Các Quy Tắc Về Lựa Chọn Pháp Luật áp Dụng Trong Hợp đồng Thương ...
Có thể bạn quan tâm
Turn on more accessible mode Turn off more accessible mode
Tin hoạt động
Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế Ngày 19 tháng 3 năm 2015 Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã thông qua Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế. Vụ Pháp luật quốc tế xin đăng toàn văn Các quy tắc này đã được dịch sang tiếng Việt để độc giả tham khảo Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế (Thông qua ngày 19/3/2015) Giới thiệu về Các quy tắc La Hay về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế I.1 Khi các bên tham gia vào một hợp đồng có mối liên hệ với nhiều quốc gia, vấn đề bên nào xác định các quy tắc pháp luật điều chỉnh giao dịch thường phát sinh. Câu trả lời rõ ràng là quan trọng với tòa án hoặc hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các bên, và việc hiểu biết các quy tắc điều chỉnh nghĩa vụ của mình cũng quan trọng với chính các bên liên quan trong việc hoạch định và thực hiện giao dịch. I.2 Xác định pháp luật áp dụng đối với một hợp đồng mà không tính đến ý chí rõ ràng của các bên trong hợp đồng đó có thể dẫn đến tình trạng không chắc chắn về mặt pháp lý vì sự khác biệt về cách giải quyết vấn đề giữa các quốc gia khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân mà khái niệm quyền tự định đoạt của các bên (“party autonomy”) trong việc xác định pháp luật áp dụng được phát triển và chiếm ưu thế. I.3 Quyền tự định đoạt của các bên, đề cập đến quyền năng của các bên trong hợp đồng trong việc lựa chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó, tăng cường sự chắc chắn và dự đoán trước được trong thoả thuận hợp đồng chính giữa các bên và ghi nhận rằng các bên trong hợp đồng có thể ở vị trí tốt nhất để xác định những nguyên tắc pháp lý nào là phù hợp nhất với giao dịch của mình. Nhiều quốc gia đã đi đến kết luận này và, vì vậy, khiến cho quyền tự định đoạt của các bên trở thành cách tiếp cận chủ đạo hiện nay. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa được áp dụng ở tất cả mọi nơi. I.4 Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (“Hội nghị La Hay”) tin tưởng rằng những lợi ích do quyền tự định đoạt của các bên mang lại là quan trọng và khuyến khích việc mở rộng khái niệm này tại các quốc gia chưa áp dụng, hoặc đã áp dụng nhưng có những hạn chế đáng kể, cũng như tiếp tục phát triển và hoàn thiện khái niệm này khi nó đã được chấp nhận. I.5 Theo đó, Hội nghị La Hay đã ban hành Các quy tắc La Hay về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế (“Các quy tắc”). Các quy tắc có thể được coi như một giải thích về cách thức xây dựng một cơ chế lựa chọn pháp luật toàn diện để tạo hiệu lực cho quyền tự định đoạn của các bên và một hướng dẫn về các “thực tiễn tốt nhất” (best practices) trong xây dựng và hoàn thiện một hệ thống như vây. Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng I.6 Lựa chọn pháp luật của các bên phải được phân biệt với các thỏa thuận hợp đồng chính giữa các bên (“Hợp đồng chính”). Hợp đồng chính có thể, ví dụ, là một hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng cho vay. Các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng chính của mình hoặc bằng một thỏa thuận riêng về lựa chọn pháp luật áp dụng (sau đây gọi là một “thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng”). I.7 Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng nên được phân biệt với điều khoản hay thỏa thuận về thẩm quyền, điều khoản hay thỏa thuận về lựa chọn nơi xét xử, hoặc điều khoản hay thỏa thuận về lựa chọn tòa án, tất cả các thỏa thuận này đồng nghĩa chỉ thỏa thuận của các bên về nơi xét xử (thường là tòa án) sẽ giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng nên được phân biệt với điều khoản hay thỏa thuận trọng tài để chỉ thỏa thuận của các bên đưa tranh chấp ra giải quyết tại hội đồng trọng tài. Mặc dù các điều khoản hoặc thỏa thuận này (gọi chung là“thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”) thực tiễn thường được kết hợp với thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng, chúng phục vụ những mục đích khác nhau. Các quy tắc chỉ áp dụng với thỏa thuận lựa chọn pháp luật mà không phải là thỏa thuận về giải quyết tranh chấp hay các vấn đề khác thường được coi là những vấn đề về mặt thủ tục tố tụng. Bản chất của Các quy tắc I.8 Như tiêu đề đã chỉ ra, Các quy tắc không tạo thành một văn kiện có tính ràng buộc chính thức như một Công ước mà các quốc gia có nghĩa vụ phải trực tiếp áp dụng hoặc nội luật hóa vào trong pháp luật quốc gia. Cũng như văn kiện này không phải là một luật mẫu mà các quốc gia được khuyến khích ban hành. Thay vào đó, đây là một bộ nguyên tắc không có tính ràng buộc mà Hội nghị La Hay khuyến khích các quốc gia kết hợp vào trong cơ chế lựa chọn pháp luật áp dụng của quốc gia mình theo cách thức phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia. Bằng cách này, Các quy tắc có thể định hướng cải cách pháp luật quốc gia về lựa chọn pháp luật áp dụng và Các quy tắc có thể vận hành bên cạnh các văn kiện hiện có về cùng nội dung này (xem Bản quy định Rome I và Công ước thành phố Mexico, cả hai văn kiện này đều thể hiện và áp dụng khái niệm quyền tự định đoạt của các bên). I.9 Là một văn kiện không có tính ràng buộc, Các quy tắc khác biệt với những văn kiện khác do Hội nghị La Hay xây dựng. Trong khi Hội nghị La Hay không loại trừ khả năng phát triển một văn kiện có tính ràng buộc trong tương lai, Hội nghị cho rằng một bộ quy tắc không có tính ràng buộc mà có tính khuyến nghị là phù hợp hơn ở thời điểm hiện tại để gia tăng sự chấp nhận đối với nguyên tắc về quyền tự định đoạt của các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế và phát triển các cơ chế pháp lý được thiết kế phù hợp áp dụng nguyên tắc này một cách hài hòa và khả thi. Vì Các quy tắc có tác động tới cải cách pháp luật, chúng nên khuyến khích sự hài hòa hóa giữa các quốc gia trong giải quyết vấn đề này và có thể nhờ đó dẫn đến hoàn cảnh phù hợp cho một văn kiện có tính ràng buộc. I.10 Trong khi việc thông qua các nguyên tắc không có tính ràng buộc như vậy là cách thức mới đối với Hội nghị La Hay, các văn kiện dạng này lại khá phổ biến. Trên thực tế, Các quy tắc đã bổ sung vào số lượng ngày càng lớn các văn kiện không có tính ràng buộc của các tổ chức khác đã đạt được thành công trong xây dựng và hài hòa hóa pháp luật. Xem, ví dụ, tác động của các quy tắc của UNIDROIT và PECL trong phát triển pháp luật về hợp đồng. Mục đích và phạm vi của Các quy tắc I.11 Mục đích chủ yếu của Các quy tắc là tăng cường quyền tự định đoạt của các bên và bảo đảm pháp luật được các bên lựa chọn có phạm vi áp dụng rộng nhất, tuân theo những giới hạn được xác định rõ ràng (Lời mở đầu, đoạn 1). I.12 Để áp dụng Các quy tắc này, hai tiêu chí phải được thỏa mãn. Thứ nhất, hợp đồng có liên quan phải có tính “quốc tế”. Một hợp đồng có tính quốc tế theo nghĩa của Các quy tắc này trừ khi các bên có cùng cơ sở kinh doanh (“establishment”) tại cùng một quốc gia và mối quan hệ giữa các bên và tất cả các yếu tố có liên quan khác, không kể pháp luật được lựa chọn, chỉ liên quan đến quốc gia đó (xem Điều 1 (2)). Tiêu chí thứ hai là mỗi bên trong hợp đồng phải thực hiện hoạt động thương mại hoặc nghề nghiệp của mình (xem Điều 1 (1)). Các quy tắc loại trừ rõ ràng khỏi phạm vi của mình một số loại hợp đồng cụ thể trong đó quyền đàm phán hợp đồng của một bên- người tiêu dùng hoặc người lao động được coi là yếu hơn (xem Điều 1 (1)). I.13 Trong khi mục tiêu của Các quy tắc là nâng cao sự chấp nhận với quyền tự định đoạt của các bên trong lựa chọn pháp luật áp dụng, Các quy tắc cũng quy định những hạn chế đối với quyền tự định đoạt đó. Những hạn chế quan trọng nhất với quyền tự định đoạt và với việc áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn được quy định tại Điều 11. Điều 11 chỉ ra những hạn chế là hậu quả của các quy định bắt buộc ưu tiên và trật tự công (ordre public). Mục tiêu của những giới hạn này là để đảm bảo rằng, trong những trường hợp nhất định, lựa chọn pháp luật của các bên không tạo ra hậu quả loại trừ các quy tắc và chính sách nhất định có vai trò quan trọng đối với các quốc gia. 1.14 Các quy tắc cung cấp các quy định chỉ cho những tình huống mà các bên đã đựa ra lựa chọn pháp luật áp dụng (rõ ràng hoặc ngầm hiểu) bằng thỏa thuận. Các quy tắc không áp dụng với các quy định về lựa chọn pháp luật áp dụng khi các bên không có thỏa thuận. Nguyên nhân của sự loại trừ này có hai lớp. Thứ nhất, mục tiêu của Các quy tắc là đưa quyền tự định đoạt tiến xa hơn mà không phải là cung cấp một hệ thống các quy tắc để xác định pháp luật áp dụng với hợp đồng thương mại quốc tế. Thứ hai, hiện chưa có sự đồng thuận về các quy tắc xác định pháp luật áp dụng trong trường hợp không có thỏa thuận. Tuy nhiên, giới hạn với phạm vi áp dụng của các Quy tắc không loại trừ việc sau này Hội nghị La Hay sẽ phát triển các quy tắc về xác định pháp luật áp dụng với hợp đồng trong trường hợp không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng. Nội dung của các Quy tắc I.15 Lời mở đầu và 12 điều tạo thành văn kiện này có thể được coi là một bộ luật quốc tế về các thực tiễn tốt nhất hiện này liên quan đến công nhận quyền tự định đoạt của các bên trong lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế, với những điều khoản tiên tiến phù hợp. I.16 Một số quy định phản ánh cách tiếp cận là nội dung của sự đồng thuận quốc tế rộng rãi. Các quy định này bao gồm khả năng cơ bản của các bên trong việc lựa chọn pháp luật áp dụng (Lời mở đầu, đoạn thứ nhất và Điều 2 (1)) và các hạn chế phù hợp với việc áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn (xem Điều 11). Hy vọng rằng một quốc gia đã chấp nhận một hệ thống ủng hộ quyền tự định đoạt của các bên sẽ thông qua các quy tắc phù hợp với những quy định này. I.17 Các quy định khác phản ánh quan điểm của Hội nghị La Hay về thực tiễn tốt nhất và cung cấp những giải thích hữu ích cho các quốc gia đã chấp nhận quyền tự định đoạt của các bên. Các quy tắc này bao gồm quy định về xác định khả năng các bên được lựa chọn pháp luật khác nhau điều chỉnh những phần khác nhau của hợp đồng (xem Điều 2 (2)), được ngầm chọn pháp luật áp dụng (Điều 4) và thay đổi lựa chọn pháp luật áp dụng của mình (xem Điều 2(3)), cũng như không đòi hỏi có mối liên hệ giữa pháp luật được chọn và giao dịch hay các bên (xem Điều 2(4)). Cũng như vậy, phù hợp với các cơ chế của nhiều quốc gia và các văn kiện khu vực, Điều 7 quy định hiệu lực riêng rẽ giữa thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng với hợp đồng chính, và Điều 9 mô tả phạm vi của pháp luật áp dụng. Các quy định về thực tiễn tốt nhất khác đưa ra chỉ dẫn về làm thế nào để xác định phạm vi áp dụng của pháp luật đã được lựa chọn trong bối cảnh quan hệ ba bên khi có sự thế quyền trong hợp đồng (xem Điều 10) và làm thế nào để giải quyết vấn đề khi các bên có cơ sở kinh doanh ở nhiều quốc gia (xem Điều 12). Những quy định về thực tiễn tốt này cung cấp những khuyến nghị quan trọng cho các quốc gia trong ban hành hoặc hiện đại hóa cơ chế ủng hộ quyền tự định đoạt của các bên. Tuy nhiên, Hội nghị La Hay nhận thấy một quốc gia có thể có cơ chế ủng hộ quyền tự định đoạt của các bên một cách hiệu quả mà không chấp nhận toàn bộ các thực tiễn tốt này. I.18 Các quy định nhất định trong Các quy tắc phản ánh những cách thức giải quyết vấn đề mới. Một trong những tính chất quan trọng nhất được thể hiện tại Điều 3, cho phép các bên lựa chọn không chỉ pháp luật của một quốc gia mà cả các “nguyên tắc pháp luật”, phát triển từ các nguồn phi quốc gia, trong những giới hạn nhất định. Về mặt lịch sử, việc lựa chọn các quy tắc hay “nguyên tắc pháp luật” thường được sử dụng điển hình trong bối cảnh giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Khi tranh chấp được đưa ra tranh tụng trước tòa án của một quốc gia, các quy tắc tư pháp quốc tế thường yêu cầu thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên phải chỉ ra hệ thống pháp luật của một quốc gia. Một số cơ chế cho phép các bên được kết hợp bằng cách chỉ dẫn trong hợp đồng các nguyên tắc pháp luật hoặc tập quán thương mại. Tuy nhiên, sự kết hợp bằng cách chỉ dẫn này, khác với việc cho phép các bên chọn lựa nguyên tắc pháp luật là pháp luật áp dụng với hợp đồng của họ. I.19 Các quy định tiên tiến khác bao gồm các quy định tại các Điều 5,6 và 8. Điều 5 quy định các quy tắc có tính chất căn bản của tư pháp quốc tế là không có yêu cầu cụ thể nào về mặt hình thức đối với thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng để thỏa thuận đó có hiệu lực, trừ khi các bên thỏa thuận khác. Trong số các quy định tại Điều 6 có quy định về giải pháp đối với vấn đề khó khăn là xung đột về hình thức (“battle of forms”) hay, cụ thể hơn là hậu quả khi cả hai bên đều lựa chọn pháp luật thông qua trao đổi điều khoản tiêu chuẩn. Điều 8 quy định loại trừ dẫn chiếu, nhưng không giống như một số văn kiện khác, quy định này cho phép các bên được thỏa thuận khác một cách rõ ràng. Những người sử dụng Bản quy tắc I.20 Những người sử dụng tiềm năng của Bản quy tắc này bao gồm nhà làm luật, tòa án và hội đồng trọng tài, các bên và người tư vấn pháp lý cho các bên. a. Với nhà làm luật (cho dù là người xây dựng pháp luật hay tòa án), các quy tắc tạo thành một hình mẫu có thể được sử dụng để tạo mới, bổ sung hoặc phát triển thêm các quy tắc sẵn có về lựa chọn pháp luật áp dụng (Lời mở đầu, các đoạn 2-3). Vì tính chất không ràng buộc của Các quy tắc, nhà làm luật ở các cấp độ quốc gia, khu vực, siêu quốc gia hoặc quốc tế có thể áp dụng Các quy tắc toàn bộ hoặc một phần. Các nhà luật cũng vẫn duy trì khả năng đưa ra các quyết sách khi nào Các quy tắc phải nhường chỗ cho pháp luật nơi xét xử (xem các điều 3, 11(2) và 11(4)). b. Với tòa án và hội đồng trọng tài, Các quy tắc cung cấp hướng dẫn làm cách nào tiếp cận với vấn đề liên quan đến hiệu lực và hậu quả của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng và giải quyết các tranh chấp về thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng trong cơ chế pháp lý được ưu tiên (Lời mở đầu, các đoạn 3-4). Các quy tắc có thể hữu ích đặc biệt trong giải quyết các vấn đề mới. c. Với các bên và người tư vấn pháp lý của họ, Các quy tắc cung cấp hướng dẫn về pháp luật hoặc nguyên tắc pháp luật mà các bên có thể lựa chọn một cách hợp pháp và các giới hạn liên quan và những vấn đề cần cân nhắc khi đưa ra lựa chọn pháp luật áp dụng, bao gồm cả các vấn đề quan trọng như hiệu lực và hậu quả của sự lựa chọn của họ, và soạn thảo thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng có hiệu lực thi hành. I.21 Người sử dụng các quy tắc được khuyến khích đọc các điều khoản kèm theo Lời mở đầu và Phần bình luận. Phần bình luận đi kèm với mỗi điều khoản và đóng vai trò là công cụ giải thích. Bình luận bao gồm nhiều ví dụ thực tế minh họa cho việc áp dụng Các quy tắc. Cấu trúc và độ dài của mỗi phần bình luận và minh họa khác nhau phụ thuộc vào mức độ chi tiết cần thiết để hiểu mỗi điều khoản. Phần bình luận cũng bao gồm các chỉ dẫn so sánh với các văn kiện khu vực, siêu quốc gia hoặc quốc tế và tới lịch sử soạn thảo, khi những chỉ dẫn này hỗ trợ cho việc giải thích. Người sử dụng cũng có thể muốn tìm hiểu tài liệu tham khảo và các tài liệu khác có sẵn trên trang thông tin của Hội nghị La Hay. Lời mở đầu Văn kiện này đưa ra các quy tắc chung về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế. Các quy tắc khẳng định nguyên tắc quyền tự định đoạt của các bên với những ngoại lệ hạn chế. Các quy tắc có thể được sử dụng như một hình mẫu cho các văn kiện của quốc gia, khu vực, siêu quốc gia hoặc quốc tế. Các quy tắc có thể được sử dụng để giải thích, bổ sung và phát triển các quy tắc của tư pháp quốc tế. Các quy tắc có thể được tòa án hoặc hội đồng trọng tài áp dụng. Điều 1- Phạm vi áp dụng của Các quy tắc 1. Các quy tắc áp dụng với lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế khi mỗi bên thực hiện hoạt động thương mại hoặc nghề nghiệp của mình. Chúng không áp dụng với hợp đồng tiêu dùng hoặc lao động. 2. Vì mục đích của Các quy tắc này, một hợp đồng là có tính chất quốc tế trừ khi mỗi bên có cơ sở kinh doanh tại cùng một quốc gia và mối liên hệ giữa các bên và tất cả các yếu tố liên quan, không kể pháp luật được lựa chọn, chỉ liên quan đến quốc gia đó. 3. Các quy tắc không áp dụng đối với pháp luật điều chỉnh a) năng lực của cá nhân; b) thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận lựa chọn tòa án; c) công ty hoặc các tổ chức khác và tín thác (trusts); d) phá sản; e) hậu quả về tài sản của hợp đồng; f) vấn đề người đại diện có thể ràng buộc người được đại diện với bên thứ ba hay không. Điều 2- Tự do lựa chọn 1. Một hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên lựa chọn. 2. Các bên có thể chọn: a) pháp luật áp dụng đối với toàn bộ hoặc chỉ một phần của hợp đồng; và b) pháp luật khác nhau áp dụng với những phần khác nhau của hợp đồng. 3. Lựa chọn có thể được thực hiện hoặc thay đổi vào bất kỳ thời điểm nào. Một lựa chọn hoặc thay đổi được đưa ra sau khi hợp đồng được ký kết không ảnh hưởng đến hiệu lực trước đó hoặc quyền của bên thứ ba. 4. Không cần có mối liên hệ giữa pháp luật được chọn và các bên hoặc giao dịch của họ. Điều 3- Nguyên tắc pháp luật Pháp luật được chọn bởi các bên có thể là nguyên tắc pháp luật được chấp nhận chung ở cấp độ quốc tế, siêu quốc gia hoặc khu vực với tư cách một hệ thống các quy tắc trung lập và hài hòa, trừ khi pháp luật của nơi xét xử quy định khác. Điều 4- Lựa chọn rõ ràng và ngầm hiểu Một lựa chọn pháp luật áp dụng, hoặc bất kỳ thay đổi lựa chọn pháp luật áp dụng nào phải được đưa ra rõ ràng hoặc thể hiện rõ ràng từ các quy định của hợp đồng hoặc hoàn cảnh. Một thỏa thuận giữa các bên liên quan đến thẩm quyền của tòa án hoặc hội đồng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp theo hợp đồng không tự bản thân tương đương với một thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng. Điều 5- Hiệu lực về hình thức của lựa chọn pháp luật áp dụng Một lựa chọn pháp luật áp dụng không bị ràng buộc vào bất kỳ yêu cầu nào về mặt hình thức trừ khi các bên thỏa thuận khác. Điều 6- Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng và xung đột về mặt hình thức 1. Tuân theo đoạn 2 của Điều này a) việc các bên đã đồng ý với một thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng hay chưa được xác định bởi pháp luật được cho là đã được các bên thỏa thuận; b) nếu các bên sử dụng điều khoản tiêu chuẩn xác định hai pháp luật khác nhau và theo cả hai pháp luật đó thì cùng một điều khoản tiêu chuẩn được ưu tiên, pháp luật được xác định trong điều khoản tiêu chuẩn ưu tiên được áp dụng; nếu theo mỗi pháp luật đó các điều khoản tiêu chuẩn khác nhau được ưu tiên hoặc nếu theo một hoặc cả hai pháp luật đó không điều khoản tiêu chuẩn nào được ưu tiên thì không có lựa chọn pháp luật. 2. Pháp luật của quốc gia nơi một bên có cơ sở kinh doanh xác định bên đó đã đồng ý với lựa chọn pháp luật hay chưa, nếu phụ thuộc vào hoàn cảnh việc xác định pháp luật áp dụng quy định tại đoạn 1 là bất hợp lý. Điều 7-Tính chất độc lập Một lựa chọn pháp luật áp dụng không thể bị phản đối chỉ vì lý do rằng hợp đồng mà nó áp dụng không có hiệu lực. Điều 8- Loại trừ dẫn chiếu Một lựa chọn pháp luật áp dụng không dẫn chiếu đến các quy tắc của tư pháp quốc tế của pháp luật do các bên lựa chọn trừ khi các bên thể hiện rõ ý định khác. Điều 9- Phạm vi áp dụng của pháp luật được lựa chọn 1. Pháp luật do các bên lựa chọn điều chỉnh tất cả các vấn đề của hợp đồng giữa các bên, bao gồm nhưng không giới hạn ở: a) giải thích; b) quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng; c) thực hiện và hậu quả của việc không thực hiện hợp đồng, bao gồm cả đánh giá thiệt hại; d) các cách thức khác nhau để chấm dứt nghĩa vụ, và thời hiệu, thời hạn; e) hiệu lực của hợp đồng và hậu quả của hợp đồng vô hiệu; f) nghĩa vụ chứng minh và các giả định pháp lý; g) nghĩa vụ tiền hợp đồng. 2. Đoạn 1 e) không loại trừ việc áp dụng bất kỳ pháp luật điều chỉnh nào ủng hộ hiệu lực về mặt hình thức của hợp đồng. Điều 10- Thế quyền Trường hợp có sự thế quyền trong hợp đồng đối với người có nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng giữa người có nghĩa vụ và người có quyền- a) nếu các bên trong hợp đồng thế quyền đã lựa chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó, pháp luật được chọn điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ giữa người có quyền và người thế quyền với nhau phát sinh từ hợp đồng đó; b) nếu các bên trong hợp đồng giữa người có nghĩa vụ và người có quyền đã lựa chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó, pháp luật được chọn điều chỉnh- i) việc thế quyền có thể được viện dẫn đối với người có nghĩa vụ hay không; ii) quyền của người thế quyền đối với người có nghĩa vụ; và iii) nghĩa vụ của người có nghĩa vụ đã được chấm dứt hay chưa. Điều 11- Các quy định bắt buộc ưu tiên và trật tự công 1. Các quy tắc này không cản trở tòa án áp dụng các quy định bắt buộc ưu tiên trong pháp luật nước nơi xét xử mà các quy định này được áp dụng không kể pháp luật do các bên lựa chọn là pháp luật nào. 2. Pháp luật của nước nơi xét xử xác định khi nào một tòa án có thể hoặc phải áp dụng hay cân nhắc các quy định bắt buộc ưu tiên của pháp luật khác. 3. Một tòa án có thể loại trừ việc áp dụng một quy định pháp luật được các bên lựa chọn chỉ khi và trong phạm vi mà hậu quả của việc áp dụng rõ ràng trái với các nội hàm cơ bản của trật tự công của pháp luật nước nơi xét xử. 4. Pháp luật của nước nơi xét xử xác định khi nào một tòa án có thể hoặc phải áp dụng hay cân nhắc đến trật tự công của một quốc gia mà pháp luật của quốc gia đó có thể được áp dụng nếu không có lựa chọn pháp luật áp dụng. 5. Các quy tắc này không cản trở hội đồng trọng tài áp dụng hoặc cân nhắc đến trật tự công hoặc áp dụng hay cân nhắc đến các quy định bắt buộc ưu tiên của pháp luật không phải do các bên lựa chọn, nếu hội đồng trọng tài có nghĩa vụ hoặc có quyền làm như vậy. Điều 12- Cơ sở kinh doanh Nếu một bên có nhiều cơ sở kinh doanh, cơ sở kinh doanh liên quan đến mục đích của Các quy tắc này là cơ sở kinh doanh có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng vào thời điểm hợp đồng được ký kết. In bài viết Gửi phản hồi Gửi EmailCác tin khác
Tọa đàm tìm hiểu pháp luật và kinh nghiệm của Pháp trong xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại Hội thảo về tư pháp quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm của Canada trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phối hợp công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự Gỡ vướng mắc về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự Số lượng ủy thác tư pháp tăng nhanh Thông báo
- Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Công ước thu thập chứng cứ đối với Việt Nam (Công văn số 6382/BTP-PLQT ngày 05/11/2024)
- Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với Thái Lan (Công văn số 3799/BTP-PLQT ngày 17/7/2024)
- Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Công ước thu thập chứng cứ đối với Việt Nam (Công văn số 1779/BTP-PLQT ngày 09/4/2024)
Liên kết website
-- Liên kết website -- Bộ Tư pháp---Cục công nghệ thông tinBáo điện tử---VnExpress---Báo 24hThư viện ảnh Thư viện video
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP
- RSS
- Sơ đồ website
- Thư viện file
Địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04.62739718 - Fax: 04.62739359. Email: banbientap@moj.gov.vn; cntt@moj.gov.vn.
Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 28/GP-BC ngày 25/03/2005.
Trưởng Ban biên: Tạ Thành Trung - Phó Cục trưởng Cục CNTT
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.
134Từ khóa » Nguyên Tắc Phù Hợp Tiếng Anh Là Gì
-
Nguyên Tắc Phù Hợp (Matching Principle) Là Gì? Nội Dung Và ý Nghĩa
-
NGUYÊN TẮC PHÙ HỢP Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch
-
Nguyên Tắc Phù Hợp Là Gì? Nội Dung Và ý Nghĩa ... - Luật Dương Gia
-
Nguyên Tắc Phù Hợp Trong Kế Toán Là Gì? Nội Dung Nguyên Tắc Phù Hợp
-
Nguyên Tắc Phù Hợp Là Gì? Nội Dung Nguyên Tắc Phù Hợp - MISA AMIS
-
"nguyên Tắc Phù Hợp" Tiếng Anh Là Gì? - EnglishTestStore
-
"nguyên Tắc Phù Hợp" Là Gì? Nghĩa Của Từ Nguyên Tắc Phù Hợp Trong ...
-
7 Nguyên Tắc Kế Toán Và Ví Dụ Minh Họa
-
[SAPP/Từ Vựng] 10 NGUYÊN... - Hội Các Sĩ Tử Luyện Thi ACCA
-
Nguyên Tắc Phù Hợp Là Gì? - Dân Kinh Tế
-
VAS 01 - Chuẩn Mực Chung | KRESTON.VN
-
Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài - VIAC