Cách Giác Hơi Như Thế Nào Là đúng Và Hiệu Quả? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về liệu pháp giác hơi
  • Cơ chế của giác hơi
  • Những vị trí có thể và không thể giác hơi trên cơ thể
  • Tác dụng mà giác hơi đúng cách mang lại
  • Chỉ định và chống chỉ định của liệu pháp giác hơi
  • Quy trình giác hơi diễn ra như thế nào?
  • Lưu ý khi giác hơi

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển của nền y tế nói chung và y học cổ truyền nói riêng đều đạt được những thành tựu quý báu. Trong đó, phương pháp giác hơi dần được cải tiến, nhằm đem lại kết quả khả quan trong điều trị. Có thể nói, dù là liệu pháp cổ xưa, nhưng ngày nay, chúng vẫn được ưa chuộng và sử dụng phổ biến trong nhân dân. Cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu tổng quan về giác hơi cũng như cách giác hơi đúng để đạt hiệu quả cao.

Tổng quan về liệu pháp giác hơi

Một số khái niệm

Theo đông y, giác hơi thuộc “hỏa liệu pháp”, nghĩa là liên quan đến sử dụng nhiệt khi thực hiện. Ban đầu là những dụng cụ với nguyên liệu thô sơ như sừng động vật,…Qua thời gian, chúng được cải tiến với các chất liệu gần gũi và an toàn hơn, mang tính thẩm mỹ cao như thủy tinh, tre, gốm…

Cùng với đó là nhiều tiến bộ trong phương pháp giác hơi ra đời, vừa đảm bảo được hiệu quả điều trị vừa hạn chế các rủi ro không mong muốn của cách thức cũ. Có thể kể đến như:

  • Giác hơi “khô” là cách thức khá phổ biến, khi dùng nhiệt đốt hết không khí trong ống giác, tạo ra môi trường chân không, với áp suất âm.
  • Giác hơi “ướt” là quá trình sử dụng lực hút từ ống giác nhằm hút thêm một lượng máu từ vết chích máu được tạo ra trước đó.
  • Giác hơi “khí” là cách thức cải tiến hơn bởi không cần dùng đến nhiệt độ mà dùng bơm chuyên dụng rút không khí ra ngoài, tránh được rủi ro như bỏng, nhiễm trùng da…

Trong quá trình thực hiện, người bệnh thường cảm nhận da ấm dần lên, căng ra, dễ chịu. Sau khi kết thúc, thông thường sẽ để lại trên cơ thể các “dấu giác”. Chúng là những vết đỏ hay tím,…đều là hiệu ứng bình thường, có thể tự phục hồi sau vày ngày.

Cơ chế của giác hơi

Để hiểu giác hơi có tốt không, hãy cùng khám phá cơ chế của phương pháp này.

Theo y học hiện đại

Nhờ vào lực hút (kích thích cơ giới) và nhiệt độ (kích thích nhiệt) có thể thông qua da, mạch máu và thần kinh dưới da truyền tới các tế bào não. Điều này hỗ trợ sự cân bằng trong quá trình ức chế và hưng phấn. Bên cạnh đó, chúng còn giúp tăng cường miễn dịch của hồng cầu và thực bào của bạch cầu.

Không chỉ có tác dụng toàn thân, liệu pháp còn mang đến lợi ích ở vị trí giác hơi. Tại các tổ chức mô, mạch máu khi nhận được sự kích thích sẽ tăng cường tốc độ bài tiết, trao đổi chất cùng với thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông.

Theo y học cổ truyền

Giác hơi giúp hỗ trợ cân bằng âm dương và đẩy lùi tính “hàn” trong các bệnh lý. Điều này giúp loại bỏ đi các tà khí xâm phạm như huyết ứ, phong, hàn, thấp…đồng thời nâng cao chính khí của cơ thể.

Giác hơi có tác dụng giảm đau, giãn cơ, thư giãn thần kinh...
Giác hơi có tác dụng giảm đau, giãn cơ, thư giãn thần kinh…

Những vị trí có thể và không thể giác hơi trên cơ thể

Để cách giác hơi đạt hiệu quả, điều đầu tiên là phải lựa chọn vị trí thực hiện phù hợp. Cụ thể như:

  • Cơ dày, bằng phẳng, lớp mỡ vừa phải, lông tóc ít như lưng, cổ gáy, tứ chi…
  • Đặc biệt, không giác hơi tại các vùng da mỏng, nhiều lông tóc, vùng trước tim, lở loét, nhiễm trùng, bệnh da liễu…
  • Tùy theo tính chất bệnh lý có thể chọn vị trí theo huyệt đạo hay đường kinh mạch.
  • Ngoài ra, nếu vết giác cũ chưa lành cũng không nên thực hiện đè lên.

Tác dụng mà giác hơi đúng cách mang lại

Trước khi tìm hiểu cách giác hơi, ta cùng khám phá tác dụng mà chúng mang lại cho sức khỏe. Từ xưa đến nay, đã có khá nhiều các thí nghiệm và nghiên cứu giác hơi có tác dụng gì. Dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng không thể phủ nhận hiệu quả mà phương pháp đem đến.

Theo y học hiện đại

Nhờ các cơ chế tác dụng toàn thân và tại chỗ mà người bệnh có thể cảm nhận ngay hiệu quả giảm đau, giảm co cứng cơ,…

Trong bài báo cáo được đăng trên tạp chí PLoS One, một số bằng chứng cho thấy kết quả khả quan trong điều trị mụn trứng cá, mụn rộp ngoài da… Tuy nhiên, tác dụng này cần được nghiên cứu sâu hơn để mang tính ứng dụng cao.

  • Tăng cường trao đổi chất và oxy ở các mô, nuôi dưỡng tế bào mạnh mẽ do kích thích tuần hoàn máu lưu thông…
  • Hỗ trợ cân bằng trạng thái hưng phấn và ức chế, đồng thời thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng…
  • Bên cạnh đó, một số tạp chí y học cũng đưa ra các báo cáo về việc sử dụng giác như như là liệu pháp phục hồi vận động trong thể thao…
  • Các độc tố, chất thải,…thông qua sự bài tiết mồ hôi, lỗ chân lông mở ra mà thoát ra ngoài.
  • Hệ tiêu hóa được kích thích nhằm giảm đầy hơi, khó tiêu, sôi bụng…Thậm chí, chúng giúp giảm lượng mỡ tích trữ ở người bệnh béo phì do tăng phân giải tế bào mỡ.
  • Cải thiện hệ thống hô hấp, tăng lưu thông khí, hỗ trợ giải quyết các vấn đề về cảm cúm, sổ mũi, ho kéo dài…

Theo y học cổ truyền

Hỗ trợ khí huyết lưu hành thông suốt nhờ đó trạng thái âm dương sẽ đạt được sự cân bằng. Điều này, tạo chính khí mạnh mẽ, giúp đẩy lụi bệnh tật và tà khí từ môi trường bên ngoài. Đặc biệt là các chứng bệnh có tính chất “hàn”, “ứ trệ”, bởi liệu pháp có công dụng làm ấm cơ thể, ra mồ hôi, hành khí, hoạt huyết, khai thông bế tắc, kinh lạc…

Ngoài ra, đông y cũng tương ứng với y học hiện đại, khi ghi nhận các kết quả khả quan đối với các triệu chứng đau nhức, mỏi cơ, tê bì, căng thẳng thần kinh, cảm mạo, không ra mồ hôi…

Giác hơi dùng lửa vẫn là một trong cách thức phổ biến hiện nay.
Giác hơi dùng lửa vẫn là một trong cách thức phổ biến hiện nay

Chỉ định và chống chỉ định của liệu pháp giác hơi

Liệu trình

Tùy theo từng trường hợp mà thực hiện giác hơi trong thời gian 10-15 phút/lần/ngày, kéo dài khoảng 5-10 ngày. Liệu trình có thể được sắp xếp liên tục cho đến khi đạt kết quả mong muốn hoặc ngắt quãng.

Chỉ định

Các đối tượng có thể sử dụng liệu pháp giác hơi để điều trị bệnh như:

  • Có các triệu chứng nhức mỏi các vùng cơ thể, đau cổ, đau đầu, lưng, tứ chi…
  • Cảm lạnh, sổ mũi, không ra mồ hôi, ho,…
  • Các vấn đề ở hệ tiêu hóa như đầy bụng, ăn uống không tiêu, sôi bụng,…
  • Hỗ trợ phân giải lượng mỡ thừa ở người béo phì, thừa cân.

Chống chỉ định

Mặt khác, không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng giác hơi để trị bệnh. Cụ thể như:

  • Không nên thực hiện giác hơi trên thai phụ, phụ nữ trong thời kỳ hành kinh.
  • Trẻ nhỏ tuổi cũng nên cân nhắc nếu dùng liệu pháp này bởi chúng sẽ dễ bị tổn thương da, do bộ phận này còn mỏng, non và nhạy cảm.
  • Không nên đặt ống giác lên vùng da đang mắc bệnh da liễu, vết thương hở, lở loét, chấn thương…
  • Các trường hợp phải cấp cứu, bệnh lý ngoại khoa, suy giảm miễn dịch, suy đa cơ quan, bệnh lý máu (bạch cầu, xuất huyết, máu không đông…).
Giác hơi "khí" ngày càng được ưa chuộng bởi tính hiệu quả và an toàn.
Giác hơi “khí” ngày càng được ưa chuộng bởi tính hiệu quả và an toàn

Quy trình giác hơi diễn ra như thế nào?

Cách giác hơi như thế nào cho đạt hiệu quả?” là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Thực tế, có khá nhiều cách thức giác hơi khác nhau, tùy theo tình trạng người bệnh cũng như kinh nghiệm của người thầy thuốc. Trong đó, các bước cơ bản của cách giác hơi khá đơn giản như:

Chuẩn bị

Tốt nhất nên có phòng thủ thuật riêng biệt, nhằm đảm bảo sự riêng tư cho bệnh nhân. Đồng thời, không gian trị liệu không nên quá lạnh, nhiều gió,…dễ ảnh hưởng thể trạng người bệnh.

Dụng cụ thực hiện sẽ tùy theo cách thức giác hơi “khô”, “ướt”, “khí”…Cơ bản sẽ gồm bộ giác hơi phù hợp với vị trí thực hiện như ống giác, chất đốt, bông y tế, găng tay y tế, cồn, parafin hoặc dầu dừa, và các dụng cụ y tế thiết yếu khác. Quan trọng là phải kiểm tra tính toàn vẹn và sát trùng tất cả dụng cụ trước khi thực hiện.

Tư thế người bệnh phải thư giãn, tùy theo trường hợp bệnh lý có thể ngồi, nằm sấp, nằm ngửa…

Có thể bôi ít parafin, dầu dừa lên vùng trị liệu trước, nhằm giảm sự ma sát, trầy xước da…

Trong khi thực hiện phương pháp giác hơi

Chọn vị trí cần thiết và cách thức giác hơi.

  • Giác hơi “khô”: Đốt lửa gòn đã thấm cồn, rồi xoay cầu lửa sâu vào đáy ống giác 1-3 lần. Sau khi rút cầu lửa ra thì úp nhanh xuống vị trí cần trị liệu. Lúc này, lực hút sẽ từ từ kéo da lên, kèm theo đó là vùng da chuyển sang màu sậm hơn do các mạch máu phản ứng với sự thay đổi áp lực.
  • Giác hơi “ướt”: Dùng kim chích máu vào huyệt hay vùng trị liệu, sau đó dùng ống giác đã xoay cầu lửa úp lên vết chích để hút máu ra thêm.
  • Giác hơi “khí”: Đầu tiên đặt ống giác vào vùng trị liệu trước. Tiếp theo, lấy bơm chuyên dụng hút tất cả khí trong ống ra.

Động tác thực hiện nên nhẹ nhàng, lực vừa phải, linh hoạt mà chính xác. Đặc biệt, người làm nên thường xuyên trấn an và thăm hỏi tình hình người bệnh.

Với một số thầy thuốc có kinh nghiệm và thao tác vững vàng có thể thực hiện giác hơi di chuyển hay kết hợp với châm cứu, chích lễ, nước thuốc…

Thao tác gỡ ống giác khỏi mặt da cần được thực hiện nhẹ nhàng. Nên nghiêng từ từ ống giác, tạo điều kiện cho không khí vào, ống sẽ dễ dàng lỏng ra ngay. Ngược lại, ta không nên kéo mạnh lên đột ngột hay xoay chuyển thô bạo, dễ tổn thương da.

Sau khi thực hiện

Sau khi tháo ống giác khỏi cơ thể, nên vệ sinh dụng cụ bằng cồn y tế để sát khuẩn.

Có thể xoa dầu lên các “dấu giác”, đồng thời massage nhẹ nhàng để tăng cường máu lưu thông hơn.

Đối với giác hơi “ướt”, thầy thuốc thường bôi thêm thuốc mỡ và dùng băng dán để tránh nhiễm trùng và nhanh lành vết thương.

Sau khi giác hơi thường để lại "dấu giác" màu đỏ, hoặc tím sậm...
Sau khi giác hơi thường để lại “dấu giác” màu đỏ, hoặc tím sậm…

Lưu ý khi giác hơi

Có thể nói rằng, giác hơi là liệu pháp giảm các triệu chứng khó chịu khá hiệu quả. Chính vì vậy, khi nguyên nhân bệnh lý có nguồn gốc từ các yếu tố thực thể như u, virus, vi khuẩn, chấn thương…giác hơi như công cụ hỗ trợ điều trị bệnh chứ không giải trừ nguyên nhân tận gốc.

Trong quá trình thao tác, động tác thầy thuốc nên thường xuyên thăm hỏi tình hình người bệnh. Đồng thời, người bệnh cần thư giãn, thả lỏng cơ thể để đạt hiệu quả tốt nhất.

Khi thực hiện giác hơi, đôi khi không tránh khỏi các rủi ro như đau, bỏng, rát, tổn thương da,… Thậm chí một số trường hợp sẽ choáng, hoa mắt, chóng mặt… Lúc này, thầy thuốc cần theo dõi kỹ các dấu hiệu sinh tồn, đồng thời tư vấn, trấn an người bệnh, nhằm đưa ra hướng xử lý thích hợp.

Với nền lịch sử lâu đời, cũng như kinh nghiệm được tích lũy hàng ngàn năm của nhân dân, giác hơi dần trở thành một trong các phương pháp trị liệu được công nhận và ứng dụng nhiều trong đời sống. Hi vọng, bài viết đã đem đến cho độc giả những lợi ích và cách giác hơi hiệu quả trong điều trị bệnh.

Từ khóa » Các Huyệt Giác Hơi ở Lưng