Cách Làm Giò Xào Giòn Ngon, ăn Mãi Không Ngán - Ẩm Thực Hôm Nay

Giò xào là một món ăn ngon, nhiều người thích. Tuy nhiên nếu không biết cách làm, ăn giò sẽ hôi, cứng hoặc dễ bị ngấy.

Giò xào hay còn gọi là giò hoa, giò thủ hay giò mỡ được làm từ các bộ phận của thủ lợn, như tai, mũi, lưỡi, má, là món ăn phổ biến vào Tết nguyên đán ở miền Bắc. Thịt thủ lợn có đặc điểm là phần da khi xào chín có nhiều keo dính, dễ làm giò, mỡ ăn giòn mà không quá ngấy.

Sở dĩ giò xào có vị giòn ngon là nhờ có sụn tai, mộc nhĩ, nấm hương kết hợp với các gia vị tẩm ướp cũng như thịt được xào đến độ. Trong thời tiết lạnh của những ngày đầu năm mới ở miền Bắc, thưởng thức những miếng giò xào giòn sần sật ăn kèm với hành muối, dưa góp thì quả thật là quá đã.

Thay vì mua sẵn ngoài hàng, bạn hãy tự tay lựa chọn những nguyên liệu sạch, đảm bảo vệ sinh để tự làm món giò xào cho gia đình thưởng thức vào dịp Tết này. Cam đoan nếu bạn làm đúng như chỉ dẫn dưới đây của chúng tôi thì món giò xào của bạn còn ngon hơn ngoài hàng rất nhiều.

Nguyên liệu để làm giò xào

500g tai lợn

500g lưỡi lợn

300g thịt thủ (nếu bạn thích nạc nhiều hơn thì thay bằng thịt chân giò)

100g nấm hương (nếu bạn định giữ giò ăn dần trong thời gian dài thì không nên cho nấm hương vì giò sẽ mau hỏng)

50g mộc nhĩ (nếu không có nấm hương thì phải tăng mộc nhĩ lên)

1 chén nước mắm ngon

Gia vị, hạt nêm, hạt tiêu, hành khô

Chuẩn bị lá chuối/mo cau hoặc khuôn sắt inox để gói giò xào

Các bước tiến hành làm và gói giò xào

1. Sơ chế nguyên liệu

Tai, mũi lợn, thịt, lưỡi lợn bạn đem rửa thật sạch, cạo hết lông. Để hết mùi hôi bạn phải chần qua nước sôi để cạo cho thật sạch lông, hoặc chất bẩn còn bám trên bề mặt nguyên liệu (đặc biệt chú ý lưỡi lợn phải loại bỏ hết phần màng trắng trên bề mặt lưỡi). Để cho thịt hết hẳn mùi hôi cùng bọt bẩn, bạn đun sôi một ít nước sau đó cho 1 thìa dấm và 1 ít muối vào rồi bỏ tất cả các loại thịt vào luộc sơ khoảng 2 phút thì vớt ra, xả qua nước lạnh cho thịt nhanh nguội.

Cần thiết phải thái thật mỏng vì như thế khi xào thịt sẽ chóng chín, gia vị nhanh ngấm và ăn giò không bị cứng (phần sụn tai nếu không thái mỏng lúc ăn giò sẽ khó mà nhai được).

Mộc nhĩ nấm hương ngâm nước cho thật nở (nhất là mộc nhĩ, ngâm qua đêm là tốt nhất), loại bỏ phần chân, rửa sạch bụi bẩn rồi thái chỉ.

Hành khô bóc vỏ đập dập rồi băm nhỏ.

2. Xào thịt

Thái toàn bộ số thịt thành những miếng mỏng (nhất là phần tai lợn) sau đó ướp với gia vị, hạt nêm nước mắm trong ít nhất 30 phút cho ngấm.

Bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào láng chảo cho nóng già lên thì cho hành vào phi thơm, sau đó cho thịt đã ướp vào xào. Đảo đều tay khi xào và để lửa vừa cho thịt được chín đều, cho thêm 1 chút mắm vào thịt cho vừa ăn vì mắm sẽ làm cho thịt dậy mùi và thơm hơn. Xào khoảng 15 phút đến khi thịt săn lại thì cho nấm hương và mộc nhĩ đã thái nhỏ vào xào cùng. Xào thêm một lát nữa thấy thịt đã hơi chảy ra mỡ, hơi cháy cạnh và có mùi thơm bốc lên thì rắc hạt tiêu vào đảo cho đều rồi tắt bếp.

Chú ý: Khâu xào thịt quyết định giò của bạn có ngon hay không. Nếu bạn xào thịt quá kỹ thì giò sẽ bị khô. Nhưng nếu giò xào không đủ độ thì giò sẽ không được thơm. Chính vì vậy để cách làm giò xào được thơm ngon nhất bạn cần phải để ý đến khâu này. Bạn chỉ nên xào đến khi thịt tiết mỡ và hơi cháy cạnh là được.

3. Gói giò xào

Lấy tấm lá chuối đã rửa sạch, bạn nên hơ lá chuối qua lửa để lá chuối được mềm hơn và cuốn thịt dễ dàng hơn. Khi thịt vừa xào xong, vẫn còn nóng nhanh tay cho thịt ra lá chuối/mo cau đã được chuẩn bị sẵn rồi gói lại. Vì giò xào cần phải gói thật chặt nên bạn nhớ xếp nhiều lá để khỏi bị rách. Khi đã cố định một đầu, bạn lật cho cây giò đứng lên, dùng chày gỗ/đá chọc xuống, ép phần giò nhồi bên trong cho thật chặt và nhanh tay dùng lạt gói chặt lại (nếu thấy ép mà có mỡ chảy ra là được). Nhiều người tay yếu sợ gói chưa chặt còn dùng hai tấm ván gỗ đè vật nặng ép cho giò thật chặt đến khi nguội hẳn mới thôi.

Đó là cách gói truyền thống trước đây, giờ bạn có thể thay bằng chai nhựa cắt một đầu hoặc dùng khuôn inox chuyên dùng gói giò xào sẽ càng nhanh và tiện lợi hơn.

Bạn nhớ phải cho thịt vào khuôn khi thịt vẫn còn nóng nhé, nên lèn thật chặt xuống thì miếng giò mới dính được chặt và ngon.

Bạn cho cả khuôn giò vào tủ lạnh để ít nhất vài tiếng cho giò nguội hẳn và dính chắc lại thì lấy giò ra khỏi khuôn, dùng lá chuối/màng bọc thực phẩm gói kín lại rồi bảo quản trong tủ lạnh ăn dần.

Tổng hợp

Từ khóa » Bó Giò Mỡ Ngon