Các Phương Châm Hội Thoại - Ngữ Văn - Lib24.Vn

Lý thuyết Mục lục
  • Câu 1 (Trang 10 – SGK)
  • Câu 2 (Trang 11 – SGK)
  • Câu 3 (Trang 11 – SGK)
  • Bài tập 3: trang 11 sgk Ngữ Văn 9 tập một
  • Bài tập 5: trang 11 sgk Ngữ Văn 9 tập một
* * * * *

Câu 1 (Trang 10 – SGK)

Các câu sau vi phạm phương châm về lượng như thế nào? a. Trâu là một loài gia súc nuôi ở nhà. b. Én là một loài chim có hai cánh.

Hướng dẫn giải

a. Trâu là một loài gia súc lớn được nuôi ở nhà. Vì vậy câu này thừa cụm từ “nuôi ở nhà” bởi vì từ “gia súc” đã hàm chứa “thú nuôi trong nhà”.

b. Én là một loài chim có hai cánh. Câu này thừa cụm từ “có hai cánh” vì tất cả các loài chim đều có hai cánh.

Câu 2 (Trang 11 – SGK)

Hãy chọn các từ ngữ cho bên dưới để điền vào chỗ trống - (…) - trong các câu sau cho thích hợp: a. Nói có căn cứ chắc chắn là (…) b. Nói sai sự thật một cách cố ý, nhằm che giấu điều gì đó là (…) c. Nói một cách hú hoạ, không có căn cứ là (…) d. Nói nhảm nhí, vu vơ là (…) e. Nói khoác lác, làm ra vẻ tài giỏi hoặc nói những chuyện bông đùa, khoác lác cho vui là (…) (1- nói trạng; 2 - nói nhăng nói cuội; 3 - nói có sách, mách có chứng; 4 - nói dối; 5 - nói mò) Trong các câu ở bài tập trên (2), câu nào chỉ phương châm về chất, câu nào chỉ hiện tượng vi phạm phương châm này?

Hướng dẫn giải

Đáp án: (a) - 3; (b) - 4; (c) - 5; (d) - 2; (e) - 1. a. Nói có căn cứ chắc chắn là: nói có sách, mách có chứng. b. Nói sai sự thật một cách cố ý nhằm che giấu điều gì đó là: nói dối. c. Nói một cách hú họa, không có căn cứ là: nói mò. d. Nói nhảm nhí, vu vơ là: nói nhăng nói cuội. e. Nói khoác lác, làm ra vẻ tài giỏi… là: nói trạng. Các câu trong bài tập này đều chỉ những cách nói tuân thủ hoặc vi phạm phương châm hội thoại về chất.

Câu 3 (Trang 11 – SGK)

Trong truyện sau, phương châm hội thoại nào đã bị vi phạm? Tại sao?

CÓ NUÔI ĐƯỢC KHÔNG

Một anh, vợ có thai mới hơn bảy tháng mà đã sinh con. Anh ta sợ không nuôi được, gặp ai cũng hỏi:

Một người bạn an ủi:

- Không can gì mà sợ. Bà tôi sinh ra bố tôi cũng đẻ non trước hai tháng đấy!

Anh kia giật mình hỏi lại:

- Thế à? Rồi có nuôi được không?

(Truyện cười dân gian Việt Nam)

Hướng dẫn giải

Câu hỏi "Rồi có nuôi được không ?" của người nói đã không tuân thủ phương châm hội thoại về lượng. Bởi nội dung câu hỏi đối với cuộc đối thoại là thừa, không cần thiết. Trong câu trả lời của người bạn trước đó đã hàm chứa nghĩa đầy đủ, chính xác của câu trả lời cho điều người hỏi muốn biết. Câu trả lời của người bạn: "Bà tôi sinh ra bố tôi cũng đẻ non trước hai tháng đấy!", thì dĩ nhiên là nuôi được thì sau này mới sinh ra anh bạn này. Chính yếu tố đó đã gây ra tiếng cười cho truyện.

Bài tập 3: trang 11 sgk Ngữ Văn 9 tập một

Vận dụng các phương châm hội thoại đã học để giải thích vì sao người nói đôi khi phải dùng những cách diễn đạt như:

a) Như tôi được biết, tôi tin rằng, nếu tôi không lầm thì, tôi nghe nói, theo tôi nghĩ, hình như là...

b) Như tôi đã trình bày, như mọi người đều biết,...

Hướng dẫn giải

Trong quá trình giao tiếp, người nói đôi khi phải dùng những cách diễn đạt như:

a) Như tôi được biết, tôi tin rằng, nếu tôi không lầm thì, tôi nghe nói, theo tôi nghĩ, hình như là... để đảm bảo phương châm về chất.

  • Vì người nói không nên nói những gì mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực. Việc sử dụng những câu nói trên sẽ có căn cứ về những thông tin mà người nói sắp đưa ra.
  • Riêng cụm từ "hình như là" nói để có thể giảm bớt trách nhiệm về thông tin được nói tới trong câu vì thông tin ấy có thể chính xác hoặc không.

b) Như tôi đã trình bày, như mọi người đều biết,...để đảm bảo phương châm về lượng. Người nói sử dụng những cụm từ như trên để bắt đầu bài diễn thuyết hoặc thuyết trinh để tránh lặp lại những thông tin đã nói ở phía trên hoặc những thông tin mà tất cả mọi người đều đã biết. Việc tuân thủ phương châm về lượng trong trường hợp này nhằm tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả của công việc.

Bài tập 5: trang 11 sgk Ngữ Văn 9 tập một

Giải thích nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết những thành ngữ này có liên quan đến phương châm hội thoại nào: ăn đơm nói đặt, ăn ốc nói mò, ăn không nói có, cãi chày cãi cối, khua môi múa mép, nói dơi nói chuột, hứa hươu hứa vượn.

Hướng dẫn giải

  • Giải thích nghĩa của các câu thành ngữ:
    • Ăn đơm nói đặt: bịa đặt ra những điều không có thực nhằm vu khống cho người khác.
    • Ăn ốc nói mò: nói những điều không đúng sự thật, lời nói chỉ mang tính nửa vời, bâng quơ, không có căn cứ, không chắc chắn.
    • Ăn không nói có: bịa đặt, dựng nên những chuyện không có, biến nó thành sự thật để người khác tin vào mục đích là để vu khống, đặt điều cho người khác
    • Cãi chày cãi cối: lời nói lớn tiếng lấn át đối phương, phản đối đến cùng một điều gì đó không cần biết điều mình nói đúng hay sai, không chịu tiếp thu ý kiến của người khác và chỉ chăm chăm giữ lấy ý kiến của bản thân mình
    • Khua môi múa mép: lời nói ba hoa, khoác lác, phóng đại sự thật hoặc có thể là những điều không có nhưng lại nói như thật, cốt để khoe khoang hay phố trương thân thế.
    • Nói dơi nói chuột: nói linh tinh, ba hoa nhưng không rõ những điều mình nói có đúng hay không
    • Hứa hươu hứa vượn: lời hứa hẹn, thề thốt rất nhiều nhưng lại không thực hiện được
  • Những thành ngữ này có liên quan đến phương châm về chất.

Từ khóa » Nói Khoác Là Phương Châm Gì