Cách Hạch Toán Thuế Giá Trị Gia Tăng đầy đủ Theo Thông Tư 200 Và 133

Hạch toán nộp thuế GTGT là nhiệm vụ quan trọng và phức tạp, đòi hỏi sự chính xác, minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Bài viết này sẽ giúp kế toán doanh nghiệp nắm vững các kiến thức cơ bản về hạch toán nộp thuế GTGT, từ đó đưa ra phương án tối ưu hóa chi phí, tránh những sai sót không đáng có và đảm bảo doanh nghiệp luôn hoạt động hiệu quả, minh bạch.

banner Mục lục Hiện 1. Hạch toán thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ 1.1. Hạch toán Thuế GTGT đầu vào a. Nguyên tắc kế toán tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ b. Kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 133 c. Hướng dẫn hạch toán thuế GTGT trong một số giao dịch kinh tế 1.2. Thuế giá trị gia tăng đầu ra a. Nguyên tắc kế toán tài khoản 3331 – Thuế GTGT phải nộp b. Kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 33312 – Thuế GTGT phải nộp c. Hướng dẫn hạch toán thuế GTGT đầu ra trong một số giao dịch kinh tế 1.3. Kết chuyển thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra cuối kỳ 2. Hạch toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp 2.1. Hạch toán thuế GTGT đầu ra theo phương pháp trực tiếp 2.2. Hạch toán thuế GTGT đầu vào 3. Hạch toán nộp thuế GTGT trên phần mềm kế toán MISA AMIS 3.1. Hạch toán theo phương pháp khấu trừ trên phần mềm kế toán MISA AMIS 3.2. Hạch toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu 3.3. Hạch toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT

1. Hạch toán thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

1.1. Hạch toán Thuế GTGT đầu vào

a. Nguyên tắc kế toán tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Theo quy định tại khoản 1, điều 19 của Thông tư 200/2014/TT-BTC khi hạch toán cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc dưới đây:

“Tài khoản 133 ghi nhận số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ trong kỳ.

Kế toán phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ. Trong trường hợp chưa tách biệt được thì kế toán tạm hạch toán chung vào tài khoản 133. Cuối kỳ, kế toán thực hiện phân bổ thuế GTGT để xác định số thuế được khấu trừ, không được khấu trừ và hạch toán lại. 

Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính vào giá trị tài sản (nguyên giá TSCĐ, giá nhập kho NVL, CCDC…), giá vốn của hàng bán ra hoặc chi phí tương ứng.”

Kế toán cũng cần chú ý chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, chứng từ đảm bảo các điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định của pháp luật, nếu không khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra, các chi phí này bị loại sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

hạch toán thuế GTGT

Xem thêm: Cách hạch toán tài khoản 133 – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

b. Kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 133

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 được quy định chi tiết tại khoản 2 điều 19 thông tu 200/2014/TT-BTC, cụ thể: 

  • Bên Nợ:

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

  • Bên Có:

+ Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;

+ Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;

+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;

+ Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Lưu ý: Sau khi kết chuyển cuối kỳ, TK 133 chỉ có số dư bên nợ, không có số dư bên có, phản ánh số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ và số thuế GTGT đầu vào được hoàn lại nhưng NSNN chưa hoàn trả.

– Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:

+ Tài khoản 1331: Thuế GTGT được khấu trừ của vật tư hàng hóa, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh

+ Tài khoản 1332: Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định dùng vào SX, KD và dịch vụ phát sinh khi mua sắm bất động sản đầu tư. 

c. Hướng dẫn hạch toán thuế GTGT trong một số giao dịch kinh tế

Nếu thuế GTGT đầu vào của các giao dịch kinh tế có đủ điều kiện để khấu trừ thuế GTGT, kế toán tiến hành hạch toán theo các trường hợp như sau:

  • Mua hàng tồn kho, tài sản cố định (TSCĐ), bất động sản đầu tư:

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213, 217, 611 (giá chưa có thuế GTGT).

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

  • Mua vật tư, hàng hoá, CCDC, dịch vụ dùng ngay cho sản xuất, kinh doanh:

Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642, 241, 242,… (giá chưa có thuế GTGT).

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

  • Mua hàng bán ngay cho khách hàng mà không qua nhập kho:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá mua chưa có thuế GTGT).

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

  • Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ:

Kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu bao gồm tổng số tiền phải thanh toán cho người bán, chi phí vận chuyển, các loại thuế ( bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nếu có). Xét với trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ, kế toán ghi:

Nợ TK 152, 153, 156, 211

Nợ TK 133

Có TK 331 – Phải trả cho người bán.

Có TK 33312 – Thuế GTGT phải nộp 

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)

Có TK 33381 – Thuế Bảo vệ môi trường

Có các TK 111, 112, …(nếu có)

Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ, kế toán bỏ ghi nợ TK 133 tương ứng và ghi nhận giá trị tài sản, hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả phần thuế GTGT đầu vào.

CTA tính năng thuế

Đọc thêm: Cách tính thuế GTGT hàng nhập khẩu

  • Trường hợp hàng đã mua và đã trả lại hoặc hàng đã mua được giảm giá do kém, mất phẩm chất:

Căn cứ vào chứng từ xuất hàng trả lại cho bên bán và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh giá trị hàng đã mua và đã trả lại người bán hoặc hàng đã mua được giảm giá, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 331 (tổng giá thanh toán).

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào của hàng mua trả lại hoặc được giảm giá).

Có các TK 152, 153, 156, 211,… (giá mua chưa có thuế GTGT).

  • Trường hợp không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

+ Khi mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ, chi phí, kế toán ghi:

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213 (giá mua chưa có thuế GTGT).

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào).

Có các TK 111, 112, 331,…

+ Cuối kỳ, sau khi phân bổ thuế GTGT để xác định số thuế được khấu trừ và không được khấu trừ, đối với số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán ghi nhận như sau

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

  • Vật tư, hàng hóa, TSCĐ mua vào nhưng bị tổn thất (do thiên tai, hoả hoạn, bị mất, bị hòng) và xác định được đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường:

+ Khi chưa xác định được nguyên nhân tổn thất tài sản, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381).

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).

+ Khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền về số thu bồi thường của các tổ chức, cá nhân, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 334,… (số thu bồi thường).

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu được tính vào chi phí).

Có TK 138 – Phải thu khác (1381).

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu xác định được nguyên nhân và có quyết định xử lý ngay).

  • Khi được cơ quan thuế hoàn thuế GTGT đầu vào, ghi:

Nợ các TK 111, 112,…

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

1.2. Thuế giá trị gia tăng đầu ra 

a. Nguyên tắc kế toán tài khoản 3331 – Thuế GTGT phải nộp

Khi thực hiện hạch toán Tài khoản 3331 – Thuế GTGT phải nộp, doanh nghiệp cần tuân thủ theo nguyên tắc tài khoản kế toán 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. Cụ thể tại Điều 52 thông tư 200/2014/TT-BTC, bổ sung tại điều 16 thông tư 155/2015/TT-BTC, khi hạch toán tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước phải tuân thủ một số nguyên tắc kế toán sau:

“Tài khoản 3331 phản ánh quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà nước về các khoản thuế GTGT phải nộp, đã nộp, còn phải nộp

Doanh nghiệp chủ động tính và kê khai số thuế GTGT phải nộp để hạch toán kịp thời số thuế phải nộp, đã nộp, được khấu trừ, được hoàn…

Thuế GTGT là một khoản thuế gián thu, vì vậy được loại trừ khỏi doanh thu gộp và các khoản giảm trừ doanh thu trên báo cáo tài chính và các loại báo cáo khác.

Với số thuế GTGT được hoàn, được giảm, kế toán cần phân biệt 2 trường hợp:

+ Nếu được hoàn, giảm thuế GTGT đầu vào: kế toán ghi giảm số thuế GTGT được khấu trừ

+ Nếu hàng nhập khẩu không thuộc sở hữu của DN, khi tái xuất được hoàn số thuế GTGT đã nộp ở khâu nhập khẩu => kế toán ghi giảm khoản phải thu khác (có TK 138)

+ Nếu được hoàn, giảm thuế GTGT đầu ra: kế toán ghi tăng thu nhập khác (Có TK 711)Trong giao dịch ủy thác xuất nhập khẩu, TK 333 chỉ sử dụng cho bên giao ủy thác, không sử dụng cho bên nhận ủy thác

Kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi từng khoản thuế và các khoản phải nộp, đã nộp và còn phải nộp.”

b. Kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 33312 – Thuế GTGT phải nộp

Căn cứ vào điều 52 thông tư 200/2014/TT-BTC, tài khoản 3331 có kết cấu và nội dung phản ánh như sau:

  • Bên Nợ:

+ Số thuế GTGT đã được khấu trừ trong kỳ;

+ Số thuế GTGT đã nộp vào NSNN trong kỳ;

+ Số thuế GTGT được giảm trừ vào số thuế phải nộp;

+ Số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá.

  • Bên Có:

+ Số thuế GTGT đầu ra và số thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp

+ Số dư bên Có

Lưu ý: Khác với TK 133, TK 3331 có thể có số dư cả bên Nợ và bên Có. Trong đó

  • Dự Có TK 3331: phản ánh Số thuế GTGT còn phải nộp.
  • Dư Nợ TK 3331: phản ánh số thuế GTGT đã nộp lớn hơn số thuế GTGT phải nộp hoặc được xét miễn, giảm thuế GTGT hoặc cho thoái thu nhưng chưa thực hiện việc thoái thu.

Tài khoản 3331 có 2 tài khoản cấp 3:

+ Tài khoản 33311 – Thuế giá trị gia tăng đầu ra: Dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu ra, số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ, số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá, số thuế GTGT phải nộp, đã nộp, còn phải nộp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ trong kỳ.

+ Tài khoản 33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu: Dùng để phản ánh số thuế GTGT của hàng nhập khẩu phải nộp, đã nộp, còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

c. Hướng dẫn hạch toán thuế GTGT đầu ra trong một số giao dịch kinh tế

  • Khi xuất hóa đơn GTGT theo phương pháp khấu trừ và tách được số thuế GTGT phải nộp tại thời điểm xuất hóa đơn

Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)

Có các TK 511, 515, 711 (giá chưa có thuế GTGT)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

  • Kế toán thuế GTGT của hàng nhập khẩu (TK 33312)

+ Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312).

+ Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp không được khấu trừ phải tính vào giá trị vật tư, hàng hoá,TSCĐ nhập khẩu, ghi:

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 611,…

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312).

  • Khi nộp thuế GTGT vào Ngân sách Nhà nước, ghi:

Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp 

Có các TK 111, 112,…

Trường hợp nhập khẩu ủy thác (áp dụng tại bên giao ủy thác)

– Khi nhận được thông báo về nghĩa vụ nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu từ bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác ghi nhận số thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312).

– Khi nhận được chứng từ nộp thuế vào NSNN của bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác phản ánh giảm nghĩa vụ với NSNN về thuế GTGT hàng nhập khẩu, ghi:

Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312)

Có các TK 111, 112 (nếu trả tiền ngay cho bên nhận ủy thác)

Có TK 3388 – Phải trả khác (nếu chưa thanh toán ngay tiền thuế GTGT hàng nhập khẩu cho bên nhận ủy thác)

Có TK 138 – Phải thu khác (ghi giảm số tiền đã ứng cho bên nhận ủy thác để nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu)

– Bên nhận ủy thác không phản ánh số thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp như bên giao ủy thác mà chỉ ghi nhận số tiền đã nộp thuế hộ bên giao ủy thác, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)

Nợ TK 3388 – Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)

Có các TK 111, 112.

Doanh nghiệp của bạn cần chuyển đổi số cho bộ phận Tài chính - Kế toán?Tham khảo ngay giải pháp MISA AMIS Kế toán!

1.3. Kết chuyển thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra cuối kỳ

Cuối kỳ, kế toán phải thực hiện bút toán kết chuyển thuế GTGT đầu vào và đầu ra để xác định số thuế GTGT phải nộp hoặc số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ tiếp.

Nguyên tắc kết chuyển thuế GTGT là kết chuyển theo số nhỏ

  • Trường hợp 1: Số thuế GTGT đầu ra phải nộp lớn hơn số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (nghĩa là số phát sinh Có TK 3331 trong kỳ lớn hơn Số dư đầu kỳ TK 133 (+) phát sinh  Nợ TK 133 trong kỳ) thì: “số Thuế GTGT được kết chuyển trong kỳ số dư đầu kỳ TK 133 cộng (+) số phát sinh TK 133 trong kỳ”. Kế toán ghi:

Nợ TK 3331 (Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)

Có TK 133 (dư nợ đầu kỳ TK 133 + phát sinh nợ TK 133 trong kỳ)

Lúc này, dư có tại TK 3331 chính là số thuế GTGT doanh nghiệp còn phải nộp cho nhà nước.

  • Trường hợp 2: Số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kế toán ghi: (nghĩa là số phát sinh Có TK 3331 trong kỳ nhỏ hơn Số dư đầu kỳ TK 133 (+) phát sinh  Nợ TK 133 trong kỳ) thì: “số Thuế GTGT được kết chuyển trong kỳ số phát sinh Có của TK 3331 trong kỳ”. Kế toán ghi:

Nợ TK 3331 (Số thuế GTGT đầu ra phải nộp)

Có TK 133

Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ thì được chuyển kỳ sau khấu trừ tiếp hoặc được xử lý hoàn thuế GTGT nếu đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

Sau khi kết chuyển, kế toán cần kiểm tra lại bằng cách đối chiếu số dư Có ở TK 3331 với chỉ tiêu 40 hoặc số dư nợ TK 133 với chỉ tiêu 43 trên tờ khai thuế GTGT.

Lưu ý

  • TK 133 được phép cộng dồn số dư nhưng TK 3331 không được phép cộng dồn số dư
  • Khi dư bên Có TK 3331 thì chúng ta phải mang tiền đi nộp ngay vào kho bạc Nhà nước nơi Công ty đóng trụ sở theo đúng thời hạn nộp thuế GTGT

hạch toán thuế GTGT theo thông tư 200 và thông tư 133

2. Hạch toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

2.1. Hạch toán thuế GTGT đầu ra theo phương pháp trực tiếp

  •  Phương pháp 1: Tách riêng ngay số thuế GTGT phải nộp khi xuất hóa đơn, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)

Có các TK 511, 515, 711 (giá chưa có thuế GTGT)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

  • Phương pháp 2: Ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp, định kỳ khi xác định số thuế GTGT phải nộp kế toán ghi giảm doanh thu, thu nhập tương ứng:

+ Ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)

Có các TK 511, 515, 711 (giá bao gồm thuế GTGT – tổng thanh toán)

+ Định kỳ, xác định thuế GTGT phải nộp, ghi:

Nợ các TK 511, 515, 711

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

2.2. Hạch toán thuế GTGT đầu vào

Nếu doanh nghiệp kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ mà được hạch toán trực tiếp vào giá trị vật tư, hàng hóa mua vào, nguyên giá TSCĐ hoặc chi phí dùng cho sản xuất kinh doanh…(doanh nghiệp không sử dụng TK 133)

3. Hạch toán nộp thuế GTGT trên phần mềm kế toán MISA AMIS

Để đảm bảo nghiệp vụ thuế được chính xác, diễn ra nhanh chóng thì việc sử dụng các phần mềm quản lý tự động sẽ giúp kế toán tiết kiệm thời gian, công sức hiệu quả mà không cần lo lắng đến tính xác của các nghiệp vụ phát sinh. Một trong những công cụ quản lý tự động được đánh giá hiệu quả hiện nay với hơn 170.000 doanh nghiệp tin dùng chính là phần mềm kế toán online MISA AMIS. Với việc tự động thực hiện hạch toán, lên báo cáo nhanh chóng cùng hệ sinh thái kết nối hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử, chữ ký số…giúp công tác quản lý tài chính – kế toán hiệu quả hơn.

Phần mềm kế toán kế toán MISA AMIS hỗ trợ doanh nghiệp hạch toán thuế GTGT theo nhiều phương pháp khác nhau như:

  • Hạch toán theo phương pháp khấu trừ
  • Hạch toán theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu
  • Hạch toán theo phương pháp trực tiếp trên GTGT

3.1. Hạch toán theo phương pháp khấu trừ trên phần mềm kế toán MISA AMIS

Khi phát sinh nghiệp vụ thuế GTGT, thông thường sẽ có các hoạt động sau:

  • Kế toán tập hợp các hóa đơn, chứng từ mua hàng, dịch vụ để ghi nhận thuế GTGT đầu vào
  • Kế toán tập hợp các hóa đơn, chứng từ bán ra để ghi nhận thuế GTGT bán ra
  • Lập tờ khai thuế GTGT
  • Cuối kỳ, thực hiện khấu trừ thuế GTGT

Sau khi nhập các chứng từ mua hàng, bán hàng có phát sinh thuế GTGT; kế toán doanh nghiệp chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản để lập tờ khai kê khai thuế, hệ thống sẽ tự động tổng hợp các phát sinh thuế GTGT đầu vào và đầu ra trong kỳ khấu trừ.

AMIS AMIS

Dùng ngay miễn phí

3.2. Hạch toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu

Khi phát sinh nghiệp vụ thuế GTGT, thông thường sẽ có các hoạt động sau:

  • Kế toán tập hợp các hóa đơn, chứng từ bán ra để ghi nhận doanh thu (bao gồm cả thuế GTGT)
  • Cuối kỳ, lập tờ khai thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu và hạch toán thuế GTGT phải nộp

Để lập được tờ khai thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu, khi tạo dữ liệu kế toán doanh nghiệp phải chọn phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu. Phần mềm sẽ tự động lên tờ khai thuế và khai báo thông tin về số thuế GTGT phải nộp.

AMIS AMIS AMIS AMIS

3.3. Hạch toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT

Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên GTGT áp dụng cho đơn vị có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý và được thực hiện như sau:

  • Tập hợp hóa đơn, chứng từ xác định giá vốn của vàng, bạc, đá quý mua vào dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng như:

+ Chứng từ mua vàng, bạc, đá quý không qua kho.

+ Phiếu xuất kho bán vàng, bạc, đá quý.

  • Tập hợp hóa đơn, chứng từ xác định doanh thu bán vàng, bạc, đá quý như:

+ Hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác, các khoản phụ thu, phí thu thêm (nếu có).

+ Hóa đơn giảm giá hàng bán, trả lại hàng bán (của hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý).

  • Lập tờ khai thuế GTGT trực tiếp trên GTGT.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS sẽ tự động hạch toán hóa đơn đầu vào, đầu ra và lên tờ khai thuế GTGT trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Với việc hỗ trợ doanh nghiệp hạch toán thuế GTGT theo nhiều phương pháp khác nhau kể trên, phần mềm kế toán online MISA AMIS được xem là công cụ đắc lực giúp kế toán tiết kiệm thời gian, công sức hiệu quả.

Kính mời anh chị đăng ký dùng thử trải nghiệm 15 ngày miễn phí phần mềm kế toán online MISA AMIS tại đây:

Loading

Đánh giá bài viết [Tổng số: 1 Trung bình: 5]

Từ khóa » Hạch Toán Tk 133 Và 3331