Các Quan Thần Nổi Tiếng Triều đại Nhà Trần - Dân Ta Phải Biết Sử Ta

1. TRẦN THỦ ĐỘ (1194- 1264).

Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) tại làng Lưu Xá (Hưng Hà-Thái Bình). Là một người ít học, nhưng là người mưu lược, quyết đoán và có công đầu trong việc xây dựng cơ nghiệp nhà Trần.

Cuối triều Lý, nền kinh tế đất nước suy thoái, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, giặc dã nổi lên nhiều nơi. Trong khi đó quân Mông – Nguyên hung bạo chuẩn bị đem quân sang xâm chiếm nước ta. Tình hình đất nước trở nên nguy ngập, đất nước không thể tránh khỏi họa diệt vong.

Là một người mưu lược, có tầm nhìn xa trông rộng. Trần Thủ Độ đã ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái bảy tuổi là Lý Chiêu Hoàng, sau đó ông đã thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Sự sắp xếp đó của Trần Thủ Độ là sự sắp xếp khôn ngoan và hợp quy luật hưng vong, làm một cuộc đảo chính cung đình mà không xảy ra đổ máu, còn tạo cho đất nước bước vào thế ổn định, để xây dựng lực lượng, phát triển kinh tế cũng như quân sự để chuẩn bị đương đầu với những khó khăn trong tương lai.

Sau khi lên ngôi, vua Trần Thái Tông đã cho Trần Thủ Độ làm Thái sư nắm giữ mọi binh quyền, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã thu phục được các thế lực đối địch, tổ chức bộ máy chính quyền từ Trung ương đến xã.

Trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất, trước thế giặc mạnh, đã có lúc tướng Trần Nhật Hiệu hoảng sợ lấy ngón tay viết lên mạn thuyền của vua hai chữ “Nhập Tống”. Vua chuyển sang hỏi Trần Thủ Độ. Ông thẳng thắn trả lời “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, câu nói đó của Trần Thủ Độ giữ vững tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt. Ông thực sự trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ nhất.

Sử sách thời xưa thường coi Trần Thủ Độ là người độc ác, gian hùng như Tào Tháo, nhưng những công lao của ông để lại cho đất nước, đặc biệt là giữ vững tinh thần chiến đấu cho nhân dân Đại Việt trước giặc Mông – Nguyên lần thứ nhất và xây dựng một triều đại nhà Trần hợp với quy luật hưng vong của triều đại là không thể phủ nhận. Ông mất năm Giáp tý (1264). Nhiều nơi lập đền thờ tưởng nhớ công lao của ông.

2. HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN (1228-1300).

Trần Quốc Tuấn (1228- 1300) là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc, đồng thời là danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Là con của An Sinh Vương Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông - Trần Cảnh).

Nói đến Trần Quốc Tuấn là nói đến một người chỉ huy có tài thao lược, trí dũng song toàn, luôn đặt lợi ích dân tộc và đất nước trên hết, ông biết dẹp thù nhà để phò vua, xây dựng đất nước. Công lao lớn nhất của ông là ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên hung bạo, trong đó 2 lần ông được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội Đại Việt.

Năm 1285 quân Mông – Nguyên ào ạt tiến quân vào nước ta. Trước tình hình đó Trần Thái Tông triệu Trần Hưng Đạo đến và nói “Kẻ thù thì rất mạnh, ta e rằng chiến tranh kéo dài sẽ làm đất nước tổn hại. Hay là ta đầu hàng cứu dân”. Trần Hưng Đạo đã trả lời “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”.

Trong trận này Trần Hưng Đạo đã trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào đồn trại của giặc trên Sông Hồng, vào kinh thành Thăng Long với những chiến thắng lẫy lừng ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương.

Lần thứ ba vào năm 1288 Trần Hưng Đạo đã chỉ huy quân ta đánh thắng quân Mông – Nguyên và giành thắng lợi vĩ đại ở trận Bạch Đằng (3-1288), đập tan 50 vạn quân xâm lược Mông - Nguyên, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc ta.

Không chỉ là người chỉ huy tài ba trên chiến trường mà Trần Quốc Tuấn còn là một người có tư tưởng quân sự tiến bộ, một người xem rộng biết nhiều, đủ tài văn võ, đã dành tâm huyết và hiểu biết của mình để viết các tác phẩm như: “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông truyền thư”, “Hịch tướng sĩ”.

Năm 1300 Bình Bắc Đại nguyên soái Hưng Đạo Đại Vương qua đời. Nhân dân ta đã lập đền thờ ở nhiều nơi để tưởng nhớ công ơn của ông.

3. TRẦN QUANG KHẢI (1240-1294).

Trần Quang Khải sinh năm 1240, là con của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và hoàng hậu Thuận Thiên.

Trong cuộc kháng chiến chống Mông –Nguyên lần thứ hai và lần thứ ba, người chỉ huy số một là Trần Hưng Đạo và vị tướng chủ chốt thứ hai đó là Trần Quang Khải. Trần Quang Khải đã chỉ huy đánh tan quân Mông – Nguyên ở Chương Dương và những trận then chốt nhằm khôi phục kinh đô Thăng Long vào cuối tháng 5 năm 1285. Trận thắng Chương Dương đã mở đường cho quân ta tiến nhanh đến thắng lợi cuối cùng, quét sạch giặc Mông – Nguyên ra khỏi bờ cõi.

Trần Quang Khải là một anh tài kiệt xuất không chỉ về chính trị, quân sự, mà còn là nhà thơ với tập thơ “Lạc Đạo”.

Năm 1294 Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải mất, thọ 54 tuổi.

4. TRẦN NHẬT DUẬT (1253- 1330).

Trần Nhật Duật là con thứ tư của vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Thuận Thiên. Từ nhỏ đã nổi tiếng là ông hoàng hiếu học và sớm bộc lộ thiên tài, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và tộc người. Không chỉ am hiểu ngôn ngữ của các dân tộc như tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành mà còn hiểu cả phong tục, tập quán của họ. Đối với các dân tộc trong nước, ông còn am hiểu về con người của họ. Chính bởi những am hiểu đó mà ông mới 20 tuổi đã được vua giao cho đặc trách về công việc của các dân tộc liên quan.

Trong cuộc kháng chiến chống Mông –Nguyên lần hai và lần ba, Trần Nhật Duật đều lập được những chiến công hiển hách, đặc biệt là trận Hàm Tử.

Năm 1330 (Canh Ngọ) Tả Thánh Thái Sư Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật qua đời, thọ 77 tuổi.

5. TRẦN KHÁNH DƯ.

Trần Khánh Dư là con Thượng Tướng Trần Phó Duyệt, nhân có công đánh giặc Mông – Nguyên lần thứ nhất mà vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi và phong đến chức Phiêu kỵ Tướng quân rồi đến chức Thượng vị hầu. Trong kháng chiến chống Mông –Nguyên lần thứ hai, Trần Khánh Dư được phục chức phong là Phó đô Tướng quân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mông –Nguyên lần thứ ba, Trần Khánh Dư làm phó tướng giữ Vân Đồn, nhưng chặn không nổi thủy quân của giặc. Thượng Hoàng nghe tin sai trung sứ xiềng Ông về trị tội. Trần Khánh Dư xin khất hai, ba ngày để “lập công chuộc tội” rồi về “Chịu búa rìu củng chưa muộn”.

Khi ông biết thuyền của quân giặc chở lương thực sẽ đi qua, ông đã thu thập tàn quân để chặn đánh thuyền giặc. Khi thuyền của giặc tới, ông đổ quân ra đánh, thu được khí giới, tù binh và lương thực nhiều không kể xiết. Còn bao nhiêu thì đánh đắm xuống biển. Tướng giặc Trương Văn Hổ xuống chiếc thuyền con chạy về đảo Hải Nam mới thoát chết.

Hơn 30 năm sau ngày đại thắng giặc Mông – Nguyên, ông được triều đình trực tiếp giao nhiều trọng trách như đánh dẹp giặc Chiêm Thành quấy phá ở biên giới phía Nam, tiếp sứ Nguyên.

Khi tuổi đã 70 Nhân Huệ Vương xin về trí sĩ tại vùng đất ông được vua ban ở xã Dương hòa, lộ Lý Nhân, trấn Sơn Nam (Hà Nam). Ông còn mở mang khai khẩn, lập làng mới vùng đất Tam Điệp,Trường Yên (Ninh Bình), ông đặt tên là trại An Trung. Ông ở lại nơi mới khai phá 10 năm. Khi tuổi đã 80 ông trở về ấp Dưỡng Hòa cũ và trao lại ấp mới gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn.

6. TRẦN BÌNH TRỌNG  (1259-1285).

Trần Bình Trọng là danh tướng thời Trần, có công lớn hộ giá bảo vệ cho hai vua Trần (Trần Thánh TôngTrần Nhân Tông) trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ hai. Ông hy sinh khi chặn quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc, được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương.

Trần Bình Trọng là hậu duệ của Vua Lê Đại Hành, cha ông làm quan dưới triều vua Trần Thái Tông, có nhiều công lao nên vua ban quốc tính nhà Trần.Trong cuộc kháng chiến chống Mông –Nguyên lần thứ hai, ông đánh nhau với giặc trên bãi Đà Mạc (tức là Thiên Mạc, nay là bãi Mạn Trù). Ông chiến đấu rất ngoan cường nhưng giặc quá đông, bao vây vòng trong vòng ngoài. Cuối cùng chúng bắt được ông.Khi bắt được ông, chúng tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc. Chúng hỏi ông “Có muốn làm vương đất Bắc không”. Ông thét to và chỉ vào mặt bọn giặc “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi ”. Câu nói của Trần Bình Trọng là một trong những câu nói nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm và trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước. Không thể mua chuộc được Trần Bình Trọng, quân giặc đã giết ông.

7. TRẦN QUỐC TOẢN (1267-1285).

Trần Quốc Toản là con của Trung Thành Vương, cháu nội của Nhân Đạo Vương được phong là Hoài Văn Hầu, mới 15 tuổi, vì không được dự hội nghị quân sự Bình Than bàn kế chống giặc Nguyên, tay cầm quả cam mà bóp nát lúc nào không biết.

Trần Quốc Toản đã huy động hàng ngàn gia nô và trai tráng trong vùng mua sắm vũ khí, đóng chiến thuyền để đánh giặc, may lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua).

Trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai, khi đối trận với giặc, Trần Quốc Toản tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh. Trần Quốc Toản góp phần vào chiến công to lớn ở Tây Kết và giải phóng kinh thành Thăng Long.

Trong trận đánh rút chạy trên sông Như Nguyệt, Trần Quốc Toản đã hi sinh. Vua Trần Nhân Tông thương tiếc, đã làm bài văn tế và phong tước cho Trần Quốc Toản làm Hoài Văn Vương. Người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản trở thành biểu tượng sáng ngời của tuổi trẻ yêu nước Việt Nam.

8. YẾT KIÊU.

Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, quê ở làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, nay là huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông là một trong 5 tùy tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương là Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô, Dã Tượng và Yết Kiêu. Yết Kiêu vốn quen nghề sông nước, nên rất giỏi bơi lội và rất mưu trí.

Khi giặc Mông - Nguyên kéo mấy trăm chiếc thuyền theo đường biển vào đánh cướp Đại Việt. Yết Kiêu không quản mùa đông giá rét, đêm đêm lặn xuống biển đục thủng thuyền giặc. Thuyền giặc bị nước biển chảy ồ vào, chìm ngay. Quân giặc rất sợ. Lúc  đầu chúng không hiểu vì lẽ gì. Sau giặc chăng lưới bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông “Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày”. Ông đáp “Nước Nam có nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay vẫn còn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi chẳng may bị bắt. Nếu các ông tha tôi ra, tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt”

Bọn giặc hí hửng. Chúng lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý, ông nhảy tùm xuống biển lặn trốn về doanh trại của ta. Quân giặc đành trơ mắt nhìn nhau căm tức.

Tháng 6-1285, ông cùng Phạm Ngũ Lão và Dã Tượng chỉ huy quân phục ở Tây Kết, góp phần đánh tan 5 ngàn quân Nguyên, giết Toa Đô tại trận.

Sau khi ông mất, được ban tặng chức Đại vương, phong làm Phúc thần. Vua nhà Trần cho dựng đền ở bến sông Hạ Bì (làng Hạ Bì - Hải Dương) quê hương của Yết Kiêu để thờ phụng. Hội đền Yết Kiêu hàng năm được mở vào ngày 8 tháng 2 âm lịch để ghi nhớ công ơn ông trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên.

9.PHẠM NGŨ LÃO (1255-1320).

Phạm Ngũ Lão người làng Phù Ủng, Đường Hào (nay là Ân Thi, Hưng Yên) sinh năm 1255 trong gia đình nhà nghèo, bố mất sớm, phụng dưỡng mẹ già rất hiếu thảo. Là một người thông minh ham đọc sách, rèn luyện võ nghệ nên tinh thông cả văn và võ. Ông được Hưng Đạo Vương thu nhận khi đạo quân của Hưng Đạo Vương đi tập trận qua làng Phù Ủng.

Đúng như tài nhìn người của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai và ba đã lập nên nhiều chiến công ở Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang và được phong chức Kim Nghiêu Đại tướng quân. Phạm Ngũ Lão phục vụ trải qua 3 đời vua nhà Trần, được phong chức Điện súy Tướng quân.

Năm 1320 Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ vua ban ở vườn cam trong thành, thọ 66 tuổi. Vua đã nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt. Dân làng Phù Ủng lập đền thờ ngay trên nền đất nhà cũ ở phía Tây làng.

Từ khóa » Từ Bảy Tuổi đã Lên Ngôi