Các Quy Trình Xét Nghiệm Chẩn đoán - COVID Reference

*** The following text is out-of-date.***

For the latest news about COVID-19, please open the COVID Reference homepage.

< < < Trang chủ | Lời nói đầu | Timeline | Dịch tễ học | Vi rút học | Miễn dịch học | Các quy trình xét nghiệm chẩn đoán | Biểu hiện lâm sàng | Điều trị | Quản lý bệnh nhân COVID-19 nặng | Bệnh nền | Nhi khoa | Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm | Chính sách bảo mật

Phiên bản Tiếng Việt: Khanh Phan Nguyen Quoc Ha Xuan Nam Kim Le Thi Anh

Vui lòng tìm hình minh họa trong bản PDF miễn phí.

Bởi Bernd Sebastian Kamps & Christian Hoffmann

Chẩn đoán

Nhanh chóng xác định và cách ly các cá nhân bị nhiễm bệnh mang tính sống còn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chẩn đoán ca nhiễm được thực hiện dựa trên các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và hình ảnh học. Vì các triệu chứng và hình ảnh học của COVID-19 là không đặc hiệu, chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 phải được thực hiện bằng phản ứng chuỗi polymerase dựa trên axit nucleic (polymerase chain reaction – PCR), khuếch đại một đoạn gen di truyền cụ thể ở virus. Chỉ vài ngày sau khi các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được công bố, một quy trình chẩn đoán xác định cho SARS-CoV-2 đã được trình bày (Corman 2020). Việc này minh chứng khả năng đối phó mạnh mẽ qua việc hợp tác về mặt học thuật và các phòng xét nghiệm công trong các mạng lưới nghiên cứu quốc gia và châu Âu.

Vào ngày 19 tháng 3 năm 2020, WHO đã công bố một hướng dẫn tạm thời về các xét nghiệm đối với những người nghi ngờ mắc bệnh do coronavirus (COVID-19) (WHO 2020). Gần đây, nhiều cập nhật toàn diện về các kỹ thuật xét nghiệm trong chẩn đoán SARS-CoV-2 cũng đã được công bố (Chen 2020, Loeffelholz 2020).

Trong bối cảnh với nguồn lực hạn chế, không xét nghiệm nào được phép phí phạm. Điều quan trọng là bệnh nhân chỉ nên được xét nghiệm nếu kết quả dương tính làm thay đổi việc ứng phó. Chẳng hạn, việc xét nghiệm là không cần thiết trong các trường hợp sau:

  • Những người trẻ tuổi đã tiếp xúc với những người nhiễm bệnh vào một vài ngày trước, có những triệu chứng nhẹ ở mức độ vừa phải và sống một mình. Họ không cần xét nghiệm PCR, thậm chí ngay cả khi bị sốt. Họ sẽ tiếp tục tự cách ly ở nhà, báo nghỉ ốm nếu cần thiết, cách ly ít nhất trong 14 ngày sau khi các triệu chứng khởi phát. Xét nghiệm chỉ hữu ích để làm rõ liệu những người trẻ tuổi này có thể làm việc trong bệnh viện hoặc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác sau thời hạn cách ly. Một vài nơi yêu cầu có ít nhất 1 xét nghiệm âm tính (phết dịch mũi họng) trước khi quay trở lại làm việc (thêm vào đó là ít nhất 48 giờ không còn triệu chứng).
  • Một cặp vợ chồng trở về từ một điểm nóng của dịch bệnh và cảm thấy đau nhẹ ở cổ họng. Vì dù sao họ vẫn phải cách ly, xét nghiệm ở trường hợp này là không cần thiết.
  • Một gia đình 4 người có những triệu chứng điển hình của COVID-19. Xét nghiệm chỉ cần thực hiện cho một người (có triệu chứng) là đủ. Nếu kết quả dương tính, không cần thiết phải xét nghiệm hết tất cả những người trong gia đình, miễn là họ ở nhà.

Những quyết định này không dễ để trao đổi với bệnh nhân, đặc biệt là những người sợ hãi và lo lắng.

Tuy nhiên, trong những tính huống khác, xét nghiệm phải được thực hiện ngay lập tức và lặp lại nếu cần thiết, đặc biệt là đối với nhân viên y tế có triệu chứng, cũng như cho trường hợp tại các viện dưỡng lão, để phát hiện ổ dịch càng nhanh càng tốt.

Mặc dù các khuyến cáo được cập nhật liên tục bởi các cơ quan chức năng và các hệ thống y tế quốc gia, về việc ai nên được xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm bởi ai và khi nào: các khuyến cáo này liên tục thay đổi và phải liên tục cập nhật thích hợp với tình hình dịch tễ tại địa phương. Với tỷ lệ nhiễm bệnh giảm đồng thời khả năng xét nghiệm gia tăng, nhiều bệnh nhân chắc chắn sẽ có thể được xét nghiệm trong tương lai, và chỉ định xét nghiệm sẽ được mở rộng.

Lấy mẫu

SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong các mẫu mô và dịch cơ thể khác nhau. Trong một nghiên cứu trên 1070 mẫu được thu thập từ 205 bệnh nhân mắc COVID-19, mẫu thu được từ dịch rửa phế quản có tỷ lệ dương tính cao nhất (14/15; 93%), tiếp theo là đàm (72/104; 72%), phết mũi (5/8; 63%), mẫu sinh thiết từ ống nội soi phế quản (6/ 13; 46%), phết họng (126/398; 32%), phân (44 of 153; 29%) và máu (3 trên 307 ; 1%). Không có mẫu nào trong số 72 mẫu nước tiểu được xét nghiệm cho kết quả dương tính (Wang X 2020). Virus cũng không được tìm thấy trong dịch âm đạo của 10 bệnh nhân nữ mắc COVID-19 (Saito 2020).

Hai nghiên cứu ở giai đoạn sớm của đại dịch cũng không tìm thấy virus trong mẫu tinh trùng và sữa mẹ (Song 2020, Scorzolini 2020). Tuy nhiên, trong một báo cáo ca bệnh gần đây, RNA của SARS-CoV-2 được tìm thấy 4 ngày liên tiếp trong mẫu sữa mẹ của một người mẹ nhiễm bệnh. Phát hiện RNA của virus trong sữa mẹ xảy ra cùng lúc với các triệu chứng nhẹ của COVID-19 và trẻ sơ sinh cũng có xét nghiệm chẩn đoán dương tính (Groß 2020). Trong những trường hợp hiếm hoi, virus có thể được phát hiện trong nước mắt và dịch tiết kết mạc (Xia 2020).

Ngoài mẫu phết mũi họng, các mẫu bệnh phẩm cũng có thể được lấy từ đàm (nếu có), dịch hút nội khí quản hoặc dịch rửa phế quản. Có khả năng các mẫu ở đường hô hấp dưới nhạy hơn so với mẫu phết mũi họng. Đặc biệt ở những bệnh nhân bị bệnh nặng, thường có nhiều virus ở đường hô hấp dưới hơn ở đường hô hấp trên (Huang 2020). Tuy nhiên, luôn có nguy cơ cao “tạo khí dung” khi lấy các mẫu này và như vậy dẫn đến nguy cơ các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, sự nhân lên của virus SARS-CoV-2 rất cao ở các mô đường hô hấp trên, trái ngược với SARS-CoV (Wolfel 2020). Theo WHO, mẫu bệnh phẩm đường hô hấp cho xét nghiệm PCR nên được thu thập từ đường hô hấp trên (phết mũi hầu và phết họng hoăc dịch rửa mũi hầu và họng) ở bệnh nhân cấp cứu (WHO 2020). Ưu tiên lấy mẫu từ mũi hầu và hầu họng cùng lúc và cả hai được đặt vào trong cùng một ống.

Phết mũi hầu – Các vấn đề thực hành

Việc lấy mẫu đúng là cực kỳ quan trọng. Tất cả các lỗi sai nhỏ trong các quy trình lấy mẫu ở cả mũi hầu và hầu họng đều có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm âm tính giả. Thêm vào đó, các biện pháp bảo vệ phải được thực hiện để không gây nguy hiểm cho người lấy mẫu. Mỗi lần lấy mẫu đều có nguy cơ lây nhiễm cao! Khẩu trang bảo vệ đường hô hấp, kính bảo vệ, áo choàng và găng tay là bắt buộc. Nên thực tập cách mặc và tháo bỏ quần áo bảo hộ đúng quy trình! Nhiều sai lầm xảy ra ngay cả khi tháo khẩu trang. Có một video hữu ích về bảo vệ, chuẩn bị, trang bị, mặc và tháo trang thiết bị bảo hộ cá nhân có thể xem tại đây. (Marty 2020)

Đối với xét nghiệm phết mũi hầu, bệnh nhân nên ngồi trên ghế và ngả đầu ra sau một chút. Người lấy mẫu nên đứng ở vị trí hơi lệch để tránh bị ho trúng. Nói với bệnh nhân rằng điều này có thể không thoải mái trong một thời gian ngắn. Nên sử dụng tăm bông mũi họng phù hợp để phát hiện virus và có trục nhựa dẻo nhất có thể. Que phết bằng gỗ có thể làm bất hoạt virus và có nguy cơ chấn thương cao. Tăm bông mũi họng nên được giữ giữa ngón cái và ngón trỏ, giống như một cây bút chì, nhờ đó phần cuối không chạm vào bất cứ thứ gì. Thường tiến sâu vào 5-7cm sẽ chạm tới thành sau mũi họng, có thể cảm nhận được bằng một lực cản nhẹ. “Chỉ chạm vào vùng đầu ở mũi” là không đủ! Nên tránh chạm vào răng và lưỡi khi phết họng và rút tăm bông ra khỏi thành sau vòm họng, ngay kế bên lưỡi gà. Thận trọng với phản xạ nôn! Có rất nhiều video thực tế trên internet về cách thực hiện chính xác quy trình này. Sau khi được hướng dẫn thích hợp, nhiều bệnh nhân có thể tự thực hiện lấy mẫu theo cách này.

Chúng tôi đã hướng dẫn để các bệnh nhân (hầu hết!) có thể tự lấy mẫu tại nhà. Các ống để lấy mẫu được gửi chuyển phát nhanh trực tiếp đến nhà của bệnh nhân và được đặt trước cửa. Người vận chuyển nên tránh tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và chạm trực tiếp vào ống lấy mẫu (có thể đặt chúng trực tiếp vào túi hoặc thu thập bằng mặt ngược lại của túi) và trực tiếp mang mẫu trở về (không gửi qua đường bưu điện!). Điều này yêu cầu phải được hướng dẫn chính xác ngay từ đầu, nhưng thường khá khả thi.

Tăm bông để lấy mẫu có thể được bảo quản khô hoặc trong một lượng nhỏ dung dịch NaCl; nếu cần thiết, điều này cần được làm rõ với phòng xét nghiệm trước. Việc nhanh chóng chạy PCR là rất quan trọng, tốt nhất là trong cùng một ngày nếu có thể. Nhiệt độ cao là không thuận lợi cho xét nghiệm. Trong một nghiên cứu nhỏ, các mẫu được làm bất hoạt bằng cách ủ trong bể nước ở 56°C trong 30 phút. 7/15 mẫu có lượng virus thấp chuyển thành âm tính giả. Lưu giữ mẫu lâu hơn cũng dẫn đến kết quả âm tính giả (Pan 2020).

Mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới có thể bao gồm đàm (nếu có) và/hoặc dịch hút nội khí quản hoặc dịch rửa phế quản ở bệnh nhân mắc bệnh hô hấp nặng hơn. Tuy nhiên, cần xem xét nguy cơ tạo khí dung cao (tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát và phòng ngừa nhiễm khuẩn). Mẫu bệnh phẩm bổ sung có thể được thu thập vì virus COVID-19 đã được phát hiện trong máu và phân (xem phần dưới).

Thu thập mẫu bệnh phẩm từ mũi hầu và hầu họng bằng tăm bông có thể gây khó chịu cho bệnh nhân và khiến nhân viên y tế gặp nguy hiểm. Trái ngược với nhiều virus hô hấp khác, SARS-CoV-2 có trong nước bọt và một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mẫu nước bọt được lấy ở vùng sau họng (vùng họng sâu) là khả thi và dễ chịu hơn hơn đối với cả bệnh nhân và nhân viên y tế (To 2020, Yu 2020). Rửa họng (throat washing) có thể được sử dụng để theo dõi, do thủ thuật này không xâm lấn và có độ tin cậy. Rửa họng được thực hiện bằng cách yêu cầu bệnh nhân súc họng vùng trên thành họng sau với 20 ml nước muối đẳng trương vô trùng. Sau 5-10 giây, họ nhổ nước muối từ họng vào một vật chứa vô trùng. Trong 24 cặp mẫu so sánh bệnh phẩm rửa họng và phết mũi họng, tỷ lệ xét nghiệm dương tính của bệnh phẩm rửa họng cao hơn nhiều so với bệnh phẩm từ phết mũi họng (Guo WL 2020).

Virus trong phân

Mặc dù chưa có trường hợp lây truyền qua đường phân-miệng nào được báo cáo, nhưng ngày càng nhiều bằng chứng rằng SARS-CoV-2 tích cực nhân lên trong đường tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự hiện diện kéo dài của RNA virus SARS-CoV-2 trong các mẫu phân (Chen 2020, Wu 2020). Kết hợp kết quả của 26 nghiên cứu, một bài tổng quan cho thấy 54% bệnh nhân được xét nghiệm RNA trong phân có kết quả dương tính. Thời gian  phát hiện virus trong phân trong khoảng từ 1 đến 33 ngày sau khi phết mũi hầu âm tính (Gupta 2020).

Những nghiên cứu này đã làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu những bệnh nhân có kết quả âm tính khi xét nghiệm phết dịch mũi hầu có thực sự không có virus hay không, hoặc cần lấy thêm mẫu ở các vị trí khác của cơ thể. Tuy nhiên, mối liên quan đến lâm sàng của những phát hiện này vẫn chưa rõ ràng và có một nghiên cứu không phát hiện được virus có khả năng lây nhiễm từ các mẫu phân, mặc dù mẫu phân có nồng độ RNA virus cao (Wolfel 2020). Do đó, sự hiện diện đơn độc của axit nucleic không thể được sử dụng để xác định khả năng phát tán virus hoặc khả năng lây nhiễm (Atkinson 2020). Đối với nhiều bệnh do virus bao gồm SARS-CoV hoặc MERS-CoV, người ta biết rằng RNA virus có thể được phát hiện rất lâu sau khi virus có khả năng lây nhiễm đã biến mất.

Virus trong máu

SARS-CoV-2 hiếm khi được phát hiện trong máu (Wang W 2020, Wolfel 2020). Vậy còn nguy cơ nhiễm bệnh do truyền máu? Trong một nghiên cứu sàng lọc 7425 lần hiến máu ở Vũ Hán, các mẫu huyết tương được phát hiện dương tính với RNA virus từ 2 người hiến không có triệu chứng (Chang 2020).

Một nghiên cứu khác từ Hàn Quốc đã tìm thấy bảy người khi hiến máu không triệu chứng, sau đó được xác định đã mắc bệnh COVID-19. Không ai trong số 9 người nhận tiểu cầu hoặc hồng cầu, có xét nghiệm RNA SARS-CoV-2 dương tính. Sự lây truyền SARS-CoV-2 khi truyền máu được coi là khó xảy ra (Kwon 2020). Giống như mẫu phân, vẫn chưa rõ liệu phát hiện được RNA trong máu có đồng nghĩa với khả năng lây nhiễm hay không.

PCR

Hiện đã có nhiều bộ xét nghiệm khác nhau dựa trên kỹ thuật qPCR, cho việc phát hiện virus, các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới đã điều chỉnh các xét nghiệm PCRs cho SARS-CoV-2 của họ qua việc sử dụng các đoạn mồi khác nhau nhắm vào các phần khác nhau của trình tự gen virus. Một bài đánh giá (review) về các xét nghiệm và thiết bị chẩn đoán khác nhau đã được công bố gần đây (Loeffelholz 2020). Một quy trình thực hiện real-time PCR để phát hiện SARS-CoV-2 cho hai mục tiêu RdRp (IP2 và IP4) được mô tả tại https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/real-time-rt-pcr-assays-for-the-detection-of-SARS-CoV-2-institut-pasteur-paris.pdf?sfvrsn=3662fcb6_2

Các xét nghiệm RT-PCR mới nhắm vào RNA polymerase phụ thuộc RNA (RdRp)/helicase, protein gai (spike) và nucleocapsid của SARS-CoV-2 có thể giúp cải thiện chẩn đoán COVID-19 trong phòng xét nghiệm. So với xét nghiệm RdRp-P2 được báo cáo đã được sử dụng ở hầu hết các phòng thí nghiệm ở Châu Âu, các xét nghiệm này không phản ứng chéo với SARS-CoV trong nuôi cấy tế bào, có thể nhạy và đặc hiệu hơn (Chan JF 2020).

Ngưỡng phát hiện của sáu bộ xét nghiệm PCR thương mại khác nhau đáng kể (chênh lệch có thể lên tới 16 lần), với ngưỡng phát hiện kém nhất có thể dẫn đến kết quả âm tính giả khi RT-PCR được sử dụng để phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 (Wang X 2020). Theo các tác giả, các nhà sản xuất nên phân tích các vấn đề hiện có theo ứng dụng trên lâm sàng và cải thiện hơn nữa sản phẩm của họ.

PCR định tính

Một xét nghiệm PCR định tính (cho kết quả “dương tính” hoặc “âm tính”) thường là đủ trong chẩn đoán thông thường. Định lượng RNA virus hiện tại (vẫn) chỉ là quan tâm của giới học thuật.

Kết quả dương tính giả là rất hiếm. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra. Mặc dù độ chuyên biệt của các xét nghiệm này khi được phân tích thường là 100%, độ chuyên biệt trên lâm sàng thường thấp hơn, do có sự nhiễm bẩn (một vấn đề đáng kể đối với các quy trình NAT) và/hoặc lỗi của con người trong quá trình xử lý mẫu hoặc dữ liệu (rất khó để loại bỏ hoàn toàn). Tương tự như xét nghiệm huyết thanh (xem bên dưới), các kết quả dương tính giả này sẽ ảnh hưởng lớn khi tỉ lệ hiện mắc của bệnh thấp (Andrew Cohen, ý kiến cá nhân).

Một vấn đề khác của bất kỳ phương pháp PCR định tính là việc âm tính giả với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Lỗi lấy mẫu rất thường gặp, nhưng lỗi trong phòng thí nghiệm cũng xảy ra. Khi xem xét 7 nghiên cứu với tổng số 1330 mẫu từ đường hô hấp, các tác giả đã ước tính tỷ lệ RT-PCR âm tính giả theo ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Trong 4 ngày trước khởi phát triệu chứng, tỷ lệ giảm từ 100% xuống 67%. Vào ngày khởi phát triệu chứng (ngày 5), tỷ lệ này là 38%, giảm xuống 20% (ngày 8) và sau đó bắt đầu tăng trở lại, từ 21% (ngày 9) lên 66% (ngày 21). Nếu lâm sàng gợi ý nhiều, không nên loại trừ nhiễm bệnh chỉ dựa vào kết quả RT-PCR đơn lẻ. Tỷ lệ âm tính giả thấp nhất trong vòng 3 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, hoặc khoảng 8 ngày sau khi phơi nhiễm (Kucirka 2020). Hình 1 minh họa PCR và phát hiện kháng thể trong SARS

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân không có triệu chứng cũng có kết quả PCR dương tính và có thể lây truyền virus (Bai 2020, Cereda 2020, Rothe 2020). Sự phát tán virus có thể bắt đầu từ 2 đến 3 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Phân tích tổng cộng 414 mẫu bệnh phẩm vùng họng ở 94 bệnh nhân, tải lượng virus cao nhất được tìm thấy tại thời điểm khởi phát triệu chứng. Lây nhiễm bắt đầu từ 2.3 ngày (KTC 95%, 0.8-3.0 ngày) trước khi khởi phát triệu chứng và đạt cực đại 0.7 ngày trước khi khởi phát triệu chứng (He 2020). Sự lây nhiễm được ước tính sẽ giảm nhanh chóng trong vòng 7 ngày.

Trong một nghiên cứu đoàn hệ gồm 113 bệnh nhân có triệu chứng, thời gian phát hiện trung bình của SARS-CoV-2 RNA là 17 ngày (dao động từ 13-22 ngày), được đo từ khi bắt đầu bệnh. Ở một số bệnh nhân, PCR còn dương tính lâu hơn: nam giới và bệnh nặng (thở máy xâm lấn) là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với sự phát tán virus kéo dài (Xu K 2020).

Gần đây các báo cáo ca bệnh về việc các bệnh nhân có kết quả dương tính sau khi nhiều lần PCR âm tính và phục hồi về lâm sàng, đã liên tục đạt được nhiều sự chú ý của truyền thông, (Lan 2020, Xiao AT 2020, Yuan 2020). Những nghiên cứu này đặt ra câu hỏi về việc tái kích hoạt hoặc tái nhiễm COVID-19 (xem bên dưới, chương lâm sàng). Hiện tại, kết quả có nhiều khả năng do các vấn đề về phương pháp (Li 2020). Ở nồng độ virus thấp, đặc biệt là trong những ngày cuối của đợt nhiễm trùng, tải lượng virus có thể dao động và đôi khi có thể phát hiện được, đôi khi không (Wolfel 2020). Việc tái kích hoạt, hay tái nhiễm nhanh chóng (sau khi khỏi bệnh) sẽ rất bất thường đối với coronavirus.

Hình 1:Mốc thời gian của các dấu ấn giúp chẩn đoán SARS-CoV-2. AB=antibody (kháng thể)

 

Định lượng tải lượng virus

Nhiều nghiên cứu đã đánh giá tải lượng virus SARS-CoV-2 trong các mẫu bệnh phẩm khác nhau. Trong một nghiên cứu tiến cứu nhỏ, tải lượng virus trong mẫu phết dịch từ mũi và họng thu được từ 17 bệnh nhân có triệu chứng được phân tích về mức độ liên quan đến ngày khởi phát của bất kỳ triệu chứng (Zou 2020). Đáng lưu ý, tải lượng virus được phát hiện ở những bệnh nhân không có triệu chứng tương tự như ở những bệnh nhân có triệu chứng, điều này gợi ý khả năng truyền bệnh của những bệnh nhân không hoặc có ít triệu chứng.

Trong một nghiên cứu khác trên 82 người nhiễm bệnh, tải lượng virus trong mẫu phết họng và đàm cao nhất vào khoảng 5 – 6 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, từ khoảng 79,900 bản sao/ml ở họng đến 752,000 bản sao/ml trong đàm (Pan 2020). Trong một nghiên cứu trên các mẫu nước bọt hầu họng, không giống như SARS, bệnh nhân mắc COVID-19 có tải lượng virus cao nhất lúc khởi phát triệu chứng, điều này có thể giải thích cho tính chất lây lan nhanh của dịch này (To 2020). Trong nghiên cứu này, giá trị trung vị của tải lượng virus trong nước bọt vùng hầu họng sau hoặc mẫu bệnh phẩm hô hấp khác tại thời điểm xuất hiện triệu chứng là 5.2 log10 bản sao/ml (IQR 4.1-7.0). Trong tổng số 323 mẫu từ 76 bệnh nhân, tải lượng virus trung bình trong đàm (17,429 bản sao/xét nghiệm) cao hơn đáng kể so với mẫu bệnh phẩm từ họng (2,552 bản sao) và mẫu bệnh phẩm từ mũi (651 bản sao). Tải lượng virus ở giai đoạn đầu và giai đoạn tiến triển cao hơn so với giai đoạn phục hồi (Yu 2020). Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, việc phát tán virus có thể đã bắt đầu từ 2-3 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên và cách thức lây nhiễm có thể gần giống với bệnh cúm hơn so với SARS (He 2020).

Tải lượng virus cao hơn có thể liên quan diễn tiến bệnh nặng trên lâm sàng. Trong một nghiên cứu đánh giá các một chuỗi các mẫu từ 21 trường hợp bệnh nhẹ và 10 trường hợp bệnh nặng (Liu 2020), các trường hợp nhẹ được phát hiện có độ thanh thải virus sớm, với 90% bệnh nhân này liên tục cho kết quả âm tính với RT-PCR tại ngày thứ 10 kể từ khi  khởi phát triệu chứng. Ngược lại, tất cả các trường hợp bệnh nặng vẫn còn dương tính tại hoặc sau ngày thứ 10 kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc sau đó. Tuy nhiên, cần thêm các thử nghiệm lớn, tiến cứu để đánh giá vai trò của tải lượng virus SARS-CoV-2 như một dấu hiệu để đánh giá mức độ nghiêm trọng và tiên lượng bệnh.

Chúng ta có nên đo tải lượng virus? Dường như là có. Đo tải lượng virus có thể hữu ích trong thực hành lâm sàng. Kết quả RT-qPCR dương tính có thể không nhất thiết có nghĩa là người đó vẫn đang nhiễm bệnh hay có khả năng lây bệnh. RNA có thể là từ xác virus và/hoặc lượng virus sống có thể quá thấp để lây truyền bệnh. RT-qPCR định lượng bằng cách: đầu tiên phiên mã ngược RNA sang DNA, sau đó thực hiện qPCR trong đó tín hiệu huỳnh quang tăng tỷ lệ thuận với lượng axit nucleic được khuếch đại. Kết quả dương tính nếu huỳnh quang đạt đến một ngưỡng xác định trong một số chu kỳ PCR (giá trị Ct, tương quan nghịch với tải lượng virus). Nhiều xét nghiệm qPCR sử dụng giới hạn Ct là 40, cho phép phát hiện lượng rất nhỏ phân tử RNA. Một số chuyên gia (Tom 2020) đề nghị sử dụng giá trị Ct này hoặc để tính tải lượng virus có thể giúp tinh chỉnh quá trình ra quyết định (cách ly ngắn hơn, v.v.). Thật không may, vẫn có sự khác biệt lớn cũng như chưa nhất quán của các đường cong chuẩn được tính toán từ các nghiên cứu cung cấp các giá trị Ct từ các mẫu pha loãng nối tiếp và tải lượng virus ước tính. Theo các chuyên gia khác, cần thận trọng trước khi diễn giải các giá trị Ct của kết quả RT-PCR SARS-CoV-2 được thể hiện trong các báo cáo về COVID-19 để tránh hiểu sai về động lực học của virus khi so sánh giữa các nghiên cứu khác nhau (Han 2020).

Các hệ thống xét nghiệm khác ngoài PCR

Xét nghiệm nhanh tại chổ (Point-of-care tests)

Các xét nghiệm nhanh tại chổ là các xét nghiệm có thiết bị dễ sử dụng để hỗ trợ việc xét nghiệm bên ngoài phạm vi phòng xét nghiệm (Joung 2020). Các xét nghiệm kiểu này đang rất được chờ đợi. Vào ngày 6 tháng 5, FDA đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho một xét nghiệm huỳnh quang tìm SARS-CoV-2 dựa trên CRISPR được bán bởi Sherlock Biosciences. Phương pháp này cho kết quả trong một giờ và đã chẩn đoán thành công 12 bệnh nhân COVID dương tính và 5 bệnh nhân âm tính, với ít nhất 2 trong số 3 lần lặp lại cho kết quả dương tính ở người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng vẫn còn hạn chế ở các phòng thí nghiệm được chứng nhận để thực hiện các xét nghiệm phức tạp. Vào ngày 6 tháng 5, FDA cũng đã cấp phép cho 2 bộ xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang kháng nguyên SARS của hãng Quidel. Xét nghiệm này phải được đọc trên máy phân tích chuyên dụng và phát hiện protein nucleocapsid SARS-CoV-2 từ phết mũi hầu trong 15 phút. Theo nhà sản xuất, xét nghiệm đã chứng minh độ nhạy lâm sàng chấp nhận được và phát hiện 47/59 ca nhiễm (80%). Thật không may, cho đến nay chưa có nghiên cứu được bình duyệt nào giá trị về thử nghiệm được công bố. Với độ nhạy thấp, các xét nghiệm này chủ yếu đóng vai trò là công cụ ban đầu để xác định các ca nhiễm nhanh chóng, cụ thể là ngay tại đơn vị cấp cứu. Các xét nghiệm này không thể sử dụng như một công cụ chẩn đoán.

Chẩn đoán trong tình trạng thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm PCR

Một điều chắc chắn là, mục tiêu tổng thể phải là phát hiện càng nhiều ca nhiễm bệnh càng tốt. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, tình trạng thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng tương ứng với mức độ nhiễm bệnh trong dân số. Vì vậy, phương pháp xét nghiệm gộp hay gộp mẫu (pooled sample) thường được sử dụng để tiết kiệm nguyên liệu xét nghiệm. Nhiều mẫu được kiểm tra cùng nhau. Chỉ khi một mẫu gộp dương tính, từng mẫu sẽ được kiểm tra riêng lẻ.

Một số nghiên cứu cũng đã tìm hiểu xem ở quốc gia đang trong giai đoạn dịch bệnh lưu hành cao, liệu việc chẩn đoán có bắt buộc phải có xét nghiệm PCR? Một nghiên cứu bệnh-chứng hồi cứu lớn từ Singapore đã đánh giá các yếu tố dự đoán nhiễm SARS-CoV-2, sử dụng các yếu tố phơi nhiễm, nhân khẩu học, triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm lâm sàng (Sun 2020). Ngay cả khi không có các yếu tố phơi nhiễm và/hoặc bằng chứng chẩn đoán hình ảnh học của viêm phổi, các triệu chứng và xét nghiệm lâm sàng có thể xác định các đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19. Số lượng bạch cầu thấp, số lượng tế bào lympho thấp, tăng nhiệt độ cơ thể, tăng nhịp thở, các triệu chứng tiêu hóa và giảm sản xuất đàm có liên quan mạnh mẽ với kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Tuy nhiên, những mô hình dự đoán sơ bộ đó rất nhạy cảm với bối cảnh dịch tễ học địa phương và giai đoạn bùng phát toàn cầu. Chúng chỉ có ý nghĩa trong thời gian có tỷ lệ mắc cao. Nói cách khác: nếu tôi gặp một bệnh nhân trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh, xuất hiện sốt, ho, khó thở và giảm bạch cầu lympho, tôi có thể gần như chắc chắn rằng bệnh nhân này bị COVID-19. Trong các giai đoạn khác, khi tỷ lệ mắc thấp hơn, các mô hình này không có nhiều ý nghĩa. Do đó, chắc chắn là xét nghiệm axit nucleic đóng vai trò tiêu chuẩn vàng để xác định chẩn đoán. PCR nên được thực hiện bất cứ khi nào có thể.

Huyết thanh học (xét nghiệm kháng thể)

Phát hiện những trường hợp đã từng nhiễm virus bằng cách tìm kiếm kháng thể mà người bệnh đã tạo ra sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Xét nghiệm kháng thể có nhiều mục đích: các xét nghiệm huyết thanh học này có vai trò quan trọng để xác định tỷ lệ lưu hành bệnh dựa trên xét nghiệm máu, sự phơi nhiễm trước đó và xác định người có nồng độ kháng thể cao trong huyết thanh để phục vụ cho việc thu thập mẫu huyết thanh từ những người đã khỏi bệnh cho việc điều trị. Huyết thanh học sẽ hỗ trợ theo dõi dấu vết lây và sàng lọc nhân viên y tế để xác định ai đã có miễn dịch. Có bao nhiêu người thực sự bị nhiễm bệnh, trong đó có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh nhưng kết quả PCR âm tính và vì lý do gì, có bao nhiêu bệnh nhân không có triệu chứng và tỷ lệ tử vong thực sự trong một dân số xác định là bao nhiêu? Chỉ với xét nghiệm huyết thanh học toàn diện (và các nghiên cứu dịch tễ học được lên kế hoạch tốt), chúng ta mới có thể trả lời những câu hỏi này và giảm đi các ẩn số trong các tính toán dự đoán hiện tại. Nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành ở nhiều địa điểm khác nhau trên toàn thế giới.

Trong những tuần gần đây, rõ ràng là xét nghiệm huyết thanh học cũng có thể hỗ trợ như một công cụ chẩn đoán bổ sung cho COVID-19. Thời gian chuyển đổi huyết thanh của kháng thể đặc hiệu IgM và IgG đặc hiệu đã được quan sát sớm nhất là vào ngày thứ 4 sau khi khởi phát triệu chứng. Kháng thể có thể được phát hiện ở giai đoạn giữa và sau của bệnh (Guo L 2020, Xiao DAT 2020). Nếu một ca nghi ngờ COVID-19 vẫn còn âm tính với xét nghiệm PCR và nếu các triệu chứng vẫn đang diễn ra trong ít nhất vài ngày, việc tìm kháng thể có thể hữu ích và tăng cường độ nhạy chẩn đoán.

Tuy nhiên, xét nghiệm kháng thể cũng có một số nhược điểm. Sự khác biệt về mặt phân tử học của các phân nhóm SARS-CoV-2, khác biệt khả năng chẩn đoán của các xét nghiệm lưu hành và việc phản ứng chéo với các coronavirus gây cúm mùa là các yếu tố cần phải được xem xét (đánh giá: Krammer 2020, Torres 2020).

Các xét nghiệm

Nhiều nhóm đang làm việc để sản xuất các xét nghiệm huyết thanh học này (Amanat 2020), một số trong số chúng đã được thương mại hoá và đang lưu hành. Một tổng quan của Krammer 2020 đã công bố về các phương pháp khác nhau, bao gồm các xét nghiệm gắn phân tử như xét nghiệm hấp thụ miễn dịch huỳnh quang gắn men (ELISAs), xét nghiệm dòng chảy bên, hoặc xét nghiệm dựa trên phương pháp Western blot. Ngoài ra, các xét nghiệm chức năng kiểm tra khả năng trung hòa virus, ức chế enzyme, hoặc phân tích tính diệt khuẩn cũng có thể cho thông tin về đáp ứng miễn dịch qua trung gian kháng thể. Nhiều cảnh báo và câu hỏi mở liên quan đến xét nghiệm kháng thể cũng được thảo luận.

Xét nghiệm kháng thể thường tập trung vào các kháng nguyên (protein). Trong trường hợp SARS-CoV-2, các bộ xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme (ELISA) khác nhau dựa trên các protein tái tổ hợp là nucleocapsid và protein Spike (protein gai) (Loeffelholz 2020). Protein Spike của SARS-CoV-2 dường như là mục tiêu tốt nhất. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ràng cần sử dụng phần nào của protein Spike và sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tính độc nhất của protein Spike. Càng độc nhất, tỷ lệ phản ứng chéo với các coronavirus khác càng thấp – phản ứng chéo sẽ cho kết quả dương tính giả do bệnh nhân đã có miễn dịch với các virus corona khác. Phản ứng chéo với các coronavirus khác có thể là thách thức trong việc xây dựng xét nghiệm huyết thanh học. Vì vậy, các xét nghiệm xác nhận (thường là xét nghiệm trung hòa) có thể được sử dụng để giảm việc xét nghiệm dương tính giả.

Ngay cả với độ đặc hiệu rất cao từ 99% trở lên, đặc biệt là ở các khu vực có tỷ lệ lưu hành của dịch thấp, giá trị thông tin bị hạn chế và có thể giả định tỷ lệ xét nghiệm dương tính giả cao. Ví dụ: Với độ đặc hiệu 99%, dự kiến ​​có một xét nghiệm trong số 100 là dương tính. Tại nơi có tỷ lệ lưu hành của dịch cao, điều này không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu một người được xét nghiệm tại nơi có tỷ lệ lưu hành của dịch thấp, khả năng xét nghiệm dương tính thật (giá trị tiên đoán dương, tức là số lượng xét nghiệm thực sự dương tính chia cho số lượng tất cả các xét nghiệm dương tính) là thấp. Trong một dân số có tỷ lệ lưu hành của dịch là 1%, giá trị dự đoán sẽ chỉ là 50%! Ước tính hiện tại từ Iceland, một dân số được xác định rõ và lựa chọn ngẫu nhiên, vẫn cho thấy tỷ lệ tương đối ổn định khoảng 0,8% vào tháng 3 năm 2020 (Gudbjartsson 2020). Ngay cả ở các quốc gia rõ ràng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, tỷ lệ lây nhiễm chỉ cao hơn một chút. Nếu chúng ta giả sử con số nhiễm bệnh là 183,000 (ngày 30 tháng Năm) đối với Đức, một trong các quốc gia có số lượng nhiễm bệnh lớn nhất thế giới và cho rằng số ca nhiễm bệnh nhưng không bị phát hiện cao gấp khoảng 5 lần, thì tỷ lệ lưu hành của dịch ở Đức vẫn chỉ khoảng 1%. Cứ mỗi 1 trên 100 người nhiễm bệnh, mỗi xét nghiệm dương tính thứ hai sẽ là dương tính giả, thậm chí với độ đặc hiệu 99%. Do đó sàng lọc kháng thể trong dân số sẽ tạo ra tỷ lệ xét nghiệm dương tính giả khá cao.

Độ nhạy và độ đặc hiệu trung bình của các xét nghiệm kháng thể được FDA phê chuẩn lần lượt là 84,9% và 98,6%. Với tỷ lệ thay đổi của COVID-19 (1% -15%) ở các vùng khác nhau, theo thống kê, giá trị tiên đoán dương sẽ ở mức thấp từ 30% đến 50% ở những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh thấp (Mathur 2020).

Chỉ định trong thực hành lâm sàng

Nhưng, khi bước ra khỏi phạm vi một nghiên cứu lâm sàng, một câu hỏi cần đặt ra là: ai nên được xét nghiệm? Xét nghiệm thực sự không có ý nghĩa đối với bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 đã được xác định trước đó. Tuy nhiên, nó vẫn có thể được thực hiện nếu, ví dụ, bạn muốn xác thực một kết quả xét nghiệm. Ngoài những người liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoặc làm việc trong các ngành nghề khác có nguy cơ lây nhiễm cao, xét nghiệm lúc này cũng có thể hữu ích để xác định những người tiếp xúc để hồi cứu quá trình. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đo kháng thể khi kết quả xét nghiệm có ý nghĩa nhất định. Bệnh nhân nên được thông báo về giá trị tiên đoán dương thấp, đặc biệt là ở những người không có bất kỳ bằng chứng gợi ý nào hoặc phơi nhiễm với COVID-19 trước đó. Ở những bệnh nhân này, xét nghiệm kháng thể không được khuyến khích. Bên ngoài các điểm nóng dịch tễ, hầu như tất cả mọi người đều cho kết quả âm tính. Nếu dương tính, giá trị dự đoán là quá thấp.

Động học kháng thể

Đáng chú ý, đáp ứng huyết thanh với virus corona chỉ là thoáng qua. Kháng thể do virus corona gây bệnh theo mùa ở người có thể biến mất chỉ sau vài tháng. Dữ liệu sơ bộ cho thấy kháng thể đối với SARS-CoV-2 tương tự như SARS-CoV (Xiao DAT 2020). Đối với SARS-CoV, kháng thể không được phát hiện trong 7 ngày đầu tiên của bệnh, nhưng hiệu giá IgG tăng đáng kể vào ngày 15, đạt cực đại vào ngày 60 và duy trì ở mức cao cho đến ngày 180 và giảm dần cho đến ngày 720. IgM là được phát hiện vào ngày 15 và nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm, sau đó giảm dần cho đến khi không thể phát hiện được vào ngày 180 (Mo 2006). Cũng như các loại virus khác, kháng thể IgM xảy ra sớm hơn so với kháng thể IgG, trong khi IgG đặc hiệu hơn. Kháng thể IgA tương đối nhạy nhưng ít đặc hiệu hơn (Okba 2020).

Nghiên cứu lớn đầu tiên về đáp ứng miễn dịch dịch thể của vật chủ chống lại SARS-CoV-2 đã chỉ ra rằng đáp ứng miễn dịch dịch thể của người với SARS-CoV-2 có thể giúp chẩn đoán COVID-19, bao gồm cả các trường hợp chưa biểu hiện lâm sàng (Guo 2020). Trong nghiên cứu này, phản ứng IgA, IgM và IgG sử dụng xét nghiệm ELISA trên tái tổ hợp protein nucleocapsid đã được phân tích trong 208 mẫu huyết tương từ 82 trường hợp được xác nhận và 58 trường hợp nghi ngờ (Guo 2020). Thời gian trung bình phát hiện kháng thể IgM và IgA là 5 ngày (IQR 3-6), trong khi IgG được phát hiện vào ngày 14 (IQR 10-18) sau khi khởi phát triệu chứng, với tỷ lệ dương tính lần lượt là 85%, 93% và 78% . Hiệu quả phát hiện của IgM ELISA cao hơn so với PCR sau 5,5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Trong một nghiên cứu khác trên 173 bệnh nhân, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh (thời gian trung vị) đối với IgM và IgG lần lượt là 82,7% (12 ngày) và 64,7% (14 ngày). Một hiệu giá kháng thể cao có liên quan độc lập với tình trạng nặng của bệnh (Zhao 2020).

Ở một số bệnh nhân, IgG xuất hiện thậm chí còn sớm hơn IgM. Trong một nghiên cứu về kiểu chuyển đổi kháng thể IgM và IgG, thời gian chuyển đổi huyết thanh của kháng thể IgG sớm hơn so với IgM. Kháng thể IgG đạt nồng độ cao nhất vào ngày 30, trong khi kháng thể IgM đạt đỉnh vào ngày 18, nhưng sau đó bắt đầu giảm (Qu J 2020). Nghiên cứu quy mô lớn nhất cho đến nay đã báo cáo về các đáp ứng kháng thể cấp tính ở 285 bệnh nhân (đa phần là bệnh nhân COVID-19 không nghiêm trọng). Trong vòng 19 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, 100% bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với IgG kháng vi-rút. Thời gian chuyển đổi huyết thanh đối với IgG và IgM xảy ra đồng thời hoặc tuần tự. Hiệu giá kháng thể IgG và IgM đều bình nguyên trong vòng 6 ngày sau khi chuyển đổi huyết thanh. Thời gian trung vị của chuyển đổi huyết thanh cho cả IgG và IgM là 13 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Không tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ IgG bình nguyên và đặc điểm lâm sàng (Long 2020).

Có phải tất cả các cá nhân nhiễm không có triệu chứng đều xuất hiện kháng thể? Dường như là không. Trong số năm trường hợp nhiễm  không có triệu chứng, chỉ có một trường hợp xuất hiện đáp ứng kháng thể đặc hiệu SARS-CoV-2 được tạo ra trong vòng 4 tuần đầu (Yongchen 2020).

Khi kết hợp với nhau, xét nghiệm kháng thể không chỉ là một công cụ dịch tễ học. Nó cũng có thể giúp chẩn đoán. Trong những tháng tới, hiểu biết về đáp ứng kháng thể của con người đối với SARS-CoV-2 sẽ thay đổi theo thời gian và liệu đáp ứng kháng thể và hiệu giá kháng thể có tương quan với khả năng miễn dịch. Cũng có thể hình dung rằng ở một số bệnh nhân (ví dụ, những người bị suy giảm miễn dịch), phản ứng kháng thể vẫn giảm.

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cắt lớp vi tính vùng ngực (Chest Computed tomography – CT)

Chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể đóng một vai trò trong cả chẩn đoán, đánh giá mức độ bệnh và theo dõi. CT ngực có độ nhạy tương đối cao để chẩn đoán COVID-19 (Ai 2020, Fang 2020). Tuy nhiên, khoảng một nửa số bệnh nhân có thể có CT bình thường trong 1-2 ngày đầu sau khi khởi phát triệu chứng (Bernheim 2020). Mặt khác, trong đại dịch hiện nay chúng ta sớm nhận ra rằng một tỷ lệ đáng kể những bệnh nhân chưa biểu hiện lâm sàng (được kiểm tra CT trước khi khởi phát triệu chứng) có thể đã có kết quả CT bệnh lý (Chan 2020, Shi 2020). Ở một số bệnh nhân cho thấy kết quả rõ ràng hình ảnh bệnh lý viêm phổi trên CT, thì phết dịch mũi hầu vẫn âm tính khi xét nghiệm PCR (Xu 2020). Mặt khác, một nửa số bệnh nhân xuất hiện hình ảnh viêm phổi sau đó trên CT, vẫn có thể có hình ảnh CT bình thường trong 1-2 ngày đầu sau khi các triệu chứng xuất hiện (Bernheim 2020).

Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao giá trị của CT ngực. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc khuyến cáo CT là một phần không thể thiếu trong chẩn đoán COVID-19 đã dẫn đến sự chỉ trích gay gắt, đặc biệt là từ các chuyên gia ở các nước phương Tây. Các nghiên cứu của Trung Quốc đã bị phơi bày với những sai lầm và thiếu sót đáng kể. Trong những nỗ lực cao ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên, nhiều chuyên gia nhất quyết từ chối việc chụp CT sàng lọc nói chung ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 hoặc ở những người nghi ngờ (Hope 2020, Raptis 2020). Theo khuyến cáo của Hiệp hội Hình ảnh học Anh, nơi đã cố gắng kết hợp CT vào các thuật toán chẩn đoán COVID-19, giá trị của CT vẫn chưa rõ ràng – ngay cả khi PCR âm tính hoặc không có kết quả (Nair 2020, Rodrigues 2020). CT ngực chỉ nên được thực hiện nếu cần xem xét các biến chứng hoặc chẩn đoán phân biệt (Raptis 2020).

Trong các nghiên cứu mù, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh từ Trung Quốc và Hoa Kỳ đã cố gắng phân biệt viêm phổi COVID-19 với viêm phổi do virus khác. Độ đặc hiệu khá cao nhưng độ nhạy thấp hơn nhiều (Bai 2020). Một phân tích gộp (meta-analysis) lớn gần đây cho thấy độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu thấp (Kim 2020). Độ nhạy của CT bị ảnh hưởng bởi sự phân bố mức độ nghiêm trọng của bệnh, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh kèm theo và tỷ lệ bệnh nhân nhiễm không có triệu chứng. Ở những vùng có tỷ lệ lưu hành của dịch thấp, CT ngực có giá trị tiên đoán dương tính thấp (1,5-30,7%).

Nếu có tình trạng bệnh lý, hình ảnh thường cho thấy tổn thương ở cả 2 bên phổi, thành nhiều đám hoặc tổn thương kính mờ (Ground-glass opacities – GGO) phân bố ở vùng ngoại vi ở các thùy phổi hai bên. Các tổn thương có thể biểu hiện giống đáng kể với SARS và MERS (Hosseiny 2020).

Một tổng quan hệ thống về hình ảnh học ở 919 bệnh nhân đã tìm thấy hình ảnh GGO nhiều mức độ ở hai bên phổi, phân bố ở vùng ngoại vi hoặc ở phía sau, chủ yếu ở thùy dưới và ít gặp hơn ở thùy giữa là đặc điểm phổ biến nhất (Salehi 2020). Tổng quan này trình bày hình ảnh ban đầu không điển hình của các đám mờ đông đặc chồng lên GGO đã được tìm thấy trong một số ít trường hợp, chủ yếu ở người cao tuổi. Dày vách liên tiểu thùy, giãn phế quản, dày màng phổi và tổn thương dưới màng phổi ít gặp hơn, chủ yếu ở giai đoạn sau của bệnh. Tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim, nổi hạch, hình ảnh tạo hang, dấu hiệu viền bao CT và tràn khí màng phổi là không phổ biến (Salehi 2020).

Sự tiến triển của bệnh trên CT chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện các triệu chứng, các hình ảnh bệnh lý trên CT được tìm thấy thường xuyên hơn, bao gồm các tổn thương đông đặc, ở cả hai bên và vùng ngoại biên phổi, sự tổn thương của phổi nhiều hơn, các đường tổn thương mờ, hình ảnh lát đá “crazy-paving” và dấu hiệu “viền bao đảo ngược” (Bernheim 2020). Một số chuyên gia đã đề xuất rằng hình ảnh có thể được sắp xếp thành bốn giai đoạn khác nhau (Li M 2020). Trong giai đoạn đầu, nhiều đốm mờ nhỏ loang lổ và những thay đổi của mô kẽ. Trong giai đoạn tiến triển, các tổn thương tăng lên và mở rộng, phát triển thành nhiều GGO cũng như tổn thương thâm nhiễm đông đặc ở cả hai phổi. Trong giai đoạn bệnh nặng, người ta thấy có thể thấy có sự đông đặc phổi lớn và hình ảnh “phổi trắng”, nhưng tràn dịch màng phổi rất hiếm. Trong giai đoạn lui bệnh, các GGO và vùng phổi đông đặc đã được hấp thu hoàn toàn, và các tổn thương bắt đầu chuyển thành dạng xơ hóa.

Trong một nghiên cứu theo dõi tiến cứu phân tích 366 lần chụp CT nối tiếp ở 90 bệnh nhân bị viêm phổi COVID-19, mức độ bất thường của phổi tiến triển nhanh chóng và đạt đến đỉnh điểm tại ngày bệnh 6-11 (Wang Y 2020). Tổn thương chiếm ưu thế sau khi khởi phát triệu chứng trong nghiên cứu này là tổn thương kính mờ GGO (45-62%). Khi viêm phổi tiến triển, các khu vực tổn thương mở rộng và phát triển thành sự đông đặc lan tỏa ở cả hai phổi trong vài ngày (Guan 2020).

Hầu hết bệnh nhân xuất viện đều còn tổn thương trên kết quả CT lần cuối cùng (Wang Y 2020). Các nghiên cứu với thời gian theo dõi lâu hơn là cần thiết để đánh giá tổn thương phổi lâu dài hoặc vĩnh viễn bao gồm cả xơ hóa, như đã thấy với bệnh SARS và MERS. Xơ phổi được dự đoán ​​là yếu tố chính dẫn đến suy giảm chức năng phổi và suy giảm chất lượng cuộc sống ở những người sống sót và hồi phục sau COVID-19. Cần nhiều nghiên cứu hơn về mối tương quan của các phát hiện trên CT với mức độ nghiêm trọng và diễn triển lâm sàng, giá trị tiên đoán của CT ban đầu hoặc những thay đổi mới xuất hiện với kế cục của bệnh và di chứng của tổn thương phổi cấp tính do COVID-19 (Lee 2020).

Lưu ý, CT ngực không được khuyến cáo ở tất cả bệnh nhân COVID-19, đặc biệt ở những người đủ khỏe để được điều trị tại nhà hoặc những người chỉ có thời gian xuất hiện triệu chứng ngắn (<2 ngày). Trong dịch COVID-19, một số lượng lớn bệnh nhân bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh tràn vào bệnh viện dẫn tới khối lượng công việc kiểm tra của khoa chẩn đoán hình ảnh tăng mạnh. Do đường lây truyền của SARS-CoV-2 là qua các giọt bắn và tiếp xúc gần, nên tránh chụp CT khi không cần thiết. Tổng quan về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong dịch COVID-19 tại khoa chẩn đoán hình ảnh được đưa ra bởi An và cộng sự.

Siêu âm, PET và các kĩ thuật khác

Một số chuyên gia cho rằng siêu âm phổi (Lung Ultrasound – LUS) có thể hữu ích, vì nó có thể cho phép thực hiện đồng thời thăm khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh phổi tại giường bởi cùng một bác sĩ (Buonsenso 2020, Soldati 2020). Những lợi thế tiềm năng của LUS bao gồm tính di động, đánh giá ngay tại giường, an toàn và khả năng lặp lại trong quá trình theo dõi. Kinh nghiệm đặc biệt từ Ý với siêu âm phổi như một công cụ đầu tay đã cải thiện đánh giá sự tổn thương của phổi, và cũng có thể làm giảm việc sử dụng X-quang và CT ngực. Một hệ thống tính điểm theo vùng và kiểu siêu âm đã được công bố (Vetrugno 2020). Tuy nhiên, vai trò chẩn đoán và tiên lượng của LUS trong COVID-19 là không chắc chắn.

Liệu có bất kỳ giá trị lâm sàng tiềm năng nào của các kỹ thuật hình ảnh khác như 18F-FDG PET/CT để chẩn đoán phân biệt trong các trường hợp phức tạp vẫn chưa rõ ràng (Deng 2020, Qin 2020).

Ở những bệnh nhân có triệu chứng thần kinh, MRI não thường được chỉ định. Ở 27 bệnh nhân, phát hiện hình ảnh phổ biến nhất là bất thường tín hiệu vỏ não trên chuỗi xung FLAIR (37%), kèm theo hạn chế khuếch tán vỏ não hoặc tăng tín hiệu màng mềm (Kandemirli 2020). Tuy nhiên, diễn tiến lâm sàng phức tạp bao gồm bệnh đi kèm, thời gian nằm ICU kéo dài với chế độ đa trị liệu, suy hô hấp với hạ oxy máu có thể đóng vai trò là yếu tố gây nhiễu và mối quan hệ nhân-quả rõ ràng giữa nhiễm COVID-19 và các bất thường trên MRI sẽ khó được thiết lập.

Tài liệu tham khảo

Ai T, Yang Z, Hou H, et al. Correlation of Chest CT and RT-PCR Testing in Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) in China: A Report of 1014 Cases. Radiology. 2020 Feb 26:200642. PubMed: https://pubmed.gov/32101510. Full-text: https://doi.org/10.1148/radiol.2020200642

Amanat F, Nguyen T, Chromikova V, et al. Serological assay to detect SARS-CoV-2 seroconversion in humans. Full-text: https://doi.org/10.1101/2020.03.17.20037713

An P, Ye Y, Chen M, Chen Y, Fan W, Wang Y. Management strategy of novel coronavirus (COVID-19) pneumonia in the radiology department: a Chinese experience. Diagn Interv Radiol. 2020 Mar 25. PubMed: https://pubmed.gov/32209526. Full-text: https://doi.org/10.5152/dir.2020.20167

Atkinson B, Petersen E. SARS-CoV-2 shedding and infectivity. Lancet. 2020 Apr 15. pii: S0140-6736(20)30868-0. PubMed: https://pubmed.gov/32304647. Full-text: https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)30868-0

Bai HX, Hsieh B, Xiong Z, et al. Performance of radiologists in differentiating COVID-19 from viral pneumonia on chest CT. Radiology. 2020:200823. [PMID: 32155105] doi:10.1148/radiol.2020200823

Bai HX, Hsieh B, Xiong Z, et al. Performance of radiologists in differentiating COVID-19 from viral pneumonia on chest CT. Radiology. 2020 Mar 10:200823. Full-text: https://doi.org/10.1148/radiol.2020200823

Bai Y, Yao L, Wei T, et al. Presumed Asymptomatic Carrier Transmission of COVID-19. JAMA. 2020 Feb 21. PubMed: https://pubmed.gov/32083643. Full-text: https://doi.org/10.1001/jama.2020.2565

Bernheim A, Mei X, Huang M, Yang Y, et al. Chest CT Findings in Coronavirus Disease-19 (COVID-19): Relationship to Duration of Infection. Radiology. 2020 Feb 20:200463. https://doi.org/10.1148/radiol.2020200463.

Buonsenso D, Pata D, Chiaretti A. COVID-19 outbreak: less stethoscope, more ultrasound. Lancet Respir Med. 2020 Mar 20. PubMed: https://pubmed.gov/32203708. Full-text: https://doi.org/10.1016/S2213-2600(20)30120-X

Cereda D, Tirani M, Rovida F, et al. The early phase of the COVID-19 outbreak in Lombardy, Italy. https://arxiv.org/ftp/arxiv/papers/2003/2003.09320.pdf. Accessed 27 March 2020.

Chan JF, Yip CC, To KK, et al. Improved molecular diagnosis of COVID-19 by the novel, highly sensitive and specific COVID-19-RdRp/Hel real-time reverse transcription-polymerase chain reaction assay validated in vitro and with clinical specimens. J Clin Microbiol. 2020 Mar 4. PubMed: https://pubmed.gov/32132196. Full-text: https://doi.org/10.1128/JCM.00310-20

Chan JF, Yuan S, Kok KH, et al. A familial cluster of pneumonia associated with the 2019 novel coronavirus indicating person-to-person transmission: a study of a family cluster. Lancet. 2020 Feb 15;395(10223):514-523. PubMed: https://pubmed.gov/31986261. Full-text: https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)30154-9

Chang L, Zhao L, Gong H, Wang L, Wang L. Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus 2 RNA Detected in Blood Donations. Emerg Infect Dis. 2020 Apr 3;26(7). PubMed: https://pubmed.gov/32243255. Full-text: https://doi.org/10.3201/eid2607.200839

Chen C, Gao G, Xu Y, et al. SARS-CoV-2–Positive Sputum and Feces After Conversion of Pharyngeal Samples in Patients With COVID-19. Ann Intern Med. 2020, March 30. Full-text: https://annals.org/aim/fullarticle/2764036/SARS-CoV-2-positive-sputum-feces-after-conversion-pharyngeal-samples

Cheng MP, Papenburg J, Desjardins M, et al. Diagnostic Testing for Severe Acute Respiratory Syndrome-Related Coronavirus-2: A Narrative Review. Ann Intern Med. 2020 Apr 13. pii: 2764737. PubMed: https://pubmed.gov/32282894. Full-text: https://doi.org/10.7326/M20-1301.

Corman VM, Landt O, Kaiser M, et al. Detection of 2019 novel coronavirus (2019-nCoV) by real-time RT-PCR. Euro Surveill. 2020 Jan;25(3). PubMed: https://pubmed.gov/31992387. Full-text: https://doi.org/10.2807/1560-7917.ES.2020.25.3.2000045

Deng Y, Lei L, Chen Y, Zhang W. The potential added value of FDG PET/CT for COVID-19 pneumonia. Eur J Nucl Med Mol Imaging. 2020 Mar 21. PubMed: https://pubmed.gov/32198615. Full-text: https://doi.org/10.1007/s00259-020-04767-1

Fang Y, Zhang H, Xie J, et al. Sensitivity of Chest CT for COVID-19: Comparison to RT-PCR. Radiology. 2020 Feb 19:200432. PubMed: https://pubmed.gov/32073353. Full-text: https://doi.org/10.1148/radiol.2020200432

Groß R, Conzelmann C, Müller JA, et al. Detection of SARS-CoV-2 in human breastmilk. Lancet. 2020 Jun 6;395(10239):1757-1758. PubMed: https://pubmed.gov/32446324. Full-text: https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)31181-8

Guan W, Liu J, Yu C. CT Findings of Coronavirus Disease (COVID-19) Severe Pneumonia. AJR Am J Roentgenol. 2020 Mar 24:W1-W2. PubMed: https://pubmed.gov/32208010. Full-text: https://doi.org/10.2214/AJR.20.23035

Gudbjartsson DF, Helgason A, Jonsson H, et al. Spread of SARS-CoV-2 in the Icelandic Population. N Engl J Med. 2020 Apr 14. PubMed: https://pubmed.gov/32289214. Full-text: https://doi.org/10.1056/NEJMoa2006100.

Guo L, Ren L, Yang S, et al. Profiling Early Humoral Response to Diagnose Novel Coronavirus Disease (COVID-19). Clin Infect Dis. 2020 Mar 21. PubMed: https://pubmed.gov/32198501. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa310

Guo WL, Jiang Q, Ye F, et al. Effect of throat washings on detection of 2019 novel coronavirus. Clin Infect Dis. 2020 Apr 9. pii: 5818370. PubMed: https://pubmed.gov/32271374. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa416.

Gupta S, Parker J, Smits S, Underwood J, Dolwani S. Persistent viral shedding of SARS-CoV-2 in faeces – a rapid review. Colorectal Dis. 2020 May 17. PubMed: https://pubmed.gov/32418307. Full-text: https://doi.org/10.1111/codi.15138

Han MS, Byun JH, Cho Y, Rim JH. RT-PCR for SARS-CoV-2: quantitative versus qualitative. Lancet Infect Dis. 2020 May 20:S1473-3099(20)30424-2. PubMed: https://pubmed.gov/32445709. Full-text: https://doi.org/10.1016/S1473-3099(20)30424-2

Hao W. Clinical Features of Atypical 2019 Novel Coronavirus Pneumonia with an initially Negative RT-PCR Assay. J Infect. 2020 Feb 21. PubMed: https://pubmed.gov/32092387. Full-text: https://doi.org/10.1016/j.jinf.2020.02.008

He X, Lau EHY, Wu P, et al. Temporal dynamics in viral shedding and transmissibility of COVID-19. Nat Med. 2020 Apr 15. pii: 10.1038/s41591-020-0869-5. PubMed: https://pubmed.gov/32296168. Full-text: https://doi.org/10.1038/s41591-020-0869-5.

Hope MD, Raptis CA, Henry TS. Chest Computed Tomography for Detection of Coronavirus Disease 2019 (COVID-19): Don´t Rush the Science. Ann Intern Med. 2020 Apr 8. pii: 2764546. PubMed: https://pubmed.gov/32267912. Full-text: https://doi.org/10.7326/M20-1382.

Hosseiny M, Kooraki S, Gholamrezanezhad A, Reddy S, Myers L. Radiology Perspective of Coronavirus Disease 2019 (COVID-19): Lessons From Severe Acute Respiratory Syndrome and Middle East Respiratory Syndrome. AJR Am J Roentgenol. 2020 Feb 28:1-5. PubMed: https://pubmed.gov/32108495. Full-text: https://doi.org/10.2214/AJR.20.22969

Huang Y, Chen S, Yang Z, et al. SARS-CoV-2 Viral Load in Clinical Samples of Critically Ill Patients. Am J Respir Crit Care Med. 2020 Apr 15. PubMed: https://pubmed.gov/32293905. Full-text: https://doi.org/10.1164/rccm.202003-0572LE

Joung J, Ladha A, Saito M, et al. Point-of-care testing for COVID-19 using SHERLOCK diagnostics. Full-text: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.05.04.20091231v1

Kandemirli SG, Dogan L, Sarikaya ZT, et al. Brain MRI Findings in Patients in the Intensive Care Unit with COVID-19 Infection. Radiology. 2020 May 8:201697. PubMed: https://pubmed.gov/32384020. Full-text: https://doi.org/10.1148/radiol.2020201697

Kim H, Hong H, Yoon SH. Diagnostic Performance of CT and Reverse Transcriptase-Polymerase Chain Reaction for Coronavirus Disease 2019: A Meta-Analysis. Radiology. 2020 Apr 17:201343. PubMed: https://pubmed.gov/32301646. Full-text: https://doi.org/10.1148/radiol.2020201343

Krammer F, Simon V. Serology assays to manage COVID-19. Science  15 May 2020. Full-text: https://doi.org10.1126/science.abc1227

Kucirka LM, Lauer SA, Laeyendecker O, et al. Variation in False-Negative Rate of Reverse Transcriptase Polymerase Chain Reaction–Based SARS-CoV-2 Tests by Time Since Exposure. Annals Int Med 2020, May 13. Full-text: https://www.acpjournals.org/doi/10.7326/M20-1495

Kwon SY, Kim EJ, Jung YS, Jang JS, Cho NS. Post-donation COVID-19 identification in blood donors. Vox Sang. 2020 Apr 2. PubMed: https://pubmed.gov/32240537. Full-text: https://doi.org/10.1111/vox.12925

Lan L, Xu D, Ye G, et al. Positive RT-PCR Test Results in Patients Recovered From COVID-19. JAMA. 2020 Feb 27. PubMed: https://pubmed.gov/32105304. Full-text: https://doi.org/10.1001/jama.2020.2783

Lee EYP, Ng MY, Khong PL. COVID-19 pneumonia: what has CT taught us? Lancet Infect Dis. 2020 Apr;20(4):384-385. PubMed: https://pubmed.gov/32105641. Full-text: https://doi.org/10.1016/S1473-3099(20)30134-1

Li M, Lei P, Zeng B, et al. Coronavirus Disease (COVID-19): Spectrum of CT Findings and Temporal Progression of the Disease. Acad Radiol. 2020 Mar 20. pii: S1076-6332(20)30144-6. PubMed: https://pubmed.gov/32204987. Full-text: https://doi.org/10.1016/j.acra.2020.03.003

Li Y, Xia L. Coronavirus Disease 2019 (COVID-19): Role of Chest CT in Diagnosis and Management. AJR Am J Roentgenol. 2020 Mar 4:1-7. PubMed: https://pubmed.gov/32130038. Full-text: https://doi.org/10.2214/AJR.20.22954

Li Y, Yao L, Li J, et al. Stability issues of RT-PCR testing of SARS-CoV-2 for hospitalized patients clinically diagnosed with COVID-19. J Med Virol. 2020 Mar 26. PubMed: https://pubmed.gov/32219885. Full-text: https://doi.org/10.1002/jmv.25786

Liu Y, Yan LM, Wan L, et al. Viral dynamics in mild and severe cases of COVID-19. Lancet Infect Dis. 2020 Mar 19. PubMed: https://pubmed.gov/32199493. Full-text: https://doi.org/10.1016/S1473-3099(20)30232-2

Loeffelholz MJ, Tang YW. Laboratory diagnosis of emerging human coronavirus infections – the state of the art. Emerg Microbes Infect. 2020 Dec;9(1):747-756. PubMed: https://pubmed.gov/32196430. Full-text: https://doi.org/10.1080/22221751.2020.1745095

Long Q, Liu B, Deng H et al. Antibody responses to SARS-CoV-2 in patients with COVID-19. Nat Med 2020. Full-text: https://doi.org/10.1038/s41591-020-0897-1

Marty M, Chen K, Verrill KA. How to Obtain a Nasopharyngeal Swab Specimen. NEJM 2020. April 17, 2020. Full-text: https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMvcm2010260?query=featured_home

Mathur F, Mathur S. Antibody Testing For Covid-19: Can It Be Used As A Screening Tool In Areas With Low Prevalence? American Journal of Clinical Pathology 2020, May 15. Ful-text: https://academic.oup.com/ajcp/advance-article/doi/10.1093/ajcp/aqaa082/5837473

Mo H, Zeng G, Ren X, et al. Longitudinal profile of antibodies against SARS-coronavirus in SARS patients and their clinical significance. Respirology. 2006 Jan;11(1):49-53. PubMed: https://pubmed.gov/16423201. Full-text: https://doi.org/10.1111/j.1440-1843.2006.00783.x

Nair A, Rodrigues JCL, Hare S, et al. A British Society of Thoracic Imaging statement: considerations in designing local imaging diagnostic algorithms for the COVID-19 pandemic. Clin Radiol. 2020 May;75(5):329-334. PubMed: https://pubmed.gov/32265036. Full-text: https://doi.org/10.1016/j.crad.2020.03.008.

Okba NMA, Muller MA, Li W, et al. Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus 2-Specific Antibody Responses in Coronavirus Disease 2019 Patients. Emerg Infect Dis. 2020 Apr 8;26(7). PubMed: https://pubmed.gov/32267220.

Pan Y, Long L, Zhang D, et al. Potential false-negative nucleic acid testing results for Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus 2 from thermal inactivation of samples with low viral loads. Clin Chem. 2020 Apr 4. pii: 5815979. PubMed: https://pubmed.gov/32246822. Full-text: https://doi.org/10.1093/clinchem/hvaa091

Pan Y, Zhang D, Yang P, Poon LLM, Wang Q. Viral load of SARS-CoV-2 in clinical samples. Lancet Infect Dis. 2020 Feb 24. PubMed: https://pubmed.gov/32105638. Full-text: https://doi.org/10.1016/S1473-3099(20)30113-4

Qin C, Liu F, Yen TC, Lan X. (18)F-FDG PET/CT findings of COVID-19: a series of four highly suspected cases. Eur J Nucl Med Mol Imaging. 2020 Feb 22. PubMed: https://pubmed.gov/32088847. Full-text: https://doi.org/10.1007/s00259-020-04734-w

Qiu L, Liu X, Xiao M, et al. SARS-CoV-2 is not detectable in the vaginal fluid of women with severe COVID-19 infection. Clin Infect Dis 2020, April 2. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa375

Qu J, Wu C, Li X. Profile of IgG and IgM antibodies against severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 (SARS-CoV-2). Clinical Infectious Diseases. 2020. 27 April 2020. ciaa489, https://doi.org/10.1093/cid/ciaa489. Full-text: https://academic.oup.com/cid/advance-article/doi/10.1093/cid/ciaa489/5825506

Raptis CA, Hammer MM, Short RG, et al. Chest CT and Coronavirus Disease (COVID-19): A Critical Review of the Literature to Date. AJR Am J Roentgenol. 2020 Apr 16:1-4. PubMed: https://pubmed.gov/32298149. Full-text: https://doi.org/10.2214/AJR.20.23202

Rodrigues JCL, Hare SS, Edey A, et al. An update on COVID-19 for the radiologist – A British society of Thoracic Imaging statement. Clin Radiol. 2020 May;75(5):323-325. PubMed: https://pubmed.gov/32216962. Full-text: https://doi.org/10.1016/j.crad.2020.03.003

Rothe C, Schunk M, Sothmann P, et al. Transmission of 2019-nCoV Infection from an Asymptomatic Contact in Germany. N Engl J Med. 2020 Mar 5;382(10):970-971. PubMed: https://pubmed.gov/32003551. Full-text: https://doi.org/10.1056/NEJMc2001468

Saito M, Adachi E, Yamayoshi S, et al. Gargle lavage as a safe and sensitive alternative to swab samples to diagnose COVID-19: a case report in Japan. Clin Infect Dis. 2020 Apr 2. pii: 5815296. PubMed: https://pubmed.gov/32241023. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa377

Salehi S, Abedi A, Balakrishnan S, Gholamrezanezhad A. Coronavirus Disease 2019 (COVID-19): A Systematic Review of Imaging Findings in 919 Patients. AJR Am J Roentgenol. 2020 Mar 14:1-7. PubMed: https://pubmed.gov/32174129. Full-text: https://doi.org/10.2214/AJR.20.23034

Scorzolini L, Corpolongo A, Castilletti C, Lalle E, Mariano A, Nicastri E. Comment of the potential risks of sexual and vertical transmission of Covid-19 infection. Clin Infect Dis. 2020 Apr 16. pii: 5820874. PubMed: https://pubmed.gov/32297915. Full-text:  https://doi.org/10.1093/cid/ciaa445

Shi H, Han X, Jiang N, et al. Radiological findings from 81 patients with COVID-19 pneumonia in Wuhan, China: a descriptive study. Lancet Infect Dis. 2020 Apr;20(4):425-434. PubMed: https://pubmed.gov/32105637. Full-text: https://doi.org/10.1016/S1473-3099(20)30086-4

Soldati G, Smargiassi A, Inchingolo R, et al. Is there a role for lung ultrasound during the COVID-19 pandemic? J Ultrasound Med. 2020 Mar 20. PubMed: https://pubmed.gov/32198775. Full-text: https://doi.org/10.1002/jum.15284

Song C, Wang Y, Li W, et al. Absence of 2019 Novel Coronavirus in Semen and Testes of COVID-19 Patients. Biol Reprod. 2020 Apr 16. pii: 5820830. PubMed: https://pubmed.gov/32297920. Full-text: https://doi.org/10.1093/biolre/ioaa050

Sun Y, Koh V, Marimuthu K, et al. Epidemiological and Clinical Predictors of COVID-19. Clin Infect Dis. 2020 Mar 25. pii: 5811426. PubMed: https://pubmed.gov/32211755. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa322

To KK, Tsang OT, Leung WS, et al. Temporal profiles of viral load in posterior oropharyngeal saliva samples and serum antibody responses during infection by SARS-CoV-2: an observational cohort study. Lancet Infect Dis. 2020 Mar 23. pii: S1473-3099(20)30196-1. PubMed: https://pubmed.gov/32213337. Full-text: https://doi.org/10.1016/S1473-3099(20)30196-1

Tom MR, Mina MJ. To Interpret the SARS-CoV-2 Test, Consider the Cycle Threshold Value. Clin Infect Dis. 2020 May 21:ciaa619. PubMed: https://pubmed.gov/32435816. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa619

Torres R, Rinder HM. Double-Edged Spike: Are SARS-CoV-2 Serologic Tests Safe Right Now? Am J Clin Pathol. 2020 Apr 23. pii: 5823978. PubMed: https://pubmed.gov/32322898. Full-text: https://doi.org/10.1093/ajcp/aqaa071

Vetrugno L, Bove T, Orso D, et al. Our Italian Experience Using Lung Ultrasound for Identification, Grading and Serial Follow-up of Severity of Lung Involvement for Management of Patients with COVID-19. Echocardiography. 2020 Apr 1. PubMed: https://pubmed.gov/32239532. Full-text: https://doi.org/10.1111/echo.14664

Wang W, Xu Y, Gao R, et al. Detection of SARS-CoV-2 in Different Types of Clinical Specimens. JAMA. 2020 Mar 11. pii: 2762997. PubMed: https://pubmed.gov/32159775. Full-text: https://doi.org/10.1001/jama.2020.3786

Wang X, Yao H, Xu X, et al. Limits of Detection of Six Approved RT-PCR Kits for the Novel SARS-coronavirus-2 (SARS-CoV-2). Clin Chem. 2020 Apr 13. pii: 5819547. PubMed: https://pubmed.gov/32282874.

Wang Y, Dong C, Hu Y, et al. Temporal Changes of CT Findings in 90 Patients with COVID-19 Pneumonia: A Longitudinal Study. Radiology. 2020 Mar 19:200843. PubMed: https://pubmed.gov/32191587. Full-text: https://doi.org/10.1148/radiol.2020200843

WHO. Laboratory testing for coronavirus disease (‎‎‎‎COVID-19)‎‎‎‎ in suspected human cases: interim guidance, 19 March 2020. Full-text: https://apps.who.int/iris/handle/10665/331501

Wolfel R, Corman VM, Guggemos W, et al. Virological assessment of hospitalized patients with COVID-2019. Nature. 2020 Apr 1. pii: 10.1038/s41586-020-2196-x. PubMed: https://pubmed.gov/32235945. Full-text: https://doi.org/10.1038/s41586-020-2196-x

Wu Y, Guo C, Tang L, et al. Prolonged presence of SARS-CoV-2 viral RNA in faecal samples. Lancet Gastroenterol Hepatol. 2020 Mar 19. pii: S2468-1253(20)30083-2. PubMed: https://pubmed.gov/32199469. Full-text: https://doi.org/10.1016/S2468-1253(20)30083-2

Xia J, Tong J, Liu M, Shen Y, Guo D. Evaluation of coronavirus in tears and conjunctival secretions of patients with SARS-CoV-2 infection. J Med Virol. 2020;1-6. https://doi.org/10.1002/jmv.25725.

Xiang F, Wang X, He X, et al. Antibody Detection and Dynamic Characteristics in Patients with COVID-19. Clin Infect Dis. 2020 Apr 19. pii: 5822173. PubMed: https://pubmed.gov/32306047. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa461

Xiao AT, Tong YX, Zhang S. False-negative of RT-PCR and prolonged nucleic acid conversion in COVID-19: Rather than recurrence. J Med Virol. 2020 Apr 9. PubMed: https://pubmed.gov/32270882. Full-text: https://doi.org/10.1002/jmv.25855

Xiao DAT, Gao DC, Zhang DS. Profile of Specific Antibodies to SARS-CoV-2: The First Report. J Infect. 2020 Mar 21. pii: S0163-4453(20)30138-9. PubMed: https://pubmed.gov/32209385. Full-text: https://doi.org/10.1016/j.jinf.2020.03.012

Xie X, Zhong Z, Zhao W, Zheng C, Wang F, Liu J. Chest CT for Typical 2019-nCoV Pneumonia: Relationship to Negative RT-PCR Testing. Radiology. 2020 Feb 12:200343. PubMed: https://pubmed.gov/32049601. Full-text: https://doi.org/10.1148/radiol.2020200343

Xu J, Wu R, Huang H, et al. Computed Tomographic Imaging of 3 Patients With Coronavirus Disease 2019 Pneumonia With Negative Virus Real-time Reverse-Transcription Polymerase Chain Reaction Test. Clin Infect Dis. 2020 Mar 31. pii: 5814104. PubMed: https://pubmed.gov/32232429. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa207

Xu K, Chen Y, Yuan J, et al. Factors associated with prolonged viral RNA shedding in patients with COVID-19. Clin Infect Dis. 2020 Apr 9. pii: 5818308. PubMed: https://pubmed.gov/32271376. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa351

Yongchen Z, Shen H, Wang X, et al. Different longitudinal patterns of nucleic acid and serology testing results based on disease severity of COVID-19 patients. Emerg Microbes Infect. 2020 Apr 20:1-14. PubMed: https://pubmed.gov/32306864. Full-text: https://doi.org/10.1080/22221751.2020.1756699

Yu F, Yan L, Wang N, et al. Quantitative Detection and Viral Load Analysis of SARS-CoV-2 in Infected Patients. Clin Infect Dis. 2020 Mar 28. PubMed: https://pubmed.gov/32221523. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa345

Yuan J, Kou S, Liang Y, Zeng J, Pan Y, Liu L. PCR Assays Turned Positive in 25 Discharged COVID-19 Patients. Clin Infect Dis. 2020 Apr 8. pii: 5817588. PubMed: https://pubmed.gov/32266381. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa398

Zhao J, Yuan Q, Wang H, et al. Antibody responses to SARS-CoV-2 in patients of novel coronavirus disease 2019. Clin Infect Dis. 2020 Mar 28. PubMed: https://pubmed.gov/32221519. Full-text: https://doi.org/10.1093/cid/ciaa344

Zou L, Ruan F, Huang M, et al. SARS-CoV-2 Viral Load in Upper Respiratory Specimens of Infected Patients. N Engl J Med. 2020 Mar 19;382(12):1177-1179. PubMed: https://pubmed.gov/32074444. Full-text: https://doi.org/10.1056/NEJMc2001737

Từ khóa » Xét Nghiệm Covid Chỉ Số Ct 30