Các Tuyển Thủ U-23 VN đã Bán độ Như Thế Nào?
Có thể bạn quan tâm
Phóng to |
Quốc Vượng (ảnh trên) và Văn Quyến trong trại tạm giam - Ảnh: M.Q. |
Một cuộc họp kín gồm kẻ chủ mưu mua bán độ và các đồng đội “tâm phúc” gồm Quốc Vượng -Văn Quyến - Văn Trương - Hải Lâm - Bật Hiếu đã diễn ra tại Bacolod ngay sau cuộc họp kỹ thuật ngày 24-11. "Nếu Việt Nam thắng một trái thì sao?"- đó là câu mà Quốc Vượng hỏi.
Sau cuộc họp kỹ thuật, Vượng về phòng và nói với Hải Lâm: nếu VN thắng một trái thì sao? Sau khi nghe Vượng nói, Hải Lâm đã bảo gọi “bọn kia” sang bàn chuyện. Thống nhất như vậy, Quốc Vượng đã điện thoại cho Văn Trương sang phòng để bàn chuyện.
Biết Văn Quyến đang ngồi chơi điện tử tại đó, Vượng đã bảo Trương gọi luôn Quyến và cả hai cùng sang phòng 214 (phòng của Quốc Vượng). Song song với việc điện thoại cho Trương, Hải Lâm cũng điện thoại cho Bật Hiếu sang để “làm việc”.
Khi đã đông đủ bộ sậu này, Quốc Vượng bèn hỏi mọi người: nếu như VN chấp một trái thì có thể thắng cách biệt một bàn không? Theo Quốc Vượng thì khoản tiền thưởng của liên đoàn cũng như các nhà tài trợ chia cho các cầu thủ quá ít nên phải có cách kiếm thêm. Cách đó là phải thắng các đối thủ Myanmar nhưng chỉ thắng cách biệt một trái thôi.
Phương án này đã được Văn Quyến đồng tình vì cho rằng thắng một trái cũng là thắng mà hai trái cũng là thắng. Chỉ cần thắng, đội tuyển vẫn tiếp tục đi được vào vòng trong và các cầu thủ cũng nhận được tiền. Suy đi tính lại, thấy không thể đủ lực lượng để làm nên chuyện, cả nhóm đã thống nhất gọi thêm người để tính toán.
Tiếp đó, Văn Trương đã gọi Tài Em và Quốc Vượng gọi Tấn Tài sang phòng và đề nghị như trên, hứa hẹn sẽ có “thù lao”. Tuy nhiên, hai gương mặt này đã không đồng ý và bỏ về phòng của mình. Thấy nếu chỉ với lực lượng như vậy sẽ không thể đủ dự trù cho kế hoạch, cả nhóm tiếp tục suy nghĩ. Khi thấy Phước Vĩnh đi ngang qua phòng đã gọi cầu thủ này vào và bảo Vĩnh gọi Quốc Anh.
Sau khi ăn độ trận VN - Myanmar, Văn Quyến đã tự mình cá độ trận VN - Malaysia để kiếm thêm. Tuy nhiên, trận này các tuyển thủ U-23 VN đã thắng ngay trong hai hiệp chính nên cơ hội của Quyến đã mất. Cơ quan điều tra cũng đang xác định Quyến đánh bao nhiêu ở trận này. |
Theo những nguồn tin đáng tin cậy, sau khi thống nhất, Vượng được giao việc thực hiện kế hoạch kiếm tiền từ cá độ bóng đá. Mọi người sẽ góp tiền cho Vượng để cá độ vì anh có quen thân với một số tay cầm bóng độ. Trước khi trận đấu diễn ra, Vượng đã điện thoại về TP Vinh, Nghệ An cho một đối tượng cá độ bóng đá sừng sỏ để đặt cược.
Trận đấu VN - Myanmar đã diễn ra theo đúng dự định của nhóm cầu thủ này và kế hoạch kiếm tiền đã thành công, còn lại chỉ là việc chia tiền. Cũng theo nguồn tin này, những lời khai của Quốc Vượng và Văn Quyến đã trùng khớp với nhau ở nhiều điểm, đã chứng minh được việc cá độ, mua bán độ của các cầu thủ này.
Kế hoạch thành công, sau khi về VN tại sân bay Tân Sơn Nhất, Quốc Vượng, Văn Quyến đã ở lại TP.HCM nhưng mỗi người ở một nơi.
Hôm qua, 22-12, cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá Sông Lam Nghệ An Nguyễn Thành Vinh đã tiếp tục trả lời cơ quan điều tra về các hành vi liên quan đến vụ án trọng tài. HLV Nguyễn Thành Vinh đã có những lời nhận xét khá tốt về tính cách của cầu thủ Lê Quốc Vượng. Bị can này cũng tiết lộ trong một lần đi thi đấu ở đâu đó về CLB, Quốc Vượng đã dúi vào tay ông 300 USD để làm quà. Mặc dù không muốn nhận nhưng Vượng cứ nài nỉ nên ông Vinh đã nhận món quà tỏ lòng cảm ơn của học trò. |
Do không biết Quyến ở lại TP.HCM nên Vượng đã tỏ ra bất ngờ khi Văn Quyến điện thoại (từ một số điện thoại di động rất đẹp) và hỏi: “Tiền của tao đâu?”. Lúc này Vượng bảo Quyến là không cá độ và đã báo cho Văn Trương, Trương có trách nhiệm thông báo mọi người.
Tuy nhiên sau đó, Vượng bảo Quyến nán lại khách sạn và sẽ đem tiền đến. Vượng cùng một cô gái tên Loan đã đi đến khách sạn Thanh Bình 1, đưa cho Quyến 20 triệu đồng ngay tại cửa khách sạn.
Tại đây, Vượng đã nói với Quyến là không “đánh” nhưng lỡ nói nên phải trả cho Quyến. Trong quá trình lưu lại TP.HCM, Vượng còn gặp gỡ một số người khác nhưng theo Vượng, đó chỉ là người hâm mộ và họ hàng chứ không liên quan đến cá độ.
Trả lời trước cơ quan điều tra về khoản tiền mang theo và số tiền chi cho Quyến, Vượng khẳng định đó là số tiền được thưởng ở Agribank Cup, tiền lương và tiền của đội tuyển phát cho.
Tổng số đó khoảng 100 triệu đồng và Vượng mang tất cả sang Philippines để mua sắm. Do không mua được gì và để giữ danh dự trước Quyến, Vượng đã trích 20 triệu chi cho cầu thủ này cho xứng đáng “người quân tử”!
Từ những lời khai của các cầu thủ liên quan, cơ quan điều tra đã chắp nối mọi sự việc, xác định các hành vi mua bán độ, cá độ của nhóm cầu thủ này và khởi tố vụ án để điều tra. Ngày hôm qua, Quốc Vượng, Văn Quyến tiếp tục phải trả lời trước các điều tra viên về chuyện mua bán độ, về các đồng đội liên quan.
Đặc biệt, cơ quan điều tra đang tiếp tục xác định một người tên L., tại TP Vinh, là kẻ đã cầm độ cho Quốc Vượng. Tuy nhiên, các nguồn tin cho thấy đối tượng này đã có dấu hiệu bỏ trốn.
Trong số các đồng đội bị lôi kéo có Quốc Anh và Phước Vĩnh. Nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết hai cầu thủ này đã tham gia vào kế hoạch trên và họ đã thi đấu không đúng với khả năng, phong độ của mình. Sáng 22-12, Quốc Anh tiếp tục phải làm việc với cơ quan điều tra, trả lời các câu hỏi của điều tra viên xung quanh chất lượng thi đấu của anh tại một số trận ở SEA Games 23. Theo đó, qua phân tích băng ghi hình, CQĐT và giới chuyên môn đặc biệt chú ý chi tiết Quốc Anh đá hỏng hai cơ hội “ăn bàn mười mươi”. Hôm qua, Quốc Anh đã được cơ quan điều tra cho về nhà. Tuy nhiên, Quốc Anh sẽ vẫn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng có mặt khi CQĐT yêu cầu. Riêng đối với trường hợp Phước Vĩnh, CQĐT đang tiến hành thu thập thêm thông tin và bằng chứng để xem xét, đánh giá hành vi của cầu thủ này. N.V.HẢI |
Tham gia ý kiến
Chúng tôi thất vọng!
Thật là bất ngờ, các cầu thủ bán độ làm cho khán giả hâm mộ bóng đá Việt Nam thật sự thất vọng, riêng tôi cũng vậy. Sự ham muốn tham vọng đồng tiền ở các cầu thủ này quá lớn, họ còn quá trẻ nhưng cũng không thể biện minh cho suy nghĩ quá non trẻ mà nương nhẹ tay với các cầu thủ đánh bạc và tổ chức đánh bạc ấy được. Và cũng cần tìm và điều tra sau lưng các cầu thủ ấy còn có một quan chức nào đó khác không vì điều này là rất có thể.
Bóng đá nam Việt Nam mang lại niềm vui thì ít mà nỗi khổ, nỗi buồn thì nhiều. Nay lại còn thêm mối nhục nữa. Không biết bao giờ ta mới dám ngẩng mặt lên nhìn bạn bè thế giới nữa đây. Nhiều người nói ta cần phải làm lại từ đầu. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng theo tôi, ta phải thực sự làm lại, thực sự làm một cuộc cách mạng. Sao không giải tán toàn bộ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đi để xây dựng một Liên đoàn mới, với những người thực sự từ các câu lạc bộ và các doanh nghiệp biết và dám nuôi bóng đá?
Những người đó chắc chắn sẽ vì bóng đá, sẽ kiên quyết với mọi kẻ xấu trong bóng đá, đơn giản bởi đó là thứ bóng đá của họ, là niềm đam mê thiêng liêng của họ. Còn với Liên đoàn hiện nay, họ đã không còn tín nhiệm. Thử hỏi, nếu lần này công an không làm rốt ráo, liệu họ có lại cho qua như những lần trước không? Đừng trách riêng mình ông Thọ. Xét cho cùng ông cũng chỉ là một quan chức lâu nay sống nhờ bóng đá thôi. Cái thời ông sống bằng niềm đam mê đá bóng qua lâu rồi. Ông Thọ còn thế thì những ông sống bằng chính trị bóng đá khác còn như thế nào. Hãy cho họ nghỉ hết đi mới có hy vọng. Còn không, chỉ ít lâu nữa sẽ lại có thêm rất nhiều Văn Quyến, Quốc Vượng với những cú dàn xếp tỉ số ngoạn mục hơn nhiều!!!
Tôi thật bức xúc khi nghe tin các cầu thủ đã bán độ. Tôi cho rằng các cầu thủ khi thi đấu quốc tế tức là họ đã đại diện cho một quốc gia đi thi đấu với các nước bạn. Nếu họ thắng, vinh quang của họ chính là vinh quang của một quốc gia. Tôi thiết nghĩ các cầu thủ của chúng ta đã bán rẻ lương tâm, nói cách khác là đã bán rẻ quốc gia của mình. Đối với tôi, đây chính là một sự sỉ nhục. Nếu tôi là nhân viên của cơ quan đại diện pháp luật, tối sẽ ghép các cầu thủ bán độ vào tội bán nước. Tại sao các nhân viên của cơ quan đại diện pháp luật không thẳng thắn nói ra điều này? Nếu cứ che giấu tội lỗi thì biết đến bao giờ đất nước mới phát triển được?
Trong những ngày này, các từ ngữ như "tiêu cực bóng đá VN", "bán độ"... được nhắc đến khá nhiều và chuyện xoay quanh đó cũng không ít khiến trong lòng mỗi người Việt có tình yêu mến chân chính với các cầu thủ của chúng ta cũng bị tổn thương một cách nặng nề. Như vậy là từ trước đến nay chúng ta đã hò reo, la hét, cổ vũ vô tư nhiệt tình cho những trận đấu mà không biết rằng trong nhiều trận đấu, tinh thần thể thao trong sáng và cao thượng của các cầu thủ đã bị nhuốm mùi tiền. Trời ơi! Bóng đá Việt Nam là như thế này đó ư, từ trọng tài, HLV, rồi đến cầu thủ đều là nô lệ của những đồng tiền bẩn thỉu. Rồi đây còn những con người nào nữa bị truy tố thì chưa ai có thể đoán trước nhưng nỗi nhục nhã của nền bóng đá Việt Nam lúc này thì đã rõ.
Tất cả chúng ta hãy cùng góp tay vào rửa nỗi nhục này bằng cách hãy tố cáo tất cả những gì liên quan mà mình biết được về những tiêu cực bóng đá từ trước tới nay. Bên cạnh đó chúng ta hãy thể hiện tình yêu bóng đá nước nhà bằng cách vận động những người có liên quan ra trình diện cơ quan pháp luật để được lập công hưởng lượng khoan hồng. Theo tôi, đây là lúc chúng ta thể hiện tình yêu bóng đá nói riêng và nền thể thao nước nhà nói chung một cách đặc biệt nhất và hiệu quả nhất.
Tôi không biết diễn tả nỗii thất vọng của mình như thế nào khi biết rằng có các cầu thủ trong đội tuyển U23 bán độ. Và thật không thể tin được khi những người cầu cầm đầu là một trong những cầu thủ được yêu mến nhất của bóng đá VN. Khi tiếng còi kết thúc trận chung kết SEA Games và đội tuyển của chúng ta thua Thái Lan 0-3, tôi thất vọng vô cùng và nghĩ rằng “không biết tại sao các cầu thủ của chúng ta lại thi đấu kém như thế", nhưng rồi nỗi thất vọng cũng qua đi vì tôi nghĩ sức của các cầu VN chỉ có thế và thắng thua là chuyện thường tình.
Nhưng giờ đây tôi lại thất vọng nhiều hơn gấp bội khi biết các cầu thủ của chúng ta bán độ. Vì những đồng tiền bẩn thỉu mà họ bán cả danh dự quốc gia. Mà họ cũng đâu phải là không có tiền đến nỗi phải làm thế. Theo tôi biết tiền thưởng của đội tuyển từ nhiều nguồn khác nhau lên đến 4-5 tỉ đồng, tính ra mỗi cầu thủ cũng có ít nhất hàng chục triệu đồng, một số tiền rất lớn mà có lẽ tôi làm cực lực cả năm cũng chưa kiếm nổi. Vậy mà họ vẫn bán độ, thử hỏi còn gì đau đớn hơn?
Những cầu thủ bán độ là những con sâu mọt, đáng bị trừng phạt thật nặng. Dù có thể ở những giải bóng đá tiếp theo, đội tuyển Việt Nam có thể bị loại ngay từ vòng đấu bảng (vì mất nhiều cầu thủ tài năng), nhưng sau khi loại bỏ những con sâu mọt của bóng đá thì nước ta sẽ có một nền bóng đá trong sạch và trước sau gì cũng sẽ thành công, miễn là phải trong sạch…
Có một điều mà tôi cảm thấy buồn nữa là, nếu U23 VN không thua trong trận chung kết và giành chức vô địch tại SEA Games vừa rồi, liệu các nhà chức trách có điều tra về bán độ không? Có lẽ là không. Những nhà quản lý bóng đá của nước ta luôn luôn là như vậy. Hễ có thua thì mới coi lại mình, còn thắng thì bỏ hết tất cả. Tôi giả sử U23 đoạt chức vô địch SEA Games lần này thì những con sâu mọt của BĐVN tiếp tục hoàng hành và phá hoại nền bóng đá nước ta và hậu quả có lẽ còn lớn hơn nhiều. Các quan chức quản lý bóng đá nên lưu ý điều này.
Các cầu thủ bán độ, những con sâu mọt phản bội tổ quốc rồi cũng sẽ đền tội, các cầu thủ khác cần phải coi đây là bài học kinh nghiệm, đừng vì tiền mà bán danh dự tổ quốc. Và hãy lấy tấm gương của đội bóng đá nữ đi, nhìn họ thi đấu lăn xả, đầy quả cảm, không hề mè nheo tiền thưởng, mà vẫn thống trị khu vực ĐNA với 3 lần vô địch liên tiếp đấy thôi… Hãy học theo những cô gái quả cảm đó, họ đáng được nhận nhiều hơn những gì mà họ nhận được.
Cần phải xem xét thêm về LĐBĐ VN
Trong chuyện đáng tiếc các cầu thủ trẻ VN bán độ, tôi nghĩ cần phải nên kiểm tra cả LĐBĐ VN. Có một số nghi vấn như tại sao phải đem một số tiền lớn để đưa trước cho các cầu thủ? Chắc phải có một số vấn đề mờ ám. Còn các cầu thủ trẻ cũng đáng trách vì đây là danh dự quốc gia, nhưng chúng ta cũng phải xem lại không có lửa sao có khói. Vấn đề tài chính nếu minh bạch thì sẽ không xảy ra các chuyện đáng tiếc.
Có một người bạn gửi cho tôi cái link về cuộc phỏng vấn ông HLV Lê Thụy Hải trước các phóng viên, kèm theo là những lời lẽ của người bạn đầy bức xúc, nếu không muốn nói là cộc cằn, nhưng tôi lại cho đó không có gì gọi là quá đáng khi chính bản thân tôi cũng muốn phản ảnh bằng những lời như thế y như bạn tôi.
Cũng là những người sống trong cùng một xã hội, chế độ giáo dục như nhau tại sao tôi chưa bao giờ có thể nói như vậy? Tôi chỉ là một người dân thường, trong khi ông ta lại là một vị lãnh đạo có một chút vị trí trong xã hội?! Nếu đã là một lãnh đạo tốt, không bao giờ người đó lại thốt ra những lời lẽ như vậy được, những lời này không dành cho một nhà lãnh đạo.
Theo tôi được biết qua báo chí thì chính ông phó đoàn Lê Thế Thọ là người bỏ phiếu duy nhất chọn Phạm Văn Quyến là cầu thủ hay nhất tại SEA Games 23 của đội U23 VN và cũng theo báo chí trích dẫn lời ông thì ông đã biết trước các dấu hiệu bán độ của các cầu thủ và đã báo về cho các lãnh đạo khác. Thế thì ông lý giải ra sao về cách bầu của mình? Theo cách hiểu thông thường, đó là thái độ vô trách nhiệm trong lá phiếu của mình, ông đã biết rõ các vấn đề (theo lời ông) nhưng vẫn bầu cho một người nặng "mùi" tiêu cực như thế.
Nếu không là vô trách nhiệm thì theo ông tôi nên hiểu thái độ của ông là gì? Bao che? Hay cùng có chung mục đích nào đó? Chỉ riêng việc vô trách nhiệm trong lá phiếu của mình, ông có thấy mình yếu kém trong phê và tự phê của một đảng viên hay không? Ông có thấy mình đã phản bội lòng tin của chúng tôi những người hâm mộ thể thao và cá nhân ông hay không?
Trong niềm xót xa và cay đắng vì tình yêu của mình với bóng đá VN bị phản bội, tôi tự hỏi: các cầu thủ trẻ đã và sẽ phải trả giá, còn ông, ông nghĩ gì khi cho rằng mình hoàn thành nhiệm vụ? Xin ông hảy một lần tự suy xét mình và thử một lần tự trọng. Ít nhất điều đó cũng sẽ góp phần làm vết đau của chúng tôi vơi ít nhiều.
Không còn gì để nói về thái độ vô trách nhiệm của ông phó đoàn Lê Thế Thọ nữa. Tôi không hiểu tại sao các ông quan chức của Việt Nam lại như thế nhỉ? Kiểm điểm, đánh giá mà làm gì khi dư luận đã bức xúc đến như thế mà còn không ăn thua gì với họ. Mà tôi không hiểu, họ không cảm thấy xấu hổ hay sao? Nếu tôi có quyền thì tôi sẽ cho các ông quan này "đi" ngay, đó cũng là trách nhiệm của người "tổng quản lý".
Tôi là một người hâm mộ bóng đá, không trận nào có đội tuyển VN tham gia mà tôi bỏ qua, hòa nhịp cùng nỗi khát khao chiến thắng của hàng chục triệu con tim yêu bóng đá nước nhà trước màn ảnh TV khi đội tuyển thi đấu ngoài nước. Trong sự kiện vừa qua, tôi thương cảm các em hơn là trách cứ. Kẻ đáng trách, theo chúng tôi đó là người lớn đi cùng với các em ở Philippines. Có ai thấy con cháu mình sắp sa chân xuống vực mà lại "rình" cho nó té xuống rồi phạt nó!
Tuổi Văn Quyến, Quốc Vượng... đáng tuổi con, cháu của các vị đó. Có lúc nào con các vị sắp phạm tội mà các vị để yên để gài bắt không? Tại sao lại không chỉ vẽ cho chúng cái sai, cái đúng? Sao không nói với chúng giúp mình bắt giữ những người lớn lôi kéo chúng vào cuộc chơi không lành mạnh trên?
Chúng ta trách các Câu lạc bộ không giáo dục các cầu thủ trẻ, mà ngược lại chúng ta cũng không biết cách hướng chúng đi đúng hướng khi trật đường. Các báo đài đều có nhận xét, các em đi đá banh từ 12, 23, 14 tuổi, nhà nghèo chẳng được đi học... đã vậy, người lớn chỉ chờ sa chân là vây bắt, chẳng hề ngăn chặn!
Lẽ ra tương lai của các em còn rộng mở, nếu như có người ngăn chặn, hướng dẫn, giáo dục. Đó là bài học, bài học phải trả giá quá đắt bằng cả tương lai cuộc đời các em. Và, sự nghiệp bóng đá chúng ta cũng phải hy sinh một vài cầu thủ trẻ có tài năng. Tiếc thay!
Tôi không phải là một người hâm mộ bóng đá thật sự nhưng cũng theo dõi diễn biến của sự việc từng ngày, tôi cảm thấy đáng thương cho những cầu thủ trẻ. Thương là vì họ "xui" cho nên mới bị phanh phui sự việc, chắc trong đầu họ nghĩ đơn giản là những thế hệ đàn anh đi trước đã làm mà có bị xử lí gì đâu thì tại sao mình lại không làm??? Thương là vì họ đã bị chỉ trích bằng những cụm từ như là "bán mình cho quỷ", "phản bội tổ quốc"... thế nhưng chắc ai cũng biết số tiền mà họ nhận được chẳng thấm vào đâu so với những vụ án tham ô thâm hụt đục khoét ngân sách nhà nước hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng như vụ điện kế điện tử, ngành dầu khí...
Đành rằng là họ có tội nhưng xét về phương diện kinh tế thì họ chưa đủ để "xách dép" cho những quan tham hại dân hại nước kia. Vậy thì những quan tham kia sao không bị gọi là "bán mình cho quỷ", "phản bội tổ quốc"??? Tại sao lại cho rằng những cầu thủ trẻ người non dạ đã làm những chuyện dại dột, vậy thử hỏi những vị tai to mặt lớn đáng tuổi cha chú kia có còn "trẻ người non dạ" hay không? Chẳng qua vì môn thể thao vua được nhiều người thuộc các tầng lớp quan tâm nên họ mới thất vọng và cay cú như vậy.
Rốt cuộc là chúng ta chỉ mất niềm tin thôi và tại sao chúng ta lại không cay cú đối với những con người "ăn trên mồ hôi xương máu" của chúng ta bằng những đồng tiền mà chúng ta đóng góp cho nhà nước? Tôi rất thương cho mẹ Quyến và Quyến nữa, nếu được xin quý báo chuyển bài viết này của tôi tới mẹ Quyến như một lời chia sẻ động viên và mong Quyến thành thật khai báo để sớm được có cơ hội rèn luyện lại mình. Quyến vẫn còn trẻ, chúng ta đừng gây thêm nhiều áp lực nữa. Như vậy là đã đủ rồi.
Từ khóa » Những Vụ Bán độ Của Bóng đá Việt Nam
-
Danh Sách Vụ Bán độ Của Bóng đá Việt Nam - Wikipedia
-
10 Vụ Bán độ Rúng động Bóng đá Việt Nam: Lòng Tham Làm Mờ Mắt
-
11 Vụ Bán độ Tồi Tệ Bậc Nhất Khiến Cả Thế Giới Chê Cười Việt Nam
-
Danh Sách Các Vụ án Bán độ Của Bóng đá Việt Nam
-
Những Lần Bán độ Khiến Bóng đá Việt Nam Rúng động: Từ Vụ án ...
-
Nghi án Bán độ - VnExpress
-
5 Vụ Bán độ Nổi Tiếng Từng Gây Rúng động Bóng đá Việt Nam
-
15 Năm Sau Vụ Bán độ, Thần đồng Văn Quyến Ngày ấy Giờ Ra Sao?
-
Những Vụ án Bán độ Bóng đá Việt Nam - Nhà Cái Online
-
Những Vụ Bán độ Bóng đá động Trời: "Đại án" Nào đã Bị Phanh Phui?
-
Bán độ - Tin Tức Cập Nhật Mới Nhất Tại | Kết Quả Trang 1
-
Danh Sách Cầu Thủ Bán độ Bóng đá Việt Nam - Nhà Cái Online
-
Bóng đá Lào Rúng động Vì 45 Cầu Thủ Bán độ, Dàn Xếp Tỉ Số