Các Triệu Chứng Nhiễm HIV Phổ Biến ở Nam Giới - Suckhoe123
Có thể bạn quan tâm
Triệu chứng nhiễm HIV ở nam giới như thế nào? Đây là một virus rất nguy hiểm, có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ giới. Chúng tấn công và phá hủy hệ miễn dịch. Vậy HIV là gì, các giai đoạn cũng như biện pháp phòng ngừa ra sao. Hãy cùng theo dõi tiếp những nội dung bên dưới nhé
HIV là gì?
HIV là viết tắt của human immunodeficiency virus (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus tấn công hệ miễn dịch của cơ thể - hệ thống có vai trò bảo vệ con người khỏi bệnh tật. Virus này phá hủy các tế bào miễn dịch và khiến cơ thể khó đối phó với các tác nhân gây hại. HIV lây truyền qua chất dịch cơ thể, gồm có:
- Tinh dịch
- Dịch âm đạo
- Dịch hậu môn
- Máu
- Sữa mẹ
Nếu HIV không được điều trị thì sẽ tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn đầu (giai đoạn cấp tính), giai đoạn 2 (giai đoạn mãn tính) và giai đoạn cuối (AIDS). Khi sang giai đoạn AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) thì lúc này hệ miễn dịch đã bị tổn hại nghiêm trọng và rất dễ dẫn đến tử vong.
Mỗi một giai đoạn của HIV lại có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau.
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của các giai đoạn HIV ở nam giới.
Giai đoạn cấp tính
Khoảng 80% những người nhiễm HIV có các triệu chứng giống như cúm sau từ 2 đến 4 tuần kể từ khi phơi nhiễm. Giai đoạn này được gọi là nhiễm trùng cấp tính và là giai đoạn đầu của HIV, thường kéo dài cho đến khi cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus. Các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến nhất của giai đoạn này thường là:
- Phát ban trên cơ thể
- Sốt
- Đau rát họng
- Đau nhức đầu
- Các triệu chứng ít phổ biến hơn gồm có:
- Cơ thể mệt mỏi
- Sưng hạch bạch huyết
- Loét trong miệng hoặc trên bộ phận sinh dục
- Đau cơ
- Đau khớp xương
- Buồn nôn và ói mửa
- Đổ mồ hôi vào ban đêm
Các triệu chứng thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Khi gặp những biểu hiện này và có nguy cơ đã bị nhiễm HIV thì nên đến bệnh viện để được tư vấn làm xét nghiệm.
Các triệu chứng riêng ở nam giới
Nói chung, các biểu hiện, triệu chứng của HIV ở phụ nữ và nam giới là giống nhau. Một triệu chứng chỉ xảy ra ở nam giới là loét trên dương vật. HIV còn có thể gây tình trạng suy sinh dục hay làm giảm sự sản sinh các nội tiết tố (hormone) sinh dục ở cả hai giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tình trạng suy sinh dục ở nam giới dễ nhận thấy hơn so với ở phụ nữ. Một trong các biểu hiện của nồng độ testosterone thấp - một dạng suy sinh dục ở nam giới là rối loạn cương dương.
Giai đoạn mãn tính
Sau khi các triệu chứng của giai đoạn đầu biến mất, HIV thường không gây thêm bất kỳ triệu chứng nào trong suốt nhiều tháng hoặc nhiều năm. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn mãn tính hay giai đoạn tiềm ẩn. Trong thời gian này, virus nhân lên và bắt đầu làm suy yếu hệ miễn dịch. Người nhiễm HIV ở giai đoạn này không hề có cảm giác hay vẻ ngoài bất thường nhưng virus vẫn đang hoạt động trong cơ thể. Và mặc dù không có triệu chứng, HIV vẫn có thể lây truyền sang người khác. Đây là lý do tại sao việc xét nghiệm sớm, ngay cả khi không có biểu hiện bất thường, là điều rất quan trọng.
Giai đoạn cuối - AIDS
Khi không được điều trị thì HIV sẽ tàn phá nặng nề hệ miễn dịch theo thời gian và tiến triển sang giai đoạn cuối hay còn được gọi là AIDS. Giai đoạn này thường bắt đầu từ 8 – 10 năm sau khi nhiễm virus. Ở giai đoạn AIDS, hệ thống miễn dịch của người bệnh đã suy yếu nghiêm trọng và rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nhiễm trùng cơ hội là những bệnh mà hệ miễn dịch ở người bình thường có thể dễ dàng chống lại nhưng lại gây tổn hại nặng cho những người bị AIDS. Ở giai đoạn này, người bệnh thường xuyên bị cảm lạnh, cúm và nhiễm nấm. Ngoài ra còn có các triệu chứng của HIV giai đoạn cuối như:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Tiêu chảy liên tục
- Mệt mỏi mãn tính
- Sụt cân nhanh chóng
- Ho và khó thở
- Sốt tái đi tái lại, ớn lạnh và đổ mồ hôi về đêm
- Phát ban hoặc có vết loét ở miệng, mũi, trên bộ phận sinh dục hoặc dưới da
- Sưng hạch bạch huyết kéo dài ở nách, bẹn và cổ
- Suy giảm trí nhớ, lú lẫn hoặc các vấn đề về thần kinh khác
Quá trình tiến triển của HIV
Sau khi vào cơ thể, HIV sẽ tấn công và phá hủy các tế bào CD4 – một loại tế bào miễn dịch. Nếu không có đủ tế bào CD4, cơ thể sẽ không còn khả năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Khi số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn cuối hay AIDS. Thời gian để HIV tiến triển đến giai đoạn này có thể là từ vài tháng cho đến 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HIV cũng sẽ bước sang giai đoạn AIDS. HIV có thể được kiểm soát bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV). Người bệnh sẽ cần sử dụng nhiều loại thuốc ARV một lúc để ngăn virus phát triển khả năng kháng thuốc. Các loại thuốc này sẽ kiểm soát, ngăn không cho virus nhân lên và gây tổn hại đến hệ miễn dịch. Nếu điều trị đúng cách thì sẽ có thể ngăn chặn HIV tiến triển và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như là tuổi thọ của người bệnh nhưng để có hiệu quả thì cần phải bắt đầu điều trị ngay từ sớm.
Mức độ phổ biến của HIV
Theo số liệu thống kê mới nhất, có khoảng 38 triệu người trên toàn cầu nhiễm HIV/AIDS vào năm 2019. Trong số này có 36.2 triệu người lớn và 1.8 triệu trẻ em (dưới 15 tuổi). Ước tính có khoảng 1.7 triệu ca nhiễm mới vào năm 2019, đánh dấu mức giảm 23% so với số liệu từ năm 2010. HIV có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ chủng tộc, tuổi tác, giới tính hoặc khuynh hướng tính dục nào. Virus này lây truyền từ người sang người qua đường máu, tinh dịch, dịch âm đạo và dịch hậu môn. Quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su là con đường lây truyền HIV phổ biến nhất. Ngoài ra, người mẹ nhiễm HIV cũng có thể lây truyền sang cho con trong thời gian mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.
Xét nghiệm HIV
Những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên đến bệnh viện làm xét nghiệm HIV thường xuyên, đặc biệt là khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào nêu trên. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị xét nghiệm HIV hàng năm cho những đối tượng như:
- Những người tiêm chích ma túy
- Những người có nhiều bạn tình
- Người sống chung với bệnh nhân HIV
Các xét nghiệm đều rất nhanh chóng, đơn giản và chỉ cần lấy một mẫu máu nhỏ.
Hiện nay, những người có nhu cầu kiểm tra HIV có thể đặt mua bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà, chẳng hạn như OraQuick. Bộ dụng cụ này không yêu cầu gửi mẫu đến phòng thí nghiệm mà chỉ cần lấy dịch miệng (nước bọt ở chân nướu răng) cho vào trong ống đựng dung dịch phản ứng và kết quả sẽ có sau khoảng 20 đến 40 phút.
Phòng ngừa HIV
Rất nhiều người sống chung với HIV mà không biết rằng mình đang mang virus. Trong vài năm gần đây, số người bị HIV vẫn tiếp tục tăng lên nhưng số ca nhiễm mới hàng năm ở mức khá ổn định. Điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu của HIV và đi xét nghiệm nếu có nguy cơ đã nhiễm virus. Tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị HIV hoặc nghi ngờ bị HIV là một trong những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm. Ngoài ra, cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa dưới đây:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Khi được sử dụng đúng cách, bao cao su là một biện pháp rất hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây truyền HIV.
- Không dùng chung bơm kim tiêm: Vì HIV có thể lây qua đường máu nên không được dùng chung hoặc tái sử dụng bơm kim tiêm.
- Sử dụng găng tay cao su khi phải tiếp xúc với máu hay những vật dụng có dính máu của người khác.
- Đi xét nghiệm HIV: Xét nghiệm là cách duy nhất để biết bản thân có bị nhiễm HIV hay không. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV nên tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện các biện pháp tránh lây truyền virus cho người khác.
Triển vọng của người nhiễm HIV
Hiện nay vẫn chưa có cách chữa khỏi HIV. Tuy nhiên, được chẩn đoán kịp thời và điều trị sớm sẽ làm chậm sự tiến triển của bệnh và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy rằng nếu bắt đầu điều trị trước khi hệ miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng và tuân thủ đúng phác đồ thì những người nhiễm HIV có tuổi thọ tương đương với người bình thường. Ngoài ra, một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã chứng minh việc điều trị sớm sẽ giúp những người nhiễm HIV giảm được nguy cơ lây truyền virus sang người khác. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc tuân thủ điều trị sẽ làm giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được và lúc này, nguy cơ lây truyền HIV sang bạn tình là gần như bằng 0.
>>> Tham khảo thêm bài viết: Cần Làm Gì Khi Sống Chung Với Người Nhiễm HIV
Từ khóa » Các Triệu Chứng Của Bệnh Hiv Aids
-
HIV/AIDS 16 Dấu Hiệu Nhiễm Bệnh Cần Biết
-
Triệu Chứng HIV Giai đoạn Sớm | Vinmec
-
Biểu Hiện Của HIV Theo Từng Giai đoạn | Vinmec
-
Nhận Biết Sớm Những Dấu Hiệu HIV Giai đoạn đầu để Kịp Thời ứng Phó
-
16 Dấu Hiệu HIV Triệu Chứng Biểu Hiện để điều Trị Sớm - Galant Clinic
-
Tìm Hiểu Những Dấu Hiệu HIV Qua Từng Giai đoạn Phát Triển - AiHealth
-
Triệu Chứng HIV: 15 Dấu Hiệu HIV Thường Gặp. Làm Sao Biết Không ...
-
Triệu Chứng HIV ở Giai đoạn đầu
-
Nhiễm Trùng HIV/AIDS ở Người - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
17 DẤU HIỆU HIV VÀ TRIỆU CHỨNG HIV BẠN CẦN BIẾT
-
HIV/AIDS Là Gì? Các Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Xét Nghiệm
-
HIV/AIDS: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán, Phòng Ngừa
-
Triệu Chứng Nhiễm Hiv