Cách Làm Chè Sương Sa Hạt Lựu - Savoury DaysSavoury Days

Hi vọng là cả nhà thích phần video cách làm món Lod Chong hôm qua :) Loại thạch dai giòn này thật ra cũng là một dạng trân châu, nên ngoài lá dứa thì các bạn có thể thay đổi vị tùy thích, chẳng hạn như mình có làm vị cà phê (thay nước lá dứa bằng nước cà phê, thêm chút đường để khỏi bị đắng), thơm lắm, vị rất hay :)

thạch cà phê sau khi cắt, đợi luộc 

IMG_8338

Bài hôm nay mình viết nốt cách làm các hạt xanh đỏ vàng trong suốt ở trong video hôm qua nhé. Loại hạt này chắc không xa lạ gì với nhiều bạn bởi mình thấy nó cũng xuất hiện trong khá nhiều loại chè, mà một trong những loại rất quen thuộc là chè sương sa hạt lựu.

IMG_1474

So với trân trâu, thường là viên tròn màu trắng đục hay trong, có nhân dừa cứng thì làm hạt lựu dễ hơn rất rất nhiều. Chỉ đơn giản là củ năng (củ mã thầy/ water chestnut)  bọc bởi bột năng và luộc chín thôi. Hoàn toàn không cần đến sự khéo léo để làm thành công “em nó”, trong khi kết quả – mình nghĩ – là luôn rất ấn tượng ;)

Cách làm thế này nhé:

(*) BỔ SUNG: Tháng 7/2016 mình đã quay lại video cách làm món chè này từ A tới Z. Video này đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Bởi vậy nên mình chỉnh sửa lại bài viết này theo video  mới. Nếu không xem được video tại blog, các bạn có thể xem trực tiếp trong link này nhé. Video có chế độ bản đẹp HD. Các bạn có thể xem hướng dẫn cách chỉnh chế độ HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này. 

TÓM TẮT CÔNG THỨC – CÁCH LÀM CHÈ SƯƠNG SA HẠT LỰU

NGUYÊN LIỆU

A. Phần chè đậu xanh

  • 120 g đậu xanh khô đã xát vỏ (mung beans)
  • 50 – 70 g đường (định lượng thay đổi theo khẩu vị)

B. Phần thạch sương sáo và cốt dừa 

  • 250 ml nước cốt dừa (coconut milk)
  • 15 – 20 g đường tuỳ khẩu vị 
  • 2 – 3 lá nếp/ lá dứa tươi (pandan leaves – không bắt buộc)
  • 25 g bột thạch sương sáo trắng hoặc đen 
  • 400 ml nước để nấu thạch sương sáo 
  • 40 – 50 g đường (để hoà vào thạch – tuỳ khẩu vị)

C. Phần hạt lựu & các nguyên liệu khác 

  • 200 g củ năng (củ mã thầy)/ water chestnuts – loại tươi hoặc đóng hộp 
  • 150 g bột năng – tapioca starch 
  • màu thực phẩm xanh, đỏ, vàng
  • 1 phần thạch “giun xanh” trong công thức “Lod Chong Singapore”
  • 1 âu đá bào lớn

* Ghi chú về nguyên liệu:

– Nước cốt dừa có thể vắt từ dừa tươi, nhưng ở bên này kiếm dừa tươi khá khó nên mình hay dùng coconut milk (không phải coconut cream nhé) đóng hộp.

– Nếu không có bột thạch sương sáo, các bạn có thể thay bằng bột thạch agar hoặc gelatin. Với 400 ml nước, nên dùng khoảng 4 g bột agar hoặc 12 g gelatin.

– Bột năng trước đây mình hay dùng của Vĩnh Thuận, nhưng sau này chuyển sang dùng bột của Thái thấy thơm ngon hơn, không bị mùi như bột của VT. Đây là gói bột mà mình dùng.

IMG_8342

CÁCH LÀM

A. Nấu chè đậu xanh

1. Rửa đậu xanh cho sạch đất cát. Ngâm đậu với khoảng 300 ml nước sôi, để 2 giờ cho đậu nở mềm.

2. Bắc nồi đậu lên bếp, đun lửa to. Khi nước sôi thì vớt bớt bọt và hạ lửa nhỏ. Để hé vung, nấu tới khi đậu chín mềm. Trong khi đun có thể đổ thêm nước sôi nếu thấy nước cạn quá nhiều. Nên giữ mực nước cao gấp hai lần đậu. Thi thoảng quấy đều để tránh đậu lắng xuống đáy nồi và bị cháy.

3. Khi đậu đã chín rất mềm, dùng phới lồng hoặc nĩa quấy vòng tròn để đậu tơi, hòa trong nước. Nêm đường tới khi ngọt vừa ăn. Để nguội. Ta có chè đậu xanh đánh.

* Chè sẽ đặc hơn sau khi nguội. Nếu muốn ăn chè loãng, bạn có thể cho thêm ít nước sôi vào chè và quấy đều. Ngược lại, nếu muốn chè đặc thì nấu chè trên bếp lâu hơn để hơi nước bay bớt. Lưu ý: khi nước đã cạn nhiều, cần quấy liên tục, tránh để chè bị cháy khê. Thông thường để ăn kèm chè sương sa hạt lựu, phần đậu xanh nên nấu hơi đặc sệt và ngọt hơn bình thường một chút.

B. Phần thạch sương sáo và nước cốt dừa 

1. Chuẩn bị thạch sương sáo:

  • Hoà tan 1/2 gói bột thạch sương sáo (25 g) trong 400 ml nước. Để ngâm khoảng 15 – 20 phút. Bắc lên bếp nấu ở lửa to. Quấy liên tục. Khi nước sôi và bột tan hết, nước chuyển trong thì tắt bếp. Nêm đường theo khẩu vị. Đổ thạch vào khuôn hay hộp, để nguội rồi để ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 giờ tới khi thạch đông hoàn toàn.

* Lưu ý: các loại bột sương sáo của các hãng khác nhau có thể có cách làm khác nhau. Nên xem hướng dẫn sử dụng trên vỏ bao để thao tác đúng. Nếu không có bột sương sáo, bạn có thể làm thạch với bột rau câu agar agar. 

2. Chuẩn bị nước cốt dừa:

  • Cho nước cốt dừa vào nồi cùng đường theo khẩu vị, quấy đều, đun trên lửa vừa tới khi nước cốt dừa bắt đầu sôi thì bắc khỏi bếp. Rửa sạch lá nếp/ lá dứa, thắt nút, bỏ vào nồi nước. Để nguội.

C. Phần hạt lựu

1. Chuẩn bị ba bát nước, mỗi bát pha vài giọt màu thực phẩm xanh, đỏ, vàng để ngâm củ năng. Bạn cũng có thể sử dụng nước ép từ các nguyên liệu tự nhiên như nước lá dứa (lá nếp) cho màu xanh lá cây, nước ép cà rốt cho màu vàng/ da cam, nước lá cẩm cho màu tím, nước củ dền cho màu đỏ… Xem thêm cách làm các loại nước màu tự nhiên tại đây.

2. Gọt vỏ củ năng, cắt thành cỡ hạt lựu nhỏ. Chia củ năng làm ba phần, ngâm vào các bát nước màu khoảng 45 đến 60 phút để “nhuộm” màu. Có thể pha thêm đường vào các bát nước này nếu muốn củ năng có vị ngọt.

3. Đổ củ năng đã được nhuộm màu ra rổ, ở dưới rổ đặt bát hứng nước ngâm củ năng.

4. Xóc cho củ năng ráo nước, cho vào bát to. Cho khoảng 1 đến 2 thìa canh/ tablespoon (10 – 15 g) bột năng khô, trộn đều để bột bám đều bên ngoài củ năng. Tiếp tục cho thêm bột, trộn cho bột bám đều. Lặp lại đến khi quanh củ năng có một lớp bột tương đối dày. Đổ củ năng ra rổ hay rá, xóc nhẹ để loại các vụn bột thừa.

5. Đổ phần nước ngâm củ năng ở bước (3) vào nồi, thêm nước và thêm màu (nếu cần). Đun sôi nước này để luộc hạt lựu. Lưu ý: luộc riêng từng phần củ năng để không bị lẫn màu.

6. Chuẩn bị một bát nước sạch, thả thêm vài viên đá lạnh để ngâm hạt lựu sau khi luộc

7. Khi nước trong nồi sôi thì cho củ năng vào luộc. Khi hạt lựu nổi lên, bột năng chín và tạo thành lớp trong suốt bao ngoài củ năng thì vớt ra, thả vào bát nước lạnh. Thời gian luộc bột rất ngắn, khoảng 1 đến 1.5 phút là đủ cho bột chín. Không nên luộc quá lâu, bột sẽ tan vào nước, lớp bao ngoài củ năng sẽ bị mỏng hơn. Làm tương tự với hai phần củ năng còn lại.

8. Sau khi ngâm nước đá khoảng 15 phút thì vớt hạt lựu ra. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nên dùng sớm trong ngày.

9. Thưởng thức: Cho đá bào vào cốc, thêm hạt lựu các màu, thạch sương sáo, chè đậu xanh, chan nước cốt dừa, dùng lạnh. Nếu thích, có thể làm thêm “thạch giun xanh” từ công thức Lod Chong Singapore.

Các nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một bữa “chè party” ;;) 

IMG_8371

cho vào bát, mỗi thứ một ít…

IMG_1471

 rồi chan nước cốt dừa, thêm chút đá nữa… măm măm thôi ^^

IMG_1472

Từ khóa » Cách Làm Hạt Lựu Bằng Củ Năng