Các Tỉnh Phía Bắc Tiếp Tục đối Mặt Với Diễn Biến Phức Tạp Của Dịch ...

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm chỉ đạo truy vết, xét nghiệm thần tốc để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Cụ thể, bắt đầu từ 18 giờ ngày 6/11/2021, để đi qua các chốt kiểm dịch (tại các cửa ngõ ra vào tỉnh) người đến lưu trú, trở về tỉnh Tuyên Quang phải khai báo y tế và có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo đúng quy định.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang áp dụng hiệu quả các biện pháp chống dịch đối với người đến, trở về từ các vùng có nguy cơ: Người từ vùng cấp độ 1, cấp độ 2 của tỉnh Hà Giang về, đến tỉnh và những người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ cao, phải cách ly tập trung ít nhất 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tụ tập đông người không cần thiết; giảm quy mô đám cưới, đám tang, liên hoan... để bảo đảm an toàn dịch bệnh; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là quy định 5K của Bộ Y tế.

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang cũng quy định rõ trách nhiệm đối với Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, công an viên phụ trách địa bàn trong việc quản lý, nắm bắt, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, nhất là quản lý nhân khẩu, quản lý người đi, đến, về từ vùng có dịch để phát hiện, yêu cầu khai báo y tế, cách ly, xét nghiệm... theo đúng quy định, không để dịch lây lan trên địa bàn; nơi nào buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra lây lan dịch bệnh phải xem xét, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, số ca mắc mới trong cộng đồng tăng cao, tại các tỉnh tiếp giáp với Tuyên Quang như Hà Giang, Phú Thọ số ca mắc mới trong cộng đồng liên tục tăng và khó kiểm soát. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận có ca mắc mới trong cộng đồng, trong khi đó tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine còn thấp (khoảng 8,8 %), vì vậy nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch là rất cao.

Lai Châu ghi nhận thêm 7 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng

Truy vết, khai báo y tế tại ổ dịch COVID-19 xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN.)

Tối 6/11, Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lai Châu xác nhận, địa phương ghi nhận thêm 7 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường.

Trong số này có 4 trường hợp từ tỉnh Bình Dương trở về, đã hoàn thành cách ly tập trung từ ngày 21/10 và được đưa về tiếp tục cách ly tại Trạm Y tế xã Bản Giang từ ngày 21-27/10. Từ ngày 27/10-4/11, cả 4 người này tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.

Còn lại 3 trường hợp lây nhiễm ở cộng đồng không xác định được nguồn cư trú tại bản Tẩn Phủ Nhiêu và bản Bản Giang (xã Bản Giang).

Các ca dương tính với SARS-CoV-2 nói trên đã được đưa ngay cách ly, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Phổi Lai Châu. Đến nay, lực lượng chức năng đã truy vết được gần 100 trường hợp F1 và gần 170 trường hợp F2 và F3. Vẫn còn 562 trường hợp chưa lấy được mẫu vì đi rừng chưa về.

Trước đó, ngày 5/11, tỉnh Lai Châu đã công bố 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy chỉ trong 2 ngày, Lai Châu đã ghi nhận 13 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Vĩnh Phúc có thêm 9 ca mắc mới

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc cho biết ngày 6/11, tỉnh có thêm 9 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 5 trường hợp được ghi nhận tại cộng đồng liên quan đến ca F0 tại huyện Yên Lạc và 4 trường hợp trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An và đã được cách ly trước đó.

Trong thời gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh xung quanh Vĩnh Phúc đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở tỉnh Phú Thọ và huyện Mê Linh (Hà Nội), đồng thời số công dân trở về Vĩnh Phúc tăng nhanh.

Vĩnh Phúc ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến người về từ các tỉnh phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, trong đó có ca bệnh tại cộng đồng.

Để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu công dân trước khi đến hoặc về tỉnh Vĩnh Phúc phải liên hệ, đăng ký với địa phương hoặc các cơ quan trực tiếp làm việc và khai báo trung thực trên https://tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng di động khác; thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch hiện hành của Bộ Y tế và tỉnh Vĩnh Phúc.

Tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì hoạt động của 10.712 tổ Liên gia tự quản ở địa bàn dân cư, gắn với hoạt động của các tổ COVID cộng đồng trong tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; đôn đốc hoạt động các nhóm Zalo phòng, chống dịch phục vụ trao đổi thông tin, tình hình. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng 1.236 mô hình/1.236 thôn, xóm, làng, tổ dân phố “xanh” trong phòng, chống dịch.

Từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 293 trường hợp mắc COVID-19. Toàn tỉnh có 852 trường hợp đang được cách ly y tế. Từ ngày 22/6 đến nay có 30.139 trường hợp trở về từ các vùng có dịch ở các tỉnh, thành phố, trong đó có 155 trường hợp dương tính với COVID-19.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 749.686 người, đạt 92.5% dân số trên 18 tuổi.

Phú Thọ ghi nhận 37 ca nhiễm SARS-CoV-2

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 6 giờ-18 giờ ngày 6/11, Phú Thọ ghi nhận 37 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó huyện Thanh Sơn có 19 ca, thành phố Việt Trì có 13 ca, huyện Tân Sơn có 3 ca, Phù Ninh có 2 ca, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày (từ 18h ngày 5/11 đến 18h ngày 6/11) lên 71 ca.

Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 1.016 ca mắc COVID-19, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Việt Trì với 507 ca, huyện Lâm Thao - 150 ca, Thanh Sơn - 144 ca, Phù Ninh - 121 ca...

Trong ngày tỉnh Phú Thọ tiêm 8.420 liều vaccine COVID-19, trong đó có 7.315 mũi thứ nhất; 1.105 mũi thứ hai. Không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường hay phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Như vậy Phú Thọ đã tiêm tổng cộng 983.747 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó có 872.133 người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine; có 111.614 người được tiêm đủ hai mũi. Có 82,4% người dân trên 18 tuổi ở tỉnh được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19; 10,5% người dân trên 18 tuổi toàn tỉnh được tiêm đủ hai liều vaccine phòng COVID-19.

Tỉnh Phú Thọ tự đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch COVID-19; huyện Thanh Sơn ở cấp độ 3; 11 trong tổng số 13 huyện ở cấp độ 2, gồm thành phố Việt Trì; thị xã Phú Thọ; các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập; chỉ còn huyện Đoan Hùng đang ở cấp độ 1.

Toàn tỉnh có 5 xã ở cấp độ 4 gồm xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì); thị trấn Thanh Sơn, xã Thục Luyện, Sơn Hùng (Thanh Sơn); xã Văn Luông (Tân Sơn); có 3 xã ở cấp độ 3 và 45 xã ở cấp độ 2, các xã còn lại cấp độ 1.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng yêu cầu các địa phương có các ca mắc COVID-19 quyết liệt truy vết F0, tăng nhanh việc xét nghiệm, tổ chức khoanh vùng, test sớm cho những nơi có nguy cơ cao để tránh lãnh phí; những trường hợp F0, F1 đủ điều kiện đề nghị huyện bố trí cách ly tại nhà, nơi cư trú để tránh quá tải (trừ những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà mới chuyển vào khu cách ly tập trung của huyện).

Cao Bằng: Thêm một ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai từ đầu mùa dịch

Ngành Y tế tỉnh Cao Bằng lấy mẫu xét nghiệm dịch COVID-19 đối với công dân tỉnh Cao Bằng trở về từ Bình Dương. Ảnh tư liệu: Chu Hiệu/TTXVN

Tối 6/11, Sở y tế tỉnh Cao Bằng xác nhận, tỉnh có thêm 1 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh. Bệnh nhân vừa trở về từ tỉnh Bình Dương, trên đường về có tiếp xúc với nhiều người trên máy bay và xe khách.

Cụ thể, chị N.T.D. (sinh 1995, trú tại xóm Nà Quang, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh) làm việc tại một công ty ở phường Hiệp Thành, Quận 12, TP Hồ Chí Minh và tạm trú tại số nhà 192, phố Trần Hưng Đạo, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Ngày 3/11 chị D. đi máy bay từ sân bay Tân Sân Nhất (TP Hồ Chí Minh) đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc18h, sau đó đón xe khách của nhà xe Vĩnh Dung (thành phố Cao Bằng) tại ngã ba Kim Anh (Hà Nội) và di chuyển đến Cao Bằng lúc 3h30 ngày 4/11. Chị D. đã khai báo y tế tại Trạm Kiểm soát Quốc lộ 3.

Về đến bến xe khách thành phố Cao Bằng, chị D. tiếp tục bắt xe khách của nhà xe Thành Luân để về xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh. Vào khoảng 14h30 chị D. đến Trạm Y tế xã Đoài Dương khai báo và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị D. dương tính với SARS-CoV-2 - đây là trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai của tỉnh Cao Bằng kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam.

Ngay trong đêm 6/11, Sở y tế Cao Bằng chỉ đạo các cơ sở trực thuộc khẩn trương truy vết, tìm kiếm những hành khách đi cùng chuyến xe với chị D. tại Cao Bằng; khoanh vùng, cách ly các trường hợp tiếp xúc; chỉ đạo rung tâm Y tế huyện Quang Hoà khẩn trương triển khai, đảm bảo các điều kiện, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc, nhân lực để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID 19.

Điện Biên: Siết chặt kiểm soát người nhập cảnh để ngăn chặn dịch COVID 19

Hai đối tượng Quàng Văn Tướng (áo xanh) và Nạ Văn Tủi (áo đỏ) cùng trú tại bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, cùng nhau xuất, nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ
Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đang siết chặt kiểm soát, kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh và lái xe xuất nhập khẩu hàng hóa để ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn.

Huyện Điện Biên có 12 xã giáp Lào, khu vực biên giới có nhiều đường mòn, đường tiểu ngạch sang nước bạn. Trên tuyến biên giới của huyện dài 170km có Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc và Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, hiện nay, lượng người từ các tỉnh Phong Sa Lỳ, Luông Pra Băng, U Đôm Xay, Thủ đô Viêng Chăn và đặc khu tam giác vàng (Lào) vào Việt Nam qua cửa khẩu tăng mạnh. Trong đó, Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luông Pra Băng,... đang là điểm nóng với số ca mắc Covid-19 tăng cao. Lực lượng chức năng tại cửa khẩu đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn.

Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Đội trưởng Đội thủ tục, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang cho biết, đội thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi công dân nhập cảnh, đội phân loại và tránh tiếp xúc bằng cách thực hiện giãn cách ngay khi làm thủ tục, yêu cầu công dân khai báo y tế, kiểm tra y tế, mặc quần áo bảo hộ và khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn... Quá trình làm thủ tục biên phòng cho người xuất, nhập cảnh đều phải đảm bảo phòng, chống dịch. Sau đó, đội lập danh sách người nhập cảnh, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Điện Biên, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để đưa người về khu cách ly, tiến hành test nhanh, phân loại đối tượng.

Sau khi ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, các trường hợp F1 đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, số lao động Việt Nam trở về nước và công dân Lào nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đang ngày càng tăng. Nguy cơ dịch xâm nhập vào nội địa là rất cao. Hiểu rõ vai trò quan trọng của công tác phòng, chống dịch, người đăng ký làm thủ tục xuất, nhập cảnh cũng tuân thủ nghiêm yêu cầu của cơ quan thực thi nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Thị Mai, người Việt Nam lao động tại Lào đang đăng ký làm thủ tục nhập cảnh cho biết, bà sinh sống, buôn bán tại tỉnh U Đôm Say (Lào). Do gia đình ở Việt Nam có việc cần nên bà về nước bằng đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Bản thân bà thực hiện nghiêm yêu cầu, nội quy bắt buộc đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, đồng thời sẽ chấp hành tốt việc cách ly y tế.

Cùng với thực hiện nghiêm việc kiểm soát, kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh vào địa bàn khi qua cửa khẩu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý biên giới của Lào để trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống dịch qua biên giới. Tổ phòng, chống dịch lưu động của đơn vị liên tục tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại khu vực hai bên “cánh gà”, địa bàn lân cận nhằm quản lý chặt chẽ đường mòn trên biên giới, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang cho biết, qua trao đổi thông tin với lực lượng chức năng của Lào, tình hình dịch ở nước bạn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, số người Việt Nam nhập cảnh trái phép sang Lào trước đây và các công dân Việt Nam nhập cảnh sang Lào theo đường chính ngạch đang có nhu cầu về quê trong thời gian từ giờ đến cuối năm tương đối lớn. Do đó, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy đồn Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, nhất là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác xuất, nhập cảnh phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch.

Từ tháng 10.2020 đến nay, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho hơn 6.200 trường hợp. Dự báo từ nay đến cuối năm 2021, lượng người xuất, nhập cảnh chính ngạch tại cửa khẩu và tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở sẽ gia tăng. Do đó, việc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đóng vai trò quan trọng để hạn chế nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia dài hơn 455km, tiếp giáp hai nước Trung Quốc, Lào (trong đó tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài hơn 40km, tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài hơn 414km). Địa bàn quản lý có 29 xã biên giới thuộc 4 huyện với hơn 310 thôn bản (trong đó hơn 110 thôn bản giáp biên giới) với gần 25.500 hộ thuộc 16 cộng đồng dân tộc sinh sống.

Trước diễn biến phức tạp trở lại của dịch Covid-19, với vai trò là lực lượng chủ chốt, nòng cốt của tuyến đầu phòng, chống dịch ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đang duy trì nghiêm 76 tổ, chốt (trong đó có 57 chốt cố định, 19 tổ lưu động) kiểm soát phòng, chống dịch, quản lý, bảo vệ biên giới trên tuyến biên giới giáp Lào, Trung Quốc. Trên các tổ, chốt, lực lượng thực thi nhiệm vụ ngày đêm túc trực, bám chốt, bám biên thực hiện "nhiệm vụ kép”: kiểm tra, tuần tra đường biên, siết chặng đường mòn, lối mở trên khu vực biên giới nhằm giữ vững an ninh địa bàn biên giới, bảo vệ chủ quyền cương thổ và ngăn chặn trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào nội địa.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh thường xuyên quán triệt tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác phòng, chống dịch, triển khai đồng bộ, quyết liệt biện pháp ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19.

Các Đồn Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng đóng quân trên địa bàn phát động Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới, vận động hộ gia đình ký cam kết về phòng, chống dịch, không tiếp tay cho người xuất, nhập cảnh trái phép, không tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, tố giác người nhập cảnh trái phép và thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Các đơn vị tiếp tục tăng cường biện pháp nắm tình hình địa bàn, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp chống đối công tác phòng, chống dịch tại biên giới, cửa khẩu.

HD

Từ khóa » Hà Nội đi Vĩnh Phúc Có Phải Cách Ly Không