Cách Bấm Huyệt Chữa Bệnh Gút đúng Và An Toàn - YouMed

Nội dung bài viết

  • Bệnh gút theo quan điểm của Y học cổ truyền
  • Bấm huyệt chữa bệnh gút có hiệu quả?
  • Cách bấm huyệt chữa bệnh gút
  • Lưu ý, kiêng kị khi thực hiện bấm huyệt chữa gút
  • Các phương pháp Đông y khác chữa gút

Bệnh Gút là tình trạng bệnh lý gồm nhiều thời kì viêm khớp tái đi tái lại, tương ứng với sự hiện diện của tinh thể muối urat trong dịch khớp. Bệnh gây ra đau đớn, khó chịu và làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đợt cấp của bệnh, việc điều trị nhắm vào việc sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi qua giai đoạn cấp, các phương pháp không dùng thuốc được phối hợp vào điều trị giúp mang lại hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến phương pháp bấm huyệt chữa bệnh gút. Mời bạn cùng bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về phương pháp này qua bài viết dưới đây.

Bệnh gút theo quan điểm của Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, gút (Gout) còn được gọi là thống phong. Bệnh nằm trong phạm trù chứng Tý (sưng, đau, tê, nặng mỏi).

Nguyên nhân bệnh là do ba thứ tà khí phong, hàn, thấp tích tụ lâu ngày trong cơ thể mà cơ thể lại có can thận bất túc. Can hư không thể nuôi dưỡng được cân mạch. Thận hư không thể chủ được cốt tủy. Hư nhiệt kết hợp với khí huyết ứ trệ do tà khí tích tụ gây bế tắc làm cho khớp xương sưng nóng đau không co duỗi vận động được. Đau dữ dội và nhiều về đêm, trời lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau. Nếu bệnh tiến triển nhanh, cấp tính và mạnh thì gọi là bạch hổ lịch tiết.1

Gút gây ra những cơn đau nhức làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh
Gút gây ra những cơn đau nhức làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh

Bấm huyệt chữa bệnh gút có hiệu quả?

Bấm huyệt giúp người bệnh gout giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên trong giai đoạn cấp, người bệnh không nên áp dụng phương pháp này, vì sẽ gây tăng đau đớn, khó chịu. Bấm huyệt chữa gút có thể dùng khi bệnh nhân đã qua cơn cấp. Khi đó, việc bấm huyệt sẽ mang lại tác dụng như sau:

  • Tăng cường lưu lượng máu lưu thông đến các khớp. Từ đó giúp mang những chất chuyển hóa bất lợi đi.
  • Phòng tránh sự cứng khớp do bất động lâu ngày vì đau. Bấm huyệt sẽ giúp cho các huyệt vị được đả thông, giải quyết những tắc nghẽn do sự ứ trệ của khí huyết.
  • Tạo cảm giác thư giãn, thoải mái cũng là một trong những biện pháp ngăn ngừa bệnh tái phát.
  • Giúp cơ thể thư giãn sâu, các cơ bắp quanh khớp cũng được thả lỏng. Từ đó, sẽ giúp giảm nhanh cảm giác đau.
  • Giúp cân bằng và bảo vệ sức khỏe của người bệnh. Đồng thời, tăng cường hệ thống miễn dịch và phòng vệ, giúp hệ xương khớp khỏe mạnh để chống đỡ bệnh tật.2

Xem thêm: Tỏi độc: Loại cây chiết xuất ra Colchicin chữa bệnh Gout

Bấm huyệt có thể giúp hỗ trợ giảm đau trong điều trị bệnh gút
Bấm huyệt có thể giúp hỗ trợ giảm đau trong điều trị bệnh gút

Cách bấm huyệt chữa bệnh gút

Chỉ định bấm huyệt chữa gút

Bấm huyệt chữa gút được áp dụng ngoài cơn cấp. Đặc biệt, hỗ trợ điều trị hiệu quả trong giai đoạn mãn tính của bệnh.

Chống chỉ định bấm huyệt chữa gút

Không nên bấm huyệt khi bệnh nhân đang trong giai đoạn cấp, các khớp sưng nóng, đỏ, đau dữ dội.

Người bị chấn thương ở vùng chuẩn bị tiến hành bấm huyệt.

Vị trí huyệt bấm đang bị sưng tấy, có vết thương hở hoặc bị lở loét – nhiễm trùng.

Các huyệt có thể sử dụng trong bấm huyệt chữa gút

Huyệt Dương lăng tuyền

Vị trí: Để tìm vị trí của huyệt Dương lăng tuyền, người bệnh ngồi ngay ngắn và dùng tay sờ vùng phía ngoài cẳng chân. Huyệt Dương Lăng Tuyền nằm ở phía dưới đầu gối, tại chỗ lõm, phía ngoài đầu xương mác.

Cách bấm huyệt Dương Lăng Tuyền điều trị bệnh Gout: Người bệnh dùng ngón tay giữa và ngón trỏ day huyệt Dương Lăng Tuyền theo chiều kim đồng hồ. Nên day huyệt ở cả hai chân để đạt hiệu quả tốt nhất.

Mỗi ngày bấm huyệt từ 1 đến 2 lần. Mỗi lần bấm từ khoảng 1 đến 3 phút.

Thời gian thực hiện từ 10 đến 15 ngày liên tục.

Huyệt Độc tỵ

Vị trí: Huyệt nằm ở chỗ lõm dưới xương bánh chè. Huyệt có hình dạng trông giống như mũi con trâu nên được gọi là Độc tỵ.

Cách bấm huyệt: Dùng 2 đầu ngón tay trỏ và giữa cùng lúc day và ấn huyệt Độc tỵ khoảng 3 – 5 giây, trong 5 – 10 phút. Mỗi ngày thực hiện từ khoảng 2 – 3 lần.

Huyệt Ủy trung

Vị trí: Huyệt nằm ở giữa đường chỉ ngăn nếp nhượng chân.

Cách bấm huyệt chữa bệnh gút: Dùng đầu ngón tay cái day và ấn huyệt trong 1 – 2 phút. Mỗi ngày day bấm huyệt 1 – 2 lần.

Huyệt Côn lôn

Huyệt nằm ở trên mắt cá chân ngoài khoảng 2 cm. Huyệt này có thể xác định bằng cách sờ giao điểm bờ ngoài gót chân đến mắt cá chân. Huyệt nằm ở chỗ lõm xuống giữa khe gân, trước gân gót sau và ở sau đầu xương chầy.

Cách bấm huyệt: Day và bấm huyệt bằng ngón tay trỏ và ngón giữa liên tục từ 5 đến 10 phút. Mỗi ngày thực hiện 1 – 2 lần. Áp dụng liên tục trong 1 – 2 tuần có thể thấy các triệu chứng bệnh gút thuyên giảm.1 2

Lưu ý, kiêng kị khi thực hiện bấm huyệt chữa gút

Bấm huyệt là phương pháp giúp hỗ trợ giảm các cơn đau và giúp tinh thần thư giãn hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bấm huyệt sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của bệnh nhân. Do đó, trước khi thực hiện bấm huyệt người bệnh nên lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Người mắc các bệnh tim, hay tăng huyết áp, gãy xương hoặc có tổn thương về xương khớp không nên bấm huyệt chữa bệnh gút.
  • Không thực hiện bấm huyệt khi vừa mới trải qua tổn thương, phẫu thuật.
  • Không bấm huyệt khi đang quá đói hoặc quá no. Sau khi uống rượu, bia, thức uống có cồn cũng không nên thực hiện bấm huyệt ngay.
  • Phụ nữ mang thai không nên thực hiện bấm huyệt. Vì nếu thực hiện không đúng kĩ thuật hoặc xác định sai huyệt có thể ảnh hưởng đến thai nhi, hoặc gây sảy thai.

Các phương pháp Đông y khác chữa gút

Ngoài bấm huyệt chữa gút có thể giúp hỗ trợ giảm đau. Một số phương pháp khác có thể phối hợp như:

  • Dùng thuốc y học cổ truyền.
  • Châm cứu: Nếu bệnh đang trong cơn cấp không nên chọn các huyệt ngay tại nơi đau để châm.
  • Dưỡng sinh.
  • Xoa bóp.

Xem thêm: Người bị bệnh gout nên ăn gì và tránh ăn gì?

Châm cứu là phương pháp có thể dùng phối hợp với các liệu pháp giảm đau khác để chữa gút
Châm cứu là phương pháp có thể dùng phối hợp với các liệu pháp giảm đau khác để chữa gút

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách bấm huyệt chữa bệnh gút. Phương pháp này có thể ứng dụng giúp hỗ trợ điều trị bệnh gút khá hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bấm huyệt cần được chỉ định và thăm khám của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý thực hiện, nhất là trong cơn cấp của bệnh.

Từ khóa » Bấm Huyệt Trị Bệnh Gout