Các Loại Văn Cúng Tế - Báo Đà Nẵng

* Nói về văn cúng tế, tôi thấy có rất nhiều loại như: sớ, điệp, chúc, trạng... Xin cho hỏi, các loại văn này khác nhau ra sao và được sử dụng trong trường hợp nào? (Nguyễn Văn Năm, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Theo Hán Việt Từ điển Trích dẫn, sớ là tờ trình, tấu chương của người dưới dâng lên vua hay người bề trên để cầu xin điều gì đó. Ví dụ: Thất trảm sớ là tờ sớ do Chu Văn An soạn và dâng lên vua Trần Dụ Tông để đề nghị chém 7 người mà ông cho là nịnh thần.

Đọc chúc văn tại lễ Kỵ Tổ Phái Nhất tộc Lê Công phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L
Đọc chúc văn tại lễ Kỵ Tổ Phái Nhất tộc Lê Công phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L

Trong văn cúng tế, sớ (còn gọi là tuyên sớ, sớ văn, tấu sớ) là lời cầu khấn của người đội sớ dâng lên chư Phật Thánh Tiên Thần để cầu nguyện cho mình một điều gì đó. Phật giáo Việt Nam gọi văn bản này là sớ hay sớ đầu, có tính cách như một lời phát nguyện dâng lên Tam bảo. Sớ có nhiều loại: sớ cầu an, sớ cầu siêu, sớ cúng ngoại cảnh ngoại càng, sớ cúng sao, sớ cúng Quan Thánh...

Điệp: công văn, một lối văn thư của nhà quan. Đây là một bài văn chuyển giao giữa cấp dưới và cấp trên, nó cũng như một tờ trình. Người xưa thường viết trên thẻ tre hoặc miếng giỗ. Kể từ niên hiệu Nguyên Phong (1078-1085) thời Bắc Tống trở về sau các văn từ tố tụng gọi là trạng, chỉ có các văn từ chuyển giao của các quan phủ gọi là điệp.

Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa có đoạn chép “Thứ nhật, tiếp đắc Thanh Châu thái thủ Cung Cảnh điệp văn, ngôn Hoàng Cân tặc vi thành tương hãm, khất tứ cứu viện”, nghĩa là “Hôm sau nhận được tờ điệp của quan thái thú Thanh Châu, tên là Cung Cảnh, báo tin bị giặc Hoàng Cân bao vây, xin cho quân đến cứu”.

Trong văn cúng tế, điệp là một loại văn thư không thể thiếu, nội dung cáo bạch nội dung buổi lễ, đàn tràng khoa nghi trong Phật giáo Việt Nam. Điệp được chia làm 2 loại, điệp dùng cho cầu siêu và điệp dùng cho tang lễ (thường gọi là điệp cúng đám).

Chúc: lời đề tụng đọc khi tế lễ. Chúc thường được dùng trong các nghi lễ cúng tế ở đình, miếu. Trạng: bài văn giải bày sự thực để kêu với thần thánh, vua quan.

Trong văn cúng, trạng là bài văn giải bày sự thật của một hiện trạng nào đó nhằm trình lên Thánh, Thần. Trạng, theo tập tục Trung Hoa thì dùng để đốt không đọc, riêng ở Việt Nam thì tuyên đọc xong rồi mới đem đốt. Một số trạng văn dùng cho cúng tế như: Trạng lục cung (Cúng khẩm tháng); Trạng cúng đất (Thiết cúng tạ thổ kỳ an); Trạng cúng khai trương (Thiết cúng khai trương kỳ an); Trạng cúng hoàn nguyện (Thiết cúng hoàn nguyện); Trạng tạ mộ (Khởi kiến pháp diên)… Ngoài ra, còn có một số văn cúng khác.

Sắc, nghĩa ban đầu là chiếu thư của vua, về sau còn dùng để gọi mệnh lệnh của đạo sĩ dùng trong bùa chú để trừ tà ma.

Biểu: một loại sớ tấu thời xưa, bậc đại thần trình lên vua. Trong văn cúng, biểu (nói đầy đủ là biểu bạch) là công văn nêu công đức mình đã làm trình lên Tam bảo hoặc chư vị Bồ tát. Dẫn: một thể văn dùng để nói đến một sự việc khác....

Các loại sớ, biểu, trạng, dẫn đều được viết trên giấy bản màu vàng. Còn các loại khác viết trên giấy màu đỏ hoặc trắng. Về kích thước, ngày xưa quy định khổ giấy dài khoảng 64cm, rộng 40cm gấp làm đôi theo chiều ngang, gấp xong bề dài là 40cm, bề ngang 32cm, xếp thành 4 khổ bằng nhau, mỗi khổ 8cm bằng khoảng một bàn tay như người xưa đã dạy “tiền nhất chưởng, hậu bán trương” (phía trước một bàn tay, phía sau nửa trang).

ĐNCT

Từ khóa » Sớ điệp Cấp Là Gì