Cách Chế Biến Sữa đậu Nành Không Gây Hại

(SKDS) –Sữa đậu nành là thức uống giàu dinh dưỡng được ưa chuộng, nhất là trong mùa hè. Có thể tìm thấy sữa đậu nành ở khắp nơi, từ những nơi sang trọng như quán cà phê cao cấp đến quán cóc vỉa hè, từ nhà hàng ăn đến một quầy bán sữa lẻ ở một góc chợ. Cách chế biến sữa đậu nành khá đơn giản nhưng cũng không dễ dàng để có một cốc sữa đậu nành ngon, thơm, béo… với giá cả vừa túi tiền trong khi các chất dinh dưỡng được giữ nguyên vẹn và không phát sinh thêm các chất nguy hại cho sức khoẻ.Để đạt được tất cả các yêu cầu này, cần phải lưu ý đến rất nhiều thứ khi chế biến. Trước hết là khâu chọn nguyên liệu. Phải chọn loại đậu nành mới, sạch, nhất là không có nấm mốc. Vo rửa đậu sạch sẽ và loại bỏ các hạt hỏng, thối (có thể làm sữa bị đắng) trước khi ngâm mềm và xay mịn.

Trung bình cứ 100 - 200g đậu nành khô sẽ vắt được 1 lít nước cốt đậu nành tuỳ thuộc vào sở thích uống đặc hay loãng, chất lượng của hạt đậu khô. Nấu vừa sôi nước cốt đậu và cho vào khoảng 20g đường cho 1 lít sữa đậu nành là cân đối.

Sữa đậu nành - Thức uống giàu dinh dưỡng. Ảnh: TL

Sau khi nấu sôi sữa tối đa 2 giờ, phải bắt đầu bảo quản sữa đậu nành trong ngăn mát tủ lạnh. Sữa được làm thủ công và tiệt trùng bằng phương pháp nấu sôi đơn giản như thế này chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ dù là được bảo quản lạnh.

Nếu bảo quản sữa trong điều kiện nhiệt độ môi trường thường, sau 6 giờ số lượng các vi khuẩn trong sữa đã tăng lên đến mức có khả năng gây nhiễm khuẩn tiêu hoá cho dù cảm quan và khẩu vị vẫn chưa thay đổi nhiều đến mức nhận biết được. Dụng cụ chế biến và chứa đựng sữa cũng cần rửa sạch, tráng nước sôi và phơi khô sau khi sử dụng để chuẩn bị cho lần chế biến tiếp theo.

Nhiều người thích uống sữa thật béo, cũng có thể cho thêm 20 - 30g lạc vào khi ngâm và xay đậu nành. Tuy nhiên, khẩu vị ngon hơn cũng có thể kéo theo một số các hệ luỵ về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm như tăng năng lượng, tăng lượng béo trong khẩu phần, thời gian bảo quản và điều kiện bảo quản phải chặt chẽ hơn vì lượng chất béo cao nhất là chất béo trong lạc rất dễ bị ôxy hoá, tạo cảm quan không ngon thậm chí làm tăng các chất ôxy hoá đưa vào cơ thể.

Sữa đậu nành thành phẩm dù nấu đặc đến đâu cũng thường có độ sệt vừa phải, vị nhạt, béo không nhiều và màu trắng hơi ngả xanh lá cây. Các loại sữa đậu nành nguyên chất (tức là không pha thêm các nguyên liệu khác như đậu xanh, đậu phộng… trong thành phần) nếu thấy đặc sệt, béo nhiều, màu trắng ngả vàng… có thể đã được sử dụng thêm các phụ gia thực phẩm để làm sệt, tăng độ béo…

Nếu không thể tự nấu sữa đậu nành tại nhà, tốt nhất vẫn là nên chọn mua sữa đậu nành từ các nơi có thể tin cậy, kiểm soát được nguồn gốc, quy trình chế biến, đăng ký sản phẩm… để giảm thiếu tối đa các nguy cơ cho sức khoẻ.

Bác sĩ Phi Yến

Từ khóa » Sữa đậu Nành Bị Sệt