hỗ trợ công tác bảo tồn loài trong môi trường hoang dã thông qua việc duy trì nguồn gen động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, khảo sát của các tổ chức bảo tồn cho thấy việc nhân nuôi thương mại ĐVHD bao gồm nhóm rùa đang có nhiều biến tướng và tác động tiêu cực tới quần thể ĐVHD ngoài tự nhiên. Báo cáo năm 2017 của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) khảo sát tại 26 trang trại chỉ ra cả 26 cơ sở đều tham gia vào các hoạt động “rửa” động vật hoang dã ở một mức độ nào đó thông qua việc mua bán giấy phép vận chuyển, mua bán động vật hoang dã không có nguồn gốc rõ ràng, hối lộ cán bộ kiểm lâm… (Vũ và n.n.k., 2017). Không ít phóng sự điều tra báo chí cũng ghi nhận các chiêu bài hợp thức hóa giấy phép bán rùa và các loài động vật hoang dã với sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm địa phương (Lãng Quân, 2018). Điều này cho thấy việc gây nuôi thương mại không phải là một lựa chọn bền vững (Bulte & Damania, 2005), thậm chí càng thúc đẩy nhu cầu cao với rùa và động vật hoang dã bất hợp pháp. Nhiều loài rùa bản địa được nhân nuôi như rùa núi vàng, rùa răng, rùa đất lớn, rùa câm, rùa hộp lưng đen, ba ba gai, rùa đất Pul-kin, rùa đất Sê-pôn… nhưng chúng vẫn hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên (IUCN, 2021).
Thêm điểm đáng lo ngại là các cơ sở gây nuôi thương mại ít chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất và kỹ thuật nuôi, hiểu biết về sinh thái và đặc tính sinh sản các loài rùa cũng như vấn đề an toàn sinh học còn nhiều hạn chế, do đó dễ dẫn tới tình trạng lai tạp, ô nhiễm nguồn gen cho động vật nuôi trong trang trại, không đảm bảo an toàn sinh học và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các loài vật nuôi khác cũng như quần thể động vật hoang dã và cộng đồng.
Vấn đề kiểm soát dịch bệnh từ các loài hoang dã đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn bao trùm lên mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy vấn nạn buôn lậu động vật hoang dã nói chung và các loài rùa vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm trước và trong đại dịch. Các cá thể rùa vẫn bị săn bắt, vận chuyển, buôn bán công khai hoặc lén lút tại địa bàn nhiều tỉnh, thành trên cả nước (Phan và n.n.k., 2021). Tại Trung tâm Bảo tồn Rùa thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, số lượng cá thể rùa tiếp nhận cứu hộ từ các vụ tịch thu do buôn bán trái phép không có sự khác biệt với số lượng rùa được cứu hộ trong 5 năm trước đó. Các loài rùa bản địa của Việt Nam vẫn tiếp tục bị săn bắt, buôn bán trái phép bất chấp đại dịch.
Một vài khuyến nghị
Việt Nam đã ban hành khá nhiều văn bản luật với mức xử phạt rất nghiêm khắc nhưng công tác bảo vệ ĐVHD vẫn chưa phát huy hiệu quả thực sự. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD còn một số tồn tại, bất cập… Do đó việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐVHD là rất quan trọng, thậm chí cần tính đến phương án xây dựng một luật riêng về bảo vệ ĐVHD.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phòng chống buôn bán trái phép các loài rùa hoang dã trên cả thị trường thực và trực tuyến thông qua phối hợp liên ngành giữa các đơn vị kiểm lâm, hải quan, biên phòng, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường…; tích cực điều tra, truy tố, xét xử các vụ buôn lậu rùa bất hợp pháp nhằm xử lý các đối tượng cầm đầu và đường dây tội phạm động vật hoang dã. Ngoài ra, các hành vi nuôi rùa trái phép, thả rùa ngoại lai xâm hại ra tự nhiên cũng cần được chú trọng xử lý như một hình thức răn đe và ngăn chặn các hậu quả tích lũy từ các hoạt động tưởng chừng chỉ nhỏ lẻ, vô hại.
Với hoạt động gây nuôi rùa thương mại, cần kiểm soát chặt các trại nuôi về cả nguồn gốc động vật, vấn đề quản lý, kiểm soát dịch bệnh và vận chuyển, buôn bán rùa dưới mọi hình thức, kiên quyết xóa bỏ tình trạng “rửa” động vật có nguồn gốc bất hợp pháp qua các trang trại với sự tiếp tay của lực lượng thực thi pháp luật.
Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về các rủi ro sức khỏe khi tiêu thụ, tiếp xúc với các loài rùa cũng như mối nguy đối với các loài rùa bản địa nói riêng, động vật hoang dã nói chung nhằm giảm nhu cầu sử dụng, tiêu thụ rùa bất hợp pháp; thúc đẩy các sáng kiến, ý tưởng bảo tồn, hướng tới đảm bảo phúc lợi rùa và động vật hoang dã.
Tài liệu tham khảo
Bosch, S., Tauxe, R. V, & Behravesh, C. B. (2016). Turtle-associated salmonellosis, United States, 2006–2014. Emerging Infectious Diseases, 22(7), 1149.
Bulte, E. H., & Damania, R. (2005). An economic assessment of wildlife farming and conservation. Conservation Biology, 19(4), 1222–1233.
Centers for Disease Control and Prevention. (2021). Salmonella Homepage | CDC. https://www.cdc.gov/salmonella/index.html
Convention on Biological Diversity. (2019). Living in harmony with nature Invasive Alien Species. www.cbd.int/invasive
Dr Saket Badola, A. N. C. (2019). Over 11,000 tortoises and freshwater turtles entered illegal wildlife trade in India every year since 2009.
Duc, L. D., & Broad, S. (1995). Investigations into tortoise and freshwater turtle trade in Vietnam. IUCN.
Gong, S.-P., Chow, A. T., Fong, J. J., & Shi, H.-T. (2009). The chelonian trade in the largest pet market in China: scale, scope and impact on turtle conservation. Oryx, 43(2), 213–216. https://doi.org/10.1017/S0030605308000902
IUCN. (2021). IUCN Red List of Threatened Species. https://www.iucnredlist.org/
Lalita Gomez, Kanitha, K. (2019). Gomez và Krishnasamy 2019 A rapid assessment of the trade in Saiga Antelope horn in Peninsular Malaysia April 2019.
Lam, T., Xu Ling, Takahashi, S., và Burgess, E. . (2011). Market Forces: An Examination of Marine Turtle Trade in China và Japan. In TRAFFIC East Asia, Hong Kong.
Lãng Quân. (2018). Cạo trọc, vét nhẵn, tận diệt “hàng rừng.” Báo Lao Động.
Lowe, S., Browne, M., Boudjelas, S., & De Poorter, M. (2000). 100 of the World’s Worst Invasive Alien Species A selection from the Global Invasive Species Database (Published). http://www.issg.org/pdf/publications/worst_100/english_100_worst.pdf
Marschang, R. E. (2011). Viruses infecting reptiles. Viruses, 3(11), 2087–2126. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22163336/
Phạm, T., Lưu, Q. V., Vũ, T. T., Leprince, B., Tran, T. K. L., & Luiselli, L. (2019). Longitudinal monitoring of turtle trade through Facebook in Vietnam (Vol. 29). https://doi.org/10.33256/hj29.1.4856
Phan, B. H., Dương, V. T., & Trần, T. T. H. (2021). Chưa lối thoát: Nạn buôn bán động vật hoang dã trước & trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. https://nature.org.vn/vn/wp-content/uploads/2021/06/170621_-DVHD-web.pdf
Sandra Altherr, & Freyer, D. (2000). The decline of Asian Turtles. Food markets, habitat destruction and pet trade driving Asia’s freshwater turtles and tortoises to extinction. https://www.prowildlife.de/wp-content/uploads/2019/06/Turtle-report.pdf
Shi Haitao, James F Parham, Fan Zhiyong, M. H. (2008). Evidence for the massive scale of turtle farming in China.
Stanford, C. B., Rhodin, A. G. J., van Dijk, P. P., & Horne, B. D. (2018). Turtles in trouble: The world’s 25+ most endangered tortoises and freshwater turtles—2018.
Turtle Taxonomy Working Group [Rhodin, A.G.J., Iverson, J.B., Bour, R., Fritz, U., Georges, A., Shaffer, H.B., và van Dijk, P. P. . (2021). Turtles of the World: Annotated Checklist and Atlas of Taxonomy, Synonymy, Distribution, and Conservation Status (9th Ed.). In R. A. (Eds. . Rhodin, A.G.J., Iverson, J.B., van Dijk, P.P., Stanford, C.B., Goode, E.V., Buhlmann, K.A., và Mittermeier (Ed.), Conservation Biology of Freshwater Turtles and Tortoises: A Compilation Project of the IUCN/SSC Tortoise and Freshwater Turtle Specialist Group. Chelonian Research Monographs 8 (9th ed., p. 472). https://doi.org/10.3854/crm.8.checklist.atlas.v9.2021
van Dijk, P. P., Stuart, B. L., & Rhodin, A. G. J. (2000). Asian Turtle Trade: Proceedings of a Workshop on Conservation and Trade of Freshwater Turtles and Tortoises in Asia–Phnom Penh, Cambodia, 1-4 December 1999. Lunenburg, Mass.: Chelonian Research Foundation.
Vũ, Q., Carvill, R., Bùi, H., Hendrie, D. B., & Orders, D. (2017). An analysis of wildlife farming in Vietnam. Education for Nature – Vietnam. https://env4wildlife.org/wp-content/uploads/2021/03/Farming-Report-Oct-23-2017.pdf
Walker, R. C. J., Rix, C. E., & Woods-Ballard, A. J. (2004). The export of the endangered Madagascar spider tortoise (Pyxis arachnoides) to support the exotic pet trade. Herpetological Bulletin, 90, 2–9.
WCS. (2018). Báo cáo tổng kết tình hình vi phạm và thực thi pháp luật về động vật hoang dã tại Việt Nam, giai đoạn 2013 – 2017.
World Bank. (2021). GDP growth (annual %) – China | Data. https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?end=2020&locations=CN&start=1961&view=chart
Hoàng Văn Hà, Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) – Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC)
Nguồn: Bản tin Chính sách số 32/PanNatureBài liên quan:
- Quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: Bất cập và khuyến nghị
- Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
- Rùa bản địa đối mặt với nguy cơ cao từ những chợ ảo thời 4.0
- Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất
- Xu hướng buôn lậu động vật hoang dã trong bối cảnh đại dịch
- Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
- Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
- Một ngày đỡ đẻ cho rùa biển
- Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet
- Sri Lanka trở thành trung tâm buôn bán rùa sao
Từ khóa » Các Loại Rùa Của Việt Nam
-
Danh Sách Các Loài Rùa Cạn Và Rùa Nước Ngọt Việt Nam
-
Nhận Dạng 26 Loài Rùa ở Việt Nam Qua Hình ảnh
-
Tổng Hợp 35 Loại Rùa Nước Ngọt được Nuôi Nhiều Nhất Tại Việt Nam
-
Các Loại Rùa Việt Nam - Rùa Vàng Quý Hiếm Nhất Là Loại Nào
-
"Mật Ngữ" Bên Trong Các Hội Nhóm Mua Bán Rùa Quý Hiếm
-
Những Gì Bạn Chưa Biết Về 10 Loài Rùa Nằm Trong Sách Đỏ Việt ...
-
Rùa Cạn Và Rùa Nước Ngọt - Wildlife Conservation Society
-
Những Loài Rùa Việt Nam Nguy Cơ Tuyệt Chủng Cao - VnExpress
-
Bộ Rùa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Độc đáo Khu Bảo Tồn Và Nhân Nuôi Các Loài Rùa Quý Hiếm | VTC14
-
Coi Chừng Rước Bệnh Vào Thân Khi Nuôi Rùa Làm Thú Cưng
-
Những Sự Thật Bạn Có Thể Chưa Biết Về Rùa Cạn Và Rùa Nước Ngọt
-
Rùa Hoàn Kiếm – Wikipedia Tiếng Việt