Các Thao Tác Lập Luận Trong Văn Nghị Luận Chi Tiết
Có thể bạn quan tâm
Trong chương trình văn học hiện nay, có tất cả 6 thao tác lập luận. Các thao tác lập luận bao gồm giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, bình luận, so sánh. Vậy dấu hiệu nhận biết các thao tác lập luận là gì? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Các thao tác lập luận có vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng trong việc xây dựng lập luận chặt chẽ, logic, thuyết phục người đọc. Vì thế việc nắm vững các thao tác lập luận chính là chìa khóa giúp các bạn học sinh chinh phục phần thi Đọc - Hiểu, từ đó đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi sắp tới. Bên cạnh đó các bạn xem thêm Cách thay thế từ/cụm từ trong bài nghị luận văn học.
Tổng hợp các thao tác lập luận trong văn nghị luận
- I. Lập luận là gì
- II. Các thao tác lập luận trong văn nghị luận
- 1. Thao tác lập luận giải thích
- 2/ Thao tác lập luận phân tích
- 3. Thao tác lập luận chứng minh
- 4. Thao tác lập luận so sánh
- 5. Thao tác lập luận bình luận
- 6. Thao tác lập luận bác bỏ
- III. Phân biệt các thao tác lập luận trong văn nghị luận
- IV. Ví dụ các thao tác lập luận trong văn nghị luận
I. Lập luận là gì
Xuất phát từ tiền đề (những sự kiện, chân lý được mọi người thừa nhận), dựa trên những lý lẽ chúng ta đi tới những kết luận – đó là lập luận. Có hai loại lập luận: lập luận để chứng minh một chân lý và lập luận để thuyết phục.
Loại lập luận thứ nhất thuộc lôgích hình thức. Đó là toán chứng minh trong hình học, đại số, vật lý, hoá học… dạy trong trường học. Lý lẽ trong loại này là những định lý, định luật, quy tắc… đã biết.
Trong đời thường còn có loại lập luận để thuyết phục, tạo niềm tin, nói sao cốt để người nghe thấy “lọt lỗ tai” rồi tin theo điều mình nói hoặc từ bỏ những xác tín cũ. Lý lẽ chủ yếu ở loại lập luận này là những lôgích đời thường: “ở hiền gặp lành” là lý lẽ về quan hệ nhân quả, “trời kêu ai người ấy dạ” là lý lẽ về số mạng, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” là lý lẽ về dòng dõi. Đó là những lẽ thường hay lý lẽ “hiển nhiên là thế”. Loại lập luận này thuộc lôgích phi hình thức. Ở đây lý lẽ có tầm quan trọng hàng đầu. Chất vấn, trả lời, tranh luận trước Quốc hội là những lập luận để thuyết phục.
II. Các thao tác lập luận trong văn nghị luận
1. Thao tác lập luận giải thích
- Định nghĩa: là cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, Định nghĩa để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề.
- Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ được tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm.
- Cách giải thích: Tìm đủ lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa vấn đề đó. Đặt ra hệ thống câu hỏi để trả lời.
2/ Thao tác lập luận phân tích
- Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối tượng. Đối tượng phân tích trong môn Văn: Một nhận định, văn bản, tác phẩm, một phần tác phẩm, nhân vật, các yếu tố cụ thể...
- Tác dụng của phân tích là thấy được giá trị ý nghĩa của sự vật hiện tượng, mối quan hệ giữa hình thức với bản chất, nội dung. Phân tích giúp nhận thức đầy đủ, sâu sắc cái giá trị hoặc cái phi giá trị của đối tượng. Riêng đối với tác phẩm văn học, phân tích là để khám phá ba giá trị của văn học: Nhận thức, tư tưởng và thẩm mĩ.
Yêu cầu phân tích: Phải nắm vừngd dặc điểm cấu trúc của đối tượng để chia tác một cách hợp lí. Sau khi phân tích, tìm hiểu từng bộ phận, chi tiết, phải tổng hợp khái quát lại để nhận thức đối tượng đầy đủ, sâu sắc và trình bày ngắn gọn.
3. Thao tác lập luận chứng minh
Thao tác lập luận chứng minh là dùng những bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng.
Cách chứng minh: Xác định vấn đề chứng minh để tìm nguồn dẫn chứng phù hợp. Dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, toàn diện sát hợp với vấn đề cần chứng minh, sắp xếp dẫn chứng phải logic, chặt chẽ và hợp lý.
Ví dụ minh họa: Hãy chứng minh lời khuyên của nhân dân ta trong câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã được thể hiện tự nhiên trong cuộc sống.
4. Thao tác lập luận so sánh
- Thao tác lập luận so sánh được hiểu là việc đối chiếu hai sự vật, hiện tượng. Việc làm này giúp ta thấy rõ sự giống và khác nhau giữa hai sự vật, hiện tượng ấy. Hơn hết, có hai kiểu so sánh là tương đồng và tương phản.
- Mục đích của việc lập luận so sánh là tìm ra điểm giống và khác nhau giữa các đối tượng. Từ đó, ta có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá chung về chúng. Đặc biệt, nó còn giúp bài văn nghị luận cụ thể, sinh động, sức thuyết phục cao hơn.Làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong mối tương quan với đối tượng khác.
- Cách làm: Đặt đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí, nêu rõ quan điểm, ý kiến của người viết. Luyện tập thao tác lập luận so sánh cần đảm bảo các tiêu chí. Cụ thể như sau: Việc so sánh giữa hai đối tượng phải đảm bảo sự rõ ràng và thực sự có liên quan. Đối tượng đưa ra so sánh phải có mối liên hệ với nhau qua một mặt hoặc một phương diện nào đó. Kết luận rút ra từ quá trình so sánh phải chân thực. Nhờ vậy, việc nhận thức đối tượng đem ra so sánh mới chính xác và sâu sắc hơn. Khi tiến hành lập luận so sánh cần phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, cùng tiêu chí. Đồng thời, chúng ta tiến hành so sánh mặt giống và khác nhau. Đặc biệt, người nói - người viết phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của mình.
5. Thao tác lập luận bình luận
- Định nghĩa: là bàn bạc, nhận xét, đánh giá về một vấn đề .
- Cách bình luận: Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá là xác đáng. Thể hiện rõ chủ kiến của mình.
6. Thao tác lập luận bác bỏ
- Định nghĩa: Là cách trao đổi, tranh luận để bác bỏ ý kiến được cho là sai .
- Cách bác bỏ: Nêu ý kiến sai trái, sau đó phân tích, bác bỏ, khẳng định ý kiến đúng; nêu từng phần ý kiến sai rồi bác bỏ theo cách cuốn chiếu từng phần.
- Ý nhỏ phải nằm hoàn toàn trong phạm vi của ý lớn.
- Nếu có thể biểu hiện nội dung của các ý bằng những vòng tròn thì ý lớn và mỗi ý nhỏ được chia ra từ đó là hai vòng tròn lồng vào nhau, không được ở ngoài nhau, cũng không được trùng nhau hoặc cắt nhau.
- Mặt khác, các ý nhỏ được chia ra từ một ý lớn, khi hợp lại, phải cho ta một ý niệm tương đối đầy đủ về ý lớn, gần như các số hạng, khi cộng lại phải cho ta tổng số, hay vòng tròn lớn phải được lấp đầy bởi những vòng tròn nhỏ.
- Mối quan hệ giữa những ý nhỏ được chia ra từ cùng một ý lớn hơn phải ngang hàng nhau, không trùng lặp nhau.
III. Phân biệt các thao tác lập luận trong văn nghị luận
Thao tác | Khái niệm/Yêu cầu/Tác dụng | Cách làm |
---|---|---|
Giải thích | Vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý của mình | - Giải thích cơ sở: Giải thích từ ngữ, khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ - Trên cơ sở đó giải thích toàn bộ vấn đề, chú ý nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn |
Phân tích | - Chia tách đối tượng, sự vật, hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ; xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ. - Tác dụng: thấy được giá trị ý nghĩa của sự vật hiện tượng, mối quan hệ giữa hình thức với bản chất, nội dung. Phân tích giúp nhận thức đầy đủ, sâu sắc cái giá trị hoặc cái phi giá trị của đối tượng. - Yêu cầu: nắm vững đặc điểm cấu trúc của đối tượng, chia tách một cách hợp lí. Sau phân tích chi tiết phải tổng hợp khái quát lại để nhận thức đối tượng đầy đủ, sâu sắc | - Khám phá chức năng biểu hiện của các chi tiết - Dùng phép liên tưởng để mở rộng nội dung ý nghĩa- Các cách phân tích thông dụng + Chia nhỏ đối tượng thành các bộ phận để xem xét + Phân loại đối tượng + Liên hệ, đối chiếu + Cắt nghĩa bình giá + Nêu định nghĩa |
Chứng minh | Đưa ra những cứ liệu - dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề | - Đưa lí lẽ trước - Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn. Đôi khi em có thể thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau. |
Bình luận | - Bàn bạc đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng ... đúng hay sai, hay / dở; tốt / xấu, lợi / hại...; để nhận thức đối tượng, cách ứng xử phù hợp và có phương châm hành động đúng. - Yêu cầu của việc đánh giá là sát đối tượng, nhìn nhận vấn đề toàn diện, khách quan và phải có lập trường tư tưởng đúng đắn, rõ ràng" | Bình luận luôn có hai phần: - Đưa ra những nhận định về đối tượng nghị luận. - Đánh giá vấn đề (lập trường đúng đắn và nhất thiết phải có tiêu chí). |
So sánh | - Là thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật - Có so sánh tương đồng và so sánh tương phản. - Tác dụng: nhằm nhận thức nhanh chóng đặc điểm nổi bật của đối tượng và cùng lúc hiểu biết được hai hay nhiều đối tượng. | - Xác định đối tượng nghị luận, tìm một đối tượng tương đồng hay tương phản, hoặc hai đối tượng cùng lúc. - Chỉ ra những điểm giống nhau giữa các đối tượng. - Dựa vào nội dung cần tìm hiểu, chỉ ra điểm khác biệt giữa các đối tượng. - Xác định giá trị cụ thể của các đối tượng. |
Bác bỏ | - Chỉ ra ý kiến sai trái của vấn đề, trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn và bảo vệ ý kiến lập trường đúng đắn của mình. - Bác bỏ ý kiến sai là dùng lý lẽ và dẫn chứng để phân tích, lí giải tại sao như thế là sai. * Lưu ý: Trong thực tế, một vấn đề nhiều khi có mặt đúng, mặt sai. Vì vậy, khi bác bỏ hoặc khẳng định cần cân nhắc, phân tích từng mặt để tránh tình trạng khẳng định chung chung hay bác bỏ, phủ nhận tất cả. | - Bác bỏ một ý kiến sai có thể thực hiện bằng nhiều cách: bác bỏ luận điểm, bác bỏ luận cứ, bác bỏ cách lập luận hoặc kết hợp cả ba cách. a. Bác bỏ luận điểm: thông thường có hai cách bác bỏ - Dùng thực tế - Dùng phép suy luận b. Bác bỏ luận cứ: vạch ra tính chất sai lầm, giả tạo trong lý lẽ và dẫn chứng được sử dụng. c. Bác bỏ lập luận: vạch ra mâu thuẫn, phi lôgíc trong lập luận của đối phương. |
IV. Ví dụ các thao tác lập luận trong văn nghị luận
1. Ví dụ thao tác lập luận giải thích
“Chẳng qua so với người lớn, trẻ con sống trong một bầu khí quyển khác và dưới một thứ ánh sáng khác. Ở đó, bọn trẻ tiếp cận thế giới theo cách của chúng, nghĩa là chúng không nhìn mọi thứ chung quanh dưới khía cạnh sử dụng. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa trẻ con và người lớn. Với người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên đời đều thu gọn vào hai chữ chức năng. Bạn lật bất cứ một cuốn từ điển nào của người lớn mà coi. Người ta định nghĩa thế giới này bằng chức năng, và chỉ bằng chức năng. Áo để mặc, ghế để ngồi, răng để nhai và lưỡi để nếm. Cho nên không thể trách được nếu ba tôi quả quyết ly mới làthứ dùng để uống nước, còn chai chỉ dùng để đựng nước, nếu mọi ông bố bà mẹ khác đều nhanh chóng đồng ý với nhau rằng nón lưỡi trai dùng để che nắng, bút để viết và tập vở tất nhiên dùng để ghi chép. Trẻ con không quan tâm đến chức năng. Đơn giản vì trẻ con có kho báu vô giá: óc tưởng tượng.”
(Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Nguyễn Nhật Ánh)
2. Ví dụ thao tác lập luận phân tích
“Cuộc đời của chúng ta đạt được những thành tựu gì, trở nên như thế nào, hạnh phúc hay bất hạnh, có ích hay có hại cho xã hội là do cách chúng ta lựa chọn. Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi thấy có ba yếu tố quyết định sự lựa chọn của chúng ta: một lànăng lực trí tuệ, hai là giá trị, ba là tầm nhìn. Hiển nhiên là năng lực trí tuệ có vai trò quan trọng trong sự lựa chọn. Năng lực trí tuệ ở đây là nắm bắt được những thông tin đầy đủ, phân tích những thông tin ấy và nhận thức được bản chất của những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Tôi lưu ý nhiều hơn đến hai yếu tố sau là giá trị và tầm nhìn. Giá trị là những gì chúng ta xem là quan trọng, thiết yếu, sống còn đối với mình, là những gì chúng ta có thể sẵn sàng đánh đổi tự do, an toàn, sự no ấm của mình để bảo vệ nó. Mỗi người có thể có những giá trị giống nhau và khác nhau. Nó là một cái thang bậc đa dạng thể hiện thứ tự ưu tiên của những gì chúng ta coi trọng.”
(Cuộc đời là một sự lựa chọn– TS Phạm Thị Ly , Bao Tuổi trẻ Online, 29/4/2013)
3. Ví dụ thao tác lập luận chứng minh
“Báo chí mới đây đăng ý kiến của một người Nhật sống ở Việt Nam hơn 20 năm, nhận xét rằng người Việt lười hơn 20 năm trước. (…) Này đây, người học ít chịu đọc sách, ít tìm hiểu mà thường sao chép từ bài giảng, từ giáo trình, từ tài liệu trên mạng, sao chép lẫn nhau và kể cả gian lận trong thi cử. Này đây, không ít học sinh muốn thi vào đại học để làm “thầy”, không thích học nghề, phải làm “thợ”; một số người thích học ngành nào dễ kiếm tiền mà không quan tâm đến năng lực thực sự của mình. Này đây, một số người thường xuyên “nhảy việc” không phải vì tìm thử thách mới hay để có môi trường làm việc tốt hơn mà bởi tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”.
(Người Việt lười hơn… – Trúc Giang)
4. Ví dụ thao tác lập luận so sánh
“Có một cậu bé vào tập việc trong một tiệm sửa xe đạp, có người khách đem đến một chiếc xe đạp hư, cậu bé không những sửa lại cho thật tốt, mà còn lau chùi cho chiếc xe cho sạch đẹp. Những người đang học việc khác cười nhạo cậu bé đã dại dột, đã chẳng được thêm chút tiền công nào lại còn tốn sức. Hai ngày sau, người khách trở lại, thấy chiếc xe đạp vừa tốt vừa đẹp như mới mua, cậu bé liền được người khách nhận đưa về hãng của ông ta để làm việc với mức lương cao. Hóa ra để thành đạt trong đời thật đơn giản, chỉ cần cố gắng chịu thiệt thòi một chút…
(Trích Mọi thứ đơn giản hơn chúng ta nghĩ – Cửa sổ tâm hồn Việt)
5. Ví dụ thao tác lập luận bình luận
“…Nguy hơn, thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi “nhắm mắt đưa chân”.
Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều. Mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!
Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa.
(Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng lẽ bó tay? – Trương Khắc Trà – Báo Dân trí 3/1/2016).
6. Ví dụ thao tác lập luận bác bỏ
Ví dụ 1
“Tôi không đồng ý với ý kiến của nhà Sử học Dương Trung Quốc rằng, nếu có doanh nghiệp trả lương 3.000 USD thì học sinh sẽ chăm học Sử. Lại có vị quan chức từng thoải mái nói rằng: “…nếu mà không biết (Sử ta ) thì… tra google”?
Học Sử không phải là để kiếm kế sinh nhai.
Học Sử không phải là để trang bị cho mình một kiến thức để dùng nó đi kiếm tiền.
Học Sử là để hiểu về những gì cha ông đã làm, hiểu về đất nước, về con người và hiểu về những giá trị mà con người hiện nay đang được hưởng. Học Sử còn là để hun đúc tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Những cái đó mang lại một giá trị vô cùng to lớn và tiềm ẩn trong mỗi con người, tất nhiên không thể tính được bằng tiền…”
(Học Sử để làm gì? – Như Thổ – Báo Tin nhanh Năng lượng mới, ngày 16/08/2011).
Ví dụ 2
Chỉ ra lỗi sai về logic trong lập luận dưới đây:
a. "Những người phiên dịch và giáo viên ngoại ngữ đều phải học ngoại ngữ. Tôi không phải là người phiên dịch, cũng không phải là giáo viên ngoại ngữ, cho nên tôi không học ngoại ngữ."
b. "Nếu hoạt động thể thao quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến học tập, còn nếu hoạt động thể thao quá ít lại ảnh hưởng không tốt đến thân thể. Như vậy nói chung là hoạt động thể thao quá nhiều hay quá ít đều không tốt đối với học tập và với thân thể."
Gợi ý làm bài:
- Lỗi sai trong các lập luận trên:
a. Lập luận sai, bởi: Đối tượng cần học ngoại ngữ không phải chỉ là người phiên dịch và giáo viên ngoại ngữ mà rộng hơn rất nhiều
b. Lập luận sai, bởi: Câu khái quát bỏ sót tính chất giả định (nếu) và tính điều kiện (nếu...thì) của từng vế cụ thể
Từ khóa » Những Thao Tác Lập Luận Chứng Minh
-
Thao Tác Lập Luận Chứng Minh Là Gì - DHCHOCUOCSONGTOTDEP
-
Các Thao Tác Lập Luận Trong Văn Nghị Luận | Luyện Dạng đọc Hiểu
-
Các Thao Tác Lập Luận Trong Văn Nghị Luận - CCBOOK
-
Bài 2: Các Thao Tác Lập Luận Chính
-
Thao Tác Lập Luận Chứng Minh
-
Thao Tác Lập Luận Chứng Minh Là Gì ? Yêu Cầu, Ví Dụ Của Thao Tác ...
-
Viết đoạn Văn Sử Dụng Thao Tác Lập Luận Chứng Minh - TopLoigiai
-
Các Thao Tác Lập Luận Trong Văn Nghị Luận
-
Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Thao Tác Lập Luận - SureTEST
-
Các Thao Tác Lập Luận Trong Văn Nghị Luận | Kiến Thức Văn Học Cơ Bản
-
Phép Lập Luận Chứng Minh Là Gì? - Thư Viện Hỏi Đáp
-
Các Thao Tác Lập Luận - Ngữ Văn 10 - Giáo Viên Việt Nam
-
Thao Tác Lập Luận Chứng Minh Là Gì
-
Thế Nào Là Thao Tác Lập Luận Chứng Minh?