Các Phương Pháp Xét Nghiệm Chẩn đoán Tiền Mãn Kinh - Suckhoe123

Nội dung chính của bài viết:

  • Trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ hay cảm thấy bốc hỏa, người mệt mỏi, khó ngủ, khô âm đạo, hay cáu gắt, buồn bực, tâm trạng thay đổi thất thường,…
  • Khi đã bước qua độ tuổi 40, phụ nữ có thể dựa trên những biểu hiện này để đoán được thời kỳ mãn kinh của mình đang đến gần.
  • Nếu không chắc thì cũng có thể đi khám. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, lấy thông tin về chu kỳ kinh và tiến hành một vài xét nghiệm để kiểm tra xem có phải bạn đang trong thời kỳ tiền mãn kinh hay không.
  • Chỉ cần áp dụng một số thay đổi đơn giản trong thói quen sống là đã có thể kiểm soát được nhiều triệu chứng của tiền mãn kinh.
  • Sau mãn kinh cần đi khám định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và có biện pháp điều trị kịp thời.

Mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu trong độ tuổi từ 40 đến 60 nhưng độ tuổi mãn kinh trung bình là khoảng 51 tuổi. Khi mất kinh nguyệt trong hơn 6 tháng liên tục thì khả năng cao là đã bắt đầu giai đoạn mãn kinh và khi qua 12 tháng thì có thể xác nhận chính xác là đã mãn kinh. Trước khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt hẳn thì phụ nữ phải trải qua một giai đoạn chuyển tiếp, gọi là giai đoạn tiền mãn kinh. Trong giai đoạn này, cơ thể sẽ có những thay đổi báo hiệu sắp mãn kinh, ví dụ như bốc hỏa, người mệt mỏi, khó ngủ, khô âm đạo, hay cáu gắt, buồn bực, tâm trạng thay đổi thất thường,… Khi đã bước qua độ tuổi 40 thì phụ nữ có thể dựa trên những biểu hiện này để đoán được thời kỳ mãn kinh của mình đang đến gần. Nhưng nếu không chắc thì cũng có thể đi khám. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, lấy thông tin về chu kỳ kinh và tiến hành một vài xét nghiệm để kiểm tra xem có phải bạn đang trong thời kỳ tiền mãn kinh hay không.

Triệu chứng tiền mãn kinh

Đa số phụ nữ thường bắt đầu nhận thấy các thay đổi trên cơ thể từ khoảng một vài tháng cho đến vài năm trước khi chính thức mãn kinh. Những thay đổi này gồm có:

  • Tóc rụng và mỏng
  • Khô da
  • Khô âm đạo
  • Ham muốn tình dục giảm
  • Bốc hỏa
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Buồn bực, cáu gắt
  • Nhạy cảm, lo âu, bồn chồn
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
  • Tăng cân

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ có thể mất kinh nguyệt trong vài tháng liên tục. Tuy nhiên, nếu sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai và thấy bị mất kinh thì nên mua que thử và đến bệnh viện làm xét nghiệm để kiểm tra xem có phải mang thai hay không. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, khả năng mang thai sẽ giảm nhưng không phải là điều không thể.

Trong hầu hết các trường hợp thì phụ nữ đều có thể tự đoán được thời kỳ mãn kinh của mình. Nếu không chắc chắn thì có thể đi khám bác sĩ để xác nhận và được hướng dẫn biện pháp để giảm các triệu chứng khó chịu.

Thăm khám lâm sàng

Trước khi đi khám thì nên theo dõi tất cả các biểu hiện, triệu chứng mà bạn gặp phải như bốc hỏa, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi tâm trạng, khó ngủ hoặc các vấn đề về tình dục như giảm ham muốn và ghi lại tần suất xảy ra cũng như là mức độ nặng nhẹ của từng triệu chứng. Cần ghi lại cả thời gian của kỳ kinh gần nhất cũng như là những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, nên liệt kê một danh sách các loại thuốc và thực phẩm chức năng mà bạn hiện đang dùng.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi về chu kỳ kinh nguyệt trước đây, ngày diễn ra kỳ kinh gần nhất cũng như là tần suất mà bạn gặp các triệu chứng.

Thông thường, chỉ cần dựa trên các biểu hiện, triệu chứng là bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán có phải bạn đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hay không.

Tuy nhiên, đôi khi bác sĩ sẽ cần soi tươi dịch âm đạo để kiểm tra mức pH, điều này giúp xác nhận giai đoạn tiền mãn kinh. Độ pH âm đạo bình thường trong độ tuổi sinh sản là khoảng 4.5. Trong thời kỳ mãn kinh thì độ pH âm đạo thường tăng lên mức 6.

Nếu có các triệu chứng tiền mãn kinh thì có thể sẽ cần làm một số xét nghiệm để loại trừ các vấn đề, chẳng hạn như suy buồng trứng hoặc bệnh lý tuyến giáp. Những xét nghiệm thường được sử dụng gồm có:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra mức hormone kích thích nang trứng (FSH) và estrogen
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
  • Xét nghiệm lipid máu hay mỡ máu
  • Xét nghiệm chức năng gan thận

Xét nghiệm

Thường sẽ cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH) và estrogen. Trong thời gian tiền mãn kinh, nồng độ FSH tăng và nồng độ estrogen giảm.

Trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt, FSH - một loại hormone được tiết ra bởi tuyến yên trước – sẽ kích thích sự trưởng thành của trứng cũng như là sự sản xuất hormone estradiol.

Estradiol là một dạng estrogen chịu trách nhiệm điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và hỗ trợ hệ sinh dục nữ.

Ngoài mục đích xác nhận tiền mãn kinh, chỉ số hormone trong máu còn giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý tuyến yên.

Phương pháp xét nghiệm máu còn được thực hiện nhằm kiểm tra nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) vì bệnh suy giáp cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như tiền mãn kinh.

Một phương pháp xét nghiệm mới được phê chuẩn gần đây là PicoAMH Elisa. Phương pháp này đo lượng AMH (anti-Mullerian hormone) trong máu. Mức AMH giúp bác sĩ xác định khi khi nào thì sẽ mãn kinh.

Mãn kinh sớm

Mãn kinh sớm là những trường hợp mãn kinh diễn ra trước tuổi 45, thường là 40 – 45 và cũng có nhiều phụ nữ mãn kinh từ trước tuổi 40.

Mãn kinh sớm có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân, gồm có:

  • Những vấn đề do khiếm khuyết nhiễm sắc thể, ví dụ như hội chứng Turner
  • Các bệnh tự miễn, ví dụ như bệnh tuyến giáp
  • Từng phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc cắt tử cung
  • Từng hóa trị hoặc xạ trị để điều trị bệnh ung thư

Những phụ nữ dưới 40 tuổi và không có kinh nguyệt trong thời gian trên 3 tháng liên tục thì cần đi khám bác sĩ để làm xét nghiệm kiểm tra mãn kinh sớm hoặc phát hiện các nguyên nhân tiềm ẩn khác.

Bác sĩ cũng sẽ sử dụng các phương pháp xét nghiệm nêu trên, đặc biệt là các xét nghiệm đo nồng độ hormone estrogen và FSH.

Mãn kinh sớm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị mãn kinh sớm thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm. Khi được phát hiện sớm thì sẽ sớm có biện pháp kiểm soát các triệu chứng và bảo vệ sức khỏe.

Bước tiếp theo sau chẩn đoán

Khi đã xác nhận tiền mãn kinh thì bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị triệu chứng nếu cần thiết. Nếu như các triệu chứng không quá nghiêm trọng thì không cần thiết phải điều trị.

Còn nếu các triệu chứng tiền mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì sẽ cần dùng một số loại thuốc và liệu pháp hormone thay thế để đối phó. Với những phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh trước độ tuổi trung bình thì cũng thường cần điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế.

Một số triệu chứng tiền mãn kinh có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như giấc ngủ, đời sống tình dục và thư giãn. Tuy nhiên, chỉ cần áp dụng một số thay đổi đơn giản trong thói quen sống là đã có thể kiểm soát được nhiều triệu chứng, ví dụ như:

  • Khắc phục triệu chứng bốc hỏa bằng cách uống nước mát và hạ nhiệt độ trong phòng bằng quạt, điều hòa nhiệt độ hay mở cửa sổ
  • Sử dụng gel bôi trơn gốc nước khi quan hệ tình dục để giảm cảm giác đau rát do khô âm đạo.
  • Duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng viên uống bổ sung
  • Tập thể dục đều đặn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật xảy ra sau mãn kinh
  • Tránh xa caffeine, hút thuốc và đồ uống có cồn. Tất cả những thứ này đều có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa và khó ngủ.
  • Ngủ đủ giấc: Thời lượng giấc ngủ cần thiết ở mỗi người là khác nhau nhưng theo khuyến nghị chung thì người lớn nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm.

Mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác, đặc biệt là những bệnh liên quan đến lão hóa.

Do đó, sau mãn kinh cần đi khám định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và có biện pháp điều trị kịp thời nhằm duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Từ khóa » Chẩn đoán Mãn Kinh