Các Mẹo để được Miễn Nghĩa Vụ Quân Sự Theo Quy định Mới Nhất

Trong các quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp thì nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cũng là quyền cao quý của công dân. Sở dĩ chúng ta coi đó vừa là nghĩa vụ vừa là quyền bởi lẽ xuất phát từ truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lịch sử đất nước qua mấy nghìn năm cho thấy dù là trong chiến tranh hay thời bình, tinh thần dân tộc sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do luôn được phát huy cao độ. Ngày nay, trong thời bình để thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới, bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi mỗi công dân đều phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Điều này đã được cụ thể hóa trong Luật nghĩa vụ quân sự 2015. Bên cạnh đó, với những trường hợp đặc thù công dân được tạm hoãn và miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được quy định cụ thể.

Luật Dương Gia hy vọng qua bài viết này, các bạn nam đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể hiểu rõ hơn về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình.

Thứ nhất, về các tiêu chuẩn để công dân được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự

Mọi công dân Việt Nam từ đủ mọi thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng hay học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú đều có thể là đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ cần đáp ứng đủ 4 tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Nghị định 148/2018/NĐ-CP như sau:

– Công dân phải đang trong độ tuổi gọi nhập ngũ: Tuổi nhập ngũ được quy định là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Đặc biệt, độ tuổi có thể kéo dài đến hết 27 tuổi đối với người được đào tạo cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ (Quy định tại Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự 2015).

– Đủ tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn theo quy định.

– Công dân được tuyển chọn gọi nhập ngũ phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe: Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP đã quy định về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quan sự. Theo đó, công dân phải có sức khỏe loại 1,2,3 theo quy định của thông tư này. Đặc biệt, không gọi nhập ngũ với công dân sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS.

– Tiêu chuẩn về văn hóa:Trình độ văn hóa của công dân được gọi nhập ngũ phải từ lớp 8 trở lên. Riêng địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân có thể tuyển chọn công dân có trình độ từ lớp 7. Đặc biệt, đối với trường hợp gọi nghĩa vụ quân sự ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người có thể được tuyển thêm 20 – 25% công dân có trình độ tiểu học và còn lại là trung học cơ sở.

Thứ hai, trường hợp công dân được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Theo quy định, công dân nam từ đủ 17 tuổi trở lên phải đăng ký nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, công dân có thể được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 14 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 và Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT- BYT-BQP sau:

– Công dân là người khuyết tật: Tiêu chuẩn để đánh giá người được miễn đăng ký nghĩa vụ trong trường hợp này phải là người bị khiếm khuyết, bị tật nặng hoặc đặc biệt nặng.

– Người mắc bệnh tâm thần, bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh mãn tính như Các bệnh lý ác tính (U ác, bệnh máu ác tính), Động kinh; Parkinson; Di chứng do lao xương ,khớp, phong; Người nhiễm HIV.

Thứ ba, công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong các trường hợp sau đây:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015, Khoản 1 Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BQP công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Một là, chưa đủ tiêu chuẩn về sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.

– Hai là, công dân phải là lao động duy nhất của gia đình:

+ Phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân chưa đến tuổi hoặc không còn khả năng lao động.

+ Bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra.

Trường hợp này công dân cần được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận

– Ba là, công dân là một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% hoặc trong gia đình có anh, chị, em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

– Bốn là, trường hợp người đang có thời gian sinh sống tại khu vực đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian 3 năm đầu tiên hoặc cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác tại khu vực này.

– Năm là, học sinh, sinh viên đang học tập tại trường phổ thông, đại học, cao đẳng có thể được hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian của khóa học, đào tạo.

Cần lưu ý: Thời gian để công dân tạm hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự được kéo dài đến khi không còn thuộc các trường hợp này.

Thứ tư, công dân được miễn gọi nhập ngũ trong các trường hợp sau:

Để được miễn gọi nhập ngũ, công dân phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 sau:

– Công dân phải là con hoặc là một anh, một em trai của liệt sĩ,  một con của thương binh hạng một

– Công dân là một con của thương binh hạng hai, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong có thời gian làm việc từ 24 tháng trở lên theo điều động tại khu vực đặc biệt khó khăn hoặc công tác cơ yếu.

Như vậy, việc quy định nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện của công dân cũng như những trường hợp công dân được tạm hoãn, được miễn nghĩa vụ quân sự một cách rõ ràng, cụ thể không chỉ mang tính nhân văn mà còn đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ. Thực tế cũng cho thấy đã có hàng nghìn công dân tự nguyện đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp vẫn đang tìm mọi cách lợi dụng những quy định này để kéo dài thời gian hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm, người có hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 120/2013/NĐ-CP. Đặc biệt, kể từ khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị xử lí về hình sự theo quy định tại Điều 332 với mức hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.

Mục lục bài viết

  • 1 1. Bị ngã gãy tay có được miễn nghĩa vụ quân sự không?
  • 2 2. Học thạc sĩ có được miễn nghĩa vụ quân sự không?
  • 3 3. Huyết áp thấp có được miễn nghĩa vụ quân sự?
  • 4 4. Mắt cận bao nhiêu độ thì được miễn nghĩa vụ quân sự?
  • 5 5. Đối tượng miễn nghĩa vụ quân sự:

1. Bị ngã gãy tay có được miễn nghĩa vụ quân sự không?

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư, em bị té gãy cả 2 xương cẳng tay trái cách đây 7 năm, đã tháo ốc vít, em có thuộc dạng được miễn nghĩa vụ quân sự không ạ.

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 thì công dân được miễn gọi nhập ngũ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

– Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

– Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

– Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

– Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

Như vậy, theo quy định này thì bạn không thuộc đối tượng được miễn nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 thì công dân chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe thuộc trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Như bạn trình bày thì bạn bị té gãy cả 2 xương cẳng tay trái cách đây 7 năm, đã tháo ốc vít, bạn cần được kiểm tra, giám định tình trạng sức khỏe, nếu có kết luận của hội đồng giám định vì lý do sức khỏe thì bạn sẽ được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, nếu vẫn đủ điều kiện thì bạn vẫn phải tham gia nghĩa vụ quân sự bình thường.

2. Học thạc sĩ có được miễn nghĩa vụ quân sự không?

Tóm tắt câu hỏi:

Luật sư cho tôi hỏi tôi chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ có được miễn nghĩa vụ quân sự không?

Luật sư tư vấn:

Bạn không trình bày rõ năm nay bạn bao nhiêu tuổi nên chưa xác định được bạn đã hết tuổi hay còn tuổi đi nghĩa vụ quân sự.

Hiện nay, theo các trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự được quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015. 

Theo đó trong trường hợp này bạn chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ thì sẽ không thuộc trường hợp miễn gọi nghĩa vụ quân sự.

3. Huyết áp thấp có được miễn nghĩa vụ quân sự?

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi vừa mới khám nghĩa vụ quân sự 2019 trên bệnh viện, huyết áp của tôi là 150 bác sĩ nói cao nhưng lại không ghi chỉ tiêu thuộc loại mấy. Tôi được biết huyết áp 150-159 là loại 5 kém nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Khám đo mắt thì tôi không nhìn được chữ. Ngoài ra, tôi còn bị xét nghiệm máu và nước tiểu trong khi số đông nhiều người huyết áp bình thường lại cho về. Tôi có hỏi rằng tôi có trúng tuyển đi nghĩa vụ quân sự không thì không ai trả lời. Tôi được biết những ai đủ sức khỏe loại 1 2 3 mới đậu và xét nghiệm . Như vậy có phải tôi đã trúng tuyển không?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 công dân chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Đối với  trường hợp của bạn, huyết áp của bạn là 150. Mắt bạn không nhìn thấy được. Việc bạn có được tạm hoãn nghĩa vụ hoặc miễn nghĩa vụ quân sự vì lý do sức khỏe hay không còn tùy thuộc vào kết quả khám sức khỏe của Hội đồng khám sức khỏe. Theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP hướng dẫn về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì bạn sẽ được khám sức khỏe như khám thể lực, đo mạch, huyết áp, khám thị lực, mắt, khám thính lực, tai-mũi-họng, khám răng-hàm-mặt, xét nghiệm…. vì thế việc bạn được xét nghiệm là hoàn toàn đúng quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư  liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì:

“2. Cách cho điểm

Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sỹ cho điểm chn từ 1 – 6 vào cột “Điểm”, cụ thể:

a) Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;

b) Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;

c) Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;

d) Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;

đ) Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;

e) Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

Tại khoản 4  Điều 9 của thông tư này cũng quy định các phân loại sức khỏe như sau:

4. Cách phân loại sức khỏe

Căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại, cụ thể như sau:

a) Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

b) Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

c) Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

d) Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

đ) Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

e) Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Theo quy định tại Phụ lục của Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì tình trạng huyết áp của bạn là 150 tương ứng với loại 5. Vì bạn chưa nói cụ thể mắt bạn trong tình trạng “không nhìn thấy được” là bị cận thị, loạn thị ….nên về mắt của bạn chưa thể xếp vào loại mấy. Đối với tình trạng huyết áp trên, bạn sẽ không được miễn nghĩa vụ quân sự mà bạn sẽ làm một số công việc hành chính sự vụ khi có lệnh tổng động viên.

4. Mắt cận bao nhiêu độ thì được miễn nghĩa vụ quân sự?

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư, cho em hỏi về vấn đề nhập ngũ nghĩa vụ quân sự, em năm nay 22 tuổi, bị cận thị, mỗi bên bị cận trên 5 độ, huyết áp đo được là 130mmHg, mạch đập 108 lần 1 phút. Xin hỏi luật sư, với sức khỏe như vậy, em có đủ điều kiện để tham gia nghĩa vụ quân sự không ạ?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của pháp luật, công dân đủ điều kiện gọi nhập ngũ khi đáp ứng các tiêu chuẩn tuyển quân bao gồm: về tuổi đời, tiêu chuẩn chính trị, tiêu chuẩn văn hóa, tiêu chuẩn sức khỏe. Trong đó, theo Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQ quy định một trong những tiêu chuẩn sức khỏe là tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Quốc Phòng. Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 có tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 điop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS.

Mặt khác, Thông tư liên tịch Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định về cách phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự như sau: 

– Sức khỏe loại 1: trường hợp có 8 chỉ tiêu sức khỏe loại 1

– Sức khỏe loại 2: Trường hợp có ít nhất 1 chỉ tiêu sức khỏe điểm 2

– Sức khỏe loại 3: Trường hợp có ít nhất 1 chỉ tiêu sức khỏe điểm  3

– Sức khỏe loại 4: Trường hợp có ít nhất 1 chỉ tiêu sức khỏe điểm 4

– Sức khỏe loại 5: Trường hợp có ít nhất 1 chỉ tiêu sức khỏe điểm 5

– Sức khỏe loại 6: Trường hợp có ít nhất 1 chỉ tiêu sức khỏe điểm 6

Theo quy định tại phụ lục ban hành kèm Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì trường hợp bạn cận thị 2 mắt từ 5 diop trở lên sẽ bị chỉ tiêu sức khỏe điểm 6, thuộc sức khỏe loại 6. 

Như vậy, điều kiện sức khỏe của bạn thuộc loại 6 nên bạn không đủ điều kiện về sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong độ tuổi gọi nhập ngũ thì bạn cần phải tuân thủ quy định về việc khám nghĩa vụ quân sự khi có giấy gọi. Việc kết luận tình trạng sức khỏe của bạn thuộc loại mấy hay có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe hay không sẽ do Hội đồng giám định sức khỏe đưa ra kết luận.

5. Đối tượng miễn nghĩa vụ quân sự:

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào luật sư. Em năm nay 24 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH và đang đi làm. Em có tật khúc xạ về mắt (cả 2 mắt đều cận loạn, nếu không đeo kính thì thị lực là 2/10). Gia đình em có ba mẹ đều sinh năm 1960, hiện tại không đi làm. Em trai em chưa đủ tuổi lao động và có Giấy chứng nhận khuyết tật bẩm sinh. Vậy em có được miễn nghĩa vụ quân sự không? Nếu không thì tại sao và nếu có thì theo căn cứ nào? Em xin cảm ơn nhiều.

Luật sư tư vấn:

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định đối tượng được miễn nghĩa vụ quân sự gồm:       

Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.

– Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.

– Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

– Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.

– Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên

Căn cứ vào những đối tượng được liệt kê trên bạn không thuộc đối tượng được miễn nghĩa vụ quân sự.

Theo như bạn trình bạn, trong gia đình bạn có người già mất khả năng lao động, người em bị khuyết tật; bạn là người lao động chính trong gia đình; cả 02 mắt của bạn đều bị loạn thị. Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự gồm:

“a) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe. 

b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. 

Theo quy định trên, nếu bạn được uỷ ban nhân dân xã xác nhận bạn là lao động chính duy nhất trong gia đình hoặc bạn không đủ điều kiện sức khoẻ tham gia nghĩa vụ quân sự (cả 02 mắt bị loạn thị) thì bạn sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Hồ sơ xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự gồm:

– Bản chính đơn xin tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.

– Giấy tờ chứng minh đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.

Bạn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết. Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự của bạn, xác minh bạn có thuộc đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự hay không? Sau đó Ủy ban nhân dân xã sẽ tiến hành thông báo kết quả đối với trường hợp của bạn.

Từ khóa » Các Bệnh được Miễn Nghĩa Vụ Quân Sự 2021