Các Thư Viện Lớn Mà Những Gia đình Yêu Sách Hà Nội Cần Biết

5 thư viện lớn cho mọi đối tượng độc giả, bao gồm cả trẻ em

1. Thư viện Quốc gia Việt Nam

Địa chỉ:  Số 31 Tràng Thi – Phường Hàng Trống – Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội

Đây là thư viện rất phong phú các tài liệu phục vụ công tác học tập, nghiên cứu… Thư viện nằm trong không gian cây xanh khá yên tĩnh và thoáng mát, tạo cảm giác gần gũi cho người đọc. Bên trong là hệ thống sách phong phú thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu và đọc hiểu khác nhau. Sách được sắp xếp khá khoa học và dễ tìm. Không gian đọc sách yên tĩnh và khá đơn sơ. Thủ tục làm thẻ có thể thực hiện vào cả ngày thứ bảy.

Thư viện quốc gia
Thư viện quốc gia

Đặc biệt, hôm 16/11 vừa qua, Thư viện Quốc gia đã khai trương Thư viện Văn hóa Thiếu nhi Việt Nam – công trình kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc và 100 năm thành lập Thư viện Quốc gia Việt Nam. Nơi đây cung cấp khoảng 2000 đầu sách, tài liệu đọc bằng tiếng Hàn, tiếng Việt, tiếng Anh. Các bạn nhỏ không chỉ được đọc sách mà còn được trải nghiệm nhiều điều thú vị trong các không gian về âm nhạc, trò chơi, phòng chiếu phim.

Thư viện văn hóa thiếu nhi Việt Nam
Thư viện văn hóa thiếu nhi Việt Nam

Một số thông tin cần biết:

* Thời gian phục vụ:

– Mở cửa từ 8.00 – 20.00, từ Thứ 2 – Chủ nhật

– Mỗi tháng, thư viện sẽ nghỉ 1 ngày để làm công tác nội bộ. Ngày nghỉ sẽ được thông báo chính thức trên website và bảng thông báo.

* Thủ tục làm thẻ:
  • Mang theo Chứng minh thư hoặc Hộ chiếu (Không cần mang theo ảnh, ảnh sẽ được chụp trực tiếp khi đến làm thẻ).
  • Đối với cá nhân là người Việt Nam hoặc người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam: 120.000đ/thẻ/năm (12 tháng)
  • Đối với cán bộ hưu trí: 50.000đ/thẻ/năm (12 tháng)
  • Thẻ đọc dành cho Nhà nghiên cứu và Doanh nhân (thẻ vàng): Loại 1 năm: 120.000đ + 540.000đ lệ phí tham gia Câu lạc bộ Nhà nghiên cứu – Doanh Nhân
  • Thẻ Thư viện Văn hóa Thiếu nhi: 40.000đ/thẻ/năm (12 tháng) áp dụng cho trẻ từ 3 đến 13 tuổi. Cần mang theo giấy khai sinh để làm thẻ cặp với cha/mẹ (dành cho trẻ 3-5 tuổi) hoặc thẻ riêng (trẻ 6-13 tuổi).
  • Thời gian làm thẻ: Từ thứ 2 đến thứ 7, trong giờ hành chính, trừ ngày nghỉ lễ theo quy định.

2. Thư viện Hà Nội

Địa chỉ: Số 47 Bà Triệu, Quận Hoàn Kiếm và Số 2B Quang Trung, Quận Hà Đông

Đây là một trong những thư viện lớn và nổi tiếng nhất ở Hà Nội nằm trên đường Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm mà người yêu sách nhất định phải đến một lần. Do lịch sử hình thành khá sớm (từ năm 1956) mà độc giả có thể tìm thấy những bản sách cũ, quý hiếm mà nơi khác khó có được.

Thư viện có số đầu sách lên đến hơn 300.000 cuốn cùng hàng trăm loại báo, tạp chí, sách nghiên cứu và nhiều sách ngoại văn, sách cổ hiếm khác. Thư viện còn có hơn 2000 sách chữ nổi để phục vũ độc giả khiếm thị.

Bên cạnh đó, thư viện còn mở rộng diện tích phục vụ tối đa, sắp xếp không gian sách khoa học, xây dựng không gian phục vụ thân thiện phù hợp với độc giả thuộc mọi lứa tuổi.

Thư viện Hà Nội
Thư viện Hà Nội

Thư viện Hà Nội còn có mạng lưới các thư viện ở quận. Theo phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam, thư viện quận thường rơi vào tình cảnh khá đìu hiu, vắng vẻ, đặc biệt trong các dịp hè. Hai chị em Nguyễn Như Phương, lớp 7 và Nguyễn Tâm Tuệ, lớp 5, cho biết, thư viện quận Hoàng Mai rất ít độc giả, ít sách thiếu nhi hơn so với thư viện Hà Nội. Các em cũng không có bạn đọc chung nên buồn, không còn muốn tới thư viện nữa. Không chỉ vắng độc giả như thư viện quận Hoàng Mai, thư viện quận Đống Đa còn đang ở trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp và buộc phải đóng cửa. Chị Nguyễn Hồng Nhung, cán bộ thư viện quận Đống Đa giải thích: Trần bị ngấm, rất nguy hiểm cho độc giả nên thư viện buộc phải đóng cửa sửa chữa. Vậy nên, lựa chọn của nhiều ban đọc, nhất là bạn đọc hỏ tuổi vẫn là Thư viện Hà Nội hoặc Thư viện Thiếu nhi thuộc Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Địa chỉ cụ thể của các thư viện Quận/Huyện trực thuộc Thư viện Hà Nội, bạn có thể tham khảo tại đây.

Một số thông tin cần biết:

Thời gian phục vụ:
  • Sáng: 08h00 – 12h00
  • Chiều: 13h30 – 17h00
  • Áp dụng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần
  • Với các ngày trong tuần – từ thứ 2 đến thứ 6 – phòng Đọc Mở và Phòng Mượn người lớn làm việc liên tục từ 8.00 đến 17.00.
  • Chiều thứ 5 của tuần thứ nhất và tuần thứ ba hàng tháng, thư viện nghỉ vệ sinh kho sách.
Thủ tục làm thẻ:
  • Đối tượng người lớn: Từ 15 tuổi trở lên đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội.

> Thẻ đọc (Dùng cho bạn đọc đọc sách tại chỗ).

– Thủ tục: CMT nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.

– Phí làm thẻ: 20.000đ/ thẻ/ năm; 8.000đ/ thẻ/ quý.

– Tiền làm thẻ cứng: 20.000đ/ thẻ.

> Thẻ mượn (Dùng cho bạn đọc mượn sách về nhà).

* Thủ tục: CMT nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu; Hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc giấy xác nhận tạm trú có thời hạn ít nhất 1 năm (trường hợp bạn đọc không có CMTND do Công an Hà Nội cấp).

– Phí làm thẻ: 20.000đ/ thẻ/ năm; 8.000đ/ thẻ/quý.

– Tiền làm thẻ cứng: 20.000đ/ thẻ.

– Tiền cược sách: 100.000đ/ thẻ/ năm.

> Thẻ mượn – đọc(Dùng cho bạn đọc đọc sách tại chỗ và mượn sách về nhà).

* Thủ tục: CMT nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu; Hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc giấy xác nhận tạm trú có thời hạn ít nhất 1 năm (trường hợp bạn đọc không có CMTND do Công an Hà Nội cấp).

– Phí làm thẻ: 40.000đ/ thẻ/ năm; 16.000đ /thẻ/ quý.

– Tiền làm thẻ cứng: 20.000đ/ thẻ.

– Tiền cược sách: 100.000đ/ thẻ/ năm.

  • Đối tượng trẻ em: Trẻ em dưới 15 tuổi

– Thủ tụcSổ hộ khẩu (bản photo)

– Phí làm thẻ mượn – đọc: 20.000đ/ thẻ/ năm; 8.000đ/ thẻ/ quý.

– Tiền làm thẻ cứng: 20.000đ/ thẻ.

– Tiền cược sách: 30.000đ/ thẻ/ năm.

3. Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia

Địa chỉ: Số 24-26 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nếu là người yêu thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử hay một vấn đề được trình bày kỹ càng như cấp độ nghiên cứu thì bạn không nên bỏ qua thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Như vậy, thư viện thích hợp cho đối tượng là sinh viên trở lên.

Qua hơn 100 năm thành lập (từ năm 1901), với nhiều lần đổi tên, sáp nhập…, đến nay thư viện có tổng cộng hơn 500.000 đầu sách và vẫn tiếp tục được cập nhật thường xuyên với đủ các lĩnh vực về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội… Đặc biệt, thư viện lưu trữ rất nhiều sách cổ, quý giá về văn hóa người Việt cổ, sách ảnh Việt Nam cũ…

Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia
Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia

Phí đăng ký sử dụng và khai thác dịch vụ:

  • Gói dịch vụ dành cho sinh viên : STD, KQNC (50.000 đ/năm/sinh viên)
  • Gói dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh : STD, KQNC, ProQuest Central (100.000 đ/năm/account)
  • Gói dành cho cán bộ nghiên cứu : Mọi CSDL trừ ScienceDirect (300.000 đ/năm/account)
  • Gói đặc biệt : Mọi CSDL bao gồm cả ScienceDirect (500.000 đ/năm/account)

4. Thư viện truyện tranh Asianbeat

Địa chỉ: Tầng 6, 329 – 331 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Nếu là tín đồ của văn hóa Nhật Bản với các tập truyện manga hấp dẫn thì đây chính là địa điểm bạn không thể bỏ qua. Mặc dù mở cửa từ tháng 1 năm 2015 với hình thức đọc sách miễn phí nhưng Asianbeat lại vô cùng chú ý đến chất lượng với hơn 500 tạp chí, truyện tranh các loại. Chắc rằng không gian thoáng đãng, cách bài trí ấn tượng và đầy đủ tiện nghi sẽ là điểm đến lý tưởng cho bạn.

Thư viện truyện tranh Asianbeat
Thư viện truyện tranh Asianbeat

Thời gian phục vụ: 3 buổi/tuần

  • Thứ 3: 08:30 – 11:30
  • Thứ 5: 13:30 – 16:30
  • Thứ : 08:30 – 11:30

5. Thư viện Bfree

Địa chỉ: Tầng 2, 12/36 Duy Tân, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; số 4N5, ngõ 400 đường Xuân La, Quận Tây Hồ, Hà Nội.

Thư viện Bfree được thành lập năm 2014 nhằm truyền bá và nâng cao văn hóa đọc cho giới trẻ. Có thể bạn chưa biết nguồn sách ở đây chủ yếu được đóng góp hoặc quyên tặng. Chính vì vậy bạn có thể tìm kiếm nhiều nguồn sách ở đây. Không gian tại Bfree tương đối thoải mái và dễ chịu. Bạn có thể thoải mái đọc và mượn sách về nhà mà không cần trả bất cứ khoản phí nào.

Thời gian phục vụ: 9h00 đến 19h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần.

Thư viện Bfree
Thư viện Bfree

4 thư viện lý tưởng dành cho dân học ngoại ngữ ở Hà Nội

6. Thư viện Viện Goethe

Địa chỉ: 56-58 Nguyễn Thái Học, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình

Đây là địa chỉ thư viện khá được bạn trẻ Hà Nội yêu thích vì không gian vừa hiện đại, sang trọng mà vừa ấm cúng mà thư viện mang lại. Tương tự như thư viện Idecaf ở Sài Gòn, thư viện Goethe dành cho những ai yêu thích và tìm hiểu văn hóa Đức với hàng ngàn đầu sách tiếng Đức, các phương tiện phục vụ nghe nhìn,… Các tài liệu ở đây phục vụ cho việc học tiếng Đức từ cơ bản đến nâng cao và bao gồm tất cả mọi lĩnh vực như đời sống chính trị, văn hoá, xã hội của nước Đức. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm thấy những cuốn sách văn học nổi tiếng đạt giải Nobel ở đây.

Ngoài ra, thư viện còn có không gian dành riêng cho việc học nhóm hay không gian trà nước, thư giãn được thiết kế cực kì đẹp phía ngoài. Với chi phí là 250.000 đồng một năm, người đọc có thể thoải mái sử dụng thư viện.

Thư viện Viện Goethe
Thư viện Viện Goethe

Một số thông tin cần biết:

* Thời gian phục vụ:
  • Thứ 2 – thứ 6 | 9h00 – 12h00 và 13h00 – 17h30
  • Thứ 7 | 9h00 – 12h00 và 13h00 – 17h00
* Thủ tục làm thẻ:

– Đối với học viên viện Goethe Hà Nội: thẻ học viên cũng là thẻ thư viện và có giá trị đến khi kết thúc khóa học. (Lưu ý: phải dán ảnh và có dấu giáp lai của phòng ngôn ngữ viện Goethe Hà Nội mới có thể sử dụng trong thư viện).

– Đối với bạn đọc bên ngoài: ngoài khoản hội phí hội viên phải đóng, các bạn cần trình những giấy tờ sau:

  • Chứng minh thư hoặc hộ chiếu
  • 1 ảnh cỡ 4×6
  • Người dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người bảo trợ bảo lãnh khi làm thẻ.

– Trường hợp mất thẻ hay thay đổi địa chỉ cư thú phải thông báo ngay cho thư viện viện Goethe Hà Nội.

– Thẻ thư viện viện Goethe có giá trị 1 năm. Bạn đọc được phép mượn tối đa 4 đơn vị tài liệu trong 1 lần mượn.

– Phí làm thẻ:

  1. Phí hội viên: 250.000 VND/ năm
  • Phí cấp lại thẻ: 50.000 VND/ thẻ
  • Mức phạt trả muộn tài liệu: 10.000 VND/ ngày cho mỗi tài liệu

7. Thư viện Japan Foundation

Địa chỉ: Thuộc khuôn viên Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Số 27 Quang Trung, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thư viện này “đặc sệt” Nhật Bản ngay từ kiến trúc và bài trí đồ đạc. Mọi thứ đều nhỏ, gọn và rất quy củ. Vì lượng bạn đọc tiếng Nhật không thực sự nhiều, nên thư viện cũng không quá đông.

Bên cạnh các đầu sách về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Nhật Bản như nghệ thuật đương đại, kiến trúc, thiết kế hình ảnh… rồi các loại từ điển sách bài tập về ngữ pháp, thành ngữ, ở Japan Foundation còn có một kệ với toàn những bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản bằng tiếng Việt để phục vụ bạn đọc. Các tạp chí mới nhất của Nhật cũng được cập nhật rất đầy đủ trong một phòng riêng – có thể xem khu này như một quán cafe thu nhỏ.

Tương tự như viện Goethe, Japan Foundation cũng có một khu riêng được trang bị tivi, tai nghe và những đĩa DVD gồm phim truyền hình, âm nhạc, phim hoạt hình phụ đề bằng tiếng Anh cho các bạn đọc có thể giải trí và học tiếng Nhật bằng hình thức trực quan hơn.

Thư viện Japan Foundation
Thư viện Japan Foundation

Một số thông tin cần biết:

* Thời gian phục vụ:
  • Giờ mở cửa: 09:30 – 12:00/13:00 – 18:00 – từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
  • Đóng cửa: Chủ Nhật, thứ Hai, và các ngày nghỉ lễ
* Thủ tục làm thẻ
  • Đối tượng đăng ký:

– Công dân Việt Nam từ 16 tuổi trở lên

– Người nước ngoài 16 tuổi trở lên đang cư trú tại Việt Nam với thời hạn không dưới 6 tháng

* Trường hợp bạn đọc dưới 16 tuổi muốn làm thẻ yêu cầu có đầy đủ các giấy tờ tuỳ thân thay thế như hộ chiếu hoặc thẻ học sinh của bản thân hoặc chứng minh thư/hộ chiếu của người giám hộ hợp pháp; đối với bạn đọc người Việt Nam cần thêm giấy đồng ý cho làm thẻ thư viện của phụ huynh. 

  • Thủ tục đăng ký:

Bạn hãy điền thông tin vào mẫu đăng ký làm thẻ do thư viện cấp và nộp cho thủ thư cùng những giấy tờ sau:

– 1 bản photo CMTND / Hộ chiếu và chứng nhận cư trú tại Việt Nam (hoặc các giấy tờ tuỳ thân thay thế đối với độc giả dưới 16 tuổi như đề cập ở trên)

* Mang theo bản gốc để đối chiếu

– 2 ảnh 2x3cm (Ảnh không quá 6 tháng gần nhất)

  •  Phí làm thẻ: 260.000 VNĐ/năm

– Phí làm thẻ: 60.000 VNĐ/ năm (không hoàn trả)

– Phí bảo đảm: 200.000 VNĐ (sẽ được hoàn trả khi độc giả huỷ thẻ thành viên)

  • Thời hạn thẻ thư viện:

Mỗi thẻ thư viện có giá trị 1 năm, vì vậy, đề nghị thành viên đăng ký gia hạn thẻ sau 1 năm sử dụng. Nếu không đăng ký, mã thẻ của thành viên đó sẽ bị xóa khỏi hệ thống quản lý thành viên mà không được báo trước. Để tiếp tục trở thành thành viên, bạn cần phải đăng ký gia hạn thẻ.

– Phí gia hạn thẻ: 60.000 VNĐ/ năm

  • Trường hợp mất thẻ:

– Cần nhanh chóng thông báo cho thủ thư và làm thủ tục làm lại thẻ.

– Phí làm lại thẻ: 5000 VNĐ/lần

8. Trung tâm văn hoá Hàn Quốc

Địa chỉ: Số 49 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điều có thể dễ dàng tìm thấy nhất ở thư viện của Trung tâm văn hoá Hàn Quốc là sách và DVD về điện ảnh, văn hoá nghệ thuật của Hàn bên cạnh những cuốn giáo trình, truyện tranh, sách truyện Hàn Quốc. Tuy không phong phú nhiều thể loại sách như những thư viện kể trên, nhưng bù lại, khu đọc sách ở đây lại rất rộng rãi và thoáng đãng với rất nhiều bàn ghế cùng dãy cửa kính nhìn ra vườn khá lãng mạn.

Đến với thư viện của Trung tâm văn hoá Hàn Quốc bạn cũng sẽ có dịp hiểu hơn về những nét văn hoá của xứ sở kim chi khi đi vào phòng triển lãm (ngay cạnh thư viện). Những bức tranh tinh tế về văn hoá, ẩm thực xứ Hàn được trưng bày ở đây cũng chính là điểm cuốn hút các bạn học sinh mỗi khi ghé qua thư viện để học bài.

Thư viện Trung tâm văn hoá Hàn Quốc
Trung tâm văn hoá Hàn Quốc

Một số thông tin cần biết:

* Thời gian phục vụ: Thứ 2 đến thứ 7: 9h-12h và 13h-17h
* Thủ tục làm thẻ:

– Theo thông tin đăng vào tháng 5/2007 trên website của Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc, thủ tục để trở thành hội viên của Trung tâm là 2 ảnh 3×4, 01 bản copy chứng minh thư, và khi đến làm bạn mang theo chứng minh thư gốc để đối chiếu. Ngoài ra, bạn không phải làm thêm bất kỳ một thủ tục hay trả một khoản phí hàng năm nào khác.

– Theo thông tin trả lời bạn đọc vào năm 2014, khi đến với Trung tâm, bạn chỉ cần mang theo chứng minh thư của mình là bạn có thể sử dụng bất kỳ một dịch vụ hay trang thiết bị nào như xem phim Hàn Quốc với tiếng bản ngữ hoặc phụ đề tiếng Anh, đọc sách và truyện tiếng Hàn, truy cập internet, v.v..

– Bạn cũng có thể mượn đĩa và sách tại thư viện mang về nhà với chỉ một khoản phí trị giá 200.000 VND/năm và xuất trình thẻ hội viên khi mượn.

9. Thư viện Hoa Kỳ (American Center)

Địa chỉ: Tầng 1, tòa nhà Vườn Hồng (Rose Garden), 170 Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội

Đây là thư viện được tài trợ bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ, thế nên đi kèm với những trang thiết bị siêu đầy đủ và hiện đại thì việc bảo đảm an ninh cũng sẽ được ưu tiên hàng đầu. Lúc tới đây bạn nhớ mang theo chứng minh thư hoặc thẻ sinh viên, bộ phận bảo vệ sẽ có kiểm tra một chút trước khi bạn được vào trong. Những thứ bạn được mang vào là laptop, vở, nháp…; đặc biệt ở đây không được mang sách in vào.

Nơi đây thực sự là một thư viện sách khổng lồ với hơn 4000 đầu sách và tạp chí định kỳ với nhiều thể loại khác nhau, ví dụ như sách tổng hợp; sách dành cho mục đích giải trí với truyện, tiểu thuyết tiếng Anh; sách dành cho luyện thi chứng chỉ quốc tế như TOEIC, IELTS, TOFEL; sách chính trị, kinh tế, luật pháp… Tất cả đều có đủ để phục vụ nhu cầu đọc của các bạn.

Phòng thực hành tiếng Anh với 9 chiếc máy tính cài sẵn các thể loại phim tiếng anh, các bài luyện nghe phong phú, chất lượng. Đi cùng với đó là 16 chiếc iPad được trang bị rất nhiều sách điện tử bằng cả tiếng anh lẫn tiếng Việt, các ứng dụng và trò chơi để học tiếng Anh.

Thư viện Hoa Kỳ (American Center)
Thư viện Hoa Kỳ (American Center)

Một số thông tin cần biết:

* Thời gian phục vụ:

  • Thứ 2: 13:00 – 19:00;
  • Thứ 3 – Thứ 5: 8:00 -18:00;
  • Thứ 4 – Thứ 6: 8:00 -19:00;
  • Trung tâm đóng cửa vào thứ bẩy, chủ nhật và các ngày nghỉ của Mỹ và Việt Nam.

* Thủ tục làm thẻ:

Bạn sẽ phải điền thông tin vào mẫu đơn điện tử tại đây.

Sau đó, Trung tâm Hoa Kỳ sẽ gửi thông báo thời gian lấy thẻ cho bạn. Nếu không lấy đúng thời hạn, thẻ của bạn sẽ bị tiêu huỷ và phải làm lại.

>> Xem thêm: 5 thư viện sách tiếng Anh online lớn nhất cho trẻ em

BTV CTH Tổng hợp

Từ khóa » Thư Viện Bfree Duy Tân