Cách Dạy Bé Viết Chữ Ghép “học Nhanh, Viết Chuẩn” - Monkey

Đặc điểm cấu tạo của chữ ghép trong tiếng Việt

Trong bảng chữ cái tiếng Việt có tổng cộng 29 chữ cái riêng biệt. Từ những chữ cái riêng lẻ đó chúng ta có thể ghép lại được thành 11 chữ cái ghép để sử dụng, bao gồm: gh, nh, tr, ch, kh, qu, th, ph, gi, ng, ngh.

Nhìn chung, cách viết những chữ ghép này sẽ là cách viết của những chữ cái cơ bản như n, g, h, t, k, i, p, q, u, c, r. Vậy nên, ở đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm của những chữ cái này trước khi luyện viết cho bé nhé.

Đặc điểm chữ n

Đối với chữ n sẽ có hai cách viết là n thường và n hoa, đặc điểm của chúng như sau:

  • n thường: Đặc điểm là cao 2 li (tương ứng 3 đường kẻ ngang), có 2 nét viết là nét móc xuôi trái và nét móc hai đầu.

  • n hoa: Đặc điểm là cao 5 li (6 đường kẻ ngang), sử dụng 3 nét viết cơ bản là nét móc ngược trái, thẳng xiên và móc xuôi phải.

Đặc điểm chữ n trong cách viết. (Ảnh: Giáo Dục Số)

Đặc điểm chữ g

  • g thường: Cao 5 li (6 đường kẻ ngang), gồm 2 nét viết là nét cong kín và nét khuyết ngược.

  • g hoa: Độ cao 8 li (9 đường kẻ ngang), bao gồm 2 nét cơ bản. Trong đó, nét 1 sẽ là sự kết hợp giữa nét cong dưới và cong trái nối liền tạo thành một vòng xoắn to ở phía đầu chữ như một chữ c, còn nét thứ 2 sẽ là khuyết ngược.

Đặc điểm chữ g trong cách viết. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ r

  • r thường: Đặc điểm cao hơn 2 li, bao gồm 2 nét cơ bản là thẳng xiên ở cuối nét sẽ có vòng xoắn nhỏ và nét móc 2 đầu với đầu bên trái sẽ cao hơn và nối liền vòng xoắn. Cả hai nét này sẽ có chút biến điệu.

  • r hoa: Đặc điểm cao 5 li, với 2 nét tạo thành là nét móc ngược trái với phần đầu móc cong vào phía trong và phía trên hơi lượn. Còn nét thứ 2 sẽ là sự kết hợp của nét cong trên và nét móc ngược tạo vòng xoắn nhỏ giữa thân chữ và nối liền nhau.

Đặc điểm chữ r trong cách viết. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ h

  • h thường: Đặc điểm khi viết cao 5 li, bao gồm 2 nét cơ bản là khuyết xuôi và móc hai đầu.

  • h hoa: Cao 5 li, nhưng sẽ có 3 nét viết. Nét 1 sẽ bao gồm nét cong trái và lượn ngang. Nét thứ 2 sẽ bao gồm 3 nét khuyết xuôi, khuyết ngược và móc ngược phải. Còn nét 3 sẽ là nét thẳng nối giữa của 2 nét khuyết.

Đặc điểm cách viết chữ h. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ t

  • t thường: Độ cao khoảng 3 li, bao gồm 3 nét cơ bản là nét hất, móc ngược phải và thẳng ngang.

  • t hoa: Cao khoảng 5 li và bao gồm 3 nét cơ bản là cong trái nhỏ, lượn ngang và cong trái nối liền nhau. Chú ý, các nét sẽ tạo nên vòng xoắn nhỏ ở ngay đầu chữ.

Đặc điểm tập viết chữ t. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ k

  • k thường: Cao khoảng 5 li, bao gồm 2 nét viết là khuyết xuôi và nét móc hai đầu tạo thành vòng xoắn nhỏ ở giữa chữ.

  • K hoa: Cao khoảng 5 li, sử dụng 3 nét vẽ. Nét 1 sẽ bao gồm 2 đường cơ bản là cong trái và lượn ngang. Nét thứ 2 sẽ là nét móc ngược trái với đầu nét hơi lượn và cuối nét lượn hẳn vào trong. Còn nét thứ 3 sẽ kết hợp 2 đường cơ bản là móc ngược phải và móc xuôi phải nối liền nhau, cũng như tạo nên vòng xoắn nhỏ phía giữa thân.

Đặc điểm cách viết chữ k. (Ảnh; Sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ i

  • i thường: Cao khoảng 5 li, với 3 nét cơ bản là nét hất, móc nước và nét chấm.

  • i hoa: Cao 5 li, gồm 3 nét cơ bản là móc ngược trái và lượn ngang.

Đặc điểm cách viết chữ i. (Ảnh: sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ p

  • p thường: Cao khoảng 4 li, viết 3 nét bao gồm nét hất, thẳng đứng và móc hai đầu.

  • p hoa: Cao 5 li, sử dụng 2 nét viết bao gồm móc ngược trái với nét móc cong phía trong và nét cong trên với hai đầu nét lượn vào phía trong.

Đặc điểm cách viết chữ p. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ q

  • q thường: Cao 4 li, sử dụng 2 nét viết là cong kín và thẳng đứng. (ngược lại với đặc điểm chữ p)

  • q hoa: Cao 5 li, sử dụng 2 nét viết là lượn ngang như làn sóng và nét cong kín, với phần cuối hơi lượn vào phía trong bụng chữ như chữ o.

Đặc điểm viết chữ q trong tiếng Việt. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ u

  • u thường: Cao khoảng 2 li, với 3 nét viết là nét hất và 2 nét móc ngược phải.

  • u hoa: Cao 5 li, với 2 nét viết cơ bản là móc hai đầu trái phải và một nét ngược phải.

 Đặc điểm cách viết chữ u. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đặc điểm chữ c

  • c thường: Cao 2 li với 1 nét viết duy nhất là cong trái.

  • c hoa: Cao 5 li, với 1 nét viết là cong dưới và cong trái nối liền nhau và tạo thành vòng xoắn to ở phía đầu chữ.

Đặc điểm chữ c trong tiếng Việt. (Ảnh: sưu tầm internet)

Hướng dẫn cách dạy bé viết chữ ghép đúng chuẩn

Dựa vào đặc điểm chữ cái trên, dưới đây là hướng dẫn cách dạy bé viết chữ ghép đơn giản, chi tiết mà bố mẹ có thể tiến hành hướng dẫn bé tập viết hiệu quả:

Cách viết chữ gh

Với cách viết chữ ghép gh về cơ bản là sự kết hợp của hai chữ cái đơn là g và h. Vậy nên, dựa vào đặc điểm của 2 chữ cái này đã phân tích trên, dưới đây là cách viết của chúng và các bé chỉ cần ghép lại là thành chữ gh.

  • Cách viết chữ g: Nét thứ nhất, các bé sẽ đặt bút ngay đường kẻ thứ 3 và xích lên một chút, sau đó tiến hành viết nét cong kín di chuyển từ phải sang trái. Đến nét thứ 2 sẽ di chuyển tiếp từ điểm dừng bút nét 1 để di chuyển lên đường kẻ 3 và viết tiếp nét khuyết ngược, rồi kéo chúng xuống tới tận đường kẻ 4 dưới và dừng bút tại đường kẻ 2.

  • Cách viết chữ h: Nét đầu tiên sẽ đặt bút tại đường kẻ số 2 để viết nét khuyết xuôi với đầu nét khuyết chạm tại đường kẻ số 6 và kéo chúng dừng bút tới đường số 1. Ở nét thứ 2, tại điểm dừng bút số 1 thì bé tiến hành rê bút gần lên đường số 2, tại đây sẽ viết nét móc 2 đầu chạm tại đường kẻ số 3 và dừng bút tại đường số 2 là hoàn tất.

Cách viết chữ gh. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Với việc viết chữ gh, cần phải nối hai chữ g và h lại với nhau. Lưu ý, tại điểm dừng bút chữ g không dừng bút quá lâu mà nên viết tiếp luôn chữ h sát chữ g để con không cảm thấy liền mạch, bị “cứng” tay và chữ sẽ không đẹp.

Cách viết chữ nh

Với cách dạy bé viết chữ ghép nh cũng sẽ tương tự như gh, khi kết hợp giữa 2 chữ cái n và h. Vậy nên, dưới đây là cách viết chữ n, còn chữ h sẽ tương tự như trên.

Cách viết chữ n sẽ bao gồm 2 nét vẽ cơ bản. Cụ thể:

  • Nét 1: Bé sẽ đặt bút đầu tiên tại giữa đường kẻ số 2 và số 3 để tiến hành viết nét móc xuôi trái với điểm kết thúc nét vẽ tại đường kẻ số 1.

  • Nét 2: Tại điểm dừng bút của nét 1, tiến hành rê bút đến đường kẻ số 2 để viết tiếp nét móc 2 đầu với điểm kết thúc sẽ nằm tại đường kẻ số 2.

Cách viết chữ nh. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Cuối cùng, các bé chỉ cần viết tiếp từ điểm kết thúc nét 2 của chữ n để nối liền với điểm bắt đầu của chữ h để tạo thành chữ nh hoàn chỉnh.

Cách viết tr

Chữ tr là sự kết hợp của chữ t và r. Cách viết 2 chữ cái này đơn giản như sau:

  • Cách viết chữ t: Nét 1 bé sẽ đặt bút đầu tiên tại đường kẻ số 2 để viết nét hất tới đường kẻ số 3 là điểm kết thúc. Sang nét thứ 2 sẽ viết liền từ nét 1 và tiến hành rê bút cho tới đường kẻ số 4 rồi bắt đầu chuyển hướng để viết nét móc ngược phải cho tới đường kẻ số 2 thì dừng bút. Tới nét 3 sẽ tiếp nối từ nét 2, lia bút tới đường kẻ số 3 để viết nét thẳng ngang ngắn.

  • Cách viết chữ r: Đầu tiên sẽ bắt đầu đặt bút tại đường kẻ số 1 để viết nét thẳng xiên, lưu ý phía trên sẽ hơi lượn sang bên trái một chút để tạo vòng xoắn nhỏ và cao hơn đường kẻ số 3 một chút. Tiếp đến sẽ tiến hành lia bút sang phải và viết nét móc hai đầu. Điểm dừng bút sẽ tại đường kẻ số 2.

Cách viết chữ tr (Ảnh: Sưu tầm internet)

Cuối cùng, chỉ cần ghép hai chữ cái này gần nhau sẽ tạo thành tr. Lưu ý, khi viết điểm kết thúc của chữ t chính là điểm bắt đầu của r và viết liên tiếp chúng để tránh bị ngắt quãng.

Cách dạy bé viết chữ ghép ch

Với chữ c, bé cũng chỉ cần ghép chữ c và h với nhau đơn giản. Với cách viết chữ h trên, giờ đây bố mẹ có thể hướng dẫn bé viết thêm chữ c như sau:

Điểm đặt bút đầu tiên sẽ nằm trên đường kẻ số 3 một chút. Sau đó tiến hành rê bút để viết nét cong trái đến khoảng giữa đường kẻ số 2 và số 1 thì dừng lại là hoàn tất chữ c.

Sau đó, tiến hành kết hợp với chữ h liền kề sẽ hoàn tất chữ ch khá đơn giản.

Cách viết chữ ch. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Cách viết chữ kh

Với cách viết chữ kh, bé cũng sẽ nắm rõ đặc điểm của chữ k và chữ h để tiến hành luyện viết chính xác. Về cơ bản, chữ h cũng sẽ viết tương tự như các chữ trên. Nên ở phần này bé sẽ nắm rõ cách viết chữ k như sau:

  • Nét 1: Điểm đặt bút đầu tiên sẽ nằm trên đường kẻ số 2 để tiến hành viết nét khuyết xuôi, cho đến khi đầu nét sẽ chạm đường kẻ số 6 và kéo xuống để dừng bút tại đường số 1.

  • Nét 2: Tại điểm dừng bút nét 1, bé tiến hành rê bút tới gần đường kẻ số 2 để viết nét móc hai đầu với vòng xoắn nhỏ ở giữa và dừng bút tại đường kẻ số 2. Lưu ý phần đầu của nét móc sẽ phải chạm đường kẻ số 3.

Hướng dẫn cách viết chữ kh. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Cách viết chữ qu

Với cách dạy bé viết chữ ghép qu cũng sẽ đơn giản khi kết hợp giữa 2 chữ đơn là q và u. Dưới đây là hướng dẫn cách viết 2 chữ cái này chi tiết:

  • Cách viết chữ q: Trong nét đầu tiên, điểm đặt bút bắt đầu sẽ nằm trên đường kẻ số 3 chút xíu và tiến hành viết nét cong kín như chữ o. Sau đó tại điểm dừng bút của nét 1 tiến hành lia bút để viết nét thẳng đứng và dừng bút tại đường kẻ số 3 dưới.

  • Cách viết chữ u: Trong nét đầu tiên, đặt bút tại đường kẻ số 2 để viết nét hất cho tới đường kẻ số 3 thì dừng bút. Sau đó từ điểm kết thúc nét 1 sẽ chuyển hướng bút để viết nét móc ngược đầu tiên. Tiếp đến ở cuối điểm dừng bút nét 2 tại đường kẻ số 2 để rê bút lên đường kẻ số 3 rồi chuyển hướng bút ngược lại để viết tiếp nét móc ngược thứ 2 và dừng bút tại đường kẻ số 2 là hoàn tất.

Cách viết chữ qu. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Sau đó, các bé sẽ phải kết hợp giữa cách viết chữ q và u gần nhau để tạo thành chữ qu chính xác.

Cách viết th

Th là sự kết hợp giữa chữ t và h. Sau khi nắm rõ đặc điểm của hai chữ cái này. Cùng với cách viết tương tự của chữ t trong tr và h trong nh thì bố mẹ có thể hướng dẫn và kết hợp chúng dễ dàng.

Dưới đây là hình ảnh minh họa cách viết chi tiết.

Cách viết chữ th. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Cách dạy bé viết chữ ghép ph

Đối với chữ ph, bé sẽ nắm rõ cách viết của chữ p và h. Về cách viết của chữ p đơn giản như sau:

  • Nét 1: Đặt bút đầu tiên trên đường kẻ số 2 để viết nét hất cho đến đường kẻ số 3 trên thì dừng lại.

  • Nét 2: Tại điểm dừng bút của nét 1, chuyển hướng để viết nét thẳng đứng tới đường kẻ 3 dưới thì dừng bút.

  • Nét 3: Tiếp nối nét 2, bé sẽ phải rê bút lên đường kẻ 2 trên để viết nét móc 2 đầu là hoàn tất chữ p.

Hướng dẫn cách viết chữ ph. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Sau đó tại điểm dừng bút nét 3 sẽ tiến hành kết hợp cùng chữ h để tạo nên chữ ph chính xác.

Cách viết chữ gi

Với chữ gi, bé sẽ phải nắm rõ cách viết 2 chữ cái đơn là g và i. Với chữ g, bé có thể viết tương tự như trong cách viết chữ ng đã hướng dẫn trên. Còn với chữ i chỉ cần 1 nét viết hất trên đường kẻ số 2 và 3, kèm theo dấu chấm phía trên là hoàn tất.

Cách viết chữ gi. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Cách viết ng

ng là sự kết hợp giữa chữ n và g. Sau khi nắm rõ đặc điểm của hai chữ cái này. Cùng với cách viết tương tự của chữ n trong nh và g trong ng thì bố mẹ có thể hướng dẫn và kết hợp chúng dễ dàng.

Hướng dẫn cách viết chữ ng. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Cách viết ngh

Chúng là sự kết hợp của 3 chữ cái n, g và h. Nên cách viết của 3 chữ cái này cũng sẽ tương tự như các chữ cái mà Monkey đã hướng dẫn trên mà bố mẹ có thể tiến hành hướng dẫn con tập viết hiệu quả.

Cách viết chữ ngh. (Ảnh Sưu tầm internet)

Bí quyết giúp dạy bé viết chữ ghép hiệu quả, dễ viết, dễ nhớ hơn

Để có thể giúp bé học luyện viết một cách chính xác hơn, hiệu quả hơn thì bố mẹ có thể áp dụng một số bí quyết sau đây:

Việc cầm bút đúng chuẩn quan trọng khi dạy bé tập viết. (Ảnh: Sưu tầm internet)

  • Luyện viết các nét cơ bản đầu tiên: Trước khi dạy bé tập viết các chữ cái, bố mẹ nên hướng dẫn con làm quen với các bét cơ bản như: nét thẳng, nét cong, nét ngang, nét móc trái phải, nét khuyết, nét hất… để trong quá trình viết chữ bé sẽ dễ hình dung hơn.

  • Đảm bảo bé ngồi đúng tư thế và cầm bút chuẩn: Đây là điều quan trọng khi bé luyện viết, bố mẹ nên làm mẫu và hướng dẫn con ngồi đúng, đặt vở đúng, cách cầm bút đúng để giúp quá trình luyện viết thoải mái, cũng như tránh mắc các bệnh học đường.

  • Bố mẹ nên cầm tay bé uốn nắn trong giai đoạn đầu: Trong giai đoạn đầu tập viết bé sẽ khó làm quen với cách cầm bút, nên bố mẹ cần cầm tay bé và hướng dẫn để con hiểu và luyện tập dễ dàng hơn.

  • Trang bị đầy đủ dụng cụ hỗ trợ tập viết: Khi bé học viết bố mẹ nên chuẩn bị vở ô ly, vở mẫu viết chữ, vở màu, bút chì, bút màu, tẩy,… để quá trình luyện viết của bé hiệu quả hơn.

  • Nên ân cần, kiên nhẫn khi dạy bé viết chữ ghép: Vì bé mới viết thường sẽ cảm thấy khó, hay viết sai, viết xấu nhưng bố mẹ cần kiên nhẫn, bình tĩnh dạy trẻ để con không cảm thấy áp lực, giúp việc tập viết hiệu quả hơn.

Xem thêm: Hướng dẫn dạy bé viết chữ b thường và hoa đơn giản dễ hiểu

Kết luận

Trên đây là tổng hợp những thông tin hướng dẫn cách dạy bé viết chữ ghép. Nhìn chung, số lượng chữ ghép khá nhiều, nên bố mẹ hãy hướng dẫn con từ những nét cơ bản, chữ cơ bản để con dần làm quen rồi mới học đến chữ phức tạp. Chúc bố mẹ thành công!

Từ khóa » Dạy Bé Viết Chữ K Thường