Các Nhân Vật Lịch Sử Trên Tiền Giấy Nhật Bản

Các danh nhân lịch sử được in hình trên tiền giấy Nhật Bản là những đại diện ưu tú trong các lĩnh vực văn học, giáo dục, y học và tài chính đã có những cống hiến quan trọng tạo nền móng cho xã hội Nhật Bản hiện đại.

Ở Nhật có 6 loại tiền xu và 3 mệnh giá tiền giấy được sử dụng. Cứ 20 năm một lần, Ngân hàng Nhật lại phát hành tiền giấy mới để tránh nạn làm giả. Những tờ tiền sử dụng tại Nhật hiện nay chủ yếu được phát hành vào năm 2004, lượt phát hành tiếp theo theo thông báo của Chính phủ sẽ diễn ra vào năm 2024. Cùng Kilala tìm hiểu về các danh nhân đã và sẽ xuất hiện trên tiền giấy của Nhật kể từ năm 1984 nhé.

Tờ 1000 yên: Natsume Soseki (1984), Noguchi Hideyo (2004), Kitasato Shibasaburo (2024)

Nhân vật xuất hiện trên những tờ 1000 yên phát hành năm 1984 là đại văn hào Natsume Soseki (1867 – 1916), người được các nhà phê bình nhắc đến như “một trong ba trụ cột của nền văn học hiện đại Nhật Bản”. Ông là đại diện tiêu biểu cho thế hệ nhà văn Nhật tinh hoa ra đời và trưởng thành trong bối cảnh sự đối đầu của hai nền văn hoá Đông – Tây len lỏi trong đời sống người dân xứ anh đào, cũng là chủ soái của trường phái văn chương tâm lý cao sang (Dư dụ phái) với tôn chỉ nỗ lực sáng tạo nên những tác phẩm “đọc một lần rồi thì lời văn nằm lại mãi trong lòng mọi người”.

to-1000-yen-1984Tờ 1000 yên phát hành năm 1984. Ảnh: notescollector.eu

Natsume Soseki tạo dựng tên tuổi nhờ tác phẩm đầu tay "Wagahai wa neko de aru" (Tôi là con mèo) phát hành năm 1905, sau đó Botchan (Cậu ấm, 1908) đã đưa danh tiếng của ông vụt sáng trên văn đàn. Natsume vô cùng coi trọng mối quan hệ giữa tri giác và xúc cảm trong văn chương, luôn miệt mài trên con đường khám phá bản chất của văn học và hoà trộn tư tưởng lý luận Đông – Tây để tạo nên một trường phái của riêng mình. Kho di sản văn chương ông để lại vô cùng đồ sộ, gồm nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn kỳ ảo, thơ haiku và tiểu luận, nhiều trong số đó thể hiện phong cách sáng tác và tư tưởng đi trước thời đại.

natsume-sosekiChân dung văn hào Natsume Soseki. Ảnh: Wikipedia

Bác sĩ, nhà vi khuẩn học Noguchi Hideyo hay Noguchi Seisaku (1876 – 1928) là người được in hình trên những tờ 1000 yên phát hành năm 2004 và đang lưu hành ở thời điểm hiện tại. Thuở nhỏ, ông ngã vào lò sưởi nên bị thương và liệt cánh tay trái. Bằng nỗ lực không ngừng, Noguchi thành công đỗ vào Đại học Y khoa Nhật Bản, sau đó đi nhiều nơi trên thế giới để cống hiến đời mình cho nghiên cứu. Ông được ghi nhận là người đã nuôi cấy thành công xoắn khuẩn giang mai – tác nhân gây ra bệnh giang mai – và nhiều lần được đề cử Nobel nhờ các công trình liên quan đến loại vi khuẩn này.

to-1000-yen-2004Tờ 1000 yên phát hành năm 2004. Ảnh: notescollector.eu

Noguchi cũng nổi tiếng với các nghiên cứu về nọc độc rắn và bệnh sốt vàng, tạo tiền đề cho nhiều nghiên cứu về sau. Ông qua đời năm 51 tuổi do nhiễm chính căn bệnh sốt vàng mình đang chuyên tâm nghiên cứu. Bên cạnh nhiều danh hiệu và giải thưởng danh giá lúc sinh thời, Noguchi được Chính phủ truy tặng Huân chương Mặt trời mọc và tên ông còn được đặt cho một giải thưởng y khoa châu Phi để tưởng nhớ những đóng góp của ông cho nền y học, vi khuẩn học của thế giới.

noguchi-hideyoNhà vi khuẩn học Noguchi trong phòng thí nghiệm. Ảnh: nipponclub.org

Năm 2024, tờ 1000 yên sẽ lại “thay áo” với hình ảnh của Kitasato Shibasaburo (1853 – 1931), cũng là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học. Ông nổi tiếng với công trình nghiên cứu khám phá căn bệnh dịch hạch tại Hồng Kông năm 1894, cùng lúc với Alexandre Yersin. Năm 1889, Kitasato là người đầu tiên nuôi cấy riêng thành công trực khuẩn uốn ván, đến năm 1990 thì hợp tác cùng Emil von Behring tìm ra huyết thanh kháng độc tố bạch cầu. Ông cùng Behring được đề cử Nobel năm 1901 nhưng đáng tiếc chỉ có Behring được trao giải.

to-1000-yen-moi-2024Tờ 1000 yên mới sẽ phát hành năm 2024. Ảnh: Mainichi.com

Kitasato là trưởng khoa Y đầu tiên của Đại học Keio, chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, không chỉ thế, ông còn phục vụ tại Hạ viện. Tuy những năm về sau, Kitasato tập trung nhiều vào chính trị và các hội nghị, ông vẫn tích cực hoàn thiện những nghiên cứu về bệnh lao cho đến khi mất, đóng góp không nhỏ vào kho kiến thức sức khỏe cộng đồng của xã hội hiện tại.

Tờ 5000 yên: Inazo Nitobe (1984), Higuchi Ichiyo (2004), Tsuda Umeko (2024)

Inazo Nitobe (1862 – 1933), nhân vật xuất hiện trên tờ 5000 yên phát hành năm 1984, là một nhà nông nghiệp học, giáo dục học, nhà văn và triết gia. Ông là con trai của một samurai dòng dõi Morioka. Năm 22 tuổi, ông rời Nhật Bản đến Mỹ để học kinh tế – chính trị và gia nhập Giáo Hữu Hội. Sau khi trở về Nhật, từ năm 1891, Inazo lần lượt đảm nhiệm nhiều chức danh như giáo sư của Đại học Nông nghiệp Sapporo, giáo sư Đại học Đế quốc Tokyo và hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Nữ sinh Cơ Đốc Tokyo. Ông nổi tiếng với những cống hiến cho giáo dục nước nhà dựa trên nguyên tắc giáo dục tôn trọng bản sắc cá nhân.

to-5000-yen-1984Tờ 5000 yên năm 1984. Ảnh: notafilia-kp.com

Inazo Nitobe đồng thời là người Nhật đầu tiên viết nhiều cuốn sách giá trị bằng tiếng Anh để giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến với phương Tây, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm "Võ sĩ đạo – Linh hồn Nhật Bản". Ông mang tinh thần của một công dân toàn cầu, trở thành Tổng thư ký dưới quyền của Hội Quốc Liên từ năm 1919 đến năm 1926, và sau đó là chủ tịch Hội đồng Nhật Bản của Viện Quan hệ Thái Bình Dương.

Những tờ tiền mệnh giá 5000 yên phát hành năm 2004 in hình Higuchi Ichiyo (1872 – 1896). Bà tên thật Higuchi Natsu, là nhà văn quan trọng thời Minh Trị, một trong những tác gia mở đầu dòng văn học phê phán của chủ nghĩa hiện thực trong xã hội Nhật Bản cận đại. Xuất thân nghèo khó, Higuchi bắt đầu viết truyện nhằm giúp đỡ gia đình. Bà chuyên sáng tác truyện ngắn và các tác phẩm của bà thường xoay quanh sự bỏ rơi cùng những nỗi đau được đặc tả dưới ngòi bút thấu cảm, đặc biệt là lối viết cổ điển ít chịu ảnh hưởng của Tây phương. Higuchi mất vì bạo bệnh năm 24 tuổi, nhưng những tác phẩm xuất sắc trong cuộc đời ngắn ngủi của bà ảnh hưởng không nhỏ đến văn chương Nhật Bản hiện đại.

to-5000-yen-hien-nayTờ 5000 yên hiện nay. Ảnh: Wikipedia

Sắp tới, tiền giấy 5000 yên phát hành năm 2024 sẽ tiếp tục là một nhân vật nữ: nhà giáo dục Tsuda Umeko (1864 – 1929). Tsuda là một trong những phụ nữ Nhật Bản đầu tiên được đi du học, bà tiếp nhận giáo dục tiểu học và trung học ở Mỹ. 25 tuổi, bà trở lại Mỹ lần nữa để học Sinh học và sau 3 năm về Nhật, Tsuda trở thành giáo viên tại hai trường nữ sinh ở Tokyo. Năm 1900, với sự trợ giúp của hai người bạn, bà mở trường Joshi Eigaku Juku (Trường Anh ngữ cho nữ sinh), chính là tiền thân của đại học Tsuda hiện nay.

to-5000-yen-2024Diện mạo dự kiến của tờ 5000 yên năm 2024. Ảnh: tsuda.ac.jp

Tsuda Umeko không đồng tình với việc giáo dục phụ nữ chỉ để trở thành những người vợ cam chịu. Bà dành nhiều năm cuộc đời để dạy học cho nữ giới, diễn thuyết và xuất bản nhiều tiểu luận về việc nâng cao địa vị của nữ giới trong xã hội, gây quỹ cho trường học. Tsuda chính là một trong những nhà giáo tiên phong đấu tranh cho giáo dục dành cho nữ giới trong xã hội Nhật còn nặng tính nam quyền, bởi bà quan niệm giáo dục là định hướng phát triển trí tuệ lẫn nhân phẩm cho mỗi cá nhân, bất kể nam nữ.

Tờ 10.000 yên: Fukuzawa Yukichi (1984, 2004), Shibusawa Eichi (2024)

Nhà tư tưởng nổi tiếng thời cận đại Nhật Bản, nhà giáo dục kiệt xuất thời Minh Trị Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901) là người được chọn in trên tờ 10.000 yên trong cả hai lần phát hành năm 1984 và 2004. Ông là một trong những người tiên phong học tiếng Anh để tiếp cận văn minh Anh, Mỹ. Với kinh nghiệm thu thập được từ tư liệu và những chuyến thực tế, ông đã nhiệt huyết truyền bá hệ tư tưởng tiến bộ bằng mọi phương tiện: dịch sách, viết báo, giảng dạy. Ông chỉ chú tâm vào giáo dục, tâm niệm giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc.

to-10000-yen-hien-nayTờ 10.000 yên hiện nay. Ảnh: japanvisitor.com

Những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế và giáo dục mà Fukuzawa Yukichi truyền bá đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của đất nước Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX. Ông không tham gia chính quyền dù được mời nhiều lần, nhờ đó có cơ hội phê phán chính quyền một cách mạnh mẽ và kiên quyết hơn. Trường đại học Keio do ông sáng lập năm 1858 nhằm đào tạo lớp trí thức trẻ tiên tiến đến nay vẫn là một trong những đại học hàng đầu Nhật Bản. Ảnh hưởng sâu rộng của Fukuzawa đến giáo dục Nhật Bản giúp ông được gọi là "Cha đẻ của giáo dục cận đại Nhật Bản" hay "Công thần giáo dục vĩ đại thời Minh Trị".

khuyen-hoc-fukuzawa-yukichi"Khuyến học" – tác phẩm tiêu biểu của Fukuzawa Yukichi đặc biệt nổi tiếng tại Việt Nam (Ảnh: Sách hay nên đọc)

Doanh nhân lập quốc vĩ đại Shibusawa Eiichi (1840 – 1931) là người được chọn xuất hiện trên tờ 10.000 yên mới. Ông được gọi là “thuỷ tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật” bởi tiên phong áp dụng tư bản Tây phương vào cải cách Nhật Bản thời Minh Trị, đồng thời là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nền tài chính Nhật Bản hiện đại nhờ nhiều cải cách kinh tế quan trọng, bao gồm sử dụng kế toán kép, thành lập công ty cổ phần và phát hành giấy bạc.

shibusawa-eichiChân dung Shibusawa Eichi. Ảnh: nippon.com

Shibusawa ngay năm đầu tiên của cải cách Minh Trị (1868) đã tham gia Chính phủ và làm việc trong bộ Tài chính, năm tiếp theo trở thành công chức Bộ Kho bạc. Sau 4 năm, ông rời chính quyền để thiết lập Ngân hàng quốc doanh số 1, theo sau là nhiều ngân hàng khác ở các địa phương, thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ theo kiểu hiện đại cho nước Nhật. Cả đời mình, ông tham gia thành lập rất nhiều xí nghiệp trong hầu hết các ngành nghề, góp công lớn xây dựng hệ thống công nghiệp cho nước Nhật, trong đó không ít xí nghiệp vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Shibusawa được xem là doanh nhân vĩ đại nhất của Nhật xét từ mọi phương diện tài năng, đức độ và mức độ ảnh hưởng đến quá trình đưa Nhật Bản thành một cường quốc kinh tế.

to-10000-yen-2024Tờ 10.000 yên mới dự kiến phát hành năm 2024 (Ảnh: japantoday.com)

Xem thêm: Nhật Bản: Cách boa tiền để không bị coi là "thô lỗ"

kilala.vn

Từ khóa » Tiền Giấy Nhật Bản