Các Tiêu Chí đánh Giá Kết Quả Xây Dựng Nông Thôn Mới Và Vấn đề đặt ...

1. Xây dựng nông thôn mới và tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới

Nông thôn mới là sự cải biến bộ mặt nông thôn dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị, thành tựu tiến bộ, xây dựng các giá trị mới phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng các tiêu chí đã đề ra. Phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định: “Xây dựng hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng các làng, xã, ấp, bản có cuộc sống ấm no, văn minh, sạch đẹp, gắn với việc hình thành các khu dân dư đô thị hóa. Phát huy dân chủ, xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội ở nông thôn”(1).

Tiếp đó, ngày 05/8/2008, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa X đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Và đến ngày 28/10/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đề ra Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ. Đây là chương trình mang tính tổng hợp, sâu rộng, toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Về kinh tế, xây dựng nông thôn mới góp phần cải thiện tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân tại khu vực nông thôn Việt Nam. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng nông sản, cơ giới hóa trong sản xuất, tiến hành phát triển các sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là hướng tới sản phẩm xuất khẩu. Từ đó, cải thiện thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, thu hút nguồn vốn đầu tư vào khu vực này, đồng thời tăng cường sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Nâng cao chất lượng và trình độ lao động khu vực nông thôn, tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Về văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng và đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, cứng hóa giao thông nông thôn và đường nội đồng. Cải tạo và xây dựng công trình thủy lợi phục vụ cho việc tưới tiêu. Cải tạo các công trình công cộng như: trường học, trạm xá, điểm cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải, điện lưới quốc gia...; nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ theo hướng bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao hiểu biết của người dân về các vấn đề chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường…

Về chính trị, an ninh, quốc phòng, xây dựng nông thôn mới nhằm ổn định tình hình chính trị ở khu vực nông thôn. Nâng cao năng lực hoạch định và thực thi chính sách của cán bộ cấp cơ sở. Đảm bảo trật tự và an toàn xã hội, đặc biệt là những vùng nông thôn có vị trí địa lý quan trọng như biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Về hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nông thôn mới góp phần triển khai và quy hoạch cụ thể, đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm 06 nhóm nội dung: quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa - giáo dục; cải thiện an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội nông thôn.

2. Kết quả xây dựng nông thôn mới qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện

Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 16/4/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Bộ tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở đúc rút các bài học kinh nghiệm từ một số chương trình thí điểm nông thôn mới, có sự tham gia nghiên cứu, đóng góp của các nhà khoa học, các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương. Bộ tiêu chí là căn cứ để xây dựng nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; là cơ sở để các địa phương lập quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới ở các xã; chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tổ chức thi đua giữa các địa phương; kiểm tra, đánh giá công nhận xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, thực tiễn những năm đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho thấy, có một số tiêu chí không phù hợp với thực tiễn, không mang tính đặc thù của các vùng, miền như: miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên; một số nội dung, chỉ tiêu gây khó khăn cho vận dụng trong chỉ đạo thực hiện và đánh giá xã đạt chuẩn ở các địa phương. Vì vậy, đến ngày 20/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 342/QĐ-TTg sửa đổi, điều chỉnh 05/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành theo Quyết định số 491/QĐ-TTg.

Năm 2016, trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và để triển khai các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020(2). Theo đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới có 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu(3), trong đó có 13 chỉ tiêu thuộc 06 tiêu chí phân cấp cho cấp tỉnh quy định việc áp dụng cụ thể đối với các nhóm xã để phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của người dân, đặc điểm văn hóa của từng dân tộc.

Thực tế cho thấy, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương đã lúng túng vì chưa xác định được nội dung thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo. Do đó, ngày 08/02/2018 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 1345/BNN-VPĐP hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020. Trên cơ sở nội dung định hướng nâng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để các địa phương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện, xét, công nhận, công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ngày 05/6/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 691/QĐ-TTg ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020, quy định: xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định và đáp ứng 04 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: 1) Sản xuất - thu nhập- hộ nghèo; 2) Giáo dục - y tế - văn hóa; 3) Môi trường; 4) An ninh trật tự - hành chính công. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh lựa chọn loại hình xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội nhất trong các nhóm tiêu chí để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Trên cơ sở đó, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khẩn trương rà soát, đánh giá, cụ thể hóa các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới được phân cấp, ban hành quyết định về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 áp dụng trên địa bàn. Một số tỉnh thực hiện phân loại các nhóm xã theo điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khác nhau để có các định mức đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù, chất lượng của các tiêu chí đạt chuẩn so với quy định chung áp dụng đối với từng vùng. Đặc biệt, một số địa phương còn bổ sung các tiêu chí của tỉnh hoặc nâng cao hơn định mức đạt chuẩn theo quy định của Trung ương(4).

Tính đến tháng 8/2019, cả nước có 4.522/ 8.902 xã (50,8%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 15,26 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 05 tiêu chí; còn 1.276 xã (14,3%) dưới 10 tiêu chí. Trong đó: 04 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, TP Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương); 06 tỉnh/thành phố có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Hà Nam, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Ninh; 04 tỉnh/thành phố có 75-89% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh/thành phố có 50-75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25 tỉnh/thành phố có từ 30% đến dưới 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh có dưới 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới(5).

Quá trình triển khai thực hiện cho thấy, các địa phương đã xác định được mục tiêu phấn đấu cụ thể, rõ ràng, phù hợp với khả năng thực hiện và dành sự quan tâm hài hòa trên các lĩnh vực. Kết quả xây dựng nông thôn mới phản ánh qua Bộ tiêu chí cho thấy những chuyển biến của Chương trình, đồng thời giúp nhận diện được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, thực hiện để có những đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm xây dựng cơ chế, chính sách, cách làm phù hợp, hiệu quả hơn. Việc tích hợp các mục tiêu, nhiệm vụ có liên quan vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã giúp các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác theo dõi, đánh giá và tổ chức thực hiện, đặc biệt là gắn xây dựng nông thôn mới với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào tiêu chí nông thôn mới.

3. Một số hạn chế và những giải pháp khắc phục

3.1. Những hạn chế

Ngoài những thành tựu rõ rệt, quá trình xây dựng nông thôn mới cho thấy còn xuất hiện những khó khăn trong quản lý và giám sát, đo lường do một số hạn chế từ Bộ tiêu chí đánh giá kết quả, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, tiêu chí nông thôn mới chưa thực sự phù hợp với một số vùng, miền do đặc thù về tự nhiên và kinh tế - xã hội.

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg được phân theo 07 vùng sinh thái, trong khi đó ngay trong nội vùng, nội tỉnh cũng có sự khác biệt rất lớn về điều kiện tự nhiên giữa các địa bàn miền núi, đồng bằng, ven biển và hải đảo; hoặc sự khác biệt về kinh tế - xã hội giữa vùng ven đô, vùng dân tộc thiểu số, khu vực làng nghề, vùng thuần nông, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn… Có những tiêu chí dễ hoàn thành như tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên và có tiêu chí khó hoàn thành như tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Đặc biệt, nội dung và định mức quy định đạt chuẩn chưa hài hòa giữa các tiêu chí, nên tiêu chí nông thôn mới chỉ là công cụ đánh giá kết quả thực hiện của từng địa phương mà chưa trở thành thước đo đánh giá thực trạng phát triển nông thôn nói chung.

Hai là, tiêu chí nông thôn mới chưa gắn liền với tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững theo Quyết định số 622/ QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm 17 nhóm mục tiêu lớn, với 158 chỉ tiêu cụ thể. Tuy một số nội dung về biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, bình đẳng giới đã được quan tâm lồng ghép vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nhưng còn nhiều nội dung liên quan đến các cam kết của Việt Nam về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chưa được tích hợp. Với địa bàn nông thôn rộng và phần lớn dân cư sống ở nông thôn, cần nghiên cứu để lồng ghép thêm các mục tiêu phát triển bền vững với các tiêu chí nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững chung của cả nước.

Ba là, chưa có tiêu chí cụ thể đánh giá yếu tố con người - chủ thể xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, Bộ tiêu chí có 19 tiêu chí và 49 chỉ tiêu, nhưng yếu tố con người trong xây dựng nông thôn mới chưa được cụ thể mà chỉ lồng ghép với các tiêu chí khác. Mặc dù có các tiêu chí hộ gia đình văn hóa và tiêu chí gia đình“5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới trong hướng dẫn thực hiện (tiêu chí số 16 về văn hóa và tiêu chí số 17 về môi trường); các quy định được địa phương cụ thể hóa thành một số tiêu chí, nhưng mới chỉ bám theo một số định mức cơ bản, tập trung vào một hoặc một vài chủ đề nhất định. Điều đó dẫn tới tính hình thức như tỷ lệ hộ đạt tiêu chí rất cao nhưng chưa tạo ra những điển hình nổi bật, toàn diện để làm kiểu mẫu cho các hộ khác học tập và làm theo. Đồng thời, còn có sự trùng lặp về chỉ tiêu đánh giá nên phải tổ chức nhiều hoạt động đánh giá và dẫn đến tình trạng một hộ gia đình có thể nhận được nhiều chứng nhận như gia đình văn hóa, gia đình thể thao, gia đình hiếu học, gia đình “5 không, 3 sạch”, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; cách thức bình xét chưa có chuẩn thống nhất. Vì vậy, yếu tố con người cần được phản ánh trong Bộ tiêu chí ở khía cạnh vai trò chủ thể của người dân, sự tham gia đóng góp của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, của tổ chức nhỏ nhất là hộ gia đình nông thôn.

3.2. Các giải pháp khắc phục

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí đánh giá nhằm tạo chuẩn đo lường kết quả theo hướng sau:

Thứ nhất, về cấu trúc: cần hình thành hai cấp độ là tiêu chí và chỉ số/chỉ tiêu cụ thể hóa tiêu chí gắn với mục tiêu đã xác định. Trong đó, mỗi nội dung/mặt/lĩnh vực của nông thôn mới cần có một hay một nhóm tiêu chí thể hiện được những yếu tố cơ bản nhất, quan trọng nhất, đại diện cho nội dung của nông thôn mới, phản ánh được nội dung, chất lượng, đầu vào, đầu ra... Mỗi tiêu chí cần chi tiết hóa thành một hay một số chỉ tiêu cụ thể có tính độc lập nhất định, có thể lượng hóa được một cách hợp lý để thuận tiện cho đánh giá. Các chỉ tiêu, nội dung, định mức… của tiêu chí nông thôn mới phải phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021-2030. Cần lồng ghép hữu cơ giữa các nhóm tiêu chí lượng và chất.

Đối với các tiêu chí chỉ là đo đếm kết quả thực hiện, thiên về mặt lượng, chưa phản ánh sâu về chất (như tiêu chí về giao thông, điện, thông tin truyền thông, cơ sở vật chất y tế, số hộ gia đình văn hóa) xem xét lồng ghép hợp lý một số tiêu chí vào các tiêu chí đánh giá tác động tương ứng để khắc phục tính định lượng đơn thuần, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu và chất lượng nông thôn mới. Ngược lại, đối với các tiêu chí đánh giá tác động, như tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, đời sống văn hóa, cần áp dụng các chỉ tiêu định lượng hợp lý để thuận tiện cho đánh giá kết quả, tránh để Bộ tiêu chí tập trung vào số lượng hơn chất lượng. Từ đó, tiếp tục phân cấp các nhóm tiêu chí theo 3 mức: đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu.

Thứ hai, về tính đặc thù: Bộ tiêu chí cần được phân cấp cho các bộ, ngành xác định các chỉ tiêu thành phần của các tiêu chí thuộc lĩnh vực chuyên ngành quản lý; xác định giá trị định lượng của các chỉ tiêu đó; hướng dẫn thực hiện, đánh giá và công nhận đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, mỗi chỉ tiêu cần được lượng hóa một cách khác biệt cho từng vùng, miền, địa phương. Bộ tiêu chí cần được phân cấp một cách tối đa, mỗi địa phương, tỉnh, thành phố được phép xác định cụ thể giá trị định lượng cho một số chỉ tiêu mà việc đạt được phụ thuộc nhiều vào điều kiện cụ thể ở các địa phương nhưng không thấp hơn so với quy định chung... Chính yêu cầu này sẽ tạo điều kiện cho sự chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Bộ tiêu chí cũng cần được phân ra thành các nhóm tiêu chí cứng (bắt buộc phải thực hiện) và nhóm tiêu chí mềm (được vận dụng theo thứ tự ưu tiên của địa phương, được điều chỉnh mức định lượng, chất lượng cho phù hợp), phải trở thành công cụ đánh giá những chuyển biến nổi bật, những hạn chế trong các lĩnh vực của phát triển nông thôn.

Thứ ba, về tính khả thi: tiêu chí đánh giá cần sát với thực tiễn, tránh quá sức với nhiều địa phương. Cần hướng mạnh hơn đến nhu cầu của người dân, không hạ thấp chuẩn theo cách không hợp lý, đảm bảo thực chất trong đánh giá. Đồng thời, đảm bảo sự linh hoạt của các tiêu chí: trong tiêu chí cứng có chỉ tiêu mềm, trong tiêu chí mềm có chỉ tiêu cứng, tạo điều kiện chủ động hơn cho địa phương, mà vẫn giữ được khung khổ chất lượng cần thiết của quy định về chuẩn nông thôn mới. Các tiêu chí này nên có sự điều chỉnh về chỉ tiêu phấn đấu theo vùng, miền, địa bàn để đảm bảo tính phù hợp, thiết thực, tránh lãng phí, có hiệu quả sử dụng tốt. Đây là cơ sở để phân bổ nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho phù hợp, đảm bảo thiết thực, công bằng đối với các vùng khó khăn. Đồng thời, cần đưa yếu tố người dân thông qua đo lường sự hài lòng của người dân thành tiêu chí đánh giá, được xem xét định kỳ chứ không chỉ xét khi công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới./.

----------------------------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.195-196.

(2) Thay thế Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013.

(3) Tăng 10 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

(4) Tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh…

(5) Nguồn: Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Bích, “Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau hai mươi năm đổi mới - quá khứ và hiện tại”, Nxb CTQG, H.2000.

2. Chính phủ, Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 “Về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

4. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 22/QĐ-TT ngày 05/01/2010 Quyết định phê duyệt đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.

5. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/06/2010 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

TS Đào Thị Thanh Thủy, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Hoàng Lâm, Tạp chí Tổ chức nhà nước

tcnn.vn

Từ khóa » Các Tiêu Chí Xây Dựng Nông Thôn Mới Là Gì