Cách Chữa đi Tiểu Buốt Tại Nhà Bằng Thuốc Đông Y - YouMed

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về tiểu buốt
  • Cách chữa đi tiểu buốt tại nhà bằng thuốc Đông y
  • Lưu ý, kiêng kỵ
  • Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tiểu buốt là tình trạng thường gặp ở phụ nữ, và có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Từ lâu, Đông y đã ghi nhận nhiều phương pháp điều trị hiệu quả tiểu buốt. Bài viết sau đây của ThS.BS Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về cách chữa đi tiểu buốt tại nhà bằng các thuốc Đông y dễ tìm. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Tổng quan về tiểu buốt

Nguyên nhân gây tiểu buốt theo Y học hiện đại

Tiểu buốt là kết quả của sự kích thích vùng cổ bàng quang, niệu đạo hoặc cả hai. Viêm, đè ép niệu đạo gây nên khó khăn trong lúc bắt đầu đi tiểu và cảm giác nóng rát khi đi tiểu. Kích thích ở vùng cổ bàng quang gây co thắt bàng quang, dẫn đến đau khi đi tiểu, tiểu nhiều lần.1

Người bị tiểu buốt thường cảm giác đau đớn và khó chịu khi đi tiểu
Người bị tiểu buốt thường cảm giác đau đớn và khó chịu khi đi tiểu

Hầu hết các trường hợp tiểu buốt là do nhiễm trùng, nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra tình trạng viêm không do nhiễm trùng. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây tiểu buốt thường gặp là:

Do nhiễm trùng

  • Viêm bàng quang: Điển hình là đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp. Đôi khi trong nước tiểu có lẫn máu hoặc mùi hôi. Bàng quang đau khi sờ nắn.
  • Viêm niệu đạo: Thường chảy mủ rõ ràng ở niệu đạo, có tiền sử quan hệ tình dục không an toàn.
  • Viêm cổ tử cung: Thường chảy mủ cổ tử cung, có tiền sử quan hệ tình dục không an toàn.
  • Viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn: Thường mào tinh hoàn, tinh hoàn sưng và đau.
  • Viêm tuyến tiền liệt: Khám thấy tuyến tiền liệt to, đau khi sờ nắn. Có tiền sử thường xuyên tắc nghẽn đường niệu.
  • Viêm âm hộ – âm đạo: Thường ra khí hư, sưng đỏ vùng môi và âm hộ.
Viêm cổ tử cung là một trong những nguyên nhân gây tiểu buốt ở nữ giới
Viêm cổ tử cung là một trong những nguyên nhân gây tiểu buốt ở nữ giới

Không do nhiễm trùng

  • Tiếp xúc với các chất gây dị ứng, kích ứng như chất diệt tinh trùng, chất bôi trơn, bao cao su latex, ký sinh trùng, sỏi, hóa trị liệu và xạ trị.
  • Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng mạn tính.
  • Bệnh viêm khớp liên quan đến cột sống.

Các nguyên nhân khác

  • Viêm teo âm đạo: Xảy ra sau mãn kinh. Thường đau khi giao hợp. Dấu hiệu teo hoặc sung huyết các nếp gấp thành âm đạo. Ra khí hư.
  • Khối u (thường u bàng quang, tiền liệt tuyến, niệu đạo): Triệu chứng dai dẳng. Thông thường có kèm tiểu máu, tiểu mủ hoặc nhiễm trùng.1

Nguyên nhân gây tiểu buốt theo Y học cổ truyền

Tiểu buốt trong Đông y được gọi là chứng Niệu thống (Niệu là tiểu, thống là đau). Thường do các nguyên nhân sau đây:

  • Hạ tiêu (phần dưới cơ thể) có thấp nhiệt: Tiểu tiện nóng rít đau buốt, nước tiểu đục, có thể đau thắt không chịu được. Kèm bụng quặn đau, đắng miệng khát nước, kém ăn, đại tiện cũng khó khăn, lưỡi đỏ rêu vàng hoặc vàng nhớt, mạch hoạt sác. Do ăn nhiều đồ béo ngọt, cay nóng, uống rượu bia nhiều.
  • Tâm hỏa quá thịnh: Tiểu tiện nóng đau, nước tiểu vàng đậm, mặt đỏ, họng khô, miệng lưỡi bị lở, trong Tâm phiền nhiệt, đêm ngủ không yên, đầu lưỡi hồng đỏ, rêu vàng khô, mạch sác.
  • Hạ tiêu huyết ứ: Tiểu tiện đau buốt , tiểu tiện đục có máu, nước tiểu màu đỏ hoặc tím, hoặc có ra huyết cục. Bụng đau, môi tím, lưỡi sạm có điểm ứ huyết, mạch trầm tế sác. Do vấp ngã, chấn thương trong sinh hoạt.
  • Can khí uất trệ: Tiểu đau buốt, đầu đau mắt hoa, đắng miệng, ngực sườn đầy tức, bụng dưới trướng đau. Phụ nữ thì kinh nguyệt không đều, chất lưỡi xanh, rêu vàng mỏng, mạch huyền. Thường ở người trẻ tuổi khí thịnh, hay cáu gắt.
  • Thận âm khuy hư: Tiểu nóng đau, có thể ra huyết, vẩn đục, đầu choáng váng, tai ù, gò má đỏ, triều nhiệt, mồ hôi trộm, lưng đùi yếu mỏi, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.2

Xem thêm: Màu nước tiểu phản ánh sức khỏe bên trong cơ thể bạn như thế nào?

Cách chữa đi tiểu buốt tại nhà bằng thuốc Đông y

Cách chữa đi tiểu buốt bằng các bài thuốc Đông y

Tùy theo từng thể bệnh được chẩn đoán trên lâm sàng mà Đông y có những pháp trị và bài thuốc tương ứng với từng thể.

  • Hạ tiêu thấp nhiệt: Dùng các bài Tiểu kế ẩm tử, Tỳ giải phân thanh ẩm hoặc Tam kim thang.
  • Tâm hỏa quá thịnh: Dùng bài Tả tâm thang, Đạo xích tán.
  • Hạ tiêu huyết ứ: Dùng bài Thiếu phúc trục ứ thang gia Mộc thông, Kim tiền thảo.
  • Can khí uất trệ: Dùng bài Trầm hương tán, Đan chi tiêu dao tán.
  • Thận âm khuy hư: Dùng bài Tri bá địa hoàng thang.2

Cách chữa đi tiểu buốt tại nhà bằng một số dược liệu Đông y

Các vị dược liệu liệt kê sau đây thường dùng để điều trị triệu chứng tiểu buốt. Nhưng cần dùng kèm với thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh. Không được dùng trong trường hợp có dấu hiệu mất nước, người khô khát.3

  • Trạch tả: Rễ củ của cây Trạch tả hay còn gọi là Mã đề nước (Alisma plantago aquatica). Được dùng trong các trường hợp tiểu buốt, tiểu ra máu, do viêm bàng quang, sỏi thận. Thường dùng mỗi ngày từ 8 – 16 gam (dùng sống hoặc sao vàng).
  • Mã đề: Dùng hạt hoặc dùng toàn cây Mã đề (Plantago asiatica). Dùng trong trường hợp viêm bàng quang gây tiểu buốt. Mỗi ngày dùng từ 4 – 12 gam.
  • Mộc thông: Dùng thân leo của cây Mộc thông (Akebia quinata) để trị tiểu buốt, viêm bàng quang, viêm niệu đạo. Hàng ngày dùng từ 6 – 12 gam.
  • Hoạt thạch: Là bột Talc chữa trị viêm bàng quang, niệu đạo gây tiểu buốt, tiểu tiện ít và đỏ. Dùng từ 12 – 16 gam một ngày. Không dùng cho phụ nữ có thai.
  • Đăng tâm thảo: Là lõi của cỏ Bấc đèn (Juncus effusus). Ngày dùng 2 – 3 gam để lợi tiểu thông niệu đạo trong trường hợp tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu,…
  • Tỳ giải: Dùng thân rễ của cây Tỳ giải (Dioscorea tokoro). Trị tiểu buốt nước tiểu đục, dùng từ 6 – 12 gam mỗi ngày.
  • Kim tiền thảo: Dùng lá tươi hoặc phơi khô của cây Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium). Tác dụng lợi tiểu, thông niệu đạo trong các trường hợp có sỏi thận, sỏi niệu đạo.
  • Thông thảo: Là lõi cây phơi khô của cây Thông thảo (Aralia papyrifera). Dùng trong các trường hợp tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra máu với liều dùng từ 3 – 4 gam một ngày.3
Mã đề là loại dược liệu dễ tìm được dùng phổ biến trong điều trị tiểu buốt bằng thuốc Đông y
Mã đề là loại dược liệu dễ tìm được dùng phổ biến trong điều trị tiểu buốt bằng thuốc Đông y

Lưu ý, kiêng kỵ

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh theo Y học hiện đại và Y học cổ truyền, để cách chữa đi tiểu buốt tại nhà đạt hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:

  • Giữ gìn vệ sinh thân thể cũng như đường tiểu và sinh dục bằng các sản phẩm vệ sinh có pH phù hợp.
  • Với người thể trạng hay nóng trong người cần kiêng đồ cay nóng, béo ngọt, hay uống rượu bia.
  • Với người trẻ tuổi, tính tình thường hay cáu gắt nên cần luyện tập thư giãn, giải trí phù hợp.
  • Hạn chế những chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Sinh hoạt tình dục an toàn.1 2
Vệ sinh đường tiểu và bộ phận sinh dục sạch sẽ là cách ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tiểu buốt
Vệ sinh đường tiểu và bộ phận sinh dục sạch sẽ là cách ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tiểu buốt

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Những dấu hiệu sau đây cần được quan tâm đặc biệt và đến gặp bác sĩ chuyên khoa, nếu tiểu buốt có kèm:

  • Sốt.
  • Đau hông lưng hoặc vỗ hông lưng dương tính.
  • Can thiệp gần đây có liên quan đến vùng chậu, lưng dưới như đặt sonde tiểu.
  • Người bệnh có suy giảm miễn dịch như đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS.
  • Có nhiều đợt tiểu buốt tái phát (bao gồm cả nhiễm trùng thường xuyên ở thời niên thiếu).
  • Các dị dạng đường tiết niệu đã biết trước đó.
  • Tiểu buốt ở nam giới.
  • Đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, người lớn tuổi, người bị bí tiểu kéo dài.1

Xem thêm: Phương pháp điều trị tiểu buốt hiệu quả

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc một số cách chữa đi tiểu buốt tại nhà bằng thuốc Đông y. Tiểu buốt là tình trạng bệnh thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Trong một số trường hợp có thể dùng cách chữa đi tiểu buốt tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý những dấu hiệu đặc biệt để đến gặp bác sĩ kịp thời, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Từ khóa » Cách Chữa Bệnh đi Tiểu Buốt