Cách Làm Giò Xào ăn Mãi Không Ngán Cho Ngày Tết - 29foods

Giò xào (hay còn gọi là giò hoa, giò thủ) rất được ưa thích vào những ngày Tết ở miền Bắc. Nếu không biết cách làm giò sẽ bị hôi, cứng hoặc bị ngấy. Vì thế, hôm nay Thực phẩm 29 sẽ chỉ bạn 2 cách làm giò xào, giò thủ vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh chuẩn bị cho những ngày Tết sắp đến.

Cách làm giò xào theo kiểu miền Bắc                          

Nguyên liệu làm giò xào kiểu Bắc

  • Thịt giò heo
  • Lưỡi heo
  • Tai heo (chọn tai heo cỡ vừa vì tải heo to là heo già thì sụn cứng)
  • Mũi heo
  • Nấm mèo
  • Tiêu sọ đập dập, nước cốt hành tỏi
  • Lá chuối, dây và bao nilon

Cách chế biến giò thủ chuẩn vị

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:

Tai heo, mũi heo làm sạch lông, thịt giò heo rửa sạch với nước nhiều lần rồi để ráo. Lưỡi heo cũng đem rửa sạch, chần qua nước sôi có pha thêm rượu trắng để cạo bỏ phần màng trắng trên bề mặt lưỡi. Sau đó vớt ra rửa lại một lần nữa và để ráo.

Nấm mèo ngâm với nước ấm cho nở, làm sạch, rửa sạch và để ráo. Đem cắt thành những sợi nhỏ, ướp với nước cốt tỏi hành, bột nêm, tiêu.

Bước 2: Luộc thịt

Bắc một nồi nước sôi, cho dấm và ít muối rồi bỏ tất cả các loại: tai heo, mũi heo, giò heo, lưỡi heo vào luộc. Canh chừng chín đến khoảng 80% thì vớt thịt ra rồi xả ngay với nước lạnh để giữ độ giòn và không bị thâm. Tiếp tục, đem cắt thịt thành những miếng mỏng nhưng bản to vừa ăn.

Bước 3: Xào thịt

Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn. Tiếp tục cho các loại thịt vào xào đều trong vòng 2 phút. Nêm nếm gia vị: muối, tiêu xay, nước ép hành tỏi, tiêu giã thô, nước mắm, hạt nêm,.. . Lưu ý, muốn đúng hương vị chuẩn miền Bắc thì không nêm đường vào hỗn hợp làm giò. Đảo đều cho gia vị thấm và thịt hơi săn lại thì tiếp tục cho nấm mèo vào xào chung. Khoảng 3 phút nữa, khi nấm đã chín thì bạn tắt bếp.

Bước 4: Gói giò xào

Trải lớp lá chuối đã hơ qua lửa để lá mềm dễ gói hơn, cho thịt vừa xào vẫn còn nóng vào rồi gói lại. Vì giò xào phải gói thật chặt nên trải nhiều lớp lá chuối để không bị rách khi gói. Phải đè thật chặt xuống thì miếng giò mới dính và ngon hơn. Để giò xào thật nguội rồi mới bỏ vào tủ lạnh để làm đông. Những miếng giò xào hơi hồng, màu mỡ đông xen kẽ là màu nâu của nấm. Chấm kèm miếng tương ớt cay cay, thịt thì giòn giòn, ngọt, béo thơm ngon, thật tuyệt vời.

Cách làm giò xào ngũ sắc lạ miệng

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Giò sống, tai heo, da heo
  • Trứng muối, trứng gà
  • Cà rốt, mộc nhĩ (nấm đông cô, đậu hà lan) tùy theo sở thích

Cách chế biến giò xào ngũ sắc

Tai heo phải cạo sạch lông, xát muối và chút rượu trắng để khử mùi, rửa sạch lại với nước. Sau đó, đem cắt nhỏ cùng với da lợn. Cà rốt bào vỏ, rửa sạch và cắt hạt lựu. Nấm đem ngâm mềm, cắt bỏ phần gốc, rửa sạch và cắt nhuyễn. Sau khi đã hoàn thành, đem trộn đều tai heo, da heo, nấm và giò sống cùng muỗng nước mắm, đường, bột nêm và tiêu cho thấm gia vị. Ướp trong vòng khoảng 30p cho hỗn hợp thấm đều.

Đập trứng gà, thêm gia vị cho vừa ăn và đánh tan. Sau đó, chiên trứng thành 2 miếng mỏng và không bị rách. Trải một lớp lá chuối khoảng 2 – 3 lá và xếp 2 miếng trứng vừa chiên lên. Cho hỗn hợp thịt lên bề mặt trứng. Tiếp tục xếp lòng đỏ trứng muối vào giữa.

Dùng tay cuộn hỗn hợp, lưu ý gói phần trứng nhẹ tay để trứng không bị rách. Dùng sợi dây buộc lại và đem hấp khoảng 50 phút. Sau đó, cho vào ngăn mát khoảng 1 tiếng là có thể đem ra dùng.

Trên đây là 2 cách làm giò xào được Thực phẩm 29 chia sẻ đến bạn. Nếu gia đình bạn có tiệc, liên hoan, đặt món ăn hàng ngày đừng ngại nhấc máy liên hệ với chúng tôi qua Website: thucpham29.com. Chúc bạn thành công với món giò xào cho ngày Tết sắp đến. 

Từ khóa » Cách Bó Giò Xào