Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Phổi Tại Nhà (kèm Trẻ Sơ Sinh) - VNVC
Có thể bạn quan tâm
Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, khi viêm phổi ngày càng trở nên phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ.
Vì sao trẻ bị viêm phổi
Viêm phổi xảy ra khi xuất hiện tình trạng phổi bị nhiễm trùng. Khi đó, các túi khí trong phổi chứa nhiều dịch khiến cơ thể không được hấp thụ lượng oxy cần thiết. Khi viêm phổi không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho hệ hô hấp của người bệnh về sau, thậm chí nhiều trường hợp viêm phổi nặng dẫn đến tử vong.
Đa số các trường hợp viêm phổi là do virus gây ra và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các loại virus thường gặp gây viêm phổi có thể kể đến như: virus hợp bào hô hấp (RSV), Adenovirus, virus cúm… Các chủng virus gây bệnh hô hấp thường sinh trưởng mạnh khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào khoảng thời gian chuyển mùa.
Ngoài virus, các loại vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm cũng là những nguyên nhân dẫn đến viêm phổi ở trẻ. Trong đó, phổ biến nhất là vi khuẩn phế cầu; nấm Candida albicans (1) gây tưa miệng và có thể gây viêm phế quản phổi.
Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói, bụi, nguồn nước kém vệ sinh, không gian sống chật chội, thiếu tiện nghi cũng là những điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, tăng nguy cơ gây viêm phổi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ sống cùng người thân mắc bệnh lao hoặc nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn những đứa trẻ khác. Trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin và các loại dưỡng chất khác, trẻ không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đặc biệt là các loại vắc xin phòng bệnh hô hấp… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh viêm phổi như: sốt, ho, khò khè, ăn kém, bỏ bú, khó thở, rút lõm lồng ngực,…, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Việc lựa chọn thuốc điều trị cho trẻ mắc bệnh viêm phổi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, do đó phụ huynh không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc ho cho trẻ. Thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị trong trường hợp trẻ bị viêm phổi do virus. Ho khi mắc viêm phổi là một phản ứng tốt, giúp giảm đờm, tiết đờm ra khỏi đường thở. Do đó, nếu tự ý cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ cũng có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Dù được điều trị tại bệnh viện hay điều trị tại nhà, quý phụ huynh cần lưu ý những cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi sau:
Hạ sốt cho trẻ
Nếu trẻ sốt dưới 38.5oC, ba mẹ có thể hạ sốt cho bé bằng cách chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm ấm cho trẻ được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ người lớn vào chậu nước cho đến khi thấy ấm). Chườm chủ yếu tại vùng nách, bẹn; đồng thời cởi bỏ bớt quần áo, chăn mền, cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng, uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước.
Nếu sốt trên 38.5oC, ba mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc hạ sốt hay được kê đơn cho bé nhiều nhất là Paracetamol dạng gói, siro hoặc thuốc nhét hậu môn.
Vỗ lưng giúp trẻ bài tiết đờm
Để hỗ trợ trẻ bài tiết đờm hiệu quả hơn, ba mẹ có thể áp dụng phương pháp vỗ lưng cho trẻ. Phương pháp vỗ lưng khi trẻ ho có đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp phổi giãn nở tốt hơn, long đờm phế quản và thải ra ngoài dễ dàng hơn. Thời điểm vỗ lưng tốt nhất cho trẻ là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau ăn để tránh gây nôn.
Thao tác vỗ lưng giúp trẻ bài tiết đờm khá đơn giản. Ba mẹ gập bàn tay ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại, giữ ngón cái ép vào ngón trỏ, vỗ bên trái rồi vỗ bên phải, mỗi vị trí khoảng từ 3-5 phút. Tránh vỗ vào dạ dày, xương ức hay xương sống.
Hướng dẫn trẻ ho
Ho là hoạt động giúp thông thoáng đường thở và đẩy chất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, phụ huynh yêu cầu trẻ ho sau khi vỗ vào từng khu vực. Lưu ý, nếu trẻ chưa ngừng ho, phụ huynh chưa vỗ tiếp.
Cụ thể, khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi ba mẹ cần hỗ trợ trẻ ho với các bước sau:
- Cho trẻ ngồi dậy và ngả đầu nhẹ về phía trước;
- Để trẻ hít vào, mở miệng và thót cơ bụng để ho thật sâu;
- Không ho ở cổ họng;
- Hít vào lần nữa và tiếp tục ho trước khi khạc đờm ra ngoài.
Đối với trẻ quá nhỏ, không thể tự khạc đờm, ba mẹ có thể nhờ nhân viên y tế sử dụng máy hút đờm cho trẻ.
Chế độ ăn
Đối với bệnh viêm phổi, biến chứng và tử vong thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng. Khi mắc viêm phổi, các triệu chứng khiến bệnh nhân trở nên mệt mỏi, ăn uống kém, sút cân khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Do đó, chế độ dinh dưỡng đầy đủ góp phần rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân viêm phổi.
Để chăm sóc trẻ bị viêm phổi hiệu quả, trẻ cần được tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng, năng lượng và protein nhằm nâng cao thể trạng, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng và suy dinh dưỡng sau này. Đối với trẻ nhỏ cần tăng cường cho trẻ bú mẹ. Đây là việc rất quan trọng, vì trẻ bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng và giảm ho.
Đối với trẻ lớn hơn, ba mẹ cần chuẩn bị một thực đơn đảm bảo dinh dưỡng với các loại thực phẩm giàu protein, vitamin, khoáng chất, những thức ăn lỏng và nhất là uống nhiều nước.
Thực phẩm giàu protein
Protein là thành phần chủ yếu giúp hình thành, duy trì và tái tạo cơ thể. Thiếu protein sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng hay mắc bệnh do sức đề kháng giảm. Protein còn rất quan trọng trong việc tái tạo các mô tế bào mới. Đối với những bệnh nhân viêm phổi, bổ sung protein giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể.
Các loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ. Ba mẹ nên chọn những thực phẩm ít béo như thịt gia cầm không da, thịt trắng, các loại đậu; nên hạn chế ăn thịt đỏ vì có thể làm tăng tình trạng viêm (2).
Thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A có khả năng tăng cường đề kháng cho cơ thể, chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn như viêm phổi. Ngoài ra, vitamin A còn bảo vệ sự nguyên vẹn của niêm mạc đường hô hấp. Do đó, cần bổ sung đủ lượng vitamin A trong quá trình chăm sóc trẻ bị viêm phổi (3).
Các loại thực phẩm giàu vitamin A thích hợp chế biến món ăn cho trẻ bị viêm phổi như: các loại rau màu xanh đậm gồm rau ngót, rau muống, rau xà lách, rau diếp; các loại củ, quả có màu đỏ, vàng gồm gấc, hồng, xoài, đu đủ, bí đỏ. Khi chế biến thức ăn, ba mẹ có thể cho thêm dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Rau, củ, quả giàu vitamin và khoáng chất, giúp bổ sung dinh dưỡng, kháng viêm và tăng cường đề kháng cho người viêm phổi. Các loại rau, củ, quả có màu đậm như cải bó xôi, cải xoăn, rau ngót, bông cải xanh…; các loại trái cây giàu vitamin như: dâu tây, cam, nho, đu đủ, táo, lê, chuối…
Nếu bệnh nhi mắc bệnh viêm phổi mệt mỏi, khó ăn có thể uống các loại nước ép trái cây và rau quả tươi.
Ăn lỏng, uống nhiều nước
Bệnh nhân viêm phổi cần ăn thức ăn lỏng, nghĩ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước. Thức ăn lỏng như cháo, súp sẽ giúp người bệnh dễ ăn và dễ tiêu hóa hơn.
Cung cấp đầy đủ nước còn giúp làm loãng đờm, giúp người bệnh dễ khạc đờm ra. Cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, có thể uống nước lọc, nước trái cây, sữa,… Nếu bệnh nhi sốt cao có thể uống Oresol để bù nước và chất điện giải.
Ngoài những loại thực phẩm nên ăn, người bệnh viêm phổi cần hạn chế ăn thức ăn chiên, xào, nướng chứa nhiều gia vị, dầu, mỡ gây khó tiêu. Tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, thực phẩm có chứa nhiều đường (4).
Vệ sinh cho trẻ
Bên cạnh dinh dưỡng và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, ba mẹ nên lưu ý đến vấn đề vệ sinh cho trẻ. Nên dùng khăn mềm lau nước mũi cho trẻ và không được tái sử dụng mà nên vứt bỏ sau một lần sử dụng. Nếu dùng khăn xô phải giặt thật sạch sẽ, phơi nắng để đảm bảo khăn sạch khuẩn trong lần sử dụng tiếp theo. Lưu ý vệ sinh nhà cửa và đồ chơi của bé. Trước khi nấu ăn hoặc chăm sóc trẻ viêm phổi, mẹ cũng cần vệ sinh tay sạch sẽ.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi tại nhà
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi tại nhà, ba mẹ cần đặc biệt chú ý các vấn đề sau:
- Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 4-5 lần/ ngày, đặc biệt là trước khi trẻ ăn hoặc ngủ;
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và không bỏ bữa;
- Cho trẻ uống nhiều nước ấm để làm loãng đờm, giúp trẻ dễ chịu hơn;
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng;
- Dùng khăn giấy loại dùng một lần để vệ sinh mũi cho bé, tránh dùng khăn sữa nhiều lần vì có thể gây lây nhiễm nặng hơn;
- Cho trẻ nằm nghiêng khi ngủ, kê gối cao hơn một chút để trẻ ngủ thoải mái hơn;
- Khi trẻ nôn trớ nên vỗ nhẹ lưng trẻ để tống xuất các chất lạ ra khỏi đường thở;
- Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị viêm phổi đi khám bác sĩ?
Khi trẻ ho, sổ mũi kèm theo một trong những dấu hiệu sau, ba mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị:
- Co lõm ngực (phần giữa ngực và bụng lõm khi trẻ hít vào);
- Khó thở, cánh mũi phập phồng, tím tái;
- Thở khò khè, thở rít khi nằm yên;
- Không uống được, co giật, li bì.
Chăm sóc trẻ sau khi bị viêm phổi như thế nào?
Sau quá trình điều trị, việc chăm sóc trẻ sau khi bị viêm phổi là cần thiết và quan trọng vì cơ thể trẻ cần thời gian để hồi phục hoàn toàn. Để hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi, trẻ có thể bắt đầu với các bài tập hít thở đơn giản tại giường. Hít sâu và nín thở trong vòng khoảng 3 giây, thở ra bằng miệng rồi khép lại. Ngoài ra, trẻ có thể vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ xung quanh nhà. Nếu cảm thấy không bị đuối sức, trẻ có thể tăng khoảng cách đi bộ.
Mặt khác, trong quá trình phục hồi sau bệnh viêm phổi, hệ miễn dịch vẫn còn đang trong trạng thái suy yếu. Vì vậy, ba mẹ nên lưu ý bảo vệ hệ miễn dịch đang suy yếu của trẻ bằng cách tránh tiếp xúc với người bệnh, tránh các khu vực đông người như chợ, trung tâm mua sắm. Nếu trẻ quay lại trường học, hãy đảm bảo rằng nhiệt độ cơ thể của trẻ trở lại bình thường và không còn ho ra đờm.
Đặc biệt, sau điều trị viêm phổi, không hiếm các trường hợp trẻ tái nhiễm bệnh nhiều lần do điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội; chăm sóc trẻ không đúng cách, do sức khỏe của chính bản thân đứa trẻ hoặc do tình trạng kháng kháng sinh. Tình trạng tái nhiễm có thể dẫn đến biến chứng nặng hoặc thậm chí là tử vong. Do đó, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và tiêm nhắc các loại vắc xin cần thiết để bảo vệ lá phổi, tránh nguy cơ tái nhiễm bệnh.
Một số loại vắc xin phòng tác nhân gây bệnh viêm phổi hiệu quả cho trẻ em có thể kể đến như:
- Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar-13 (Bỉ): phòng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa,… do phế cầu khuẩn cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Vắc xin Pneumovax 23 (Mỹ) được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, thanh thiếu niên và người lớn
- Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/ Infanrix Hexa (Bỉ): phòng 6 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh viêm phổi – viêm màng não do HIB cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi.
- Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp)/ Infanrix IPV+Hib (Bỉ) phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi – viêm màng não do Hib cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
- Vắc xin Quimi – Hib (Cu Ba) phòng viêm phổi do HIb cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
- Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)/ GC FLU Quadrivalent (Hàn Quốc) phòng biến chứng viêm phổi do cúm mùa cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
- Vắc xin VA-Mengoc-BC (Cu Ba) phòng viêm phổi, viêm màng não,… do não mô cầu khuẩn tuýp BC cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
- Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng viêm phổi, viêm màng não,… do não mô cầu khuẩn tuýp A,C,Y,W-135 cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
- Vắc xin Adacel (Canada), Boostrix (Bỉ) phòng ho gà – bạch hầu – uốn ván cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.
Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC có đầy đủ vắc xin phòng bệnh viêm phổi cho trẻ em và người lớn. Toàn bộ vắc xin được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất trong và ngoài nước, được bảo quản trong hệ thống kho lạnh hiện đại đạt chuẩn GSP, đảm bảo vắc xin được bảo quản chất lượng trong nhiệt độ từ 2-8 độ C. Với hơn 60 trung tâm trên toàn quốc, VNVC mang đến cho người dân nguồn vắc xin dồi dào, chất lượng với giá thành hợp lý.
Viêm phổi là mối đe dọa cho trẻ em và người lớn, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tái nhiễm cao. Ngoài nắm cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi, ba mẹ nên chủ động cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc để tạo “lớp kén” bảo vệ vững chắc trước căn bệnh nguy hiểm này.
Từ khóa » Em Bé Viêm Phổi Uống Thuốc Gì
-
Điều Trị Viêm Phổi ở Trẻ Em | Vinmec
-
Điều Trị Và Chăm Sóc Trẻ Nhỏ Bị Viêm Phổi | Vinmec
-
Thuốc Nào Chữa Viêm Phổi ở Trẻ Em?
-
Thuốc Chữa Viêm Phổi ở Trẻ Em - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Trẻ Bị Viêm Phổi Uống Thuốc Gì để Nhanh Chóng Khỏi Bệnh? - Fitobimbi
-
Bé Bị Viêm Phế Quản Uống Thuốc Gì? - Bệnh Viện Hồng Ngọc
-
Trẻ Bị Viêm Phổi Uống Thuốc Gì để Bệnh Nhanh Khỏi? - MarryBaby
-
Chăm Sóc Trẻ Viêm Phổi đúng Cách | Trạm Y Tế Phường Bến Nghé
-
Sử Dụng Kháng Sinh điều Trị Viêm Phổi Cộng đồng ở Trẻ Em
-
5 Cách điều Trị Viêm Phổi Có Thể Bạn Chưa Biết • Hello Bacsi
-
TRẺ BỊ VIÊM PHỔI: BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ? - Bệnh Viện AIH
-
Trẻ Sơ Sinh Viêm Phổi - Khoa Nhi - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Chẩn đoán Và điều Trị Bệnh Viêm Phổi Trẻ Em Tại Bệnh Viện Sản Nhi ...
-
Trẻ Bị Viêm Phế Quản điều Trị Bằng Cách Nào? | TCI Hospital