Cách Chăm Sóc Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ đúng Cách Nhất

Cách chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ đúng cách nhất 

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển

Trẻ chậm phát triển được chia ra nhiều mức độ. Trường hợp nhẹ, trẻ vẫn có thể theo học ở các lớp tiểu học, song việc theo học sẽ hơi khó khăn với trẻ và kết quả học tập cũng kém hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.

Nếu trẻ chậm phát triển mức độ vừa, trẻ sẽ hầu như không theo học được, không tính toán được nhưng ngôn ngữ đủ để giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày và có thể làm được những công việc đơn giản.

Với những trẻ có mức độ nặng hơn, trí tuệ rất thấp, ngôn ngữ không có hoặc rất nghèo nàn, trẻ sẽ không thể giao tiếp. Những trẻ này luôn cần có người ở bên để chăm sóc theo sát.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển ở trẻ, trong đó chủ yếu được thống kê gồm những nguyên nhân chính như sau: di truyền, các tác động có hại đến người mẹ khi mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu như mắc một số bệnh do vi rút, ký sinh trùng, uống một số loại thuốc gây hại cho thai, sinh non, trẻ bị ngạt, can thiệp sản khoa, các bệnh mắc phải trong những năm đầu và thiếu các kích thích của môi trường xã hội…

Có thể phát hiện sớm dấu hiệu ở trẻ qua các triệu chứng như khi trẻ đến tuổi vẫn chậm về hành động: chậm lẫy, ngồi, đứng, đi… hay chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói, diễn đạt khó khăn… trẻ kém hiểu biết về các quy luật xã hội căn bản, không ý thức được hậu quả hành vi của mình, chậm chạp, ít linh hoạt, phân biệt màu sắc sự vật kém…

Gửi trẻ ở trường đặc biệt

Tại các trường đặc biệt, trẻ sẽ được các chuyên gia sức khỏe tâm trí đánh giá đúng mức độ chậm phát triển trí tuệ của trẻ và có những hướng dẫn can thiệp đặc biệt. Phần lớn những trẻ được gửi vào trường là những trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, không đủ khả năng làm những việc thông thường mà ở tuổi của trẻ đã có thể làm được.

Giáo viên dạy trẻ chậm phát triển thường được cho rằng phải có đầy đủ các yếu tố như: kiên trì, nhiệt huyết với trẻ, có tri thức chuyên môn cứng cỏi; bàn tay khéo léo để vận dụng thực tế và cải tạo môi trường.

Các phương pháp giáo dục trẻ chậm phát triển ở các trường đặc biệt bao gồm: phương pháp làm mẫu, phương pháp dùng lời đàm thoại, phương pháp nhắc đi nhắc lại nhiều lần, phương pháp động viên khuyến khích, cho trẻ thực hành trong thực tế, phương pháp chăm sóc cá biệt, phối hợp nhiều phương pháp tác động lên nhiều giác quan của trẻ…

Vai trò từ cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ chậm phát triển

Không ai yêu thương con bằng cha mẹ và không ai có thể đồng hành giúp con tốt hơn cha mẹ. Khi trẻ chậm phát triển, dù ở mức độ nào đi chăng nữa, vai trò của cha mẹ luôn được đặt lên hàng đầu trong việc chữa trị.

– Chấp nhận thực tế và hỗ trợ, trợ giúp con trong hành trình đầy gian lao này. Hãy tin tưởng rằng trẻ sẽ vượt qua được và dù chậm phát triển nhưng trẻ vẫn có khả năng đạt được những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.

– Đồng hành cùng con trong mọi hoạt động thường ngày – vui chơi, sinh hoạt ăn uống, vệ sinh thân thể…

– Hướng dẫn trẻ từ những hoạt động đơn giản nhất. Sau khi trẻ đã thực hiện được, cha mẹ mới nên bắt đầu tiếp tục với những hoạt động phức tạp hơn.

– Trong từng công việc, để tránh việc trẻ khó tiếp thu ngay một lúc, cha mẹ có thể chia nhỏ ra thành từng bước để trẻ kịp tiếp thu.

Cha mẹ nên lặp đi lặp lại nhiều lần cho trẻ nhớ bởi trẻ chậm phát triển thường tiếp thu không nhanh nhẹn như trẻ bình thường. Chẳng hạn, khi dạy trẻ đánh răng, cha mẹ có thể chia thành các bước: lấy bàn chải, nặn kem đánh răng, đánh bên nào trước, vệ sinh lưỡi ra sao…

– Khi trẻ làm tốt một việc gì, cha mẹ đừng bao giờ quên khen ngợi và khuyến khích trẻ – kể cả đó là việc vô cùng nhỏ.

– Gần gũi nói chuyện và chơi cùng trẻ. Có thể trẻ sẽ không hiểu điều cha mẹ nói nhưng sẽ cảm nhận được tình thương từ cha mẹ.

Cha mẹ nên đọc truyện cho trẻ, kể chuyện hàng ngày cho trẻ nghe, bày ra các trò chơi và cùng chơi với trẻ, khuyến khích vận động thể chất và cả trí tuệ…

– Cho trẻ giao tiếp xã hội nhiều: gặp gỡ người lớn và học cách chào, chơi cùng các bé khác… Đồng thời, cha mẹ đừng quên dạy trẻ cách ứng xử với người khác giới. Khi dạy trẻ những điều này tất nhiên không hề dễ chút nào, cha mẹ cần sự kiên trì rất lớn.

Phòng ngừa triệu chứng chậm phát triển ở trẻ

– Môi trường được xem là một trong những nguyên nhân gây ra chứng chậm phát triển ở trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ có thể can thiệp được vào nhân tố này.

Để con mình có điều kiện phát triển tốt, các bậc cha mẹ nên chú ý nhiều hơn đến môi trường xung quanh con. Đừng quên gần gũi, chơi đùa cùng con.

– Cha mẹ hãy tạo cho con môi trường tốt giúp con phát triển trí tuệ. Với đồ chơi cho trẻ, cha mẹ có thể mua các đồ chơi lắp ráp, xếp hình… để khuyến khích sự sáng tạo nơi con trẻ. Cho trẻ tự do chơi đùa với nặn đất sét, tô tượng, vẽ…

– Khi trẻ đến tuổi đi học, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc nhiều cùng các trẻ khác quanh nhà. Nên cho trẻ đến các nhà trẻ, nhà mẫu giáo để trẻ dạn dĩ hơn, quen trường lớp, thầy cô và bạn bè.

– Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu chậm phát triển, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đi khám, kiểm tra sức khỏe tâm thần.

Trường hợp trẻ chậm phát triển ở mức độ nhẹ, cha mẹ có thể cải thiện bằng phương pháp giáo dục kiên trì, gần gũi đồng hành cùng trẻ, khuyến khích trẻ vận động, giao tiếp. Nặng hơn, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trường đặc biệt tranh thủ sự giúp đỡ của các giáo viên.

Nhiều trẻ chậm phát triển trí tuệ không được hướng dẫn phù hợp và mất đi cơ hội phát triển tốt hơn. Vậy cha mẹ của những trẻ này có thể làm gì?

Hiểu biết về chậm phát triển trí tuệ

Chậm phát triển trí tuệ nghĩa là các chức năng tâm thần “bị chậm” hay nói cách khác là không phát triển được như mong đợi đối với tuổi của trẻ. Trẻ chậm phát triển trí tuệ gặp khó khăn khi học những điều mới. Sự bất lực này có thể tác động tới mọi khía cạnh phát triển của trẻ, từ học đi và đứng tới học ăn và nói. Chậm phát triển trí tuệ không phải là bệnh song chứng này xuất hiện ở giai đoạn đầu đời (thường từ khi mới sinh) và kéo dài trong suốt phần còn lại của đời người. Không có cách gì để chữa hay điều trị chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, có nhiều cách có thể tiến hành để nâng chất lượng cuộc sống cho trẻ và gia đình. Chậm phát triển có thể ở dạng nhẹ, vừa hay nặng.

Đa phần những trẻ chậm phát triển trí tuệ có sự thay đổi nhẹ. Bạn có thể xác định được mức độ chậm phát triển trí tuệ bằng cách nghiên cứu kỹ tiền sử phát triển của trẻ. Đa phần trẻ bị chậm phát triển trí tuệ nhẹ có thể đến trường được. Rất nhiều trẻ có thể học ở trường chính quy, đặc biệt là khi giáo viên quan tâm tới những nhu cầu của các trẻ này. Những trẻ em chậm phát triển khác có thể cần phải học ở trường dành cho trẻ em khuyết tật.

Hầu hết trẻ dạng này có thể tự chăm sóc bản thân và khá độc lập trong cuộc sống. Những trẻ em này chủ yếu gặp khó khăn trong việc kết bạn khi chúng trưởng thành và tìm việc làm. Những công việc thường nhật có thể sẽ là công việc lý tưởng cho chúng. Hầu hết trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thể vừa sẽ cần học ở những trường đặc biệt. Trẻ có thể sẽ cần tới sự gợi ý và trợ giúp trong các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, trẻ cần học cách tự tắm rửa hay tự đi vệ sinh nhưng cũng cần có người nhắc hay thỉnh thoảng phải kiểm tra. Hầu hết những trẻ này phụ thuộc vào gia đình trong vấn đề hoà nhập xã hội. Hầu hết không đủ khả năng làm những việc thông thường. Tuy nhiên, một số công việc được bảo trợ trong công xưởng có thể phù hợp. Điều chỉnh tình dục có thể trở thành vấn đề ở tuổi trưởng thành.

Những trẻ em bị chậm phát triển trí tuệ thể nặng dường như cần phải được chăm sóc trong suốt đời. Trẻ có thể còn bị tàn tật về thể chất và mắc những vấn đề sức khỏe. Khả năng kiểm soát co bóp bàng quang và ruột phát triển rất muộn. Những trẻ này thậm chí còn không đủ khả năng học ở những trường đặc biệt. Chúng không thể làm được việc gì trong cuộc sống.

Nếu trẻ mắc bệnh đặc biệt như thiểu năng tuyến giáp hay có những cơn ngất, hãy đưa trẻ đi khám chuyên gia y tế. Trừ những trường hợp đặc biệt hoặc hãn hữu, nói chung không có chỉ định dùng thuốc để điều trị chậm phát triển trí tuệ. Không dùng thuốc “bổ não” hay những thuốc “hỗ trợ chức năng tâm thần” khác. Những thuốc này không chỉ đắt mà còn không có tác dụng gì.

Mặc dù trẻ bị chậm phát triển trí tuệ nhưng trẻ vẫn có khả năng đạt nhiều mốc quan trọng trong cuộc đời. Cha mẹ cần phải được chuẩn bị để chấp nhận việc chậm đạt được các mốc này và thực tế trong việc mong đợi con họ đạt được.

Một số hướng dẫn chung dành cho cha mẹ của trẻ chậm phát triển trí tuệ:

Cha mẹ nên linh hoạt hơn trong việc kỳ vọng điều gì ở con của mình.

Tùy theo mức độ chậm phát triển trí tuệ và lứa tuổi của trẻ, cha mẹ nên quyết định loại hình hoạt động nào họ muốn cho con học. Họ nên bắt đầu với những công việc đơn giản và chuyển sang những hoạt động ngày càng phức tạp hơn chỉ sau khi trẻ đã làm được những hoạt động đơn giản.

Các hoạt động nên được chia thành những phần việc nhỏ hơn. Ví dụ, việc tắm rửa có thể chia thành giai đoạn múc nước, cầm lấy xà phòng khi cha mẹ đưa cho trẻ, tự xoa xà phòng lên người, dội nước để làm sạch xà phòng và lau khô người bằng khăn tắm. Từng phần việc này phải được học riêng trước khi kết hợp thành một hành động phức hợp. Mỗi hoạt động nên được thực hành liên tục trong vòng ít nhất hai tuần trước khi cha mẹ chuyển sang dạy hoạt động tiếp theo.

Cha mẹ nên khích lệ trẻ thậm chí khi họ cảm thấy điều đó là vô nghĩa. Ví dụ, họ có thể nói chuyện hay đọc sách cho trẻ. Họ có thể cần phải sử dụng ngôn ngữ phù hợp cho những trẻ bé hơn. Khi trẻ nói nhiều hơn, các bậc cha mẹ nên tăng mức độ giao tiếp và kể chuyện cho trẻ.

Cha mẹ nên có phần thưởng và động viên trẻ khi trẻ làm được việc gì cho dù là nhỏ.

Cha mẹ nên tìm những hoạt động để họ vừa có thể chơi với trẻ đồng thời lại có thể vẫn làm được việc nhà. Ví dụ, trẻ có thể học giúp mẹ các việc vặt trong nhà hàng ngày.

Những hoạt động xã hội như chào hỏi hay chia tay người khác, cùng chơi đồ chơi, xin phép lấy đồ của người khác, và học cách ứng xử với người khác giới là những khía cạnh quan trọng của việc điều chỉnh hành vi của trẻ để sống tự lập. Cha mẹ nên kiên nhẫn khi hướng dẫn trẻ và phải đóng vai trò gương mẫu cho trẻ. Họ nên giải thích rõ ràng họ mong muốn trẻ làm gì và tại sao đồng thời nên khích lệ trẻ khi việc đó được hoàn thành tốt.

Cha mẹ không nên quá bao bọc trẻ mà nên để trẻ làm những việc vừa sức với bản thân. Điều này giúp trẻ tự tin hơn.

Không bao giờ bỏ qua nhu cầu học tập của trẻ. Một số cha mẹ đơn giản cho rằng có thể bỏ qua việc giáo dục trẻ khi họ nhận thấy rằng trẻ bị chậm phát triển trí tuệ. Trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng cần được hưởng nền giáo dục tương tự như các trẻ khác. Trẻ có thể học ở trường giáo dục đặc biệt cho trẻ em của địa phương.

Những điều cần nhớ khi điều trị chậm phát triển trí tuệ ở trẻ

Chậm phát triển phổ biến nhất là do chậm phát triển trí tuệ. Chậm phát triển trí tuệ không phải là bệnh mà là một trạng thái kéo dài suốt cuộc đời một con ngườì.

Đa phần những trẻ chậm phát triển trí tuệ có ngoại hình tương tự như trẻ khác.

Chậm phát triển trí tuệ không thể điều trị được song có thể phòng ngừa được. Việc đảm bảo thai phụ có sức khoẻ tốt, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khi mới sinh và trẻ bé giúp phòng ngừa phần lớn các trường hợp chậm phát triển trí tuệ.

Phát hiện sớm là quan trọng vì việc huấn luyện cha mẹ có thể giúp cải thiện kết quả cuối cùng cho trẻ này.

Chậm phát triển trí tuệ có thể không được phát hiện cho tới tận tuổi vị thành niên hay trưởng thành. Trong các tình huống như vậy, thường là những trường hợp chậm phát triển trí tuệ thể nhẹ.

Các bậc cha mẹ sẽ cần có thông tin về cách chăm sóc trẻ và phương pháp giáo dục đặc biệt.

Thuốc đóng vai trò thứ yếu đối với chậm phát triển trí tuệ, trừ khi để chống các cơn co giật và bệnh tâm thần nặng có thể xuất hiện ở một số trẻ.

Kỹ năng chăm sóc và nuôi dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ

Nhận diện các khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và giảng dạy, giới thiệu mô hình lớp học My Future đang áp dụng tại Tp.HCM và giúp cha mẹ có con chậm phát triển trí tuệ biết cách tạo điều kiện để con phát triển và hòa nhập là những nội dung mà buổi tập huấn “Kỹ năng chăm sóc và nuôi dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) phối hợp với Trường nuôi dạy trẻ Khuyết tật Đồng Tháp tổ chức ngày 18.05.2011. Tham dự tập huấn có 12 phụ huynh và thầy cô đang trực tiếp nuôi dạy trẻ tại đây.

Trong buổi tập huấn, tham dự viên được các giảng viên chia sẻ những khó khăn chung mà các em chậm phát triển trí tuệ gặp phải, cụ thể: các trường chuyên biệt chỉ nhận học sinh dưới 16 tuổi, trên 16 tuổi nhà trường sẽ gửi lại để gia đình tự chăm sóc. Điều này đã gây khó khăn rất lớn trong việc nuôi dạy các em vì chỉ cần về nhà khoảng 2-3 tháng là các em sẽ mất đi rất nhiều lượng kiến thức đã có được trong thời gian đi học. Học chung một lớp đông đúc với cùng một giáo viên, cùng một chương trình trong khi nhận thức và mức độ khuyết tật của các em là hoàn toàn khác nhau cũng gây trở ngại trong việc dạy và giúp các em phát triển bản thân. Ngoài ra, đa phần các em thường không tự vệ sinh cá nhân nếu không được chỉ dạy đặc biệt. Nhiều em còn sợ việc đánh răng sẽ dẫn đến nguy cơ bị mất hết răng sau 30 tuổi. Các em cũng không có nhiều nhận thức về thế giới xung quanh nên rất dễ dàng trở thành nạn nhân của những hành động trái pháp luật, bị lạm dụng thân thể… Về phần phụ huynh, họ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các em phát triển và hòa nhập: phụ huynh vừa là người trực tiếp chăm sóc, bám sát các em vừa là người đồng hành, hướng dẫn giáo viên trực tiếp dạy dỗ. Tuy nhiên, phụ huynh có con chậm phát triển trí tuệ thường không được trang bị kỹ các kiến thức chăm sóc con khi các em bước sang tuổi trưởng thành mà thường dạy con theo bản năng hoặc tự thiết kế trò chơi, tự tìm nơi vui chơi cho các em.

Tham dự viên được các giảng viên chia sẻ về cách chăm sóc các em gái khi đến tuổi dậy thì, làm sao để các em không trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, kiểm soát việc quan hệ nam nữ giữa các em, cách để các em nhận được trợ cấp xã hội, làm Chứng minh nhân dân, giúp các em nhận thức và phát triển bản thân cũng như giúp cộng đồng thay đổi cách nhìn đối với các em. Ngoài ra, tham dự viên có dịp làm quen với mô hình lớp học My Future. Đây là mô hình hỗ trợ và phát triển khả năng của các em chậm phát triển. Đến với lớp My Future, các em có cơ hội tiếp tục học tập theo chương trình được biên soạn riêng cho các em, tiếp tục được củng cố và bồi dưỡng những kĩ năng cần thiết để luôn vui vẻ, năng động và linh hoạt. Qua các đoạn ghi hình ngắn đã cho thấy nếu được tạo điều kiện tốt, các em cũng có thể thực hiện các hoạt động như tập võ, nấu ăn, phụ giúp gia đình, lao động tạo thu nhập… Hiện nay các em lớp My Future đang sinh hoạt tại DRD còn được tạo điều kiện thực hiện các công việc đơn giản để kiếm thêm thu nhập như se nhang, cắt chỉ, làm tranh giấy…Nhiều em ban đầu còn thụ động, dễ nổi cáu, sau một thời gian sinh hoạt đã thay đổi hẳn. Các em trở nên điềm đạm, lễ phép và năng động hẳn.

Qua buổi tập huấn thiết thực và hữu ích, tham dự viên đã có thêm rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như kĩ năng cần thiết cho việc chăm sóc và tạo điều kiện giúp con mình phát triển. Điều quan trọng hơn hết là phụ huynh biết chấp nhận tình trạng của con mình, biết cách giúp các em phát huy khả năng và khắc phục hạn chế để từ đó làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và tạo thêm cơ hội để các em hòa nhập xã hội.

Nguồn: webtrecon.com

Print Friendly, PDF & Email

Từ khóa » Dạy Trẻ Bị Thiểu Năng Trí Tuệ