Các Tỉnh Miền Trung Tập Trung Lực Lượng Phòng, Chống Thiên Tai
Có thể bạn quan tâm
Ðến ngày 8-11, bão di chuyển theo hướng tây, sau đó có khả năng đổi hướng theo hướng tây nam, mỗi giờ đi được 25 đến 30 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ). Ðến ngày 9-11, vị trí tâm ATNÐ ở khoảng 18,0 độ vĩ bắc (ngoài khơi vùng biển Quảng Bình); 112,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 130 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.
★ Do ảnh hưởng của ATNÐ suy yếu từ cơn bão số 10, các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Ðịnh đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150 đến 300 mm. Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Sáng 6-11, khi đi vào sát bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, ATNÐ đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng tây và tan dần. Ðây là tin cuối cùng về cơn bão số 10.
★ Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia nhận định, trong 10 ngày tới, ngoài cơn bão Atsani, trên khu vực Biển Ðông và đất liền các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên có nhiều khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai. Cụ thể: Khoảng ngày 8-11, khả năng có một áp thấp nhiệt đới / bão đi vào Biển Ðông, dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền các tỉnh ven biển trung và Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 10 đến 11-11; khoảng ngày 12 đến 13-11, trên Biển Ðông có thể xuất hiện một cơn bão/ ATNÐ tiếp theo hướng về đất liền nước ta; từ ngày 9 đến 12-11, ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh Trung Bộ sẽ còn phức tạp và có thể kéo dài tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của ATNÐ /bão.
★ Ngày 6-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã ban hành Văn bản số 489/VPTT gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên chủ động ứng phó bão Atsani. Theo đó, yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi, cập nhật diễn biến bão; thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
★ Ngày 6-11, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT tổ chức họp ứng phó với ATNÐ suy yếu từ bão số 10. Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lưu ý tình hình mưa tại khu vực miền trung và Tây Nguyên để chủ động ứng phó, nhất là các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi... nơi đã chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ và hoàn lưu bão số 9 vừa qua...
★ Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến chiều 6-11, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà bị ngập, có nhà bị ngập sâu đến 1,5 m. Nước lũ dâng cao, gây ngập cục bộ một số nơi đã làm một người chết tại xã Ðức Hiệp, huyện Mộ Ðức và một người mất tích tại xã Bình Chương, huyện Bình Sơn. Tỉnh đã sơ tán tổng cộng 2.381 hộ với 9.495 người nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất. Thị xã Ðức Phổ, huyện Trà Bồng đã tổ chức di dời, sơ tán một số hộ dân đến nơi an toàn…
★ Ngày 6-11, tỉnh Quảng Nam có mưa rất lớn, nhất là các địa phương vùng núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn... Tại huyện Bắc Trà My, mưa lớn đã khiến tuyến quốc lộ 40B đoạn qua khu vực ngầm sông Trường (xã Trà Sơn) bị ngập nặng, giao thông lên huyện Nam Trà My bị chia cắt, một số khu vực ở thị trấn Trà My cũng ngập nặng. Mưa lớn, lưu lượng nước lên tới hơn 1.920 m3/giây về hồ khiến Thủy điện Sông Tranh 2 phải xả lũ điều tiết xuống hạ du. Cùng thời điểm, lưu lượng nước về hồ thủy điện Ðak Mi 4 (huyện Phước Sơn) 810 m3/giây; thủy điện này xả lũ qua tràn với lưu lượng hơn 585 m3/giây. Số liệu cập nhật cho thấy lưu lượng nước về hồ Sông Tranh 2, Ðak Mi 4 liên tục tăng, cảnh báo nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra tại một số địa phương vùng hạ du.
★ Sáng 6-11, nhiều tuyến đường tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngập nặng sau cơn mưa lớn. Khu vực ngã 5 Lê Hồng Phong - Trương Công Ðịnh - Ba Cu, đường Nguyễn An Ninh, Thống Nhất, Huyền Trân Công Chúa ngập sâu khiến nhiều phương tiện chết máy. Một số khu vực nước tràn vào nhà khiến người dân không kịp di dời đồ đạc.
★ Ngày 6-11, do mưa to gây ngập lụt nhiều nơi, theo chỉ đạo của tỉnh Bình Ðịnh, ngành giáo dục tỉnh này đã yêu cầu nhiều trường ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và thị xã Hoài Nhơn chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.
★ Sáng 6-11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Ðịnh đã có mưa to đến rất to. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với đới gió đông trên cao hoạt động yếu dần nên tại các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh có mưa to, lượng mưa phổ biến 50 đến 100 mm; Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 30 đến 60 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ hôm nay 7-11, mưa có xu hướng giảm ở các khu vực nêu trên.
Tiếp tục hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lụt
Ngày 6-11, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Bình cho biết, hai trận mưa lũ liên tiếp trong tháng 10 gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, trận lũ đặc biệt lớn xảy ra từ ngày 16 đến 22-10 làm chết 23 người và bị thương 188 người; 106.220 nhà ở bị ngập, trong đó có 1.679 nhà bị hư hỏng; 286 điểm trường học bị ảnh hưởng, 2.414 phòng chức năng bị ngập… Tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 3.511 tỷ đồng.
★ Ðoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp giám sát, hỗ trợ, tăng cường công tác xử lý vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ tại huyện Can Lộc và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), trong đó tập trung xử lý dịch bệnh, môi trường tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc và xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Ðây là hai xã bị ngập sâu do lũ lụt vừa qua.
★ Tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực, tập trung xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Các đợt mưa bão vừa qua đã khiến 98 trong số 124 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt, chia cắt. Nước lũ đã rút nhưng các bể chứa và giếng nước của người dân đều bị ô nhiễm. Người dân Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh.
★ Ngày 6-11, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa có quyết định phân bổ 9.200 kg hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất sau lũ lụt. Cụ thể, huyện Lệ Thủy được phân bổ 2.000 kg hạt giống ngô và rau; huyện Quảng Ninh 1.700 kg hạt giống ngô, rau; TP Ðồng Hới 50 kg hạt giống rau; huyện Bố Trạch 1.100 kg hạt giống ngô, rau; huyện Quảng Trạch 1.100 kg hạt giống ngô, rau; thị xã Ba Ðồn 1.200 kg hạt giống ngô, rau; huyện Tuyên Hóa 950 kg hạt giống ngô và rau; huyện Minh Hóa 1.050 kg hạt giống.
★ Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnhThanh Hóa đã vận động hội viên, doanh nghiệp và các câu lạc bộ doanh nhân nữ trong tỉnh tham gia ủng hộ các tỉnh miền trung bị thiệt hại do bão, lũ với tổng số tiền và hàng hóa trị giá hơn một tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 139 triệu đồng.
★ Ðoàn công tác của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã đến thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ thị xã Ðiện Bàn (Quảng Nam) bị thiệt hại trong cơn bão số 9 và đã trao số tiền 300 triệu đồng ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
★ Ðại diện Báo VietNamNet về thăm các xã bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua ở Hà Tĩnh và trao 200 suất quà với tổng trị giá 100 triệu đồng đến 200 hộ dân. Báo Gia đình và Xã hội cùng các nhà hảo tâm cũng đã thực hiện chương trình thiện nguyện "hướng về miền trung", trao quà cho bảy xã của ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị để hỗ trợ bà con sớm khắc phục khó khăn sau lũ rút...
PV và CTV
Thiệt hại hơn 33.449 tỷ đồng do thiên tai
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước: mười cơn bão trên Biển Ðông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 tại Trung Bộ; 82 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…
Tính đến ngày 6-11, thiên tai đã làm: 275 người chết, 65 người mất tích và 819 người bị thương. Về nhà ở: 3.276 nhà sập, 280.766 nhà bị hư hại, tốc mái; 414.451 nhà bị ngập. Về nông nghiệp: 171.337 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 49.658 con gia súc, 3.366.417 con gia cầm chết, cuốn trôi. Về thủy lợi: 550 km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115 km bờ biển, sông bị sạt lở. Về giao thông: 881 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,17 triệu mét khối. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.449 tỷ đồng.
Từ khóa » Các Tỉnh Miền Trung Bị Lũ Lụt
-
Lũ Lụt Miền Trung Việt Nam Năm 2020 - Wikipedia
-
Cận Cảnh Lũ Lụt Tại Miền Trung Việt Nam - UNICEF
-
Lũ Lụt Tại Miền Trung Khiến 13 Người Thiệt Mạng, 4 Người Mất Tích
-
Khẩn Trương Khắc Phục Nhanh Hậu Quả Mưa Lũ Tại Các Tỉnh Miền Trung
-
Mưa Lũ Gây Thiệt Hại Nặng Cho Các Tỉnh Miền Trung - Báo Thanh Niên
-
Lũ Lụt Miền Trung: Đừng đổ Do Trời! - Báo Tuổi Trẻ
-
Các Tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên Khắc Phục Hậu Quả Mưa Lũ
-
5 Tỉnh Miền Trung Dồn Sức Cứu Trợ Người Dân
-
Trung Quốc Tập Trung Cho Công Tác Chống Lũ Lụt Tại Các Tỉnh Miền Nam
-
Đại Sứ Quán Việt Nam Tại Nhật Bản Chung Tay Hỗ Trợ đồng Bào Miền ...
-
Chung Tay Giúp đỡ Các Tỉnh Miền Trung Bị Thiệt Hại Do Mưa Lũ.
-
Lũ Lụt ở Miền Trung: Tin Tức, Hình ảnh, Thiệt Hại, Cứu Trợ Mới Nhất - 24H
-
Tổng Bí Thư điện Thăm Hỏi Các Tỉnh Miền Trung Lũ Lụt - Hanoimoi