Các Tổ Chức Chính Trị Xã Hội Là Gì? Gồm Những Tổ Chức Nào?
Có thể bạn quan tâm
Mục lục bài viết
- 1. Tổ chức chính trị xã hội là gì?
- 2. Có bao nhiêu tổ chức chính trị - xã hội?
- 3. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội
- 3.1 - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- 3.2 - Công đoàn Việt Nam
- 3.3 - Hội nông dân Việt Nam
- 3.4 - Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
- 3.5 - Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
- 3.6 - Hội cựu chiến binh Việt Nam
1. Tổ chức chính trị xã hội là gì?
Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay, không có quy định nào định nghĩa cụ thể về tổ chức chính trị xã hội. Tuy nhiên, dựa vào cơ cấu tổ chức cũng như trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức này, ta có thể hiểu khái quát như sau:
Tổ chức chính trị - xã hội là những tổ chức được thành lập bởi những thành viên đại diện cho một lực lượng xã hội nhất định, tham gia vào các hoạt động xã hội rộng rãi và có ý nghĩa chính trị nhưng các hoạt động này không nhằm mục đích giành chính quyền.
Về quy mô và tính chất hoạt động, các tổ chức chính trị - xã hội thường có chức năng hỗ trợ cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, được chia thành nhiều cấp hoạt động thống nhất từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, tổ chức chính trị - xã hội còn có điều lệ hoạt động do đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu các thành viên thông qua.
Các tổ chức chính trị – xã hội đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị và đã trở thành một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
2. Có bao nhiêu tổ chức chính trị - xã hội?
Công dân có quyền tự do hội họp, lập hội theo quy định của pháp luật, vì vậy, ở nước ta hiện nay có vô số các tổ chức được thành lập theo các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào cũng có thể tham gia vào hoạt động chính trị mà chỉ có những tổ chức chính trị - xã hội lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của đất nước mới được pháp luật công nhận và quy định là các bộ phận hợp thành hệ thống chính trị Việt Nam.
Cụ thể, điều 9 Hiến pháp 2013 có quy định các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay bao gồm:
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Công đoàn Việt Nam.
- Hội nông dân Việt Nam.
- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
- Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
- Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Mỗi tổ chức sẽ có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khác nhau trong đó đảm bảo hoạt động thống nhất chung dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội
Vai trò của mỗi tổ chức này được quy định cụ thể và thực hiện như sau:
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Theo quy định tại khoản 1 điều 9 Hiến pháp 2013:
“1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Từ quy định trên, có thể thấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức có vai trò quan trọng bậc nhất trong hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, ngoài việc phối hợp với chính quyền để thực hiện nền dân chủ, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân còn tham gia vào quá trình giám sát, bảo vệ, xây dựng Nhà nước và quản lý xã hội. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập theo cơ chế bầu cử dân chủ và được phân cấp để hoạt động trong phạm vi toàn quốc.
Khác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội khác chỉ quản lý và đại diện cho một nhóm đối tượng nhất định trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những thành viên, hội viên của tổ chức mình nên đây có thể coi là những tổ chức thành viên của Mặt trận, theo quy định tại khoản 2 điều 9 Hiến pháp 2013:
“2. Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”
- Công đoàn Việt Nam
Một trong những tầng lớp chiếm số lượng đông đảo trong xã hội đó là giai cấp công nhân và người lao động, nhận thấy đây là những đối tượng yếu thế và cần được bảo vệ, pháp luật đã quy định Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, cụ thể như sau:
Theo điều 10 Hiến pháp 2013 quy định:
“Điều 10.
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Như vậy, Công đoàn Việt Nam sẽ thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, đảm bảo cho quá trình lao động diễn ra đúng quy định pháp luật.
- Hội nông dân Việt Nam
Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mục đích của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, trí, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Những chức năng chính của Hội nông dân Việt Nam bao gồm:
+ Tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt.
+ Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.
+ Đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Đây là tổ chức đại diện cho thế hệ trẻ, những mầm non tương lai của đất nước. Theo đó, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội, liên minh tự nguyện của thanh niên Việt Nam, là đội dự bị và cánh tay đắc lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành viên có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập hợp, đoàn kết, giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ, tham gia tích cực vào các hoạt động của nhà nước và xã hội; phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức kinh tế và các đoàn thể quần chúng khác chăm lo và bảo vệ quyền lợi của thế hệ trẻ, đề xuất với Đảng và Nhà nước các chính sách, quan điểm phát huy năng lực và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện.
- Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.
Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên, giáo dục các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực vào các công việc của Nhà nước và xã hội, các quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, thực hiện bình đẳng giới, phát huy vai trò đặc biệt của nữ giới trong việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam…
- Hội cựu chiến binh Việt Nam
Hội Cựu chiến binh Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội.
Hội cựu chiến binh Việt Nam tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng và động viên cựu chiến binh phấn đấu giữ vững bản chất cách mạng, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền, phát huy dân chủ, góp phần giữ ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng và an ninh; tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; góp phần tích cực vào việc giáo dục thế hệ trẻ và tham gia vào hoạt động nhân dân, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Từ khóa » Thành Viên Tổ Chức Chính Trị Xã Hội Là Gì
-
6 Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Tại Việt Nam - Luật Hoàng Phi
-
Tổ Chức Chính Trị Xã Hội Là Gì? Bao Gồm Những Tổ Chức Nào?
-
Tổ Chức Chính Trị Xã Hội Là Gì ? Các Tổ Chức Chính Trị Xã Hội ở Việt Nam
-
Tổ Chức Chính Trị Xã Hội Gồm Những Tổ Chức Nào? - Hỏi đáp Pháp Luật
-
06 Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Theo Hiến Pháp 2013
-
Tổ Chức Chính Trị Xã Hội Là Gì?
-
Chức Năng Nhiệm Vụ Của Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Trong Hiến ...
-
Tổ Chức Chính Trị-xã Hội Là Gì? Các Tổ Chức Chính Trị- Xã Hội ở Nước Ta
-
Tổ Chức Chính Trị Xã Hội Là Gì? Tổ Chức Chính Trị Xã Hội ở Việt Nam
-
Tổ Chức Chính Trị Xã Hội Là Gì? (Cập Nhật 2022) - Luật ACC
-
Tổ Chức Xã Hội Là Gì? (Cập Nhật 2022) - Luật ACC
-
Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội - Nghề Nghiệp – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tổ Chức Xã Hội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phòng, Chống Tham Nhũng Trong Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội