Cách đếm Nhịp Thở ở Người Lớn đúng Cách - MedJin

Nội dung
  • 1. Nhịp thở hay tần số thở ở người lớn là gì?
  • 2. Các yếu tố điều hòa nhịp thở
  • 3. Các yếu tố ảnh hưởng tới nhịp thở
  • Quy trình đếm nhịp thở ở người lớn
  • 4.1 Các bước chung khi đếm nhịp thở
  • 4.2 Đánh giá chung sau khi đếm nhịp thở
  • 5. Cần làm gì khi có bất thường về nhịp thở ở người lớn

1. Nhịp thở hay tần số thở ở người lớn là gì?

Thở là một động tác vừa tự động vừa có ý thức nhằm trao đổi khí oxy và cacbonic giữa cơ thể và môi trường bên ngoài. Hô hấp bao gồm hai động tác chính hít và khi cơ hoành hạ thấp, lồng ngực nâng cao nhằm đưa không khí vào phổi và thở ra khi cơ hoành đẩy cao và lồng ngực hạ thấp giúp đẩy không khí từ phổi ra ngoài.

Như vậy, mỗi động tác thở bao gồm hít vào và thở ra liên tục tuần tự. Số lần lặp lại của động tác này trong một phút được gọi là nhịp thở hay tần số thở. Người ta tính tần số thở theo đơn vị lần/phút để thấy được số lượng lần thở trong 1 phút nhằm phát hiện những bất thường từ đó tìm hiểu nguyên nhân và điều trị đúng cách.

Nhịp thở được cơ thể điều hòa bởi nhiều cơ chế khác nhau nhằm luôn ổn định và phù hợp với yêu cầu của cơ thể. Vì oxy là dưỡng khí không thể thiếu cho cơ thể nên nhịp thở cũng vô cùng quan trọng cho cơ thể. >>> Xem chi tiết: Tần số thở bình thường là bao nhiêu?

2. Các yếu tố điều hòa nhịp thở

Nhịp thở được quản lý và điều hòa chặt chẽ bằng nhiều cơ chế khác nhau nhằm đem lại tính ổn định cho nhịp thở cũng như mang lại sự thoải mái cho cơ thể. Quá trình hô hấp được điều hòa chủ yếu bằng cơ chế thần kinh do hệ thống trung khu thần kinh ở hành não.

Trung tâm hô hấp có nhiệm vụ phát nhịp liên tục để tạo ra nhịp thở đều đặn. Ngoài ra, chúng sẽ thu nhận những thông tin về nồng độ oxy trong cơ thể, từ đó điều chỉnh nhịp thở một cách thích hợp nhất. Nếu cơ thể bị giảm oxy máu hay khi cơ thể cần nhiều oxy trong quá trình hoạt động gắng sức, trung tâm sẽ tăng kích thích tăng nhịp thở lên nhằm trao đổi nhiều oxy hơn cho cơ thể. Trong một số trạng thái, nhịp thở có thể giảm như khi độ pH của máu tăng cao, cơ thể hạn chế hô hấp nhằm tránh mất CO2.

Trung tâm hô hấp là cơ quan điều hòa chính nên nếu tổn thương cơ quan này có thể dẫn tới rối loạn nhịp thở và nguy hiểm tính mạng.

Ngoài trung tâm hô hấp, còn một số yếu tố điều hòa nhịp thở của con người nữa:

  • Nồng độ Oxy trong máu, khi giảm xuống sẽ kích thích tăng nhịp thở
  • Nồng độ CO2 trong máu tăng cao sẽ làm tăng nhịp thở.
  • Dây thần kinh lang thang tiếp nhận cảm giác và điều hòa hô hấp, nếu chúng bị kích thích có khả năng gây ngừng thở
  • Vỏ não cũng có vai trò gián tiếp trong nhịp thở nhất là với cảm xúc.

3. Các yếu tố ảnh hưởng tới nhịp thở

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nhịp thở

  • Tâm lý: Tâm lý ảnh hưởng rất lớn tới nhịp thở thông qua đường liên kết thần kinh giữa vỏ não và trung tâm hô hấp. Khi lo lắng, sợ hãi sẽ làm tăng nhịp thở.
  • Các hoạt động quá gắng sức làm tăng nhịp thở
  • Bệnh lý ảnh hưởng tới nhịp thở: Nhiều bệnh làm tăng nhịp thở do làm giảm oxy máu như viêm phổi,… Bệnh làm hạn chế động tác hô hấp như bụng chướng, sau phẫu thuật lồng ngực… Một số bệnh làm giảm nhịp thở như các bệnh gây kiềm hóa máu,…
  • Thuốc làm ảnh hưởng tới nhịp thở: Thuốc giảm đau, gây mê làm giảm nhịp thở còn thuốc làm tăng nhịp thở như cocain, cafein,…
  1. Quy trình đếm nhịp thở ở người lớn

4.1 Các bước chung khi đếm nhịp thở

  • Cho người bệnh nghỉ ngơi 15 phút trước khi đếm nhịp thở
  • Để người bệnh nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái
  • Không để người bệnh biết khi bắt đầu đếm nhịp thở
  • Quan sát bụng hoặc ngực người bệnh, mỗi lần bụng nâng lên rồi hạ xuống được cho là một nhịp.
  • Đảm bảo người bệnh thoải mái về tư thế cũng như về tâm lý trong quá trình đếm nhịp thở.
  • Cần theo dõi nhịp thở về tần số, biên độ, sự ổn định và tiếng thở để có những nhận định chi tiết.

4.2 Đánh giá chung sau khi đếm nhịp thở

Sau khi đếm nhịp thở, dựa vào những thông tin và số liệu vừa thu thập được nhằm đánh giá tình trạng người bệnh.

  • Nhịp thở bình thường ở người lớn vào khoảng 16-20 lần/phút. Khi nhịp thở dưới 16 lần/phút được gọi là thở chậm còn trên 20 lần/phút là thở nhanh.
  • Nhịp thở có đều không. Trong quá trình đếm nhịp thở cần chú ý nhịp thở có đều không, có những kiểu thở bất thường không? Biên độ thở bình thường hay bất thường?
  • Có tiếng thở bất thường không? Ví dụ tiếng thở khò khè, tiếng thở rít,…

5. Cần làm gì khi có bất thường về nhịp thở ở người lớn

Sau quá trình đếm nhịp thở có thể phát hiện những bất thường về hô hấp. Khi đó, người chăm sóc cần đánh giá, theo dõi và xử lý trước khi có thể tới các cơ sở y tế để được giúp đỡ.

  • Đầu tiên cần đánh giá toàn thân người bệnh bao gồm tình trạng tỉnh táo hay mê man hay hồi hộp kích thích đồng thời đánh giá tình trạng tím tái của người bệnh.
  • Tiếp theo là để bệnh nhân ở tư thế nghỉ ngơi thoải mái, đầu cao hơn mình, cổ hơi ngửa ra sau đồng thời nới lỏng quần áo nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khả năng hít thở.
  • Kiểm tra dị vật và làm thông thoáng đường thở. Nếu quá nhiều đờm dãi cần phải làm sạch để hỗ trợ hô hấp tốt hơn.
  • Nằm tại nơi thông thoáng gió, giữ ấm cơ thể.
  • Theo dõi kĩ người bệnh cho đến khi có trợ giúp từ các cơ sở y tế.

Những thông tin trên đây cung cấp hiểu biết về cách đếm nhịp thở ở người lớn cho bạn đọc tham khảo. Vấn đề nhịp thở là một trong những dấu hiệu quan trọng để đánh giá bệnh tật nên không thể chủ quan khi xuất hiện bất thường và gọi tới cơ sở y tế để được trợ giúp.

Từ khóa » Cách đếm Nhịp Thở Covid