Các Thủ Lĩnh, Tướng Quân Trong Cuộc Khởi ... - Dân Ta Phải Biết Sử Ta

1. LÊ LỢI (1428 - 1433). Niên hiệu: Thuận Thiên (1428-1433).

Lê Lợi sinh năm 1385 là con thứ ba của Lê Khoáng và Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa. Lê Lợi là người thông minh, dũng lược, đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn, tiếng nói như chuông.

Khi Lê Lợi 21 tuổi là lúc quân Minh sang xâm lược nước ta. Phải sống dưới ách thống trị tàn bạo của quân Minh và chứng kiến những cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại bang ở khắp nơi bị kẻ thù đàn áp khốc liệt, Lê Lợi với lòng yêu nước thương dân mãnh liệt, đã nuôi chí lớn đánh đuổi quân Minh, giải phóng đất nước.

Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt cùng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An,.. và các tướng văn, võ chính thức phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi dân Đại Việt đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh.

Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi và bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đánh đuổi hết quân Minh ra khỏi bờ cõi, khôi phục nền độc lập hoàn toàn cho đất nước.

Sau hội thề Đông Quan ngày 29-12-1427 tàn quân của giặc được phép rút về nước một cách an toàn. Ngày 3-1-1427 bóng dáng của quân Minh cuối cùng bị quét sạch khỏi bờ cõi. Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng.

Ngày 15-4-1428 Lê Lợi chính thức lên ngôi vua tại điện Kính Thiên, xưng là “Thuận Thiên thừa vận, Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương” đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội) đại xá thiên hạ, ban bố Bình Ngô đại cáo, đây chính là “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ hai của Tổ Quốc ta. Năm 1430 đổi Đông Đô thành Đông Kinh, Tây Đô (Lam Kinh - Thanh Hóa) thành Tây Kinh.

Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 năm 1433 hưởng thọ 49 tuổi, táng tại Vĩnh Lăng, Thanh Hóa, trị vì đất nước được 5 năm.

2. LÊ LAI.

Người làng Dựng Tú (nay thuộc xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Anh trai ông là Lê Lâm và ba con trai ông là Lư, Lộ, Lâm, đều tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu và đều là võ tướng quan trọng của Lê Lợi.

Tháng 5 năm 1419 quân Minh điên cuồng tập trung lực lượng bao vây ráo riết, quyết bắt cho được Lê Lợi ở núi Chí Linh. Trước tình hình ấy, Bình Định Vương Lê Lợi cho triệu tập các tướng sĩ lại. Có ý kiến đề nghị một trong những anh hùng hào kiệt có thể đóng giả Lê Lợi ra trận để phá vòng vây cho nghĩa quân. Người tự nguyện nhận công việc cao cả này là Lê Lai. Trước nghĩa cử của Lê Lai, Lê Lợi đành gạt nước mắt, cởi áo Hoàng bào mặc cho Lê Lai thay mình ra trận. Sau khi lạy tạ Bình Định Vương, Lê Lai điểm lấy 500 quân cảm tử và hai thớt voi chiến tức tốc lên đường tiến thẳng vào vòng vây giặc. Thấy Lê Lai, giặc tưởng là Lê Lợi dàn quân vây trận. Lê Lai cùng 500 dũng sĩ đã chiến đấu nhưng không phá nổi vòng vây. Giết xong Lê Lai quân giặc hí hửng rút quân về Tây Đô. Lê Lợi cùng lực lượng của nghĩa quân được bảo toàn và tiếp tục cuộc chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi, đã truy phong Lê Lai là công thần hạng nhất “Lũng Nhai công thần” hàm thiếu úy, Thụy là Toàn Nghĩa. Theo Hoàng Lê Ngọc phả có chép lời Lê Lợi dặn rằng “Sau khi ta mất, con cháu nên vì ta mà giỗ tổ Lê Lai trước ta một ngày” Từ đó trong dân gian lưu truyền “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.

Khi Lê Lai chết, Lê Lợi cho tìm xác ông về chôn ở Lam Sơn và tiến hành theo nghi lễ quốc táng, đồng thời cho lập đền thờ và khánh vị của ông luôn ở đó. Về sau các đời vua củng tỏ lòng tôn kính và nhớ ơn Lê Lai, đã phong cho ông các chức Bình chương Quân quân quốc trọng sự (đời vua Lê Anh Tông), Trung Túc Vương (đời vua Lê Thánh Tông). Đến đời Nguyễn liệt kê ông vào hàng khai quốc công thần đệ nhất triều Lê.

3. NGUYỄN TRÃI (1380- 1442).

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 quê ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Tây. Tổ Tiên ông vốn là người làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cha là Nguyễn Phi Khanh thái học sinh đời Trần. Ông ngoại là Tư đồ Trần Nguyên Đán, đại thần của triều Trần.

Nguyễn Trãi đỗ Tiến sĩ năm 1400, làm quan ngự sử dưới thời Hồ Quý Ly. Năm 1407 giặc Minh sang xâm lược nước ta, nhà Hồ mất, Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa về Trung Quốc. Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở thành Đông Quan (Hà Nội). Giặc Minh đã tìm cách mua chuộc và dụ dỗ nhưng ông đã từ chối. Đầu năm 1416 ông trốn về Thanh Hóa tham gia hội thề Lũng Nhai, cùng Lê Lợi tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn. Nguyễn Trãi từng dâng Lê Lợi bản “Bình Ngô sách” chỉ rõ con đường cứu nước với chủ trương “đánh vào lòng người”. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi phụ trách địch vận, ngụy vận, thay mặt Lê Lợi soạn thảo thư từ gửi cho triều Minh và các tướng lĩnh cả địch.

Khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi  thảo “Bình Ngô cáo”, tổng kết lịch sử giữ nước của 10 năm chiến đấu anh dũng và gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn, có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập, được người sau đánh giá là áng thiên cổ hùng văn”. Ông còn viết bài “Phú núi Chí Linh” ca ngợi tinh thần chịu đựng gian khổ, ý chí chiến đấu cứu nước, cứu dân của nghĩa quân Lam Sơn. Ngày thắng lợi ông được xem là bậc công thần, ban quốc tính, tước quan Phục hầu.

Vào những năm 1430-1431 ông xin về nghỉ ở Côn Sơn (Chí Linh - Hải Dương) dạy học. Năm 1433 Lê Lợi mất, ông được mời lại vào triều, giao soạn thảo văn bia Vĩnh Lăng. Khoảng cuối năm 1437 ông không được trọng dụng nên lại xin về Côn Sơn, thời kì này ông sáng tác nhiều thơ văn. Hiện còn một số bài được tập hợp trong “Ức Trai thi tập”.

Năm 1440 Lê Thái Tông mời ông ra làm quan và phục chức như cũ. Tuy tuổi đã cao, nhưng khi trở lại triều đình ông đã mang hết sức mình phục vụ đất nước. Ông soạn bộ “Dư địa chí” giúp mọi người hiểu rõ đại lý, nhân văn và các đạo, phủ trong cả nước.

Năm 1442 vua Thái Tông nhân đi duyệt binh ở Chí Linh có ghé qua Côn Sơn thăm ông, trên đường về kinh thành, vua nghỉ ở trại Vải (Bắc Ninh), có bà Nguyễn Thị Lộ, vợ Nguyễn Trãi theo hầu, vua bất ngờ qua đời. Bọn quyền thần vốn ghen ghét với ông, nhân cơ hội đó quy cho ông tội cùng vợ giết vua, kết án chu di ba họ. Cuộc đời của vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kết thúc oan nghiệt.

Hai mươi năm sau Lê Thánh Tông minh oan và phục chức cho ông, truy phong tước Tế Văn hầu. Nguyễn Trãi xứng đáng là anh hùng dân tộc, nhà văn học kiệt xuất, tài đức vẹn toàn.

4. NGUYỄN BIỂU ( - 1413). 

Nguyễn Biểu quê ở làng Bình Hồ tức Yên Hồ, huyện Chi La, lộ Nghệ An (nay là xã Đức Diên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đậu Thái học sinh vào cuối đời Trần. Khi giặc Minh đô hộ nước ta, ông theo Trần Quý Khoáng (trùng Quang Đế) đánh giặc.

Tháng 3 năm 1413 Trần Quý Khoáng sai Nguyễn Biểu sang điều đình với nhà Minh. Trương Phụ tướng của nhà Minh muốn uy hiếp tinh thần Nguyễn Biểu, đã sai quân dọn một bữa tiệc đặc biệt, bằng cách cho bê một mâm cỗ đặt trên chiếc sập gụ màu nâu sẫm, cạnh mâm là một nậm rượu và cái chén đặt ngay ngắn trên khay khảm xà cừ.Người lính hầu nhấc chiếc lồng bàn ra thì Nguyễn Biểu sửng sốt: một mâm cỗ quái đản và ghê tởm “Một chiếc đầu người của một người dân bất hạnh nào đó, đã được luộc chín”.

Không một chút do dự, Nguyễn Biểu ngồi xuống ung dung rót rượu, sau khi uống rượu khai vị, Nguyễn Biểu cầm đũa ngà moi đôi mắt chấm vào muối nuốt một cách ngon lành. Sau khi cạn chén rượu, Nguyễn Biểu cười kiêu hãnh nói một mình như nhắn bảo cho Trương Phụ biết Không mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc” rồi rung đùi ngâm bài thơ ứng khẩu.

“Ngọc thiệt chân tu đã đủ mùi

Gia hào có thêm cỗ đầu người

Nem công chả phượng còn chưa béo

Thịt gụ gan lân cũng kém tươi

Cá lối lộc Minh so cũng một

Vật bày thỏ thú bội hơn mười

Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn

Tráng sĩ như phàn tiếng để đời”

Nói xong Nguyễn Biểu buông đũa đứng dậy, quân hầu mang chuyện kể với Trương Phụ, Trương Phụ nể người có tài năng và khí phách nên đã lấy lễ đón tiếp và tiễn chân sứ giả ra về. Thế nhưng nghe lời tên Việt gian ton hót “Ngài muốn lấy nước Nam mà tha cho người ấy ra về thì sao mà xong việc được”. Trương Phụ nghe ra đã cho bắt Nguyễn Biểu lại. Ông đã chỉ thẳng vào mặt Trương Phụ mà quát mắng “Trong bụng toan tính việc đánh chiếm người ta, ngoài mặt lại phô trương nhân nghĩa, trước nói là lập con cháu họ Trần, bây giờ lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải lại còn giết hại nhân dân, bọn này thật là lũ giặc bạo ngược”.

Không khuất phục được Nguyễn Biểu, Trương Phụ ra lệnh giết Nguyễn Biểu. Nguyễn Biểu chết nhưng lòng yêu nước và hình ảnh lẫm liệt bất khuất của ông trước bọn giặc cướp nước hung bạo là tấm gương ngàn đời bất tử.

Từ khóa » Tiểu Sử Vị Anh Hùng Lê Lợi