Các Phương Thức Biểu đạt Trong Văn Bản - Tổng Hợp ...

Các phương thức biểu đạt là một đơn vị kiến thức rất quan trọng khi học tập và tìm hiểu môn Ngữ văn.

Các phương thức biểu đạt
Các phương thức biểu đạt

Chính vì vậy, Download.vn muốn giới thiệu tài liệu tổng hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản. Hy vọng có thể giúp ích cho các bạn học sinh.

Phương thức biểu đạt

  • I. Một số kiến thức chung
  • II. Các phương thức biểu đạt
  • III. Các loại văn bản tương ứng
    • 1. Văn bản tự sự
    • 2. Văn bản miêu tả
    • 3. Văn bản biểu cảm
    • 4. Văn bản nghị luận
    • 5. Văn bản thuyết minh
    • 6. Văn bản hành chính - công vụ
  • IV. Cách nhận biết các phương thức biểu đạt
    • 1. Tự sự
    • 2. Miêu tả
    • 3. Biểu cảm
    • 4. Thuyết minh
    • 5. Nghị luận
    • 6. Hành chính - công vụ
  • V. Các bước xác định phương thức biểu đạt
  • VI. Luyện tập

I. Một số kiến thức chung

- Văn bản là chuỗi lời nói miệng hay bài viết có chủ đề thống nhất, có liên kết mạch lạc, vận dụng phương thức biểu đạt phù hợp để thực hiện mục đích giao tiếp.

- Ví dụ: Con Rồng cháu Tiên, Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ)...

- Phương thức biểu đạt là cách mà người viết, người nói truyền tải những thông điệp đến với người đọc, người nghe nhằm thể hiện những tâm tư, những suy nghĩ, tình cảm của chính người nói, người viết.

- Có 6 phương thức biểu đạt chính: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính công vụ.

II. Các phương thức biểu đạt

STT

Kiểu văn bản, phương thức biểu đạt

Mục đích giao tiếp

Ví dụ

1

Tự sự

Trình bày diễn biến sự việc

Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh giầy, Sơn Tinh Thủy Tinh...

2

Miêu tả

Tái hiện trạng thái sự vật, con người

Tả một người thân mà em yêu quý, tả một loài hoa mà em yêu thích...

3

Biểu cảm

Bày tỏ tình cảm, cảm xúc

Ca dao, dân ca, thơ tình...

4

Nghị luận

Nêu ý kiến đánh giá, bình luận

Thành ngữ, Tục ngữ, Tuyên ngôn độc lập…

5

Thuyết minh

Giới thiệu đặc điểm, tính chất, phương pháp

Thuyết minh về chiếc nón lá, thuyết minh về con trâu...

6

Hành chính - công vụ

Trình bày ý muốn, quyết định nào đó, thể hiện quyền hạn, trách nhiệm giữa người và người

Đơn xin việc, Quyết định kỷ luật, Báo cáo kết quả học tập...

III. Các loại văn bản tương ứng

1. Văn bản tự sự

- Là trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, một ý nghĩa.

- Ví dụ: Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh giầy, Sơn Tinh Thủy Tinh…

2. Văn bản miêu tả

- Là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh… làm cho những cái đó hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.

- Ví dụ: Tả một người thân mà em yêu quý, tả một loài hoa mà em yêu thích…

3. Văn bản biểu cảm

- Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.

- Văn biểu cảm còn gọi là văn trữ tình, bao gồm các thể loại văn học như thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tùy bút…

- Tình cảm trong văn biểu cảm thường là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn.

- Ngoài cách biểu cảm trực tiếp qua tiếng kêu, lời than… văn biểu cảm còn sử dụng các bộ lộ gián tiếp thông qua biện pháp tự sự, miêu tả để khêu gợi tình cảm.

- Ví dụ: Cảm nghĩ về người mẹ thân yêu, Cảm nghĩ về cuốn sách em yêu thích, Cảm nghĩ khi về một loài cây em yêu thích, Cảm nghĩ về ngày Tết cổ truyền quê em...

4. Văn bản nghị luận

- Nghị luận là xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó.

- Văn nghị luận có luận điểm, luận cứ rõ ràng, chính xác và lập luận thuyết phục.

- Ví dụ: Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng), Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh)...

5. Văn bản thuyết minh

- Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các hiện tượng và các sự vật trong tự nhiên xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.

- Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi khách quan, xác thực và hữu ích cho con người.

- Văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng và chặt chẽ.

- Ví dụ: Thuyết minh về chiếc áo dài, Thuyết minh về con trâu, Thuyết minh về nón lá…

6. Văn bản hành chính - công vụ

- Là loại văn bản dùng để truyền đạt những nội dung và yêu cầu nào đó từ cấp trên xuống hoặc bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của cá nhân hay tập thể tới các cơ quan và người có quyền hạn để giải quyết.

- Được trình bày theo một số mục nhất định:

  • Quốc hiệu tiêu ngữ
  • Địa điểm, ngày tháng làm văn bản
  • Họ tên, chức vụ của người nhận hay cơ quan nhận văn bản
  • Họ tên, chức vụ của người gửi hay tên cơ quan, tập thể gửi văn bản
  • Nội dung thông báo, đề nghị, báo cáo
  • Chữ ký, họ tên người gửi văn bản

- Loại văn bản thường xuất hiện phương thức biểu đạt hành chính - công vụ: Các nghị định của nhà nước, thông tư được ban hành, văn bản báo cáo trong các công ty, các hợp đồng thuê, mua bán, sở hữu…

IV. Cách nhận biết các phương thức biểu đạt

1. Tự sự

Các yếu tố quan trọng trong một văn bản tự sự:

- Nhân vật

- Cốt truyện, sự kiện.

- Trình tự kể: theo thời gian, không gian, tâm tưởng, kết hợp thời gian, không gian…

- Phương thức trần thuật (ngôi kể)

2. Miêu tả

- Sử dụng nhiều động từ, tính từ, các biện pháp tu từ.

- Thường có những câu văn diễn tả hình dáng bên ngoài, hay thế giới nội tâm của con người; hoặc tái hiện lại cảnh vật, đặc điểm sự vật.

3. Biểu cảm

- Có nhiều từ ngữ thể hiện cảm xúc, thái độ của người viết hoặc của nhân vật trữ tình.

- Mang đậm dấu ấn chủ quan của người viết.

4. Thuyết minh

- Ngôn ngữ sáng rõ, cụ thể, trong sáng, câu văn gãy gọn, có thể sử dụng các biện pháp tu từ (so sánh, liệt kê…)

5. Nghị luận

- Bao gồm luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng

- Bố cục chặt chẽ, lập luận thuyết phục

6. Hành chính - công vụ

Một số mục bắt buộc phải có:

  • Quốc hiệu tiêu ngữ
  • Địa điểm, ngày tháng làm văn bản
  • Họ tên, chức vụ của người nhận hay cơ quan nhận văn bản
  • Họ tên, chức vụ của người gửi hay tên cơ quan, tập thể gửi văn bản
  • Nội dung thông báo, đề nghị, báo cáo
  • Chữ ký, họ tên người gửi văn bản

V. Các bước xác định phương thức biểu đạt

  • Bước 1: Đọc kĩ văn bản cần xác định.
  • Bước 2: Xác định thể loại của văn bản.
  • Bước 3: Tìm các dấu hiệu nhận biết điển hình của các phương thức biểu đạt.
  • Bước 4. Kết luận phương thức biểu đạt.

Chú ý: Trong thực tế, rất nhiều văn bản sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt. Khi đó, người đọc cần chú ý để tránh nhầm lẫn trong việc xác định phương thức biểu đạt chính.

VI. Luyện tập

Câu 1. Cho biết các tên văn bản, đề bài sau thuộc kiểu văn bản và phương thức biểu đạt nào?

1. Đơn xin nghỉ học

2. Bánh chưng bánh giầy

3. Tả cô giáo mà em yêu quý

4. Thuyết minh về chiếc bút bi

5. Cảm nhận của em về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ)

6. Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)

Gợi ý:

1. Hành chính - công vụ

2. Tự sự

3. Miêu tả

4. Thuyết minh

5. Biểu cảm

6. Nghị luận

Câu 2. Cho các tình huống giao tiếp sau, hãy lựa chọn kiểu phương thức biểu đạt phù hợp:

1. Tường thuật lại diễn biến của hội thi học sinh thanh lịch.

2. Giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của trường.

3. Bày tỏ lòng yêu mến với một ca sĩ nổi tiếng.

4. Đồng tình với ý kiến bảo vệ môi trường là nói không với rác thải nhựa.

5. Tả hình ảnh hoàng hôn trên biển.

6. Xin phép được sử dụng nhà thi đấu để tổ chức thi đấu cầu lông.

Gợi ý:

1. Tự sự

2. Thuyết minh

3. Biểu cảm

4. Nghị luận

5. Miêu tả

6. Hành chính - công vụ

Câu 3. Viết một đoạn văn có sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt khác nhau.

Gợi ý:

Những ngày giáp Tết, tôi lại cảm thấy vô cùng sung sướng khi được cùng ông nội dạo chơi quanh chợ hoa. Muôn vàn loài hoa khoe sắc nhưng tôi lại chỉ thích ngắm hoa mai. Những cây mai đều được những đôi bàn tay khéo léo của người thợ làm vườn tạo ra những dáng cây - mỗi dáng có một ý nghĩa riêng. Dù không am hiểu nhưng tôi cảm thấy những dáng cây đó đều rất đẹp. Gốc cây mai to lớn, xù xì được bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu. Những đường gân rắn chắc nổi lên. Các cành cây cũng được uốn lượn theo nhiều dáng khác nhau. Lá cây nhỏ và dài, ở mép của mỗi chiếc lá đều có hình răng cưa. Khi còn non, lá có màu xanh non, mỏng manh. Hoa mai thường mọc thành từng chùm nhỏ. Mỗi nụ hoa có năm cánh. Cánh hoa nhỏ xíu, mềm mại, và rất mỏng manh. Ở chính giữa là những chiếc nhị hoa nhỏ xíu có màu vàng cam. Từng chùm hoa nở rộ như sưởi ấm lòng người giữa tiết trời cuối đông vẫn còn lạnh giá. Hoa mai đã trở thành một thứ hương vị riêng của ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Cũng là món quà tuyệt mĩ mà thiên nhiên dành tặng cho con người. Yêu biết bao nhiêu loài hoa của mùa xuân .

Các phương thức biểu đạt được sử dụng: Tự sự (Kể lại việc dạo chơi hoa), Miêu tả (Cây mai), Biểu cảm (Tình cảm dành cho cây mai).

Câu 4. Biên bản thuộc loại văn bản gì? Hãy viết một biên bản với mục đích và chủ đề tự chọn.

Gợi ý:

- Biên bản thuộc văn bản hành chính - công vụ.

- Viết biên bản:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BIÊN BẢN HỘI NGHỊ TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM HỌC TẬP MÔN NGỮ VĂN

- Khai mạc: 8 giờ ngày… tháng… năm…

- Thành phần tham dự:

  • Cô Đỗ Thị Hoài - giáo viên môn Ngữ văn.
  • Học sinh các lớp của khối 6.

- Chủ trì: …

- Thư ký: Nguyễn Minh Anh (lớp trưởng lớp 6A)

NỘI DUNG HỘI NGHỊ

(1) Cô Hoài khai mạc, nêu yêu cầu và nội dung hội nghị:…

- Mục đích hội nghị: Tìm ra biện pháp học tốt môn ngữ văn. Phấn đấu cuối năm 100% đạt yêu cầu, trong đó có 60% khá, giỏi.

- Nội dung:

  • Các lớp trưởng sơ kết tình hình học tập môn Ngữ văn trong thời gian qua.
  • Các bạn học giỏi báo cáo kinh nghiệm (bạn Minh, Phương và Thu).
  • Một số học sinh đặt ra câu hỏi cần trao đổi.

(2) Bạn Minh Anh - thư ký sẽ báo cáo sơ lược tình hình học môn Ngữ văn của toàn khối:

  • Nhiều bạn chưa đọc kỹ văn bản, chuẩn bị bài sơ sài.
  • Nhiều bạn chưa làm hết các bài tập nhất là bài tập Tiếng Việt và bài tập làm văn.
  • Nhiều bạn chưa biết làm thế nào để có một bài văn hay. Bài viết sai chính tả, ngữ pháp lan man, xa đề.
  • Kết quả: Giỏi: 40%; Khá: 50%; Yếu: 10%.

(3) Trao đổi kinh nghiệm học tập:

- Kinh nghiệm của bạn Minh:

  • Đọc kĩ văn bản để hiểu nội dung, nghệ thuật ý nghĩa của văn bản sau đó mới chuẩn bị bài.
  • Phải cố gắng tưởng tưởng, liên tưởng, đào sâu để suy nghĩ để có cảm xúc, suy nghĩ, ý tưởng độc đáo
  • Cố gắng làm hết bài tập, đặc biệt là các phần luyện nói luyện viết

- Kinh nghiệm của bạn Thu:

  • Mỗi văn bản cần có những nét độc đáo riêng. Phải tìm ra những nét độc đáo đó.
  • Phải thường xuyên tích lũy tư liệu văn học.
  • Nắm chắc cách làm bài theo từng thể loại. Dành thời gian thích đáng để xác định yêu cầu bài viết
  • Nhất thiết phải làm bài dàn ý trước khi viết.
  • Khi viết cần chủ động và làm theo diễn đạt, tránh lệ thuộc vào bài mẫu.

(4) Cô Hoài tổng kết hội nghị:

  • Phải đọc kỹ văn bản, tìm hiểu xem tác giả muốn nói gì bằng cách nào và thái độ ra sao.
  • Thường xuyên tích lũy tư liệu và biết tận dụng tư liệu khi làm bài.
  • Rèn luyện tư liệu cảm thụ đặc biệt là khả năng liên tưởng tưởng tượng
  • Soạn bài và rèn luyện năng lực cảm thụ, đặc biệt là khả năng liên tưởng, tưởng tượng
  • Soạn bài và làm bài tập đầy đủ chu đáo.
  • Khi làm bài cần phải nắm chắc yêu cầu của đề bài, làm dàn ý. Cố gắng hết sức viết bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc.

- Biên bản kết thúc lúc: 11 giờ cùng ngày.

Thư kí

(Kí và ghi rõ họ tên)

Nguyễn Minh Anh

Chủ tọa

(Kí và ghi rõ họ tên)

Đỗ Thị Hoài

Câu 5. Các văn bản sau cần được sử dụng phương thức biểu đạt nào:

a. Đơn xin vào đội TNTP Hồ Chí Minh

b. Tả một người thân của em

c. Kể lại truyện Bánh chưng, bánh giầy

d. Thuyết minh về lễ hội ở quê em

e. Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước

g. Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Gợi ý:

a. Hành chính - công vụ

b. Miêu tả

c. Tự sự

d. Thuyết minh

e. Biểu cảm

g. Nghị luận

Từ khóa » Cách Khái Niệm Phương Thức Biểu đạt Là Gì