Các Nước đồng Loạt Thắt Chặt Chính Sách Tiền Tệ

Các nước đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Nhật Bản, Anh và các nơi khác đã bơm khoảng 12.000 tỷ USD vào hệ thống tài chính để chống lại sự suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch thông qua mua một loạt tài sản và trong một số trường hợp cho vay dài hạn cho các ngân hàng trong một đợt nới lỏng định lượng lớn.

Các ngân hàng trung ương lớn đã bơm rất nhiều tiền mặt vào hệ thống tài chính và quá trình này sắp đảo ngược.

Các ngân hàng trung ương lớn đã bơm rất nhiều tiền mặt vào hệ thống tài chính và quá trình này sắp đảo ngược.

Với lạm phát tăng mạnh hiện là nỗi sợ hãi phổ biến, các ngân hàng trung ương đang đảo ngược hướng đi. Các nhà phân tích của Morgan Stanley gần đây ước tính Fed, Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể chứng kiến ​​danh mục đầu tư của họ giảm 2.200 tỷ USD trong 12 tháng kể từ tháng 5/2022 - mức đỉnh dự kiến ​​của chương trình nới lỏng định lượng.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 cũng đã mở ra một làn sóng nới lỏng định lượng, nhưng những đợt phục hồi sau đó không bao giờ đủ mạnh hoặc gây ra lạm phát đủ để thúc đẩy đồng bộ thắt chặt tiền tệ.

"Chúng tôi cần thắt chặt các điều kiện tài chính. Nhưng có thể chúng tôi sẽ thấy những thay đổi về lãi suất hoặc những thay đổi trong bảng cân đối kế toán gây ra nhiều ảnh hưởng đến các điều kiện tài chính hơn chúng tôi nghĩ. Một rủi ro là nếu tác động của chương trình thắt chặt định lượng được cảm nhận ở các nền kinh tế yếu hơn với mức nợ cao và gây ra một loạt cuộc khủng hoảng nợ công trên khắp thế giới, làm gián đoạn thị trường và thắt chặt hơn nữa các điều kiện ở các quốc gia phát triển”, Karen Dynan, nhà phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Đại dịch tiếp tục định hình lại thương mại toàn cầu với các bộ phận chính của nền kinh tế Trung Quốc bị đóng cửa; chiến sự ở Ukraine ảnh hưởng đến các dòng nhiên liệu, thực phẩm và khoáng sản công nghiệp trên toàn thế giới; và lạm phát đang tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, khiến các ngân hàng trung ương thế giới phát triển phải điều chỉnh để ngăn chặn lạm phát.

Mục đích của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn là làm chậm nhu cầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nhạy cảm với tín dụng như nhà cửa và ô tô, đồng thời giảm bớt áp lực về giá.

Lạm phát đang diễn ra đồng bộ ở nhiều quốc gia

Lạm phát đang diễn ra đồng bộ ở nhiều quốc gia

"Rất nhiều lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu, chắc chắn là ở các khu vực sản xuất quan trọng bao gồm cả châu Âu. Chúng tôi không muốn tiếp tục quá trình lạm phát. Đương nhiên là rất nhiều ngân hàng trung ương đang rút lui cùng một lúc. Điều đó là phù hợp”, Chủ tịch Fed bang St. Louis James Bullard cho biết vào đầu tháng này.

Tuy nhiên, việc kết hợp chương trình thắt chặt định lượng vào việc tăng lãi suất là một dấu hiệu khó lường. Các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế biết tác động chung sẽ khiến lãi suất sẽ cao hơn, nhưng kết quả chính xác là không chắc chắn.

"Có rất ít kinh nghiệm về thắt chặt định lượng. Không có ở Anh và không có nhiều trên toàn cầu", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho biết vào tháng 3.

BoE cho biết, họ sẽ bắt đầu xem xét triển khai nhanh chóng việc bán tài sản sau khi đưa lãi suất lên 1%. Các nhà đầu tư kỳ vọng BoE sẽ tăng lãi suất 0,25% lên 1% vào ngày 5/5.

ECB cho đến nay chỉ cam kết ngừng mua tài sản ròng vào cuối năm nay. Bảng cân đối kế toán của ECB vẫn có thể giảm trong những tháng tới nếu các ngân hàng trả các khoản vay dài hạn như nhiều nhà phân tích kỳ vọng. Một số ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng trung ương Canada cũng đã ngừng tái đầu tư.

BOJ chưa đến mức thắt chặt, nhưng đã làm chậm lại việc mua tài sản.

Cho đến nay, Fed dự kiến ​​sẽ hoàn thành các kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán tại cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 5. Biên bản cuộc thảo luận vào tháng 3 cho biết các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý cắt giảm tới 95 tỷ USD hàng tháng từ số vốn nắm giữ của họ, tương đương khoảng 1.100 tỷ USD mỗi năm.

Động thái của Fed cũng sẽ phụ thuộc một phần vào cách phản ứng của thị trường. Fed từ năm 2017 đến năm 2019 đã cắt giảm bảng cân đối kế toán của mình khoảng 650 tỷ USD, nhưng điều đó dẫn đến sự thiếu hụt dự trữ của hệ thống ngân hàng, tăng đột biến lãi suất ngắn hạn và sự đảo ngược nhanh chóng để đưa thanh khoản nhanh chóng trở lại hệ thống.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed xem đó là một bài học kinh nghiệm và cho biết họ kỳ vọng quá trình này sẽ diễn ra suôn sẻ lần này. Nhưng nó đã cho thấy những sai lầm có thể xảy ra.

Mục đích của việc mua trái phiếu là để giúp các ngân hàng trung ương vượt qua tác động của lãi suất thấp, cho phép họ thêm kích thích ngay cả sau khi lãi suất chính sách được cắt giảm về 0. Logic tương tự giờ đây cho phép họ rút hỗ trợ kinh tế nhanh hơn so với việc chỉ tăng lãi suất.

Nhà kinh tế Adam Slater của Oxford Economics ước tính việc cắt giảm bảng cân đối kế toán ở các nền kinh tế lớn có thể làm tăng lãi suất tương đương 1,3%.

“Môi trường mới của các hoạt động trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương có nghĩa là việc xem xét các chu kỳ thắt chặt chỉ về mặt lãi suất chính sách mang lại một bức tranh không đầy đủ. Theo quan điểm của chúng tôi, nguy cơ xảy ra sai sót trong một đến hai năm tới có lẽ cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1980", nhà kinh tế Adam Slater cho biết.

Và kết quả của một cuộc chiến tích cực chống lại lạm phát là gây ra một cuộc suy thoái.

Từ khóa » Thắt Chặt Kinh Tế